Trang chủ » Cỏ Vetiver và ứng dụng của Vetiver trong canh tác nông nghiệp

Vetiver là cây gì

Cỏ Vetiver có tên khoa học Vetiveria Zizanioides L. thuộc họ Gramineae (tên mới Chrysopogon zizanioides). Cỏ Vetiver được xem là một loại cây trồng độc đáo, đa dụng, mang lại giá trị kinh tế cao, thích ứng tốt với nhiều điều kiện thời tiết và đất đai khác nhau, lại rất an toàn với môi trường tự nhiên. Cỏ Vetiver có đặc điểm là hạt giống bất thụ, không lan truyền bừa bãi và phải trồng bằng hom khi muốn nhân rộng.

1. Đặc điểm hình thái và sinh thái của cỏ Vetiver

1.1 Đặc điểm hình thái của Vetiver

Cỏ Vetiver có dạng thân cọng, mọc thành bụi dày đặc. Từ gốc rễ mọc ra rất nhiều chồi ở các hướng. Thân cỏ mọc thẳng đứng, cao trung bình 1,5 – 3m. Phần thân trên không phân nhánh, phần dưới đẻ nhánh rất mạnh.

Phiến lá hẹp, dài khoảng 45-100cm, rộng khoảng 6-12mm, lá nhẵn, mép lá nhám.

Cụm hoa là chùy tận cùng, thẳng, dài 20-30cm, cuống chung lớn, phân nhánh nhiều. Bông nhỏ không cuống, là loại lưỡng tính, hình dẹt, bông rất nhỏ, bông có cuống là bông đực, cỏ Vetiver ít ra hoa, nếu có thì hoa thường bất thụ. Quả hơi dẹt.

Rễ là phần có tác dụng lớn và quan trọng, cũng chính là cơ sở cho khả năng chống xói mòn của cỏ Vetiver. Hệ thống rễ cỏ vetiver không mọc trải rộng mà lại cắm thẳng đứng sâu vào trong đất, kể cả rễ chính, rễ thứ cấp hoặc rễ dạng sợi. Rễ có dạng chùm, xốp, dày đặc, cắm thẳng đứng sâu 3-5m, rộng đến 2,5m sau vài năm trồng. Do đó có thể ngăn cản sự xói mòn cũng như khống chế sự dịch chuyển vật chất trên mặt đất, đồng thời giữ cho cây sống được qua thời kỳ hạn hán.

1.2 Đặc điểm sinh thái của Vetiver

Vetiver thuộc nhóm thực vật C4, sử dụng CO2 hiệu quả hơn theo con đường quang hợp bình thường. Điều lưu ý là hầu hết thực vật C4 chuyển hóa CO2 thành đường lại sử dụng rất ít nước, đây là một yếu tố giúp cây phát triển trong điều kiện khô hạn.

Cỏ Vetiver có sức chịu đựng đối với sự biến động khí hậu cực kỳ lớn như hạn hán kéo dài, lũ lụt, ngập úng. Khả năng chịu ngập úng kéo dài đến 45 ngày ở luồng nước sâu 0,6-0,8m.

Mọc và phát triển lại rất nhanh sau khi bị ảnh hưởng của hạn hán, sương muối, nước mặn, các hóa chất và độc chất trong đất.

Sống và phát triển tốt trong đất nghèo dinh dưỡng, đất nhiễm phèn, ngập mặn, đất bị nhiễm kim loại nặng.

Chịu được ngưỡng biến động cao của pH đất từ 3-10,5.

Tinh dầu trong rễ có mùi thơm khỏe làm cho rễ không hấp dẫn đối với loài gặm nhấm và các loại côn trùng gây hại khác, nó còn ngăn chặn không cho chuột làm tổ gần hàng rào, lá cỏ cứng và sắc làm cho rắn không đến gần được.

Loài vetiver được dùng phổ biến vì có đặc điểm là có khả năng ra hoa và tạo hạt nhưng hạt không nảy mầm nên không thể nhân giống bằng hạt, mà nhân giống chủ yếu bằng phương pháp vô tính nên không thể mọc tràn lan như các loại cỏ dại khác. Có thể nhổ bớt cây ở hàng rào, tách ra thành nhiều dảnh, đem trồng thành những hàng rào mới.

2. Cỏ Vetiver và vi sinh vật đất

Có khá nhiều vi sinh vật đất được phát hiện xung quanh bộ rễ cỏ Vetiver mà vi khuẩn và nấm là tiêu biểu. Các vi sinh vật xâm nhập vào mặt trên rễ, tạo thành những đường dẫn truyền dinh dưỡng nối đất và cây, rễ tiết ra polysaccharide là chất hữu cơ hòa tan giúp cho sự chuyển hóa sinh học của đất và sự thích nghi của cây.

Vi sinh vật gắn liền với rễ cỏ Vetiver là các vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn hòa tan, các nấm rễ và các vi khuẩn phân giải cellulose…, sản xuất chất dinh dưỡng cho sự sinh trưởng phát triển và thúc đẩy các hormone sinh trưởng thực vật tác động trực tiếp lên Vetiver và các cây trồng cộng sinh.

3. Ứng dụng của cỏ Vetiver trong canh tác nông nghiệp

3.1 Hàng rào sinh học

Cỏ Vetiver được ứng dụng như là một hàng rào sinh học để ngăn chặn và dẫn dụ các loài côn trùng có hại cho cây trồng như sâu đục thân, rầy mềm, rệp sáp. Các loài gây hại này sẽ sống và sinh sản trên Vetiver giúp các cây trồng chính không bị chúng phá hại. Tương tự, ở dưới mặt đất, bộ rễ của Vetiver cũng thu hút các loại tuyến trùng và nấm hại để chúng không tấn công sang rễ của cây trồng.

Đồng thời cỏ Vetiver còn thu hút các loài thiên địch rất tốt như bọ rùa, bọ ngựa, kiến, chuồn chuồn,… Các loài thiên địch này như những chiến binh âm thầm bảo vệ cây trồng.

Các thực nghiệm đã chứng minh được lợi ích này của vetiver khi trồng xen canh hay cộng sinh cùng các loại cây trồng khác trong vườn, các loại cây trồng chính không có rầy rệp phá hại.

3.2 Sinh khối che phủ và bổ sung hữu cơ cho đất

Chúng ta đều biết che phủ là biện pháp bảo vệ và nâng cao chất lượng đất trồng tốt nhất, là chìa khóa quan trọng nhất của nông nghiệp tự nhiên bền vững . Cũng như các loại cây trồng xen lấy sinh khối để che phủ và làm phân xanh khác, Vetiver đang được ứng dụng rộng rãi với mục đích này.

Vetiver là loại cỏ có đặc điểm hình thái bụi cao và dày, tuổi thọ cao, lại có tốc độ phát triển nhanh nên cho lượng sinh khối hữu cơ rất lớn. Đặc biệt khi được trồng ở điều kiện thích hợp, hàng tháng đều có thể cắt tỉa lấy sinh khối.

Nguồn sinh khối thân lá từ Vetiver là một nguồn vật chất hữu cơ giá trị.

Sau khi cắt tỉa phủ xuống mặt đất, lớp phủ hữu cơ này sẽ là thức ăn cho các vi sinh vật bản địa, giúp chúng phát triển mạnh hơn.

Lớp phủ giúp giữ nước, giữ ẩm tốt hơn, bảo vệ được hệ rễ ăn nổi trên mặt của cây trồng, rễ sẽ khỏe hơn, từ đó hút được nước và dinh dưỡng nuôi cây tốt hơn.

Khi lớp phủ phân hủy sẽ bổ sung lượng mùn hữu cơ lớn, giúp cải tạo được nền đất mặt, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

Lớp phủ càng dày thì chất lượng đất càng tăng, khi đó cây trồng càng phát triển.

Trồng Vetiver để lấy sinh khối là một phương pháp bền vững, ổn định, mang lại giá trị cao, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho người nông dân cũng như bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

3.3 Cộng sinh hỗ trợ cây trồng khác

Một ứng dụng mới vừa được nhóm nghiên cứu cỏ Vetiver triển khai đó là trồng cộng sinh cỏ Vetiver với các loại cây trồng chính khác.

Khi sống cộng sinh với cây khác, Vetiver sẽ làm giảm áp lực côn trùng, nấm hại ở trên và dưới cho cây chính từ đó người trồng không phải lo chuyện thuốc gì để diệt sâu, diệt nấm.

Bộ rễ ăn sâu giúp giữ nước, giữ ẩm lâu nên cây trồng sẽ chống được hạn, mặn. Vào thời điểm mùa khô thiếu nước, đỡ được công tưới nước rất nhiều.

Cộng sinh nên khi cỏ lớn, chỉ cần cắt tỉa phủ ngay quanh gốc sẽ vừa che phủ vừa làm phân xanh, đỡ công phân bón.

Vetiver có thể trồng cộng sinh với rất nhiều loại cây trồng từ cây rau màu đến cây ăn trái, cây công nghiệp. Lưu ý, riêng cây trồng lấy củ thì không được cộng sinh.

3.4 Cải tạo đất trồng

Như đã nói đến ở phần trên, sinh khối hữu cơ của Vetiver khi che phủ lên mặt đất sẽ giúp cải tạo, nâng cao chất lượng đất mặt. Lớp phủ càng dày, đất canh tác càng khỏe.

Bên cạnh đó, nhờ bộ rễ ăn sâu và nhiều tầng lớp của mình, cỏ giúp đưa nước, dinh dưỡng và không khí vào sâu bên trong lòng đất, giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đất. Đồng thời bộ rễ giúp phá vỡ cấu trúc đất bị nén chặt như các loại đất sét, từ đó giúp giữ ẩm và cải tạo được tầng đất sâu.

3.5 Giữ nước, giữ ẩm, giữ dinh dưỡng

Cỏ Vetiver được xem là một trợ thủ đắc lực cho người nông dân, giúp tiết kiệm nước trong đất, giúp cây trồng chống hạn. Nhiều rễ cỏ ăn sâu vào đất giúp đất biến thành miếng bọt biển, nước mưa thấm vào sâu hơn từ đó giữ nước bên trong lâu hơn, kết hợp việc che phủ ở trên giúp tránh được sự thoát hơi nước.

Nhờ bộ rễ phát triển, ăn sâu của cỏ Vetiver có thể hấp thụ và giữ lại các chất dinh dưỡng hòa tan trong đất. Nếu không, những chất này có thể bị nước mưa cuốn trôi mất hoặc thấm xuống lớp đất sâu hơn, ngoài tầm với của rễ cây.

3.6 Chống sạt lở, chống xói mòn

Thân cỏ Vetiver rất cứng, khỏe, có thể mọc cao tới 2.5 m tạo thành hàng rào dày đặc, có tác dụng làm chậm dòng chảy, phân tán đều nước trên diện rộng. Nhờ vậy mà cỏ Vetiver có tác dụng giảm nhẹ xói mòn, rửa trôi cả nơi đất bằng cũng như nơi đất dốc.

Ở những nơi đất tương đối bằng phẳng, mương, rãnh, dòng nước chảy rất mạnh, khó có gì ngăn cản được bộ rễ cỏ Vetiver bám chặt vào đất, giúp chống chịu được sức mạnh của dòng nước.

Ở nơi đất dốc, bộ rễ rất phát triển của Vetiver ngoài khả năng hạn chế hiện tượng rửa trôi, xói mòn trên mặt đất, còn góp phần ổn định sườn dốc, hạn chế hiện tượng sạt lở.

Do đó, Vetiver nên được trồng thành các hàng đồng mức hay trồng vòng tròn xung quanh tán cây.

3.7 Cỏ Vetiver là nguồn thức ăn cho gia súc

Bên cạnh những lợi ích cho đất và cây trồng, cỏ Vetiver còn là nguồn thức ăn dinh dưỡng cho các loại gia súc, cá.

Cắt tỉa cỏ Vetiver giai đoạn cỏ non cho gia súc giúp thay thế các nguồn thức ăn khác.

Ngoài ra cỏ Vetiver còn được ứng dụng để kiểm soát ô nhiễm và xử lý ô nhiễm đất, nước và bảo vệ môi trường. Rễ và thân lá có thể khai thác để làm nguyên liệu đan chiếu, mành, giỏ,… Hay chiết xuất tinh dầu từ bộ rễ, bởi rễ của Vetiver có một mùi hương rất đặc biệt.

Trồng xen canh cỏ Vetiver trong vườn không chỉ giúp các loại cây trồng có tốc độ tăng trưởng cao, tiết giảm được chi phí đầu vào, nâng cao năng suất cây trồng. Với những lợi ích đặc biệt mang đến cho nông nghiệp, cỏ Vetiver là một yếu tố tiềm năng cần được ứng dụng rộng rãi hơn nữa.

4. Cách trồng cỏ vetiver

Cộng sinh với cây trồng khác

Với cây ăn trái, cây công nghiệp, hoa:

Chuẩn bị cây trồng chính và 1 tép cỏ giống Vetiver, hố trồng với kích thước phù hợp.

Tiếp theo là bón lót phân hữu cơ vào hố (sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục với vi sinh), lấp lại bằng một lớp đất mỏng.

Sau đó cho cây trồng chính và cỏ Vetiver vào hố trồng, lấp đất lại và tưới nước.

Lưu ý: Trong 2 tuần đầu tiên cần tưới nước cung cấp đủ độ ẩm cần thiết cho cây cỏ sinh trưởng và phát triển một cách ổn định.

Với cây rau màu (gieo hạt):

Tiến hành trồng cỏ Vetiver trước từ 1-2 tuần, để cỏ phát triển ổn định. Sau đó tiến hành gieo hạt vào gốc cỏ.

Lưu ý: Riêng cây trồng lấy củ thì không được cộng sinh.

Trồng cỏ vetiver xung quanh tán cây ăn trái, cây công nghiệp

Tiến hành đào rãnh theo vòng tròn xung quanh tán cây với độ sâu tối thiểu là 10cm.

Sau khi đã tạo rãnh trồng cỏ xong thì tiến hành bón lót phân hữu cơ vào, lấp nhẹ đất và đặt các tép cỏ vào rãnh, mỗi tép cỏ cách nhau 20cm. Cuối cùng, dùng xẻng lấp chặt đất xung quanh tép cỏ vừa trồng theo phương thẳng đứng.

Trồng cỏ vetiver xen giữa vườn cây ăn trái, vườn rau màu

Căn cứ vào khoảng cách giữa các hàng cây trồng chính trong vườn, tiến hành đào rãnh trồng cỏ với độ sâu khoảng 10cm, bón lót phân hữu cơ và lấp nhẹ đất. Sau đó đặt các tép cỏ vào, mỗi tép cỏ cách nhau 20cm rồi lấp chặt đất xung quanh và tưới nước giữ ẩm.

Trồng theo các hàng đồng mức

Chuẩn bị rãnh trồng cỏ theo các hàng có khoảng cách bằng nhau (mỗi hàng cách nhau 1m – 1,2m) bón lót sẵn phân hữu cơ.

Sau đó đặt các tép cỏ vào rãnh, mỗi tép cách nhau 20cm và lấp đất chặt xung quanh, sau đó tưới nước giữ ẩm.

Lưu ý: Nếu rễ cỏ giống dài thì nên cắt ngắn bớt, còn lại khoảng 10cm.

Chăm sóc:

Tưới nước đầy đủ cho cỏ vào giai đoạn đầu.

Khi cỏ phát triển cao trên 50cm tiến hành cắt cỏ để lấy sinh khối.

Nguồn ảnh: Anh Ngô Đức Thọ (Tho Ngo)

>> Đọc thêm: Biện pháp quản lý cỏ dại hợp lý để canh tác hiệu quả

Đặt hàng cây giống cỏ vetiver tại đây

Vân Hồng

Xem thêm về: Các loại cây nên có trong vườn, Cỏ cải tạo đất

Danh mục: Các loại cây cỏ cải tạo đất, Cách cải tạo đất