Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh viêm phế quản là gì?
Sau khi hỏi về các dấu hiệu viêm phế quản đang xảy ra, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để lắng nghe kỹ tiếng phổi khi thở. Các bài kiểm tra tiếp theo cũng sẽ được đề nghị, bao gồm:
- Chụp X-quang ngực: Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện những biểu hiện bất thường trong phế quản cũng như phổi
- Các xét nghiệm đờm: Mẫu dịch từ phổi hoặc phế quản sẽ được lấy để phân tích và tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng tại đây.
- Kiểm tra chức năng phổi: Mục tiêu của thủ thuật này là đo lượng không khí mà phổi có thể giữ được và tốc độ không khí được đẩy ra khỏi phổi. Việc áp dụng phương pháp kiểm tra chức năng phổi sẽ giúp bác sĩ kiểm tra dấu hiệu của bệnh hen suyễn hoặc khí phế thũng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm phế quản?
Nếu nhận được chẩn đoán bị viêm phế quản, hẳn bạn rất băn khoăn muốn biết cách chữa viêm phế quản là dùng thuốc gì phải không? Câu trả lời là còn tùy thuộc vào tình trạng của bạn là cấp tính hay mãn tính.
Trường hợp bị viêm phế quản cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc giúp giảm các triệu chứng, bao gồm:
- Kháng sinh: Thực tế, nhóm thuốc này không đem lại lợi ích đáng kể trong việc chữa viêm phế quản, nhưng bác sĩ có thể chỉ định cho bạn để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn nếu khả năng kháng thuốc của bạn thấp
- Thuốc trị ho: thường dùng trong điều trị viêm phế quản có dấu hiệu ho quá nhiều nhằm ngăn chặn rủi ro tổn thương cổ họng và phế quản của người bệnh, đồng thời khắc phục tình trạng mất ngủ do ho.
- Các loại thuốc khác: Nếu bạn bị dị ứng, hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bác sĩ có thể chỉ định một ống thuốc hít và các thuốc khác để giúp giảm viêm và các thuốc chống co thắt đường hô hấp.
Ngược lại, đối với trường hợp viêm phế quản mãn tính, bạn cần phải tiến hành phục hồi chức năng. Liệu pháp này thường là một chương trình tập thể dục được thiết kế phù hợp, giúp bạn thở dễ dàng hơn và tăng khả năng vận động.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt ngăn ngừa rủi ro mắc bệnh viêm phế quản là gì?
Một số thay đổi nhỏ trong lối sinh hoạt hàng ngày sau đây có thể giúp giảm thiểu nguy cơ bị bệnh viêm phế quản ở trẻ em và cả người lớn. Chúng bao gồm:
- Bỏ thuốc lá
- Không ở gần người đang hút thuốc nhằm tránh nguy cơ hút thuốc lá thụ động
- Đeo khẩu trang, mặt nạ chuyên dụng khi làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm hoặc khi dọn dẹp nhà cửa
- Sử dụng máy làm ẩm. Không khí ấm áp với độ ẩm phù hợp có thể giúp giảm ho và làm lỏng chất nhầy tích tụ trong phế quản.
Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.