Lược sử
Làng Yên Xá vào đầu thời Nguyễn tên là An Xá, thuộc tổng Thượng Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Làng cùng với làng Triều Khúc ở bên cạnh vốn có tên Nôm là Kẻ Đơ, sau thường được gọi Đơ Bùi, do nơi đây xưa kia trồng được một thứ khoai lang ăn rất bùi. Từ tháng 6-1961, hai làng Triều Khúc và Yên Xá nhập lại thành xã Tân Triều, thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Thôn Yên Xá xưa tuy nhỏ nhưng ngoài đình làng và ngôi đền thiêng thờ Linh Lang đại vương lại còn có một ngôi chùa lớn, tên chữ là Thanh An thiền tự.
Kiến trúc
Chùa thuộc phái Bắc Tông tương truyền được lập từ rất lâu đời.
Trải qua mấy trăm năm, chùa Thanh An đã được trùng tu nhiều lần và không còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Những gì du khách nhìn thấy bây giờ chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn và muộn hơn. Mặt bằng chùa đang được mở rộng: phía trước tam quan cũ đã xây thêm một tòa tháp cao hình bát giác ở bên hữu, còn bên tả là một giếng tròn với cây cầu nhỏ bắc sang hòn non bộ, trên đó đặt pho tượng Quan Âm trắng toát, chịu ảnh hưởng của một phong cách từ miền Nam lan ra.
Tam quan chùa xây theo kiểu gác chồng dạng tháp, nay là bộ phận kiến trúc cổ nhất còn sót lại song cũng đang phủ bạt và đứng trước nguy cơ bị sửa đổi. Xung quanh chùa đã có rất nhiều nhà dân và các cao ốc đang mọc lên, che chắn tầm nhìn từ đây ra bốn phương.
Bước qua tam quan, du khách sẽ thấy hai ngọn tháp nhỏ ở hai bên một sân gạch khá rộng và tòa tam bảo ở giữa, bên cạnh có lối vào sân hậu. Tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ, cửa gỗ bức bàn, kết nối với hậu cung theo kiểu “chữ Đinh”. Liền sau tam bảo là ngôi đền Tứ phủ thờ các Mẫu Địa, Mẫu Thủy, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Liễu Hạnh, tạo thành kiến trúc “tiền Phật, hậu Thánh”. Hai bên sân hậu còn có nhà Tổ, nhà Ni, phía sau là vườn và khu phụ. Phía tả tam bảo lại có một cổng phụ mở ra vườn tháp mộ, dấu tích nhà Văn chỉ và nghĩa trang của làng Yên Xá.
Di vật
Chùa Thanh An vẫn giữ được nhiều mảng chạm khắc tinh tế và một hệ thống tượng Phật giáo đầy đủ. Các pho tượng Tam thế Phật và A-di-đà đều được tạo tác đẹp đẽ với phong cách nghệ thuật điêu khắc thời cuối Lê, đầu Nguyễn. Trong chùa hiện còn tới 21 tấm bia đá, trong đó có 16 tấm bia hậu đều khắc chữ “Nhâm Tý” dưới thời Lê trung hưng (những năm Nhâm Tý thời đó là: năm 1612, năm 1672 và năm 1772), ghi tên những vị quan lại, vương phi… đóng góp tiền của tu bổ chùa và đền. Ngoài ra lại có một quả chuông đồng đúc từ thời Tây Sơn, mang niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 – 1802).
Giá trị
Ngày 27-12-1990, cùng với đình làng và đền Yên Xá, ngôi chùa này đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Lưu ý
Chùa là nơi linh thiêng nên khi đến đây bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.
Đến chùa, bạn nên thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh.
Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.
Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình.
Chúng ta cần có một sự thành tâm khi đến chùa. Điều này quan trọng không chỉ trong tâm thức mỗi người khi tìm đến đây mà còn thể hiện sự thành kính, văn hoá của người đi lễ.
Tham khảo
- http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/11/30/chua-thanh-an/
- http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/1000_nam_thang_long/44533/lang-yen-xa
- https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A2n_Tri%E1%BB%81u