Đau bao tử hay còn gọi là đau dạ dày, là một trong những bệnh đường tiêu hóa phổ biến, ước tính có đến 70% người dân Việt Nam mắc phải căn bệnh này. Bệnh không chỉ gây đau và khó chịu mà còn dẫn tới viêm dạ dày mạn tính với các biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị đúng cách.
1. Đau bao tử là gì và đâu là nguyên nhân gây bệnh
Đây là hiện tượng do lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương viêm, loét dẫn đến đau. Người bệnh thường xuất hiện những cơn bụng kéo dài, có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy thuộc vào tình trạng viêm loét. Cơn đau thường xuất hiện vào ban đêm và rạng sáng hoặc khi người bệnh đói, ăn đồ cay nóng, đồ chua.
1.1. Những nguyên nhân chính gây đau bao tử
– Nhiễm khuẩn Hp: Theo thống kê thì có đến 80% bệnh nhân bị đau dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter Pylori (Hp) tấn công.
– Uống quá nhiều rượu bia: Rượu bia và các đồ uống có cồn khác rất có hại cho đường tiêu hóa. Các chất có trong rượu bia khiến lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị bào mòn, tổn thương dẫn đến viêm loét.
– Khói thuốc lá: Người hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc lá cũng có khả năng cao bị đau bao tử. Do trong khói thuốc lá có rất nhiều chất độc hại, kích thích sản sinh HCL và Pepsin – những chất tham gia vào quá trình bào mòn lớp niêm mạc dạ dày.
– Những thói quen xấu trong sinh hoạt và ăn uống: bệnh đau dạ dày có liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống và sinh hoạt bất hợp lý. Ăn quá no hoặc để bụng quá đói, ăn đêm, bỏ bữa sáng, ăn uống không đúng giờ; ăn nhiều đồ chua và cay nóng, tiêu thụ nhiều đồ ăn chiên rán, thực phẩm giàu chất béo…
– Căng thẳng và trầm cảm: Nhưng lo âu, mệt mỏi, stress về cuộc sống, công việc và học tập gây ra hiện tượng co thắt dạ dày và bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
– Lạm dụng thuốc giảm đau chống viêm cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày gây ra triệu chứng đau.
1.2. Vị trí, đặc điểm, tính chất của cơn đau bao tử
Bệnh đau bao tử có vị trí đau ở 3 vùng đặc trưng là vùng thượng vị, vùng bụng giữa và vùng bụng phía trên bên trái. Trong đó đau thượng vị là vị trí phổ biến nhất.
– Đau vùng thượng vị: Khi dạ dày bị tổn thương, người bệnh sẽ cảm thấy những cơn đau âm ỉ, căng tức và khó chịu ở thượng vị. Những cơn đau này thường duy trì trong thời gian dài. Tính chất cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy thuộc vào tổn thương viêm loét ở dạ dày nặng hay nhẹ. Nếu ăn nhiều đồ cay nóng, đồ chua hoặc uống bia rượu thì cơn đau sẽ khởi phát dữ dội hơn.
– Đau vùng bụng giữa: Cơn đau tập trung vùng giữa bụng đôi khi lan ra hai bên.
– Đau dạ dày ở phía trên bên trái: Xuất hiện tình trạng đau âm ỉ hoặc đau theo cơn. Các cơn đau sẽ thường xuất hiện ở vùng thượng vị rồi sau đó lan rộng ra hai bên, lan ra sau lưng, đặc biệt đau nhiều ở vùng bụng phía trên bên trái. Tình trạng đau thường đi kèm cảm giác đói, xót ruột và nóng bụng.
Ngoài triệu chứng đau bụng, người bệnh xuất hiện thâm triệu chứng nôn và buồn nôn, ợ chua, ăn không tiêu, cơ thể mệt mỏi…
2. Biến chứng của bệnh đau bao tử/đau dạ dày
Nếu tổn thương viêm loét lâu dài không được chữa trị, đau dạ dày cấp tính sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
– Biến chứng thủng dạ dày: Khi các vết loét rộng và ngày càng ăn sâu vào lớp thành dạ dày sẽ khiến dạ dày bị thủng. Thủng dạ dày là một biến chứng rất nguy hiểm, bởi dịch vị và thức ăn sẽ tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, nhiễm độc toàn thân. Khi dạ dày bị thủng người bệnh sẽ có biểu hiện đau bụng dữ dội, sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn. Đây là biến chứng phải được cấp cứu càng sớm càng tốt.
– Đau dạ dày có thể tiến triển thành ung thư dạ dày: Đau dạ dày mãn tính với những tổn thương kéo dài có thể tiến triển thành ung thư. Ung thư dạ dày rất nguy hiểm bởi dấu hiệu nhận biết rất mờ nhạt như mệt mỏi, chán ăn… Nhiều người bệnh phát hiện ung thư khi đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên chủ quan với bệnh lý đau dạ dày. Khi có triệu chứng bất thường cần thăm khám ngay và điều trị dứt điểm, tránh biến chứng. Nếu bạn trên 40 tuổi thì nên thực hiện nội soi dạ dày định kỳ để tầm soát các bệnh lý trong đó có ung thư để đảm bảo dạ dày luôn khỏe.
3. Các phương pháp chẩn đoán đau dạ dày
Để biết chính xác triệu chứng đau dạ dày gây ra bởi nguyên nhân nào và tình trạng bệnh ra sao, các bác sĩ sẽ dựa vào các phương pháp sau:
– Nội soi đường tiêu hóa trên: Phương pháp này bác sĩ dùng một ống soi mềm đi từ miệng hoặc mũi người bệnh vào bên trong đường tiêu hóa để quan sát thực quản, dạ dày, và tá tràng. Nội soi là một phương pháp an toàn, giúp cung cấp những hình ảnh rõ nét và chính xác trong dạ dày. Thông qua nội soi, lấy mẫu sinh thiết giúp phát hiện chính xác tổn thương là viêm loét hay ung thư. Ngoài ra nội soi còn giúp phát hiện người bệnh có nhiễm vi khuẩn HP hay không và cùng với những dụng cụ đặc biệt còn giúp bác sĩ lấy dị vật, cầm máu tổn thương hoặc cắt polyp…
– Ngoài nội soi tiêu hóa, tùy vào trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định thêm các phương pháp như xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, chụp CT hoặc MRI dạ dày.
4. Cách điều trị bệnh đau bao tử/đau dạ dày hiệu quả
Để chấm dứt tình trạng đau dạ dày người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín, tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc về sử dụng thuốc, liều lượng và thời gian uống cũng như các lời khuyên về dinh dưỡng và lối sống.
– Thông thường, bệnh nhân bị đau dạ dày sẽ được bác sĩ kê cho các loại thuốc nhằm tiêu diệt vi khuẩn HP, thuốc trung hòa acid, thuốc bảo vệ dạ dày…
– Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống tốt như chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn kỹ nhai lâu, ăn các đồ dễ tiêu có lợi cho dạ dày, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi để cung cấp vitamin… Đồng thời giữ tâm lý thoải mái, tránh xa căng thẳng thần kinh.
Đau bao tử/đau dạ dày là bệnh lý vô cùng phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan không điều trị. Do đó, khi có bất cứ dấu hiệu đau hoặc khó chịu tại cơ quan tiêu hóa, người bệnh cần thăm khám ngay để điều trị kịp thời đạt hiệu quả cao.