Văn học nghệ thuật và chức năng – Tiến sĩ Lâm Vinh

Văn học nghệ thuật là gì

Kỷ niệm 20 năm (1997 – 2017)bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ khoa học Ngữ vănThành kính tri ân và dâng tặng các thầy đã khuất:Lê Đình Kỵ, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Trần Thanh Đạm, Tô Vũ Dâng tặng song thân

Lời giới thiệu

Năm ấy tôi đúng 60 tuổi, “cũng lều, cũng chõng, cũng đi thi”, bạn hữu và học trò ngạc nhiên không ít. Với tôi, đó là một cố gắng cuối cùng để “kỷ niệm” trước khi về hưu. Anh em du học đó đây, mình không đi đâu, đành cố gắng kiếm một tấm bằng nội địa. Nhưng công việc bận rộn, tôi cất bản luận án và quên đi. Khi tìm được thì tài liệu đã quá cũ, rách nát nhiều. May sao, tôi đến thư viện Đại học Sư phạm vẫn thấy còn lưu giữ bản luận án của tôi. Tôi nhờ photo và cho in lại, xuất bản thành cuốn sách này.

…Tôi viết luận án trong thời gian – không gian bao cấp: bao cấp về vật chất và tinh thần. Người làm khoa học xã hội chỉ có được tài liệu bao cấp của Liên Xô và Đông Âu. Bức tường chiến tranh lạnh ngăn chặn những kiến thức từ phương Tây không cho lọt vào đất thánh xã hội chủ nghĩa. Phải trung thành tuyệt đối chủ nghĩa duy vật, bài xích mọi thứ tư tưởng duy tâm. Vì vậy, khi cần đến một cuốn Mỹ học của Hegel, tôi phải xin đọc nhờ bản dịch (do Phan Ngọc) in rônêô của một tủ sách “nghiên cứu nội bộ”[1]*. Hegel không được xuất bản chính thức, vì duy tâm. Kant lại càng không được. Nhưng chuyện đã cũ, thời ấy hình như đã qua rồi. Năm 1996, năm tôi viết xong luận án, cũng là năm “mở cửa”, “cởi trói”. Và sau đó một năm, 1997, khi tôi trình luận án trước hội đồng thì hai tập Mỹ học Hegel được cho xuất bản chính thức.

Nói cho công bằng, trong rủi có may. Luận án của tôi thuộc ngành lý luận văn học, lý luận mỹ học. Mỹ học thời Xô Viết là một nền mỹ học tuy có những quan niệm thiên lệch, nhưng khá phong phú và nghiêm túc. Nhà nước Xô Viết rất quan tâm đến vấn đề giáo dục thẩm mỹ cho toàn dân nên khuyến khích nghiên cứu và xuất bản các loại sách mỹ học. Ngay cả các tác gia kinh điển như Kant, Hegel… vẫn được dịch ra tiếng Nga để xuất bản. Trên thực tế, trước khi Liên Xô tan rã, chế độ Xô Viết sụp đổ, các khuynh hướng mới và tác phẩm mới về lý luận khoa học xã hội của phương Tây đã từng được thâm nhập vào Nga (cách phân biệt theo sơ đồ quang phổ trong luận văn này là phỏng theo một tuyển tập của Lôtman về phương pháp chính xác trong nghiên cứu nghệ thuật). Tôi viết luận án trên cơ sở tham khảo các tác giả Nga và Xô Viết, đến nay vẫn thấy an tâm và biết ơn họ (Vưgotxkij, Kagan, Timopheev, Pospelov,…)

Nhưng vấn đề tư liệu tham khảo dù quý hiếm đến đâu cũng chỉ góp được một phần giá trị của luận án. Công trình nghiên cứu phải có một hệ thống luận điểm riêng. Tôi không dám khẳng định điều này nếu tôi không nhận được những lời đánh giá của các thầy các bạn (Xin xem phần cuối sách).

[1] * Bản Mỹ học Hegel trong thư mục của sách này là bản in roneo lưu hành nội bộ.

Mục tiêu cuối cùng của bản luận án là khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật, trả lời câu hỏi: Nghệ thuật là gì? Thế nào là sáng tạo nghệ thuật?

Để đạt được mục tiêu đó, tôi dùng phương pháp phân loại học, hình thái học nghệ thuật. Để phân loại, tôi chọn tiêu chí chức năng (chức năng luận).

Lấy hoạt động thẩm mỹ của con người trong thực tiễn đời sống (tôi gọi là hoạt động mỹ hóa – từ dùng của Lỗ Tấn) từ cả hai quan điểm đồng đại và lịch đại, làm cái trục chính để xem xét quá trình mỹ hóa từ dạng sơ khai đến dạng trưởng thành. Lộ trình đó diễn ra một cách khách quan cả trong lịch đại và đồng đại, đó là: Ba chặng đường mỹ hóa và hai hệ thống nghệ thuật. Nếu quan sát lịch đại, sẽ thấy quá trình đó diễn ra hàng ngàn năm, từ thời đồ đá đến thời xuất hiện nhà nước cổ đại. Nếu quan sát đồng đại, sẽ thấy ba dạng mỹ hóa đó thường xuyên diễn ra trong môi trường sống quanh ta. Mỗi chặng đường mỹ hóa được trình bày, phân tích thành một chương của luận án. Trong lộ trình mỹ hóa, nghệ thuật xuất hiện dần dần từ nghệ thuật ứng dụng đến nghệ thuật thuần túy. Quá trình lý giải đặc trưng sáng tạo của hai loại nghệ thuật này sẽ trả lời câu hỏi “Nghệ thuật là gì?”. Và không thể tránh khỏi việc cho ra đời một số khái niệm, thuật ngữ “tự tạo” để diễn đạt luận điểm mới nảy sinh (cái đẹp – phi nghệ thuật, nghệ thuật ứng dụng – lưỡng tính, nghệ thuật thuần túy – đơn tính…) kèm theo việc sơ đồ hóa kiểu hình học và dạng quang phổ…

Luận án viết cách đây đã hai mươi năm.

Hai mươi năm ấy, biết bao nhiêu tình: thời kỳ đổi mới, nhiều tư liệu – thông tin khoa học mới và cả một thế hệ các nhà khoa học được học nhiều hơn thời của chúng tôi. Vậy những luận điểm trong luận án đã lạc hậu rồi chăng? Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng mạnh dạn công bố, mong các bạn đọc xem như sự cố gắng về tư duy khoa học của một thời – thời bao cấp (!). 2017

Tác giả

Lâm Vinh

NỘI DUNG(Mục lục)

Lời giới thiệu của nhà xuất bảnLời nói đầuNhững lời nhận xét – Những lời tri âmNội dung:(Mục lục)PHÀM LỆChú thích thêm về nguồn tài liệu

PHẦN NỘI DUNG CHÍNH

Chương 1NGỌN NGUỒN LỊCH SỬ VÀ LÝ THUYẾT1. VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU HÌNH THÁI HỌC CỦA VĂN HỌC NGHỆ THUẬT2. TÌNH HÌNH PHÂN LOẠI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THEO TIÊU CHÍ CHỨC NĂNG VÀ VẤN ĐỀ PHÂN CHIA VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THÀNH HAI HỆ THỐNG3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨUChương 2VẤN ĐỀ CHỨC NĂNG VÀ TÌNH HÌNH PHÂN LOẠI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THEO CHỨC NĂNG1. CHỨC NĂNG LÀ GÌ? QUAN HỆ GIỮA ĐẶC TRƯNG – CHỨC NĂNG NGHỆ THUẬT VÀ SỰ PHÂN LOẠI NGHỆ THUẬT.1.1. Chức năng là gì? Chức năng vốn có và chức năng cần có. Quan hệ giữa chức năng nghệ thuật vốn có và vấn đề đặc trưng bản chất của nghệ thuật1.2. Chức năng là tiền đề, loại thể là hệ quả2. TÌM CHỨC NĂNG KHÁCH QUAN CỦA NGHỆ THUẬT – NHỮNG THU HOẠCH VÀ NHẬN ĐỊNH2.1. Ba mươi năm công cuộc tìm kiếm chức năng khách quan của nghệ thuật:2.2. Vậy chức năng là ở đâu?3. BA BẬC THANG THẨM MỸ HÓA VÀ SỰ PHÂN CỰC VỀ CHỨC NĂNG3.1. Từ cái đẹp – phi nghệ thuật đến nghệ thuật đơn tính:3.2. Sự phân cực về chức năng: chức năng phi nghệ thuật và chức năng nghệ thuật:3.3. Về tính chất “quang phổ” của chức năng và loại thể trong quá trình phân cực, với sự không dứt khoát của những vùng giáp ranhChương 3CHỨC NĂNG THẨM MỸ -PHI NGHỆ THUẬT1. NGHỆ THUẬT VÀ PHI NGHỆ THUẬT – TÍNH THỐNG NHẤT VÀ SỰ PHÂN BIỆT CHỨC NĂNG1.1. Trường thẩm mỹ – phi nghệ thuật, cái nôi nuôi dưỡng những hình thức nghệ thuật đầu tiên.1.2. Khoa học và nghệ thuật – vấn đề Einstein- Dostoevskij:2. TÍNH TẠO HÌNH VÀ BIỂU HIỆN TRONG VĂN BẢN KHOA HỌC, CHÍNH LUẬN VÀ NGHỆ THUẬTChương 4CHỨC NĂNG THẨM MỸ – NGHỆ THUẬT ĐƠN TÍNH 1511. ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN KHI TÌM ĐẾN ĐẶC TRƯNG NGHỆ THUẬT1.1. Tìm một thước đo1.2. Đặc trưng – nghiêng về chủ thể – Chủ thể là ai?1.3. Hình mẫu: từ âm nhạc và thơ2. NHỮNG QUY LUẬT ĐẶC TRƯNG VÀ CƠ CHẾ CỦA TÂM LÝ SÁNG TẠO2.1. Quy luật chủ thể hóa nghệ thuật2.2. Quy luật tình cảm – cảm xúc2.3. Quy luật tưởng tượng – hư cấu2.4. Tâm thế tự do – quy luật và điều kiện sản sinh nghệ thuật3. ĐẶC TRƯNG VỀ CẤU TRÚC CỦA TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT ĐƠN TÍNH3.1. Từ cấu trúc của “tế bào” hình tượng3.2. Tác phẩm NTĐT – một chỉnh thể thống nhất, toàn vẹn, hài hòa.Chương 5CHỨC NĂNG THẨM MỸ -NGHỆ THUẬT LƯỠNG TÍNH1. NGHỆ THUẬT LƯỠNG TÍNH VÀ VĂN HỌC LƯỠNG TÍNH1.1 Suy từ nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật “kiến trúc tính”1.2. Sự ra đời của các hình thức văn học lưỡng tính đầu tiên: Văn học dân gian1.3. Sự ra đời của các hình thức văn học lưỡng tính trong văn học viết2. NHỮNG ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC NGHỆ THUẬT LƯỠNG TÍNH2.1. Những đặc trưng về chức năng2.2. Những đặc trưng sinh thành và vận động3. SỰ TUÂN THỦ MỘT PHẦN NHỮNG QUY LUẬT CỦA SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT: (quy luật chủ thể hóa nghệ thuật, quy luật tình cảm, quy luật tưởng tượng hư cấu)3.1. Trước tiên, chuyển từ lĩnh vực lý tính sang cảm tính bằng những thủ pháp đơn thuần hình thức: nhạc, vần, hình ảnh:3.2. Yếu tố chủ thể – cá thể, cái tôi nghệ thuật được thể hiện ở giọng điệu, thái độ tình cảm của người viết3.3. Về quy luật tưởng tượng – hư cấu4. ĐẶC TRƯNG VỀ CẤU TRÚC CỦA TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT LƯỠNG TÍNH4.1. Quan niệm của Hegel về cấu trúc của nghệ thuật tượng trưng 2884.2. Những đặc trưng về cấu trúc của tác phẩm văn học nghệ thuật lưỡng tính. 2925. PHÂN LOẠI TÁC PHẨM VĂN HỌC LƯỠNG TÍNH 309TỔNG KẾT PHÂN LOẠICÁC BẢNG DANH MỤC PHÂN CHIA LOẠI HÌNH LOẠI THỂ CỦA NGHỆ THUẬTTÍNH THẨM MỸ ĐẶC THÙ CỦA CÁC NHÓM NGHỆ THUẬT ĐƠN TÍNHKẾT LUẬN

PHẦN CUỐI

Những lời nhận xét – Những lời tri âm (Phần tiếp theo)PHỤ LỤCPhụ lục 1Phụ lục 2Phụ lục 3Phụ lục 4MỤC LỤC CÁC SƠ ĐỒTHƯ MỤC

Văn học nghệ thuật & chức năng

(lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật)

Trích đoạn 3

Những lời nhận xét – Những lời tri âm

Lê Đình Kỵ – cố vấn khoa học

Luận án đề cập đến nhiều vấn đề vừa rất rộng, bao quát, theo hệ thống riêng, vừa mới mẻ, là kết quả của một quá trình nghiên cứu giảng dạy hơn 30 mươi năm về mỹ học và lý luận văn học, có thể coi như công trình của cả một đời. Anh Lâm Quang Vinh hết sức tâm huyết với đề tài mình đã chọn, và dồn tất cả tâm lực của anh cho luận văn được hoàn thành, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về vật chất, sức khỏe.

Với tư cách là người lãnh nhiệm vụ cố vấn khoa học, tôi tự thấy sự giúp đỡ của mình đối với công trình luận án này có bị hạn chế nhiều, vì vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi lý luận văn học, mà liên quan về nhiều mặt với mỹ học lý thuyết, mỹ học ứng dụng, không chỉ phương Tây mà cả phương Đông.

Lê Trí Viễn

  1. Đề tài hay, rộng, cần thiết, có ích cho lý thuyết về văn học, cũng như cho thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy, nhất là ở cấp trên đại học. Nó nhằm một mục đích là phân loại. Nhưng phân loại là vấn đề khó có tiếng nói cuối cùng. Bởi, khoa học ngày càng tiến, nhiều ngành khoa học lại nẩy sinh ở giáp ranh giữa các “loại” coi như đã phân giới rồi. Chân lý đạt được chỉ bằng con đường tiếp cận dần, bước tới được bước nào tốt bước ấy. Vấn đề phân loại cũng thế.
  2. Luận án này được viết rất công phu, bao quát nhiều tài liệu tiêu biểu, về lý luận văn học, mỹ học, triết học, nghệ thuật học, lịch sử văn học… và hầu hết như đã nhuần nhuyễn trong nhận thức thành xương máu của người viết nên có thể coi đây là “công trình một đời” qua nghiền ngẫm, suy tư giảng dạy và biên soạn.
  3. Lấy chức năng làm tiêu chí phân loại cũng là một cách làm có cơ sở. Mặc dù vẫn không từ bỏ cách phân loại thi pháp học từ xưa ở phương Tây, nhưng đã kinh qua sự suy nghĩ độc lập, dựng thành một hệ thống, cơ bản có sức thuyết phục, đóng góp cho khoa lý luận văn học, cho mỹ học và cho cơ chế sáng tác về cấu trúc bên trong ở từng “loại”, nghệ thuật lưỡng tính, nghệ thuật đơn tính. Cách phân loại ấy rành rõ, dễ nắm bắt, có thể vận dụng thỏa đáng. Có kết quả thiết thực về lý luận cũng như về thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy. Một số mắc míu đến nay còn chưa được gỡ ra, nay có khả năng vượt qua được một cách bình yên.

… Rất công phu, do kết quả tích lũy, nghiên cứu “cả một đời”, và mọi tiếp nhận, trải nghiệm đều được biến thành của riêng đủ căn cứ, từng khái niệm được xác định kỹ lưỡng. Nhiều vấn đề cao hơn một luận án Phó Tiến sĩ.

Hoàng Như Mai

Những luận văn về vấn đề lý thuyết văn học nghệ thuật, tôi muốn nói không chỉ các luận văn của nghiên cứu sinh mà cả những công trình của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thường có cái đặc điểm là khó đọc, cũng có thể nói thẳng là mang tính kinh viện, nặng về khái niệm, tư liệu và đó là nhược điểm. Luận án này đọc không nặng nề rối rắm mà vẫn không dung dị hóa vấn đề, vẫn đi sâu vào những ngóc ngách tinh tế cần thiết. Đối với tôi, tôi thấy các lập luận phân minh, khúc triết, tiếp nhận được đầy đủ, không khó khăn, không cảm thấy quá phức tạp.

Tôi đánh giá tốt tính chất giáo khoa của luận văn này, và điều này cũng đã giải thích: những kiến thức ở đây không còn là kiến thức vừa được sách vở cung cấp cho, có khi chưa kịp tiêu hóa; những kiến thức ấy đã được vận dụng trong giảng dạy mấy chục năm, cộng thêm với những kinh nghiệm, những suy nghĩ, những điều bổ sung, khám phá thêm của thầy giáo bạc đầu trong nghề. Tôi nghĩ rằng nguyên văn bản luận văn này có thể dùng ngay làm sách học cho sinh viên.

PGS. Trần Thanh Đạm

Tôi đã đọc luận án “Phân loại theo chức năng” với một sự quan tâm có phần đặc biệt. Nói rõ hơn đó là sự quan tâm mỗi lúc được tăng thêm, đi từ sự hoài nghi dần dần đến sự thuyết phục. Trước hết, đề tài của luận án là một đề tài về lý luận, chủ yếu có tính chất lý luận từ mục tiêu, nội dung đến phương pháp. Nếu khoa học là giả thuyết được chứng minh thì luận án này quả là một công trình khoa học. Đây cũng là một đề tài mới mẻ, không đi vào vết cũ lặp lại, lặp lại các vấn đề đã cũ, có tính chất “truyền thống”. Nghiên cứu vấn đề này, tác giả luận án có thể góp phần làm sáng tỏ thêm một vấn đề cơ bản khó khăn mà lâu nay lý luận văn học vẫn còn quanh quẩn chưa thoát ra được. Đó là vấn đề: Văn học là gì? Văn học và không phải văn học có ranh giới như thế nào? Cái gọi là tính văn học (littérarité/ literariness) của văn học với tính cách là một loại hình nghệ thuật ở chỗ nào? v.v…

Vì vậy hướng nghiên cứu cũng như kết quả nghiên cứu của luận án là rất quý, rất tốt, rất đáng hoan nghênh. Luận án là kết quả học tập, nghiền ngẫm, suy nghĩ khá lâu dài, rất đáng hoan nghênh. Luận án là kết quả học tập, nghiền ngẫm, suy nghĩ khá lâu dài, gần như suốt đời của tác giả, một người từ rất sớm đã say mê và theo đuổi môn mỹ học, một môn học rất “đỏng đảnh”, như cô gái kiêu sa làm cho nhiều người say mê song lại ít khi ban phát cho họ thành công và hạnh phúc. Tôi thấy hình như luận án này là nụ cười đầu tiên của “cô nàng” ban phát cho gã si lang là chàng Lâm Vinh. Đề tài và kết quả luận án có thể thành một chuyên đề để giảng dạy về mỹ học và lý luận văn học, có thể tu chỉnh để thành một cuốn sách nghiên cứu và tham khảo có giá trị.

Nhạc sĩ Tô Vũ

Do tính phức tạp của đối tượng, các hình thức VHNT luôn luôn có những hiện tượng nảy sinh, phát triển, ổn định rồi lại chuyển hóa, tổng hợp, phân tách, “muôn hình vạn trạng” rất khó để đưa ra những quy ước chung về tiêu chí phân biệt có thể được tất cả mọi người đồng tình. Vả lại, mục đích cứu cánh của phân loại cũng không phải là đồng nhất hoặc dễ dàng đồng nhất giữa các nhà nghiên cứu phê bình và các nhà sư phạm, giữa ngữ văn học và mỹ học. Nhưng nếu cứ để tình trạng “sứ quân” trong lĩnh vực này kéo dài mãi thì thật không thể tránh được những trở ngại lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sư phạm, đào tạo. Vì vậy, tôi thật sự hoan nghênh NCS Lâm Quang Vinh khi anh chọn lựa đề tài phân loại văn học và sử dụng phương pháp tiếp cận mỹ học và chức năng luận để xử lý đề tài đó.

Nhìn theo góc độ của một luận án với ba khâu cơ bản: đặt vấn đề, trình bày phương pháp xử lý, xác định giải pháp hay kết quả, chúng tôi cho rằng luận án P.LV.H.T.C.N của NCS. Lâm Quang Vinh là một công trình nghiên cứu công phu, đặt vấn đề rõ ràng, rành mạch, chứng minh chặt chẽ, kết luận có sức thuyết phục, có ý nghĩa ứng dụng cần thiết và kịp thời.

Mặt khác, chúng tôi cũng cảm thấy luận án trên đây của Lâm Quang Vinh hình như là vượt ra ngoài khuôn khổ một cái “thèse” quy ước, mà có dáng dấp của một công trình khoa học lý thuyết về phân loại trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Trên đây là ý kiến nhận xét của các vị giáo sư đã quá cố, còn ý kiến của các vị khác chúng tôi xin in tiếp ở phần cuối sách, theo thứ tự abc.

Văn học nghệ thuật và chức năng

Thư bạn đọc

Kính gởi: Tiến sĩ Ngữ văn Lâm Vinh Chào ông, Tôi là một độc giả rất yêu văn học Việt Nam và thích sưu tập các quyển sách hay về văn học nghệ thuật . Qua tìm hiểu tôi biết được ông có xuất bản quyển: “Văn học nghệ thuật & chức năng qua giới thiệu trên https://vansudia.net Tôi rất thích quyển sách này nên hôm nay tôi viết thư này đến ông để xin mua từ ông một quyển sách nói trên và cũng muốn xin thủ bút cùng chữ ký của ông trên sách để làm kỷ niệm với một người viết đồng thời cũng muốn làm phong phú thêm tủ sách sưu tập của mình. Mong ông giúp cho. Nếu được xin ông cho biết, tôi sẽ gởi tiền đến ông để nhận. Tôi xin chân thành cám ơn ông trước. Kính chúc ông cùng gia đình một lời chúc tốt đẹp nhất. Trân trọng chào ông.

TĐT

123/104 Châu Văn Liêm, Phường An Lạc, Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ

Trích đoạn 4

VẤN ĐỀ CHỨC NĂNG VÀ TÌNH HÌNH

PHÂN LOẠI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

THEO CHỨC NĂNG

  • Quan hệ giữa chức năng và sự phân loại. • ba bậc thang thẩm mỹ hóa. • Sự phân cực, tính quang phổ của chức năng. • Ba mươi năm tìm kiếm chức năng khách quan của nghệ thuật.
  1. CHỨC NĂNG LÀ GÌ ? QUAN HỆ GIỮA ĐẶC TRƯNG – CHỨC NĂNG NGHỆ THUẬT VÀ SỰ PHÂN LOẠI NGHỆ THUẬT

Văn học nghệ thuật là một thế giới mà con người chưa đến được tận cùng chiều sâu và chiều rộng của nó. Khi mở đầu bộ giáo trình mỹ học của mình, Hegel đã nói về đối tượng nghiên cứu của ông là “nghệ thuật, đó là vương quốc bao la của cái đẹp”

Trong sách Văn học khái luận, nhà văn Đặng Thai Mai có trích lời một nhà nghiên cứu văn học hiện đại nước Anh:

“Văn học có lẽ là một sự trạng lạ lùng hơn hết tất cả những công cuộc có ý thức của tinh thần loài người. Văn học có thể ví với một vùng biển lớn. Từ xưa đến nay, trong mấy chục thế kỷ, bao nhiêu sự thực cùng tình tứ, tư duy cùng mơ mộng, tưởng tượng và quan niệm mà các phạm trù khác của tư tưởng không biểu hiện ra được thì đều tuôn vào trong lòng biển văn học… Văn học bao hàm hết nghìn vạn hình tượng. Bờ cõi của văn học một mặt thì giáp với khoa học, một mặt gần gũi với âm nhạc, một mặt kề sát vào nghệ thuật điêu khắc, và có lúc lại muốn tiếp xúc với các lĩnh vực tôn nghiêm của tôn giáo nữa” (46:26, 27)

Vì vậy mà người ta luôn đặt câu hỏi về chức năng của văn học nghệ thuật. Nó là gì, nó có sứ mệnh gì, nó tồn tại vì lý do gì? Loay hoay suy ngẫm bàn bạc, từ cổ chí kim, người ta đưa ra những câu trả lời, mỗi câu trả lời chính là một định nghĩa, một ức đoán về chức năng. Gọi là ức đoán, vì hôm nay nói ra, hôm sau thấy khác, cần suy ngẫm lại, cần nói lại, thêm vào, rồi bớt ra.

1.1. Chức năng là gì? Chức năng vốn có và chức năng cần có. Quan hệ giữa chức năng nghệ thuật vốn có và vấn đề đặc trưng bản chất của nghệ thuật

Chức năng là “Sự thể hiện ra bên ngoài các đặc tính của một khách thể nào đó trong một hệ thống các quan hệ nhất định”[1], “là tác động của các đặc tính của một hệ thống khách thể đối với các hệ thống môi trường”[2].

[1] Từ điển Triết học, NXB Tiến Bộ, Mạc Tư Khoa, trang 96 (Bản tiếng Việt).

[2] Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập I, 1995, trang 545 (LV nhấn mạnh).

Có thể hiểu chức năng của nghệ thuật ở ba cấp độ khác nhau:

  • Thứ nhất, chức năng có ý nghĩa khái quát nhất: chức năng ý thức (nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội), chức năng hoạt động thực tiễn (nghệ thuật là một loại hoạt động tinh thần – thực tiễn). Ở cấp độ này, nghệ thuật cũng đóng vai trò như mọi hình thái ý thức và hoạt động thực tiễn khác.
  • Thứ hai, chức năng có ý nghĩa hẹp hơn: chức năng riêng, còn gọi là chức năng đặc thù của nghệ thuật. Đây là cấp độ ý nghĩa có nhiều biến động nhất, có nhiều tranh luận nhất. Bao nhiêu đặc tính, bấy nhiêu chức năng; bao nhiêu chức năng, bấy nhiêu định nghĩa về nghệ thuật. Nghệ thuật luôn luôn phát triển qua các thời đại, vậy chức năng của nó cũng vừa tĩnh, vừa động, không phải nhất thành bất biến.

Hai cấp độ trên đây, phạm trù chức năng hoàn toàn là một phạm trù khách quan, là chức năng vốn có, được sản sinh trong quá trình lịch sử tự nhiên của nghệ thuật. Nhưng phạm trù chức năng còn có cấp độ thứ ba mang tính chủ quan rõ rệt.

  • Thứ ba, chức năng có ý nghĩa hẹp nhất, và cụ thể nhất, một thứ chức năng cần có, được định hướng, thậm chí được quy định bởi một khuynh hướng, một trường phái triết học, đạo đức, chính trị tôn giáo, nghệ thuật (Văn dĩ tải đạo, thi ngôn chí, văn học là nhân học, văn học là vũ khí, v.v).

Cả ba cấp độ chức năng nói trên đều là đối tượng nghiên cứu của công trình này, vì theo suy luận: đặc trưng, chức năng là tiền đề, loại thể là hệ quả. Mỗi dạng chức năng nghệ thuật sẽ sản sinh những loại thể tương ứng nhằm thực hiện tối đa yêu cầu mà chức năng đã đặt ra. Vậy có thể nói rằng, có mối quan hệ nhân quả giữa đặc trưng – chức năng và loại thể: đặc trưng, chức năng là tiền đề, loại thể là hệ quả. Chức năng là cánh cửa đầu tiên của đặc trưng nghệ thuật: những hình thức, loại hình, loại thể hiện ra phong phú trước mắt ta.

Hình thái học cần làm rõ ba khu vực chức năng: chức năng phi nghệ thuật, chức năng “tiền nghệ thuật”, “nửa nghệ thuật”, và chức năng nghệ thuật. Về văn học, ba khu vực này sản sinh ra ba hình thức văn học: văn thường, văn đẹp, văn nghệ thuật.

Qua hai câu định nghĩa về chức năng của hai cuốn từ điển, ta thấy có sự thống nhất khi nói về chức năng, chức năng chính là những đặc tính của khách thể (không phải sự quy định từ chủ thể), chức năng chính là những đặc tính của khách thể đó được thể hiện hoặc tác động đến môi trường.

Nếu lịch sử đã vận động và sản sinh ra những hình thái hoạt động khác nhau của con người, thì nghệ thuật cũng ra đời như vậy, và chức năng của nó là do lịch sử phát triển tự nhiên mà có, không phải do lực lượng nào, con người nào, dù là con người tài ba xuất chúng, phong tặng trao gởi chức năng cho nó. Nói giản đơn, chức năng nghệ thuật bao giờ cũng là chức năng vốn có, không thể là chức năng cần có, chức năng áp đặt. Nghiên cứu nghệ thuật và văn học trên quan điểm khách quan, khoa học là tìm ra chức năng tự nhiên – vốn có của nó. Cũng vì vậy, trong hàng chục công trình mỹ học nước ngoài xuất bản trong vòng ba thập kỷ qua, chức năng của nghệ thuật được trình bày nhiều cách, và nói chung là không giống nhau, chứng tỏ rằng chức năng vốn có của nghệ thuật vẫn còn là vấn đề đang tìm tòi nghiên cứu.

Tuy nhiên, không phải là không có những trường hợp văn học nghệ thuật phải mang những nhiệm vụ chức năng do sự quy định của con người, những chức năng cần có. Đó là sự quy định bởi khuynh hướng triết học, chính trị hay đạo đức, của một giai cấp, một tập đoàn xã hội hay một khuynh hướng xã hội nào đó. Như trường hợp “Văn dĩ tải đạo”, “Thi ngôn chí”, là những quan niệm về chức năng thuộc ý thức hệ Nho giáo thời trung đại phong kiến phương Đông.

Vậy chức năng của văn học nghệ thuật là một vấn đề vừa mang tính khoa học khách quan, vừa mang tính chủ quan. Nay nghiên cứu về hình thái học nghệ thuât, một phương diện gọi là hệ quả của đặc trưng nghệ thuật, của chức năng nghệ thuật, cần tìm hiểu cả hai tính chất trên của vấn đề chức năng.

Thế nào là mối quan hệ giữa chức năng với những vấn đề đặc trưng nghệ thuật nói chung?

Càng ngày càng có những phát hiện về đặc trưng của nghệ thuật, một trong những phát hiện quan trọng là chức năng, là tính đa chức năng của nghệ thuật (polifonction). Có thể hình dung nghệ thuật như một khối ngọc bích có nhiều mặt cắt, đó là những chức năng, mỗi mặt tỏa một thứ ánh sáng khác nhau, nhưng nhìn từ xa vẫn thấy chung một vừng sáng nhiều màu huyền ảo.

Nghệ thuật khi được xem như tiếng nói tình cảm của con người, khi là thông điệp gởi đến các thế hệ, khi là sách giáo khoa của đời sống, khi là bộ nhớ xã hội, khi là lời dự báo, v.v. Có thể kể ra rất nhiều và rất nhiều những mệnh đề như thế khi mỗi người tùy theo góc độ nhận thức của mình, mà quy vào đặc tính của nghệ thuật. Do đó mà người ta nói đến tính đa năng, đa nghĩa, đa chức năng. Cứ mỗi lần nhắc đến một đặc tính của nghệ thuật, đều phải bắt đầu bằng nhóm từ: “Nghệ thuật là…”, như bắt đầu một định nghĩa, đồng thời như bắt đầu kể một chức năng của nghệ thuật. Do đó có thể nói đặc trưng bản chất của nghệ thuật đầu tiên được xác định ở phạm trù chức năng. Nói cách khác, mỗi chức năng bộc lộ một đặc tính của nghệ thuật, thể hiện và tác động đến môi trường xung quanh. Không phải ngẫu nhiên mà trong một tác phẩm lấy tên là: “Nghệ thuật là gì”, nhà văn L.Tolstoi đã dẫn ra gần bảy chục định nghĩa do ông rút ra từ những luận văn khác nhau – từ thời Baumgarten đến cuối thế kỷ XIX, và ông đã kết luận rằng, trong số đó, không một định nghĩa nào thể hiện được bản chất thực sự của nghệ thuật.

Chức năng là những đặc tính của nghệ thuật thể hiện trong môi trường, tác động đến môi trường. Vậy chức năng chính cũng là mục đích của nghệ thuật. Nói văn học có chức năng nhận thức cũng chính là nói văn học có mục tiêu nhận thức xã hội và cung ứng nhận thức cho con người. Khi khẳng định chức năng, cũng chính là tìm được đối tượng: Văn học là nhân học, vậy đối tượng của văn học trước hết là con người. Phát hiện ra chức năng, cũng sẽ tìm ra nguồn gốc: Khi nhận ra văn học nghệ thuật có đa chức năng, thì không thể khẳng định lao động là nguồn gốc duy nhất sinh ra nó. Và khi hỏi chức năng của nghệ thuật sẽ thực thi như thế nào, bằng cách nào, tất phải đi tìm tới phạm trù hình tượng, rồi điển hình. Suy luận này còn có thể tiếp tục được nữa, để thấy vị trí đặc biệt của khái niệm chức năng. Chức năng – đối tượng – mục đích của nghệ thuật là ba khái niệm có quan hệ chặt chẽ, hữu cơ, như mối quan hệ nhân quả. Với đề mục Chức năng nghệ thuật, trong cuốn “Mỹ học”, I. Borev đã nhấn mạnh vấn đề “Sự thống nhất giữa đối tượng và mục đích của nghệ thuật” (7b178). M.Markov (trong sách “Nghệ thuật là một quá trình”) thì cho rằng đối tượng của lý luận nghệ thuật gồm ba vấn đề cơ bản: đối tượng, chức năng và phương thức tư duy nghệ thuật, và cho rằng phát hiện đối tượng đồng thời cũng đã phát hiện được chức năng của nghệ thuật (22)[1].

[1] Cũng cần phân biệt: Khái niệm đối tượng và chức năng ở đây chỉ dùng trên bình diện rộng. Nghệ thuật là một hình thái ý thức, một loại hoạt động tinh thần – thực tiễn, không sử dụng ở những cấp độ cụ thể (đối tượng, chức năng của một loại thể, một tác phẩm).

1.2. Chức năng là tiền đề, loại thể là hệ quả

Ai cũng nhớ khi một nhà thơ lãng mạn ca lên rằng:

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió

Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây

… …

Thì sau đó, có những câu thơ khác đáp lại:

Nếu thi sĩ là ru với gió

… Là tai ương chướng họa của nhân quần.

Chức năng của nhà thơ là gì? Làm thơ để làm gì? Mỗi bài thơ trên thể hiện một khuynh hướng nghệ thuật, đồng thời cũng là quan niệm nhân sinh, một khuynh hướng chính trị – xã hội.

Khi nói đến tính khuynh hướng về chức năng văn học nghệ thuật là hiểu khái niệm chức năng theo nghĩa hẹp, chức năng ấy chỉ liên quan đến một bộ phận nào đó trong thế giới nghệ thuật. Thông thường, ý nghĩa chức năng loại này được quy định theo khuynh hướng mỹ học thuộc hệ thống triết học – chính trị – đạo đức nào đó. Cũng từ đó nảy sinh những loại thể văn học nghệ thuật chịu sự định hướng của những quan điểm hẹp về chức năng, đến lượt loại thể cũng phải gò theo lối định hướng hẹp đó. Như quan niệm phân biệt đẳng cấp của các thể loại và đề tài, chẳng hạn Chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỷ XVII.

Không thể suy luận máy móc về quan hệ nhân quả của chức năng và loại thể, cho rằng chức năng trực tiếp sinh ra loại thể. Nhưng có thể quan sát trong lịch sử văn học nghệ thuật ta thấy được loại thể của tác phẩm nghệ thuật cụ thể chính là hiện thực hóa, vật chất hóa những mục tiêu – chức năng của nghệ thuật. Càng là những chức năng có tính khuynh hướng chủ quan, càng thấy rõ điều đó.

Khi nghiên cứu về chức năng khách quan của nghệ thuật ta không thể thiên lệch về một khuynh hướng xã hội hay một khuynh hướng trường phái nghệ thuật nào (như khuynh hướng Nho giáo, khuynh hướng của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực). Chức năng khách quan là sự tổng hòa, sự hội tụ nhiều khuynh hướng khác nhau, tạo nên tính đa dạng về chức năng, và từ đó cũng có tính đa dạng về loại thể. Nếu chỉ thiên về một khuynh hướng, sẽ thấy rõ tính đơn điệu về loại thể. Sau đây sẽ lấy một số thí dụ :

Chức năng “Văn dĩ tải đạo” (Văn để chở đạo). Dù khi đến Việt Nam, chức năng này được hiểu rộng hơn, mềm dẻo hơn cái gốc Tống Nho của nó, nhưng dù sao văn vẫn là để chở đạo, như Lê Quý Đôn đã nói: “Vô luận cổ văn hay kim văn, tuy thể loại và câu văn có khác nhau, nhưng đại để đều phải có nội dung là đạo. Có nội dung ấy thì văn chương phát đạt, không thì hỗn loạn” (84:103).

Từ sự định hướng này, văn học thời phong kiến thiên về những thể loại ít nhiều minh họa cho quan niệm về đạo.

Giáo sư Lê Trí Viễn cho rằng, “đối chiếu với các quan niệm khoa học của phương Bắc, sẽ dễ dàng thấy sự sáng tạo của văn học ta” – không theo các quan niệm “minh đạo”, “tải đạo”, “quán đạo” một cách máy móc, “văn học là tiếng nói của một thứ đạo lớn nhất ở Việt Nam là đạo yêu nước thương dân” (108:225). Dù có sự sáng tạo ấy thì vẫn là nền văn học thiên về một khuynh hướng chức năng hẹp.

  • Chức năng “Văn học là tấm gương”, “Nhà văn là thư ký thời đại”: Đây là quan niệm của mỹ học duy vật tiên tiến thời cận đại, là sự khẳng định của bản thân các nhà văn hiện thực về sứ mệnh của văn học. Từ đó đã sản sinh thể sử thi của thời đại, thể tiểu thuyết hiện thực, phản ánh cuộc sống phong phú đa dạng không mang tính minh họa.
    • Chức năng “Vì một thế giới khác, vì một cuộc sống từ bên trong” của mỹ học lãng mạn, đưa đến những tiểu thuyết lãng mạn của V. Huygo, G. Byron, thơ trữ tình tình cảm của Lamartine, Châteaubriand, những tiểu thuyết và thơ lãng mạn Việt Nam.
    • Chức năng “Văn học là vũ khí” là quan điểm chức năng của các lực lượng văn nghệ cách mạng, đang đấu tranh cho tự do. Ở nước ngoài, đó là các nhà văn thời tiền cách mạng Pháp, các nhà văn dân chủ cách mạng Nga. Ở Việt Nam, đó là văn học của các thời kỳ chống xâm lược thời cận hiện đại, tiêu biểu như văn chương Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh,… Các loại truyện luận đề về đường lối cách mạng, thơ ca kêu gọi đấu tranh và tuyên truyền cách mạng đáp ứng yêu cầu chức năng này.

    Trong bộ đề thi tuyển sinh đại học (phát hành năm 1993) có ba lần dẫn lời nói các nhà văn để ra đề bình luận về mục đích chức năng của văn học:

    “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác và làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam).

    “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” (Nam Cao).

    “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời” (Vũ Trọng Phụng).

    Phát biểu trên của các nhà văn (trực tiếp hoặc thông qua lời nhân vật) thể hiện rõ mục đích viết văn thuộc khuynh hướng hiện thực phê phán. Trong hoàn cảnh xã hội nào đó, đây là khuynh hướng tích cực nhất đòi hỏi văn chương nghệ thuật thực hiện sứ mệnh cao cả của mình đối với xã hội, đối với việc giải phóng con người, không chỉ ở Việt Nam giai đoạn lịch sử 1930 – 1945, mà ở tất cả mọi nơi trên thế giới, nơi nào có tồn tại áp bức bất công. Nhưng nếu chỉ thiên về phương hướng đó để giảng dạy cho học sinh về mục đích chức năng của văn học nghệ thuật thì sẽ có sự hiểu biết phiến diện. Vì ngoài “cái thế giới giả dối và tàn ác”, ngoài “ánh trăng lừa dối”, ngoài “sự thật” cần tố cáo, còn có nhiều điều khác trong ba vùng hiện thực (quá khứ, hiện tại, tương lai) mà văn học nghệ thuật cần quan tâm tới, chưa nói trong thế giới tinh thần của con người còn chứa nhiều suy tư và khát vọng, không chỉ có sự đau khổ. Hoạt động văn học nghệ thuật có những mục tiêu sâu rộng, có chức năng khách quan và bao trùm lên mọi thời gian và không gian, mọi khuynh hướng và hình thức nghệ thuật.

    (Còn tiếp)