Gỗ tròn, xẻ hộp, xẻ phách, xẻ thành khí, xẻ bằng, xẻ 3/7, xẻ 1/4, tách lớp

Gỗ tròn, xẻ hộp, xẻ phách, xẻ thành khí, xẻ bằng, xẻ 3/7, xẻ 1/4, tách lớp

Gỗ xẻ phách là gì

Trong bài viết này TOPnoithat sẽ giới thiệu quý khách tham khảo các khái niệm cơ bản của ngành gỗ và chế biến gỗ. Giải thích gỗ tròn là gì? Xẻ hộp xẻ phách xẻ thành khí là gì? Các khái niệm – cách thức – ưu nhược điểm của các kiểu xẻ gỗ thông dụng tại Việt Nam và thế giới. Cùng một số chia sẻ kinh nghiệm thực tế, tin tưởng sẽ rất thú vị với những người mới ngoài ngành.

Kính mời quý khách cùng tham khảo chi tiết dưới đây và nếu nội dung có chỗ nào chưa phù hợp xin hãy góp ý để bài viết thêm phần hoàn thiện hơn. Trân trọng cảm ơn!

– Gỗ tròn là gì?

Gỗ tròn là khái niệm ngành gỗ chỉ gỗ nguyên liệu đã khai thác chặt hạ vẫn để dạng nguyên cây hoặc cắt thành khúc, nhưng chưa xẻ thành tấm, thanh, hộp… Gỗ có hình trụ với 2 đầu mặt cắt dạng hình tròn (đôi khi méo tùy cây), độ dài ngắn và đường kính tùy loại.

Tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT, có hiệu lực từ 01/01/2019, quy định: Gỗ tròn là gỗ còn nguyên hình dạng sau khai thác, gỗ lóc lõi (bỏ phần vỏ gỗ) có đường kính đầu nhỏ từ 10 cm đến dưới 20 cm, chiều dài từ 01 mét trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên. Đối với gỗ rừng trồng, rừng tràm, rừng ngập mặn có đường kính đầu nhỏ từ 06 cm trở lên, chiều dài từ 01 mét trở lên. Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là CITES) không phân biệt kích thước.

Trái ngược với gỗ tròn là gỗ xẻ. Gỗ xẻ là gỗ đã được cưa/xẻ/đẽo thành hộp, thành tấm, thành thanh…

Gỗ tròn là gì, Phân biệt giữa gỗ tròn và gỗ xẻ
Phân biệt giữa gỗ tròn và gỗ xẻ

+ Với gỗ tròn khai thác trong nước, sau khi chặt hạ cây người ta thường cắt thành các khúc ngắn/dài tùy vào mục đích sử dụng, độ thẳng/cong, tiện vận chuyển… Còn với gỗ tròn nhập khẩu thì độ dài cây gỗ tròn thường là 3m, 4m, dưới 6m (bỏ lọt container 20″) và tối đa dưới 13m (lọt container 45″)…

+ Gỗ tròn tuy cồng kềnh và vận chuyển khó nhưng nó có tính linh hoạt trong chế biến và chế tác, hợp với một số nhu cầu sử dụng cá biệt. Ví dụ như làm cột kèo, đình, chùa, nhà gỗ, cần xẻ các tấm gỗ theo kích thước riêng biệt mà thị trường gỗ xẻ sẵn không có…

+ Nhập khẩu gỗ tròn cũng thường rẻ hơn gỗ xẻ sẵn từ nước ngoài.

+ Gỗ tròn thường được đo theo mét khối, dân buôn gỗ thường đo vanh và chiều dài để tính m3 và giá bán (xem thêm: cách tính m3 gỗ tròn).

– Gỗ xẻ hộp là gì?

Gỗ xẻ hộp hay còn được gọi là xẻ blue, từ gỗ tròn sẽ được xẻ tạo thành gỗ hộp dạng vuông ôm tâm. Cách xẻ hộp thông dụng nhất là, thân gỗ tròn được cắt lả (cắt từ vỏ vào) khoảng 20%, lật úp mặt đối diện cắt lả tiếp 20%, làm tương tự với 2 mặt còn lại sẽ được khối gỗ hộp vuông (tương đối). Cũng có thể xẻ tỷ lệ 3/7 giúp hộp vuông hơn. Xem hình minh họa bên dưới:

Xẻ hộp tương đối để dễ vận chuyển, và xẻ hộp chuẩn trong pha chế gỗ

Công việc xẻ hộp này loại bỏ phần dác gỗ (vỏ, gỗ non) không sử dụng được hoặc làm cho phần gỗ có thể sử dụng được ở dạng thẳng đều vuông góc để dễ vận chuyển, dễ xếp vào container… Tuy nhiên nó cũng làm hao hụt khoảng 25-30% so với khối lượng của khúc gỗ tròn ban đầu.

– Gỗ Xẻ Phách – Gỗ nguyên Phách

Gỗ xẻ phách còn có tên gọi khác như xẻ thành phách, xẻ cật, xẻ lõi… Đây là cách xẻ không chỉ loại bỏ phần dác gỗ (như xẻ hộp) mà còn loại bỏ cả phần ruột gỗ, làm tăng giá trị về mặt thẩm mỹ và chất lượng của gỗ. Việc xẻ Phách xuất phát từ việc một số loại gỗ có tâm/lõi gỗ không đẹp về màu sắc và chất lượng nên cần xẻ để tách riêng.

Trãi ngược với gỗ xẻ phách là gỗ nguyên phách, tức xẻ vẫn giữ nguyên tâm và lõi gỗ.

gỗ xẻ phách, gỗ nguyên phách
Xẻ phách loại bỏ cả phần dác gỗ và phần ruột gỗ, với tỷ lệ hao hụt khoảng từ 35-50% so với gỗ tròn

– Gỗ xẻ thành khí

Gỗ xẻ thành khí hay còn gọi là xẻ quy cách, thường là xẻ thành các tấm, các thanh gỗ có độ dày-mỏng khác nhau hoặc xẻ vuông, chữ nhật theo kích thước phù hợp với các mục đích sử dụng.

Dưới đây là một số kích thước gỗ xẻ thành khí thông dụng hiện nay để bạn tham khảo:

Tùy vào mỗi mục đích khác nhau mà quy cách xẻ thành khí khác nhau…

– Gỗ xẻ bằng, xẻ phẳng

Xẻ bằng là các xẻ mà, từ cây gỗ tròn hoặc gỗ hộp, thợ xẻ sẽ xẻ lần lượt từng lớp theo đường ngang hoặc dọc (song song nhau) cho đến khi hết cây gỗ. Các tấm gỗ sẽ có bề mặt là các vân uốn lượn dạng mái vòm nhà thờ, còn phần mặt cắt tấm gỗ thì vân gỗ thường được xếp nằm ngang (như hình minh họa dưới đây).

Hình ảnh xe gỗ kiểu bằng, xe phẳng

Xẻ bằng hay Xẻ phẳng là kiểu xẻ gỗ thông dụng nhất hay được áp dụng, đây cũng là cách xẻ dễ thực hiện nhất, cho ra lượng gỗ thành phẩm nhiều nhất. Một số loại máy cưa hiện đại cho phép cài đặt thành các nấc xẻ tự động với đồ dày mỏng chỉnh trước, giúp công đoạn xẻ và pha chế gỗ cực nhanh và hiệu quả.

– Xẻ gỗ kiểu tách lớp

Kỹ thuật xẻ gỗ kiểu tách lớp là kỹ thuật xẻ khó, còn được gọi là xẻ hướng tâm. Từ cây gỗ tròn thợ xẻ sẽ bổ dọc xuyên tâm gỗ thành 4 phần đối xứng, sau đó tiếp tục xẻ thành các thanh gỗ sao cho các lớp vân gỗ gần như song song.

Xẻ gỗ kiểu xẻ tách lớp
Minh họa kiểu xẻ tách lớp

Cách xẻ tách lớp cho ra bề mặt gỗ đẹp nhất và đương nhiên cũng đắt tiền nhất (vì lãng phí nhiều phần gỗ, lại tốn công xẻ). Bề mặt tấm gỗ thành phẩm là các vân thẳng chạy dọc suốt theo chiều dài theo từng lớp (tách lớp). Mặt cắt ngang là các thớ gỗ thẳng đứng.

– Xẻ gỗ kiểu 1/4

Kiểu xẻ 1/4 cũng cho vân gỗ đẹp gần giống kiểu tách lớp nhưng lợi gỗ hơn (ít lãng phí). Thợ xẻ pha gỗ tròn thành 4 phần xuyên tâm, sau đó tiếp tục xẻ theo góc nghiêng 45 để xẻ thành các tấm mỏng dày theo mong muốn. Xem hình minh họa bên dưới:

Xẻ gỗ kiểu 1/4 quarter sawn

Kiểu xẻ 1/4 cho ra gỗ thành phẩm có bề mặt gỗ là các vân thẳng chạy dọc theo chiều dài nhiều khi pha những vệt trắng chạy ngang vân. Mặt cắt ngang tấm gỗ cho ta thấy các vân gỗ được xếp thẳng đứng hoặc hơi xiên chéo tùy vị trí trên thân. Cách xẻ 1/4 cũng cho tấm gỗ có sự ổn định hơn loại xẻ thẳng phổ thông.

Trên đây TOPnoithat đã giới thiệu sơ bộ để quý khách tham khảo một số khái niệm cơ bản của ngành gỗ nguyên liệu.

Cảm ơn quý khách đã xem bài viết!