Định Quán là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Đồng Nai; cách thành phố Biên Hòa 85 km và thành phố Hồ Chí Minh 115 km về hướng Tây; có diện tích tự nhiện là 966,5km2, chiếm 16,4% diện tích toàn tỉnh.
Phía Bắc giáp huyện Tân Phú.
Phía Nam giáp huyện Thống Nhất, thị xã Long Khánh và Xuân Lộc.
Phía Tây giáp huyện Vĩnh Cữu.
Phía Đông giáp Huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận.
Hiện nay huyện có 14 đơn vị hành chính gồm: 01 thị trấn Định Quán và 13 xã gồm: Gia Canh, La Ngà, Ngọc Định, Phú Tân, Phú Vinh, Phú Lợi, Phú Hòa, Phú Cường, Phú Ngọc, Phú Túc, Túc Trưng, Suối Nho, Thanh Sơn.
1. Địa Hình
Định Quán là một huyện có địa hình vùng núi, chủ yếu là đồi núi thấp xen kẽ với các đồng bằng thoải lượn sóng, hướng dốc chính nghiêng dần từ Bắc xuống Nam.. Độ cao trung bình 180m so với mặt nước biển; thấp dần từ Bắc xuống Nam và dốc về sông Đồng Nai và La Ngà, với độ dốc trung bình là 2,5m và khoảng 57% diện tích có độ dốc từ 0-80
2 Khí Hậu-Thủy Văn.
Khí hậu mang tính nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với nền nhiệt độ cao và ổn định, nhiệt độ trung bình trong năm 23-290C.
Độ ẩm trong vùng khá cao, trung bình từ 72% đến 95%.
Có hai hướng gió thổi theo mùa. Vào mùa khô, gió Đông Bắc mang không khí khô và nóng, mùa mưa gió Tây Nam, không khí ẩm và nóng.
Chế độ mưa trên khu vực:
Lượng mưa bình quân trên địa bàn huyện là 2400mm, có khuynh hướng giảm từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Lượng mưa phân bố theo hai mùa rõ rệt mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10; trong đó tháng 8,9 và 10 có lượng mưa lớn nhất trong năm và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Nguồn nước mặt:
Nguồn nước mặt trong huyện khá dồi dào từ mạng lưới sông ngòi phong phú với mật độ 30km/km2, nhất là có hai con sông lớn của miền Đông Nam bộ chảy qua địa bàn huyện là sông Đồng Nai và sông La Ngà.
Sông Đồng Nai với lưu lượng bình nhiều năm tại Tà Lài 298,63m3/s và tại Phú Điền 117,26 m3/s của sông La Ngà là nguồn nước mặt cung cấp nước tưới, sinh hoạt và công nghiệp cho toàn huyện; đồng thời bổ sung cho nguồn nước ngầm của huyện.
Dòng chảy mặt trên địa bàn Huyện xếp loại trung bình của nước ta; được phân chia thành hai mùa rõ rệt, với mùa lũ thường chậm hơn mùa mưa 1-2 tháng và mùa kiệt trùng với mùa khô.
Nguồn nước ngầm:
Trữ lượng nước ngầm trên địa bàn phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở phía Tây Nam và Bắc; nguồn nước ngầm khu vực này có chất lượng tốt, mạch nước nông và dễ khai thác phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Riêng khu vực các xã La Ngà,Phú Ngọc, Ngọc Định rất khan hiếm.
3. Đất: Tài nguyên đất có bốn nhóm đất chính, bao gồm:
Nhóm đất đá bọt núi lửa: 504ha, chiếm 0,5%, phân bố tập trung ở khu vực miền núi lửa thuộc xã Phú Tân, Phú Lợi, Gia Canh, Phú Vinh.
Nhóm Đất Đỏ:13.050 ha, chiếm13,4% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố ở các xã Phú Túc, Phú Cường, La Ngà và phần phía Bắc xã Thanh Sơn. Đây là loại đất thích hợp cho cây lâu năm như: cao su, cà phê, điều, cây ăn quả,…
Nhóm Đất Đen: 22.707 ha, chiếm 23,4% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố tập trung dọc hai bên sông Đồng Nai thuộc các xã Phú Lợi, Phú Tân, Phú Vinh và Thanh Sơn.
Nhóm Đất Xám: chiếm diện tích nhiều nhất, 44% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố tập trung chủ yếu ở xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định, thị trấn Định Quán, Suối Nho, Gia Canh. Loại đất này thích hợp cho trồng lúa, trồng rau-màu và các cây lâu năm chịu hạn như xoài, nhãn, điều…
Lịch sử huyện Định Quán
1. Giới thiệu
Huyện Định Quán nằm phía đông của tỉnh Đồng Nai. Huyện có diện tích là 966,5km2, chiếm 16,40% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Định Quán giáp các địa phương khác: phía bắc – đông bắc giáp huyện Tân Phú, phía đông nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía tây giáp huyện Vĩnh Cửu, phía nam giáp huyện Thống Nhất, thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc.
Dân số 194.143 người (theo số liệu điều tra dân số năm 2009); bao gồm 22 thành phần dân tộc sinh sống gồm: người Kinh, Chơro, Mạ, Mường, Hoa, Nùng, Dao…Trong đó, người Kinh chiếm số lượng trên 76%, kế đến là người Hoa.
Cũng như nhiều nơi khác ở miền Đông Nam Bộ và trên lãnh thổ Việt Nam, mảnh đất Định Quán đã từng in đậm những chiến công vang dội của quân và dân Định Quán. Chiến thắng La Ngà trên Quốc lộ 20 vào tháng 03-1948 đã đi vào lịch sử kháng chiến của dân tộc như một bản hùng ca bất diệt. Trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược nhân dân Định Quán nói chung; đồng bào các dân tộc Choro, Châu Mạ nói riêng đã một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ; họ đã từng thề “ không ăn cơm hai nồi, không ở hai lòng”; họ đã chở che, nhường từng bát cơm, củ sắn cho bộ đội; họ đã cùng tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương; trong cuộc chiến đấu sinh tử đó, biết bao người con Định Quán đã anh dũng hy sinh, tiêu biểu như người anh hùng Điểu Cải người con của dân tộc Chơro.
Ngay sau ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân huyện Định Quán đã bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng nhau xây dựng và phát triển kinh tế, giữ vững an ninh – chính trị, không ngừng nâng cao đời sống vật chất – tinh thần; biến một vùng đất hoang sơ, nghèo khó lại bị tàn phá bởi chiến tranh thành vùng đất trù phú, dân cư đông đúc; góp phần cùng tỉnh Đồng Nai và cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Định Quán đất nước, con người và Quá trình hình thành.
Căn cứ Địa bạ năm 1836, huyện Định Quán ngày nay thuộc tổng Bình Tuy huyện Phước Bình, tỉnh Biên Hòa, có 4 thôn là Định Quán, Thuận Tùng, Vĩnh An và Võng La (La Võng); đến năm 1878, địa bàn huyện Định Quán ngày nay là tổng Bình Tuy thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Biên Hòa.
Ngày 01-11-1899, Pháp cắt phía bắc huyện Định Quán (nay là 03 xã: Phú Bình, Phú Lâm, Thú Thanh huyện Tân Phú) nhập cùng phía nam tỉnh Lâm Đồng thành lập sở tham biện Đồng Nai Thượng; năm 1901 bãi bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, chuyển các xã bắc về tỉnh Bình Tuy; đến năm 1920 lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng. Phần đất còn lại phía nam huỵên Tân Phú thuộc về huyện Xuân Lộc.
Theo địa chí Biên Hòa năm 1924, tổng Bình Tuy gồm có 7 làng: Định Quán, Cao Cang, Gia Canh, Thuận Tùng, Túc Trưng, Vĩnh An. Sau năm 1924, tổng Bình Tuy lại thuộc về tỉnh Bình Tuy. Từ năm 1947, địa bàn huyện Định Quán ngày nay thuộc hai tổng Bình Lâm Thượng và Bình Lâm Hạ.
Năm 1957 để chia cắt địa bàn, đánh phá vào các căn cứ kháng chiến, chính quyền Ngô Đình Diệm cắt các xã phía nam Đồng Nai Thượng lập quận Định Quán. Đến năm 1967 để đối phó với sự phát triển của phong trào Cách Mạng, địch thành lập thêm quận Kiệm Tân và chi khu Kiệm Tân (bao gôm cả xã Phú Túc, Túc Trưng ngày nay).
Sau hiệp định Paris (27-1-1973), tháng 10-1973, Trung ương Cục miền Nam thành lập tỉnh căn cứ Tân Phú, mở ra một địa bàn chiến lược nối liền chiến khu Đ (khu A), nam Tây nguyên và khu 6. Đến tháng 11-1974 chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1974 – 1975, tạo bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực tiến công phá vỡ các tuyến phòng thủ của địch ở Đông Sài Gòn, Trung ương Cục điều chỉnh lại địa bàn tỉnh Tân Phú, chỉ còn lại 2 huyện Định Quán và Độc Lập.
Sau khi đất nước thống nhất, tháng 01-1976 tỉnh Tân Phú trở thành huyện Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai. Năm 1991, huyện Tân Phú tách ra thành hai huyện Định Quán và Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai. Hiện nay huyện Định Quán gồm 01 thị trấn và 13 xã là: Phú Cường, Túc Trưng, Phú Túc, Suối Nho, La Ngà, Phú Ngọc, Thanh Sơn, Ngọc Định, Gia Canh, Phú Lợi, Phú Tân, Phú Vinh, Phú Hòa.
- Những thành tựu sau ngày giải phóng:
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Định Quán bắt tay vào khôi phục hậu quả chiến tranh, ổn định sản xuất và đời sống. Trải qua 38 năm xây dựng và phát triển kinh tế, Định Quán đã có những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế- xã hội; văn hoá- giáo dục- y tế từng bước phát triển; cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; đời sống nhân dân trong huyện ngày càng nâng lên. Từ một huyện thuần nông, trình độ dân trí thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; đến nay Định Quán có cơ cấu kinh tế khá hợp lý với 53% GDP là nông nghiệp, 47% là công nghiệp – dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên dưới 9%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Sản xuất nông nghiệp bước đầu phát triển theo hướng hiện đại hoá; cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển đổi gắn với công nghiệp chế biến phù hợp với thị trường tiêu thụ. Đến nay lưới điện rộng tới 107/112 ấp, 98% số hộ trên địa bàn huyện được sử dụng điện; hơn 97% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp làm mới hàng 100Km đường nhựa; đến nay đã hình thành các Khu công nghiệp và cụm khu công nghiệp bước đầu đi vào hoạt động, tạo việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động địa phương…
Về chính trị- xã hội, an ninh- quốc phòng: năm 1975 toàn huyện chỉ có 87 đảng viên, đến nay huyện Định Quán trên 2.500 đảng viên và 97.000 hội viên, đoàn viên trong các tổ chức MTTQ, đoàn thể đạt tỷ lệ trên 81%.Cải cách hành chính liên tục được mở rộng ở các cơ quan, ban ngành và các xã, thị trấn. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được một số kết quả bước đầu. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. Việc phát huy dân chủ được chú trọng, những việc dân biết, những việc dân bàn, dân kiểm tra được cơ sở thực hiện tốt hơn. Đến nay 100% ấp có chi bộ hoặc tổ đảng. Lòng tin của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự nghiệp đổi mới và triển vọng phát triển đất nước được giữ vững, tư tưởng tích cực vẫn là xu hướng chủ đạo trong đời sống xã hội. An ninh- chính trị được giữ vững, 12/14 xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác phòng chống mại dâm, ma tuý.
Về kinh tế: từ một huyện miền núi nghèo, kinh tế thuần nông kém phát triển, cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển kinh tế – văn hóa nghèo nàn lạc hậu; gần ½ dân số đói nghèo và mù chữ. Thì đến nay, diện mạo nông thôn miền núi của huyện đã có chuyển biến đáng tự hào. Năm 2012, giá trị sản xuất Nông, Lâm nghiệp, Thủy sản: 1.222,74 tỷ đồng, đạt 100,22% kế hoạch; sản xuất công nghiệp: 802,05 tỷ đồng, đạt 100,26% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường: 2.310 tỷ đồng, đạt 100,43 kế hoạch. Tổng thu ngân sách sách ước đạt 80,120 triệu đồng, đạt 1110% kế hoạch; tổng chi ước thực hiện 642.117 triệu đồng, đạt 121,51%. Tổng vốn đầu tư xây dựng: 457 tỷ đồng.
Về các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục: Trong lĩnh vực giáo dục trước năm 1975, toàn tỉnh Tân Phú chỉ có 4 trường Tiểu học và 01 trường Trung học cơ sở chỉ với hơn 7000 học sinh. Đến nay, Định Quán có 5 trường trung học phổ thông, 67 trường Trung học cơ sở tiểu học và mầm non. Tổng số học sinh các cấp gần 60.000 học sinh, 13/14 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học. Về Y tế có 01 Bệnh viện đa khoa khu vực; 7/14 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; 13/13 trạm y tế xã có bác sỹ tại chỗ mạng lưới y tế trải khắp từ huyện tới xã; về văn hoá Ấp văn hóa đạt 91,02%, gia đình văn hóa đạt 96,3%; cơ quan có đời sống văn hóa 100%.
Với những kết quả đạt được trong 38 năm từ sau ngày giải phóng; đặc biệt sau gần 30 năm đổi mới; tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá- xã hội, an ninh-quốc phòng trên địa bàn huyện đã đạt đạt được những kết quả đáng phấn khởi, góp phần cùng Đồng Nai và cả nước hoàn thành công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Di tích – Danh thắng
1. Di tích lịch sử Tượng đài Chiến thắng La Ngà
Di tích chiến thắng La Ngà (tại km số 104-112 trên quốc lộ 20 đi Đà Lạt, thuộc xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) được Bộ Văn hóa- Thông tin ( nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số: 235/VH-QĐ ngày 12-12-1986.
Để cổ vũ cho chiến thắng Việt Bắc thu – đông 1947 và cũng để giáng cho kẻ thù một đòn chí mạng, Ban chỉ huy đội chi đội 10 đứng đầu là chi đội trưởng Huỳnh Văn Nghệ đã quyết định: phải tổ chức một trận đánh lớn, để quân giặc thấy rằng dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam không dễ dàng chịu khuất phục trước bất kì một kẻ thù nào; dù cho kẻ thù đó mạnh hơn ta gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế, quốc phòng.
Bằng tinh thần quả cảm và sự khôn khéo sau gần nửa năm chuẩn bị, nghiên cứu địa hình, chọn địa điểm: vào lúc 15 giờ 12 phút ngày 1/3/1948 trận chiến phục kích La Ngà bắt đầu và kết thúc vào lúc 15 giờ 57 phút cùng ngày, chỉ trong vòng 45 phút.
Có thể tóm tắt trận phục kích như sau:
Giữa năm 1947 chi đội 10 quyết định tổ chức một trận đánh lớn nhằm cổ vũ phong trào kháng chiến và giáng cho giặc một đòn chí mạng. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chi đội trưởng và đồng chí Nguyễn Văn Lung chi đội phó, một tổ trinh sát được giao nhiệm vụ khảo sát địa hình ở La Ngà. Sau hơn hai tháng bám sát trận địa, đội đã nắm bắt được sự di chuyển của quân địch hướng Sài Gòn- Đà Lạt. Nhận thấy La Ngà là một vị trí thuận lợi để ta tổ chức một trận đánh lớn. Trận phục kích được giao cho đồng chí Nguyễn Văn Lung phụ trách, vậy là mọi chuẩn bị về nhân lực, vật lực được tiến hành. Trải qua bao khó khăn, gian khổ, đầu năm 1948 lực lượng phối hợp giữa chi đội 10 và bộ đội địa phương, du kích ( khoảng 1000 người) đã sẵn sàng. Doanh trại của chúng ta đóng ở Suối Cát -Xuân Lộc. Sau khi biết được vào ngày 1/3/1948 có một đoàn xe 59 chiếc; gồm xe quân sự, xe dân sự đi từ Sài Gòn đến Đà Lạt, Ban chỉ huy quyết định mở trận phục kích.
Ta bố trí trận địa từ km 104 đến km112( từ cầu La Ngà đến thị trấn Định Quán) chia làm 3 trận địa A,B,C. Ban chỉ huy đóng ở trận địa B.
Đúng 15 giờ 12 phút quả địa lôi ở trận địa C phát nổ, quân địch hoảng loạn. Sau 45 phút chiến đấu ta tiêu diệt 150 tên địch, bắt sống 270 tù binh gồm cả binh lính và dân thường. Trong đó có 2 đại tá, 1 thiếu tá và một số sĩ quan khác, phá hủy hoàn toàn 59 xe cơ giới. Về phía ta chỉ hy sinh 2 người, bị thương 3 người. Quân địch điên cuồng trả thù nhưng ta đã rút về nơi an toàn.
Chiến thắng La Ngà đã làm nức lòng nhân dân Định Quán nói riêng, quân dân Đồng Nai nói chung. Đây là chiến thắng thể hiện sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta làm cho địch một phen kinh hồn, bạt phía. Từ chiến thắng này lực lượng ta ngày càng thêm lớn mạnh, góp phần đánh bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch, buộc chúng phải rơi vào thế bị động.
Cùng với quần thể danh thắng đá Chồng vững chải, Thác Mai tươi đẹp như một bà tiên trong chuyện cổ tích, dòng sông La Ngà mộng mơ như một dải lụa mềm. Tượng đài chiến thắng La Ngà sừng sững tạo nên một quần thể du lịch kì thú của Định Quán.
- Di tích danh thắng Đá Chồng Định Quán.
Quần thể Đá Chồng Định Quán nằm giữa khu dân cư sầm uất thuộc thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, ngay bên Quốc lộ 20 huyết mạch, nối liền cao nguyên Bảo Lộc, Lâm Đồng với đồng bằng Nam Bộ. Từ ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) rẽ phải theo Quốc lộ 20 hướng về phía Đà Lạt khoảng 50 km ta sẽ gặp một quần thể đá xếp chồng lên nhau rất đẹp và kỳ lạ. Đó là khu danh thắng Đá Chồng.
Trèo lên đỉnh Đá Chồng, qua cheo leo hiểm trở, bạn sẽ có dịp mở rộng tầm nhìn bao quát toàn cảnh. Một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú đa dạng đến tuyệt vời. Giữa chập chùng những núi lửa miệng phễu hình ê líp nghiêng nghiêng, in dấu dòng dung nham nay đã trở thành những ốc đảo xanh tươi với các loại cây nhiệt đới. Xa xa những thung lũng mênh mông thẳm thẳm xanh mượt, lấp lánh những hồ nước và cả những dãy suối uốn lượn uyển chuyển dưới chân đồi.
Vẻ đẹp kỳ thú của Hòn Ba Chồng, Núi Đá Voi, Hòn Dĩa, cùng với ngôi chùa thiên nhiên dưới chân núi đá là những cụm tiêu biểu tạo thành cảnh đẹp hài hòa cho khu danh thắng Đá Chồng. Với ba hòn chồng lên nhau khá chông chênh, độ cao 36 m so với mặt đường, hòn đá dưới cùng lớn gấp đôi hòn đá nằm trên, hòn trên cùng nằm chia ra phân nửa tưởng chừng như muốn đổ xuống bất kỳ lúc nào.
Về phía Tây Bắc của quần thể Đá Chồng là cụm núi có hình dạng rất độc đáo. Hòn Dĩa thuộc cụm núi này với hình thù của hình chữ nhật không đều, một đầu to, một đầu nhỏ nhưng nằm trên một tảng đá nhỏ hơn rất nhiều, với độ cao hơn 43 m so với mặt đất. Cụm núi có nhiều đá tảng cồng kềnh vào nhau, lại thêm cây cối mọc um tùm tạo nên những hang động đầy vẻ huyền bí, tựa như cây và đá tìm mọi cách để vươn lên tìm hơi thở sinh tồn. Núi đá (nhân dân còn gọi là núi Bạch Tượng) nằm về phía Tây Nam khu danh thắng, sau chùa Thiện Chơn 10 m. Nó có hình như hai con voi lớn nằm cạnh nhau. Trên đỉnh của hòn đá Voi là voi đực có tượng Phật Thích ca khổng lồ nhìn về hướng đông được xây và đặt vào những năm đầu thập niên 70. Hòn đá kế bên gọi là voi cái. Dưới chân voi đực có hang Bạch Hổ với tích tương truyền rằng “Xưa kia, khi rừng rậm còn nhiều, có một cặp hổ trắng về ẩn tại núi Đá Voi. Đặc biệt là cặp chúa sơn lâm này không bắt người ăn thịt mà thường xuống nghe tụng kinh ở chùa Thiện Chơn. Sau này rừng bị phá, cặp hổ bỏ đi. Nhân dân cho là hổ thần nên đặt là Hang Bạch Hổ”. Từ hang Bạch Hổ có một con đường nhỏ (bậc tam cấp), do con người tạo nên uốn theo núi đá voi đực đến với tượng Phật. Hàng triệu năm qua, đá vẫn lặng im không nói, như chính nó đã chở che cho con người cổ đã một thời sống trong hang động, rừng rậm. Ngày nay, với vẻ đẹp kỳ diệu, quần thể đá chồng là một cảnh quan tuyệt đẹp được thiên nhiên ưu đãi cho con người. Quần thể Đá Chồng Định Quán còn là nơi lưu lại những dấu tích của cuộc sống người tiền sử. Tại đây dưới các mái đá, ven các khe suối và cả các sườn dốc ven thung lũng đã phát hiện nhiều công cụ sản xuất, sinh hoạt của người xưa bằng đá, đồng, đất nung.
Trong suốt cuộc kháng chiến dài 30 năm. Định Quán là một phần quan trọng của Chiến khu Đ. Đá Chồng đã chứng kiến sự hình thành, phát triển, trú quân, triển khai chiến đấu của lực lượng cách mạng. Ngày nay, một phần đất của khu danh thắng Đá Chồng Định Quán đã được sử dụng, xây dựng thành khu Trung tâm văn hóa thể thao huyện Định Quán. Tương lai không xa khu danh thắng Đá Chồng Định Quán sẽ được đầu tư tôn tạo góp phần làm cho cảnh quan thiên nhiên ngày càng tươi đẹp, là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.