“Mỗi người Phật tử đều phải học cách sống, thực tập tu Lục hòa. Tôn trọng nhau, biết kính trên nhường dưới, nhường nhịn nhau. Một tập thể, dù là tu sĩ hay Phật tử tại gia, nếu giữ được sự hòa hợp, đoàn kết thì tập thể đó mới có sức mạnh, mới đi đến thành công”. – Trích lời Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng Pháp ngày 10/11/2019 (nhằm ngày 14/10 Kỷ Hợi).Hòa thuận là yếu tố quan trọng hơn hết trong mọi công việc, mọi tổ chức đoàn thể. Một gia đình biết sống hòa thuận thì gia đình có hạnh phúc, đất nước hoà bình thì nước nhà được bền vững và dài lâu. Mọi người biết sống hòa hợp thì thế giới sẽ không còn chiến tranh, binh đao, loạn lạc. Chính vì sự quan trọng của nếp sống hòa thuận, Đức Phật đã vì lòng từ bi thương xót chúng sinh nên đã chỉ dạy pháp Lục hòa kính. Pháp tu Lục hòa là sáu phép hòa hợp, hòa kính được Đức Phật thuyết cho Tăng chúng và Phật tử tu hành, giúp đời sống được hạnh phúc, an vui.
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng Pháp
1. Phép Lục hòa thứ nhất: Thân hòa đồng trụ
Khi chúng ta cùng chung sống, sinh hoạt tại một trú xứ, tu tập dưới một mái chùa thì cần phải xem nhau như người trong gia đình. Phật tử cùng tu tập một chùa, dưới sự giáo dưỡng của một Thầy phải yêu thương, đoàn kết, bảo bọc nhau. Trong bài Pháp, Sư Phụ chia sẻ với đại chúng: “Chúng ta cùng tu tập, sinh hoạt ở một nơi, một trú xứ. Do đó, chúng ta cần phải hòa hợp, vui vẻ với nhau. Chúng ta không phải là quân thù của nhau. Như quân nước này sang nước kia xâm lấn. Mà chúng ta ở cùng một chùa, cùng một Thầy. Thân ấy phải hòa, đừng xích mích, ác hại nhau. Đó là thân hòa đồng trụ”. Quả đúng như vậy, Phật tử đang tu học dưới sự giáo dưỡng và dạy dỗ của Sư Phụ và Đại Tăng chùa Ba Vàng, cần phải biết nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau để cùng hộ trì Tam Bảo. Đạo tràng này với đạo tràng kia cũng cần nâng đỡ nhau để cùng tiến bộ, không nên vì đạo tràng này mạnh hơn mà ghen tỵ hoặc đạo tràng kia yếu hơn mà xem thường. Các Phật tử sách tấn lẫn nhau, ý thức được việc hộ trì Tam Bảo, tinh tấn trong các duyên phận sự để chư Tăng tập trung tu tập, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chính mình và những người xung quanh.
Phật tử chùa Ba Vàng hân hoan khi được làm việc cùng nhau
2. Phép Lục hòa thứ hai: Khẩu hòa vô tranh
Khi chúng ta sống chung trong một tập thể, vì tính cách mỗi người khác nhau nên sẽ không tránh khỏi những lầm lỗi. Thế nên, chúng ta cần phải thận trọng trong giao tiếp, vì lời nói khi đã nói ra không thể rút lại được. Lời nói có thể mang lại an vui hạnh phúc, cũng có thể mang lại nỗi khổ niềm đau. Người xưa có căn dặn rằng trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần, chính là phải cẩn thận trong khi nói. Vì thế người đệ tử Phật giữ gìn ngũ giới, nên cẩn ngôn, nói lời chân thật, tốt đẹp với mọi người. Nếu có một vấn đề cần tranh luận, thì nên lấy lời dạy của Phật để giải quyết trên tinh thần hòa hợp, lục hòa. Sư Phụ chỉ dạy: “Tranh đấu và tranh luận là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Trong nhà Phật, chúng ta được phép tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề. Còn tranh đấu là thể hiện bản ngã, cái “tôi” thông qua lời nói, hành động tàn sát, thóa mạ nhau để tranh giành phần thắng về mình. Một tập thể muốn hòa hợp thì mỗi cá nhân phải tự ý thức giữ gìn “khẩu nghiệp”, nói lời ái ngữ, hòa kính; tâm phải ngay chính, trung thực, vì có tu tâm mới biết tu khẩu. Đó là khẩu hòa vô tranh”. Sư Phụ cũng nhắc nhở đại chúng sự tranh luận phải đưa đến lợi ích cho số đông, khuyến khích điều thiện, ngăn giữ điều ác, hướng tới lợi ích chung của tập thể, không nên tranh đấu để bảo vệ quan điểm cá nhân của mình.
3. Phép Lục hòa thứ ba: Ý hòa đồng duyệt
Chúng ta sinh tử trong luân hồi từ vô thủy kiếp đến nay. Mỗi người huân tập vô số các nghiệp, các hạt giống chủng tử khác nhau vào trong tâm thức. Người huân tập tính sân nhiều, nhưng cũng có người huân tập tính dục, tính tham nhiều. Đó là nghiệp riêng của mỗi người. Ai cũng nhìn thế giới qua lăng kính “nghiệp” của mình. Cho nên, biết được tâm ý mỗi người khác nhau như vậy; chúng ta muốn sống trong tập thể được vui vẻ thì phải tu ý được thuận hòa, chấp nhận các ý kiến của tất cả mọi người. Để được như vậy, mỗi khi cần hội họp, chúng ta không nên vội vàng cho rằng ý kiến của mình là đúng, ý kiến của người khác là sai, rồi ép buộc mọi người phải theo ý kiến của mình. Mà thay vào đó là tôn trọng ý kiến của mọi người, suy xét ý kiến nào là đúng nhất, lợi ích nhất thì cùng làm theo. Trong buổi Pháp thoại, Sư Phụ chỉ dạy đại chúng ứng dụng vào đời sống: “Đồng duyệt có nghĩa là vui vẻ, tâm ý đại chúng phải vui vẻ, nhường nhịn nhau. Trong cuộc sống gia đình, chồng giận thì vợ phải biết giữ ý, đừng đổ thêm dầu vào lửa, hờn giận, oán trách và làm mất đi sự tôn trọng lẫn nhau. Trong đạo tràng, mình cũng phải biết nhường nhịn đạo hữu, ví như lên xe chỗ tốt thì dành cho người khác, mình hoan hỷ ngồi chỗ không tốt đó cũng là ý hòa”. Đặc biệt có những người làm lãnh đạo thường hay bảo thủ khăng khăng ý kiến của mình, từ đó hội chúng dễ đổ vỡ, rối loạn. Một cơ quan, đoàn thể biết thực hành tinh thần lục hòa thì công việc sẽ luôn suôn sẻ, tốt đẹp. Ở đâu có sự hòa hợp, ở đó có sự hộ trì chư Thiên, Hộ Pháp. Do vậy, mà giá trị của sự hòa hợp, đoàn kết rất quan trọng.
4. Phép Lục hòa thứ tư: Giới hòa đồng giữ
Có câu: “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, ý nói sống trong một quốc gia thì mỗi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ Pháp luật, luật lệ của đất nước. Thành viên của tổ chức nào thì phải tuân thủ quy định của tổ chức đó. Một tổ chức không có quy định thì tổ chức ấy sẽ sớm tan rã vì không ai tôn trọng ai, không làm việc theo một quy chuẩn, quỹ đạo chung. Cũng vậy, người đệ tử Phật phải luôn giữ gìn giới luật và thực hành lời Phật dạy. Giữ giới sẽ được phước báu, được hạnh phúc, an vui; nhưng ra khỏi giới là xa rời đại chúng, đưa đến quả báo đau khổ. Do vậy, Đức Phật trước khi nhập diệt đã căn dặn chúng đệ tử phải “lấy giới làm Thầy”. Sư Phụ nhắc nhở đại chúng: “Tất cả trong chúng cùng tu giới của Phật; đồng hàng với nhau thì phải cùng giữ giới: Sa Di giữ 10 giới, Tỳ Kheo 250 giới, Tỳ Kheo Ni 348 giới. Đại chúng cùng bảo nhau giữ giới Phật tu hành và hàng ngày kiểm giới, kiểm tâm tu hành, để Phật Pháp được xương minh. Nếu không giữ giới thì Phật Pháp suy đồi, tan hoại”. Theo giới luật Phật dạy, người cư sĩ tại gia giữ 5 giới, và giữ trọn 8 giới trong ngày Tu bát quan trai. Giới vừa là Thầy, vừa là điểm tựa vững chắc của người tu hành trước những cám dỗ, dục lạc tầm thường của thế gian.
Đối với hàng Tỳ Kheo Tăng chùa Ba Vàng phải giữ 250 giới
Đối với hàng Tỳ Kheo Ni chùa Ba Vàng giữ 348 giới
5. Phép Lục hòa thứ năm: Kiến hòa đồng giải
Đối với một vấn đề, các thành viên tu tập trong đạo tràng phải dựa trên lời Phật dạy, lời chỉ dạy của chư Tăng, đưa ra ý kiến trao đổi, giảng giải cho mọi người; cùng phân tích các ý kiến về các mặt lợi – hại, mức độ hiệu quả, cho đến khi tất cả mọi người cùng thống nhất chung; ý kiến nào tốt nhất, hiệu quả nhất, đem lại lợi ích cao nhất thì đại chúng cùng làm theo hướng giải quyết đó. Sư Phụ chỉ dạy: “Khi họp bàn các Phật tử phải để mọi người phát biểu ý kiến thoải mái, đừng vì ý kiến của người ta khác với mình mà mình sinh ra hờn giận, đấu tranh. Mỗi người ý kiến khác nhau nhưng phải lấy sự hòa là chính. Dù ý kiến trái chiều nhau, chúng ta vẫn hòa, hoặc chưa biết cách giải quyết thì bảo lưu ý kiến, đến khi có người đủ thẩm quyền thì giải quyết; không nên vì ý kiến khác nhau mà sinh ra mâu thuẫn, cãi nhau…”. Theo đó, Đức Phật chỉ dạy “Y Pháp bất y nhân”, nghĩa là luôn nương tựa vào Pháp của Phật, chứ không nương tựa vào bản thân một người nào cả. Trên tinh thần dựa trên Pháp Phật, đại chúng cùng đưa ra ý kiến đóng góp sẽ tránh gây ra các tranh chấp không cần thiết, hoặc đưa ra lời nói vô nghĩa, không có tính giải quyết hiệu quả cao.
6. Phép Lục hòa thứ sáu: Lợi hòa đồng quân
Lợi dưỡng, lợi lộc khiến cho nhiều đoàn thể dễ xảy ra mâu thuẫn. Nếu chúng ta không biết tư duy, khéo léo trong việc phân chia lợi dưỡng thì hội chúng dễ dàng xảy ra mâu thuẫn, xích mích với nhau. Là người đệ tử Phật thực hành theo pháp Lợi hòa đồng quân, thì khi có phần lợi dưỡng chúng ta phải chia đều, để mọi người đều được hưởng phần lợi dưỡng ấy. Nhưng chia đều không có nghĩa là ai cũng giống như ai, mà phải dựa trên tinh thần vui vẻ hoan hỷ, bình đẳng, người nhỏ thì dùng ít hơn, người làm việc nặng, làm nhiều thì chia nhiều hơn một chút thì khiến ai cũng vui vẻ hoan hỷ. Sư Phụ chia sẻ: “Ở trong chùa, đã là người xuất gia, đều là đệ tử Phật thì những phẩm vật đàn na tín thí cúng dường là của chung. Các phẩm vật cúng dường trong Tam Bảo thì người Trụ trì phải chia cho hợp lý. Đồng quân có nghĩa là chia đều, nhưng không có nghĩa là cào bằng; bình quân trên tinh thần hòa thuận, vui vẻ, chứ không phải xắt ra đều nhau. Ví dụ trong gia đình, có người thân đi chơi xa mua quà về. Nếu chia đều ra từ ông bà đến con cháu thì không đủ. Cả nhà nhất trí cúng dường lên cho ông bà thì đó cũng là chia đều, bình quân, đều vui vẻ, hoan hỷ. Lục hòa trong lợi hòa đồng quân là dựa trên tinh thần vui vẻ, hoan hỷ như vậy”.
Các bạn khóa sinh trong CLB Tuổi Trẻ Ba Vàng được phân chia những phần vật thực cúng dường đều nhau để ai cũng đều được sớt bát cúng dường tới Tăng đoàn
Sáu Pháp tu Lục hòa dựa trên nền tảng sự hòa hợp và tôn kính lẫn nhau, cho mọi ứng xử trong Đạo lẫn đời mà người đệ tử Phật cần học tập và nghiêm túc thực hành. Với tâm nguyện mang ánh sáng Phật Pháp đến với tất cả chúng sinh, Sư Phụ đã cố gắng tạo nên một môi trường như thời Phật còn tại thế, để Tăng chúng và đệ tử tại gia được tu học thuận lợi. Sư Phụ sách tấn đại chúng: “Chùa mình có thành lập CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa để đại chúng tham gia cùng nhau tu tập Phật Pháp. Chúng ta thực hành Phật Pháp và phải thấy được lợi ích thiết thực cho mình, cho mọi người trong việc thực hành Phật Pháp. Anh, chị, em trong đạo tràng phải hòa hợp, yêu thương lẫn nhau thì chúng ta mới sách tấn nhau thực hành Pháp được. Nếu người lãnh đạo chỉ thích nói Pháp suông, nói cho hay, không thực hành tinh thần lục hòa thì không ai tin mình nữa; đạo tràng không hòa hợp thì không tiến bộ tu tập được. Cho nên, các anh, chị, em trong đạo tràng hòa được với nhau, trong CLB hòa được với nhau thì đấy là sự thực tập rất chân thật. Trong Tăng chúng cũng vậy, một tập thể Tăng chúng tốt phải hòa hợp. Trong nội bộ Tăng chúng mà lục đục, mâu thuẫn thì đó chưa phải là một Tăng chúng tốt”. Mong rằng các Phật tử trong các đạo tràng hãy ứng dụng Pháp tu Lục hòa vào trong đời sống cũng như trong tu tập để làm lợi ích cho gia đình, đạo tràng, xã hội, đất nước mình được an vui, hạnh phúc.
Đức Tín – Liên Tú