Polyglot
Một người được coi là “polyglot” nếu có khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ. Có thể rất nhiều người đã quen với khái niệm “bilingual – khả năng sử dụng 2 ngôn ngữ”, hay “trilingual – khả năng sử dụng 3 ngôn ngữ”, nhưng cụm từ polyglot này chắc hẳn còn xa lạ với phần lớn. Cụm từ “polyglot” được tạo thành bởi tiền tố “poly-” – mang nghĩa là “nhiều“ – và hậu tố “-glot” mang nghĩa “khả năng nói và viết một ngôn ngữ” bắt nguồn từ một từ tiếng Hy Lạp “glôtta” mang nghĩa “lưỡi”.
Tuy nhiên, cách mọi người định lượng về “poly” vẫn còn nhiều tranh cãi. Bao nhiêu thì là “nhiều”? Bản thân tiền tố “poly-” chỉ mang ý nghĩa “hai hoặc nhiều hơn”, nên không thể định nghĩa một cách chính xác một người phải biết bao nhiêu ngôn ngữ để có thể trở thành một “polyglot” thực sự. Ngoài ra, số lượng ngôn ngữ cũng không thể quan trọng bằng khả năng một người có thể vận dụng ngôn ngữ mình đã biết; chẳng hạn một người có thể tự hào nói mình sử dụng được 10 ngôn ngữ khác nhau, nhưng chắc chắn mức độ sử dụng được của 10 ngôn ngữ này sẽ không tương đồng. Khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng có thể bị mai một theo thời gian, cũng như bị ảnh hưởng rất lớn từ việc học các ngôn ngữ khác. Việc duy trì được những ngôn ngữ đã học là một việc rất khó, và khả năng được công nhận là “sử dụng tốt” một ngôn ngữ cũng thay đổi theo thời gian, nên những người đam mê ngôn ngữ rất khó hay ít khi tự xác nhận khả năng của bản thân, vì chắc ai cũng vậy thôi, con người luôn luôn chú ý tới những gì mình không có hơn là những gì mình đang có trong tay.
Với người Việt Nam, có thể nói được 2 hoặc nhiều ngoại ngữ là một điều tương đối ấn tượng, nhưng đây là chuyện rất bình thường với rất nhiều vùng trên thế giới. Rất nhiều người sinh ra ở các nước châu Âu có thể sử dụng hoàn toàn tự do 3 tới 4 ngôn ngữ, vì từ lúc nhỏ họ đã có thể sử dụng 2 thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Việc có thể suy nghĩ bằng 2 thứ tiếng từ lúc nhỏ chắc chắn sẽ giúp họ học một ngôn ngữ mới đơn giản hơn rất nhiều so với những người chỉ quen suy nghĩ bị giới hạn bởi cách tư duy của một thứ tiếng.
Tương tự như vậy, có lý thuyết cho rằng, với những người học ngôn ngữ một cách tích cực, và cố gắng tích luỹ và tối ưu cách học ngôn ngữ của mình qua thời gian, thì một ngôn ngữ mới họ học được sẽ tốn ít thời gian và công sức hơn. Các ngôn ngữ có nhiều nét giống nhau (về ngữ pháp, phát âm, mặt chữ), ví dụ như Anh-Đức-Pháp hay Trung-Nhật-Hàn, cũng có thể giúp người học tiếp thu nhanh hơn. Điều này cũng có nghĩa là sẽ tồn tại một thời điểm nào đó mà ngôn ngữ tiếp theo họ học sẽ hiệu quả hơn hẳn so với một người bình thường bắt đầu làm quen với một ngôn ngữ mới.
Tiến sĩ Alexander Arguelles, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ có thể sử dụng khoảng hơn 38 ngôn ngữ với trên 93% khả năng theo thang đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ, đã đưa ra một con số xác định cho polyglot là 6. Tiến sĩ cho rằng từ ngôn ngữ thứ 6, người học sẽ có một bước đột phá trong việc học ngôn ngữ dựa trên những kinh nghiệm tích luỹ từ các ngôn ngữ trước. Để thật sự sử dụng được một ngôn ngữ đòi hỏi người học phải tìm tòi và tự thay đổi mình trên suốt hành trình. Đương nhiên ai cũng có thể nhận thấy sự khác nhau giữa biết một ngôn ngữ và có thể sử dụng ngôn ngữ đó, mà vế sau yêu cầu người học tự phát triển phương pháp tiếp cận và lối tư duy khác nhau cho các hệ ngôn ngữ khác nhau.
Con đường tiến đến polyglot của mình
Cảm giác của bản thân mình khi bắt gặp cụm từ polyglot này một vài năm trước chắc cũng giống hệt như khoảnh khắc “Eureka! Tìm ra rồi!” của nhà bác học Acsimet vậy. Cụm từ này cũng gần như đã trở thành kim chỉ nam cho mình, cũng là phao cứu sinh cho mình trong vòng một vài năm trở lại đây. Nói ra thì có thể hơi buồn cười, nhưng đúng là những lúc nào buồn chán hoặc mất phương hướng, mình lại lao đầu vào học ngôn ngữ, hoặc lúc nào cảm thấy lạc lõng cô đơn, mình lại cố gắng tư duy bằng một ngôn ngữ khác, mọi chuyện có vẻ sẽ trở nên ổn hơn một chút.
Mình không chắc bây giờ có thể tự coi bản thân như thế này hay không, nhưng xuất phát điểm của mình là dân chuyên Toán, cũng đã từng có thời điểm mất ăn mất ngủ vì không giải được một bài toán khó, hay ganh đua với các bạn trong các cuộc thi chuyên chọn. Bắt đầu từ năm lớp 11 mình mới học tiếng Anh một cách nghiêm túc, và khi bắt đầu vào đại học là tiếng Nhật. Vậy nên thật sự khoảng thời gian mình dành cho ngôn ngữ không nhiều, và xuất phát điểm của mình không thực sự tốt (có rất nhiều thời điểm mình đã ước mình sinh ra trong gia đình sử dụng 2 ngôn ngữ lol), nhưng do mình thích, và mình luôn cố gắng trên con đường này, nên hi vọng không có gì là không thể. Mình sẽ luôn cố gắng để có thể hoàn thành mục tiêu polyglot trước năm 30 tuổi :). Các con số cũng chẳng mang ý nghĩa gì nhiều, nhưng có một cái đích cụ thể vẫn hơn là không ha.
Trước giờ mình chỉ coi đây là thú vui nhỏ, công cụ xả stress của bản thân thôi (cũng như việc vào game rồi chém giết xả bực vậy). Rồi một lần chia sẻ trên facebook, một anh trong danh sách bạn bè đã khuyên mình nên chia sẻ nhiều hơn, biết đâu thông tin mình chia sẻ được lại giúp ích cho người khác thì sao. Mình chợt nghĩ tới tại sao không làm blog chia sẻ nhỉ ^^
Hi vọng cụm từ “polyglot” và bài viết này có thể mang tới cảm hứng để bắt đầu hành trình học ngôn ngữ cho bất kì ai đang đọc, giống như mình đã bắt đầu con đường này một vài năm trước vậy. Mọi người có thể tìm thấy những chia sẻ kinh nghiệm mà mình đã, đang và sẽ học các ngôn ngữ này ở trang này. Thay vì nói mình đang học ngôn ngữ, mình đang cố gắng trải nghiệm rất nhiều cách khác nhau để làm chủ được một ngôn ngữ, và mục tiêu đó của mình thể hiện ở việc mình có thể giao tiếp được, đọc sách được và có một chứng chỉ ngôn ngữ để xác nhận khả năng của mình. Vậy nên, có thể nói những trải nghiệm của mình sẽ rất riêng, rất đa dạng, và mình vẫn đang trên con đường thể nghiệm nhiều phương hướng mới, nên rất vui nếu có thể nhận được bất kì góp ý và chia sẻ nào ;).
Tokyo
Một ngày mưa và rất nhiều chuyện không vui lắm 🙂