ĐẶC ĐIỂM VÀ TIỀM NĂNG KINH TẾ – XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NGÃI
Đánh giá tổng quát tình hình kinh tế – xã hội và tiềm năng đầu tư trong giai đoạn 2006-2010 cho thấy hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu được thực hiện đạt và vượt, tỉnh ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Các ngành, vùng kinh tế, nhất là Khu kinh tế Dung Quất phát triển mạnh; việc hoàn thành và vận hành 100% công suất nhà máy lọc dầu, cùng với kết quả đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật đã đưa quy mô kinh tế của tỉnh tăng lên đáng kể. Lĩnh vực văn hoá, xã hội có bước chuyển biến tiến bộ; đời sống của nhân dân được cải thiện.
Bên cạnh những ưu điểm trên còn những mặt tồn tại, hạn chế như sau: Một số chỉ tiêu chủ yếu như: giá trị sản xuất nông nghiệp; sản lượng mía cây; phủ sóng phát thanh, truyền hình; tỷ lệ xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng – an ninh và nhiều chỉ tiêu cụ thể của ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội thực hiện chưa đạt. Kinh tế phát triển chưa thật bền vững; chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm và doanh nghiệp thấp. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn phát triển chậm; nông nghiệp phát triển chưa toàn diện; loại hình dịch vụ thiếu đa dạng. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đồng bộ. Sản xuất và đời sống giữa các vùng, các tầng lớp dân cư còn chênh lệch lớn. Một số mặt trên lĩnh vực văn hoá, xã hội phát triển chậm.
1. Kinh tế tăng trưởng tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, quy mô kinh tế tăng đáng kể, đã ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hàng năm 18,53%, vượt chỉ tiêu, gấp 1,8 lần giai đoạn 2001 – 2005. Quy mô tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2010 tính theo giá thực tế đạt 26.938 tỷ đồng, gấp 4,1 lần năm 2005. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.198 USD, gấp 3,75 lần năm 2005. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 89.257 tỷ đồng, gấp 4,6 lần giai đoạn 2001 – 2005. Tỷ trọng công nghiệp từ 30% tăng lên 58,3%; dịch vụ từ 35,2% giảm xuống 22,9%; nông nghiệp từ 34,8% giảm xuống 18,8%. Tỷ trọng lao động công nghiệp từ 12,7% tăng lên 17%; lao động dịch vụ từ 19,8% tăng lên 22%; lao động nông nghiệp từ 67,5% giảm xuống 61%.
1.1. Công nghiệp – xây dựng phát triển nhanh, trong đó công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng có bước phát triển nhảy vọt.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng tăng bình quân trên 40%/năm; riêng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 15.354 tỷ đồng, gấp 8,6 lần năm 2005, cả giai đoạn 5 năm tăng bình quân 53,6%/năm. Quy mô và năng lực sản xuất của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng tăng lên đáng kể. Nhiều sản phẩm mới của công nghiệp lọc hoá dầu, cơ khí, đóng tàu, vật liệu xây dựng, chế biến đồ gỗ, nguyên liệu giấy… đã tạo lập được vị thế trên thị trường.
1.2. Nông nghiệp tiếp tục phát triển, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống của nông dân được nâng lên.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng bình quân 3,42%/năm; trong đó nông nghiệp tăng 2,4%, lâm nghiệp tăng 4,81%, thuỷ sản tăng 5,43%. Sản lượng lương thực tăng bình quân 1,74%/năm; năm 2010 đạt 448.800 tấn, vượt chỉ tiêu 6,8%, bảo đảm lương thực trong tỉnh. Vùng nguyên liệu mì, keo phát triển đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đàn trâu, bò tăng cả số lượng và chất lượng, đàn trâu tăng bình quân 2,07%, đàn bò tăng bình quân 3,54%, tỷ lệ bò lai đạt 45% tổng đàn; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 31,5% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.
Sản lượng thuỷ sản bình quân hàng năm tăng 1,8%, năm 2010 đạt 99.700 tấn, vượt chỉ tiêu 4,9%. Nuôi trồng thuỷ sản tăng khá, sản lượng tôm nuôi hàng năm tăng 16,7%; năm 2010 đạt 6.500 tấn, vượt chỉ tiêu 54,7%. Năng lực đánh bắt hải sản tăng lên; công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu cá chuyển biến tích cực.
1.3. Dịch vụ có bước phát triển khá, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Giá trị sản xuất toàn ngành bình quân tăng 13,5%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ bình quân tăng 28,4%/năm, năm 2010 đạt 16.800 tỷ đồng, gấp 3,48 lần năm 2005. Một số ngành dịch vụ phát triển khá nhanh, nhất là dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, ngân hàng, tín dụng. Ngành du lịch đã có một số chuyển biến tích cực, doanh thu bình quân hàng năm tăng 25,3%. Một số dự án đầu tư phát triển du lịch đang được triển khai tại Khe Hai, Mỹ Khê, Sa Huỳnh. Việc xây dựng các tuyến du lịch, mở rộng liên doanh, liên kết bước đầu đạt kết quả.
1.5. Huy động các nguồn vốn đạt kết quả khá. Thu, chi ngân sách trên địa bàn vượt kế hoạch đề ra.
Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt kết quả vượt bậc. Kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 49,3%/năm. Kim ngạch nhập khẩu bình quân tăng 221%/năm, chủ yếu là nhập khẩu máy móc, thiết bị, dầu thô phục vụ sản xuất.
Nhiều chính sách, giải pháp tích cực đã được triển khai thực hiện để huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Nhờ đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 89.250 tỷ đồng, bình quân tăng 23,3%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch, gấp 4,6 lần giai đoạn 2001 – 2005.
Công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách có nhiều tiến bộ. Thu ngân sách hàng năm luôn vượt dự toán. Năm 2010, nhờ nhà máy lọc dầu đi vào sản xuất nên thu ngân sách tăng cao, đạt trên 10.455 tỷ đồng, gấp 19,1 lần năm 2005. Chi ngân sách nhà nước tăng bình quân 22,9%/năm, cơ cấu chi chuyển dịch theo hướng tăng cho đầu tư phát triển và bảo đảm an sinh xã hội.
2. Giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực; các vấn đề xã hội được chú trọng thực hiện, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên
2. 1. Giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu ngành nghề, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hệ thống trường học, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ở các cấp học đều tăng. Cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học, nhà công vụ giáo viên được tăng cường. Đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng và cơ bản hoàn thành việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, khắc phục một bước bệnh thành tích trong giáo dục. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng ngày càng cao.
Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề phát triển mạnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 23 cơ sở đào tạo nghề. Sự hình thành trường Đại học Phạm Văn Đồng, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở Miền Trung) và các trường cao đẳng nghề đã góp phần tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Năm năm qua, đã đào tạo nghề cho 35.600 lao động, ước tính có khoảng 70% đã tìm được việc làm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 14,6% năm 2005 lên 28% năm 2010, đạt chỉ tiêu đề ra.
2.2. Khoa học và công nghệ phát triển, tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ có nhiều tiến bộ. Đội ngũ trí thức, nghiên cứu khoa học tăng lên; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư; hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ có hiệu quả hơn. Kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học đã cung cấp được một số luận cứ góp phần xây dựng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội; tổ chức thành công các cuộc hội thảo khoa học. Lĩnh vực khoa học công nghệ có bước tiến mới, một số công nghệ hiện đại đã được đưa vào ứng dụng như: công nghệ lọc, hóa dầu, chế tạo cơ khí, đóng tàu… Đã tập trung chỉ đạo ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh, có trên 70 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và trên 250 nhãn hiệu hàng hoá và dịch vụ được bảo hộ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.
2.3. Hoạt động văn hoá, thể dục thể thao ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Các hoạt động văn hoá được đẩy mạnh. Tính tích cực, tự giác của nhân dân được nâng lên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi dần vào chiều sâu, chú trọng chất lượng. Di sản văn hoá được bảo tồn, các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được phát huy; di tích lịch sử, văn hoá được đầu tư tôn tạo. Các thiết chế văn hoá ở cơ sở từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao được nhân dân hưởng ứng. Toàn tỉnh có 80% gia đình; 65%, thôn, tổ dân phố; 85% cơ quan và 8% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hoá.
Phong trào thể dục, thể thao tiếp tục phát triển. Số người thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao đạt khoảng 25% dân số, số gia đình thể thao đạt khoảng 14%. Một số môn thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư, số lượng vận động viên tham gia thi đấu và đoạt huy chương cấp quốc gia hàng năm tăng lên.
2.4. Cùng với quá trình phát triển kinh tế đã chú trọng thực hiện các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.
Phong trào đền ơn, đáp nghĩa được đẩy mạnh, đời sống người có công cách mạng được nâng lên. Hoàn thành Đề án xây dựng 17.000 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách trước thời hạn 2 năm và đang tích cực hỗ trợ xây nhà cho trên 12.000 hộ nghèo, hộ chính sách còn lại. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Triển khai Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế đạt kết quả tích cực, Luật bảo hiểm thất nghiệp bước đầu đạt kết quả.
Công tác giảm nghèo được chú trọng thực hiện, nhất là ở miền núi. Nhiều giải pháp tích cực đã được triển khai, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên phát triển sản xuất, ổn định đời sống, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 15%. Cùng với sự phát triển kinh tế, nhất là phát triển công nghiệp và dịch vụ, bình quân mỗi năm tạo thêm việc làm và giải quyết việc làm mới cho 33.800 lao động; trong 05 năm, đã đưa gần 3.360 người đi xuất khẩu lao động; tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,1% năm 2005 xuống còn 4,5% năm 2010./.