Làm gì khi say cà phê?

Làm gì khi say cà phê?

Death before decaf là gì

CFRR – Cà phê là một loại thức uống giúp tỉnh táo, tăng sự tập trung nhưng uống quá nhiều bạn cũng sẽ bị say

Cà phê sớm đã nằm trong danh sách những loại thức uống với khả năng tăng cường năng lượng, duy trì sự tỉnh táo, tập trung, và vui vẻ. Ngoài việc kích thích thần kinh trung ương thì uống cà phê vừa phải khoảng hai đến ba tách mỗi ngày giúp tăng sự tỉnh táo thì uống cà phê còn có các tác dụng có lợi cho sức khỏe như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh alzheimer, bệnh parkinson, có liên quan đến giảm nguy cơ trầm cảm, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, nâng cao hiệu suất hoạt động của các vận động viên. Tuy rằng cà phê có các tác dụng tích cực cho sức khỏe nhưng không có nghĩa ai cũng nên uống, vì khả năng hấp thụ và chuyển hóa ở mỗi cá nhân là khác nhau đặc biệt là các trường hợp phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, trẻ em, thanh thiếu niên và những người có tình trạng sức khỏe nhất định không phù hợp để uống cà phê.

Say cà phê là gì?

Đa phần chúng ta đều thích một tách cà phê mạnh mẽ, đầy hương thơm vào mỗi buổi sáng, và có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể suốt cà ngày. Tuy nhiên lạm dụng cà phê như việc uống nhiều hơn ba tách cà phê mỗi ngày và uống trong lúc đói rất nhiều người sẽ rơi vào trạng thái lo lắng, hồi hộp, tim đập nhanh, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy. Tất cả các dấu hiệu đó cho thấy rằng bạn đã “say cà phê” hay “say caffeine” thông qua các biểu hiện của cơ thể thể hiện rằng hàm lượng caffeine bạn tiêu thụ đã vượt quá ngưỡng giới hạn dung nạp caffeine trung bình và gây ra các tác dụng phụ cho cơ thể.

Tách cà phê nóng. Ảnh: fullcoffeeroast

Dấu hiệu của việc say cà phê

Vào những năm 1800, trà và cà phê được coi là thức uống cung cấp caffeine, cùng với các sản phẩm soda có chứa caffeine xâm nhập vào thị trường, từ đó khái niệm về đồ uống có chứa caffeine đã trở nên phổ biến. Trong các khuyến cáo của FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ), và EFSA (Bộ Y tế Canada và cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu) đều xác định rằng tổng hàm lượng caffeine hàng ngày là dưới 400mg không có nguy cơ gây hại nghiêm trọng nào cho người lớn, đối với trẻ em và thanh thiếu niên không vượt quá 2.5mg/kg, đối với phụ nữ có thai an toàn ở mức 200mg.

Trong một tách cà phê espresso thông thường từ 30-50g có nồng độ caffeine khoảng 65-120mg hàm lượng caffeine này sẽ phụ thuộc vào nguồn gốc hạt, rang xay, nhiệt độ nước, thời gian pha,…Hàm lượng caffeine ở mức an toàn cho người lớn khỏe mạnh sẽ phải thấp hơn 400mg mỗi ngày (tương đương khoảng ba tách cà phê), nhưng một số trường hợp đặc biệt tiêu thụ dưới hàm lượng an toàn vẫn gây ra hiện tượng loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim. Các dấu hiệu khi hàm lượng caffeine xảy ra tác dụng tích cực hoặc tác dụng phụ trong tiêu thụ với từng cá thể sẽ có sự khác biệt nhau.

Tại sao lại cảm thấy say khi uống cà phê?

Cà phê cũng tiềm ẩn những rủi ro mà phần lớn là do hàm lượng caffeine cao gây ra.Ngoài cà phê thì caffeine cũng có trong hơn 60 loài thực vật được tìm thấy trong tự nhiên như trà, hạt cacao, hạt guarana, mate và kola… đã được con người tiêu thụ hàng ngàn năm thông qua sự ghi nhận về việc tiêu thụ trà sớm nhất tại Trung Quốc vào năm 2737 trước công nguyên. Theo truyền thuyết về sự ra đời và phát triển của cà phê ghi nhận đầu tiên được tiêu thụ khoảng thế kỷ thứ 9 ở Ethiopia hoặc cực nam bán đảo Ả Rập bởi một người chăn cừu.

Nhìn chung, có hơn 25 chất chuyển hóa đã được xác định sau khi sử dụng caffeine, chứng tỏ quá trình chuyển hóa khá phức tạp trong cơ thể. Trong đó, thì sự chuyển hóa thành paraxanthine chiếm khoảng 80%, theobromine chiếm khoảng 12%, và theophylline chiếm khoảng 4%.

Caffeine được phân bố khắp cơ thể sau khi được hấp thụ qua đường tiêu hóa, qua màng tế bào, thâm nhập vào hàng rào máu não mà sự dung nạp caffeine trong cơ thể sẽ còn phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe… Caffeine trong cà phê sẽ làm cho tim đập nhanh hơn, khiến bạn cảm thấy lo lắng, và chóng mặt. Caffeine được hấp thu nhanh và hoàn toàn có thể đạt đến 99% từ ruột non sau khi uống, và uống cà phê nhanh khi đói bụng thì khả năng hấp thụ caffeine sẽ cao hơn so với việc uống cà phê chầm chậm và tiêu thụ cùng lúc với thức ăn hoặc các loại đồ uống khác. Sau khi uống từ 30 đến 120 phút là thời gian mà caffeine trải qua quá trình chuyển hóa và đạt nồng độ cao nhất trong huyết tương. Các phản ứng hấp thụ và chuyển hóa caffeine trong cơ thể sẽ dẫn đến trạng thái say cà phê.

Nếu bạn hiếm khi tiêu thụ caffeine, cơ thể của bạn có thể đặc biệt nhạy cảm với nó, vì vậy hãy tránh tiêu thụ quá nhiều cùng một lúc. Ngay cả khi bạn thường xuyên tiêu thụ một lượng lớn caffeine, bạn nên dừng lại khi cảm thấy bất kỳ triệu chứng khó chịu nào.

Cách xử lý khi say caffeine

Cách xử lý caffeine khi bị say nhằm mục đích đưa lượng caffeine ra khỏi cơ thể thông qua việc giảm các triệu chứng khi say, dưới đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng khi say cà phê.

ham-luong-caffeine trong-cac-loai-do-uong
Hàm lượng caffeine trong các loại đồ uống. Ảnh: infinitefitnesspro
  • Không dùng thêm caffeine: điều này gần như là dĩ nhiên khi bạn sẽ không uống thêm tách cà phê nào nữa, nhưng lưu ý rằng caffeine không chỉ có ở cà phê mà còn ở cacao, sô cô la hoặc trà hay một số loại thực phẩm khác.
  • Uống thật nhiều nước: khi bạn thấy đã có đầy đủ các triệu chứng của say cà phê thì điều cần làm là uống thật nhiều nước lọc, nếu được thì trong 10 phút uống từ 1 đến 1.2 lít nước. Việc này sẽ giúp lượng caffeine được pha loãng và hòa tan nhanh chóng trong cơ thể, uống nhiều nước sẽ giúp bài tiết ra bên ngoài bằng đường tiểu và bù nước cho cơ thể.
  • Uống trà gừng pha ấm sẽ làm cho cơ thể bạn nóng lên, toát mồ hôi cũng là một cách để bài tiết lượng caffeine ra bên ngoài, ngoài ra gừng còn có tác dụng làm giảm lượng caffeine.
  • Vận động nhiều hơn: uống cà phê trong tình trạng đói hoặc ít vận động sẽ dễ dẫn đến tình trạng say cà phê, nên nếu có thể hãy vận động nhẹ nhàng hoặc tập những bài tập đơn giản giúp bài tiết caffeine ra ngoài.
  • Ăn nhiều tinh bột: trong trường hợp say cà phê hãy cố gắng ăn những thực phẩm giàu tinh bột như cơm hoặc bánh mì, lượng tinh bột bạn ăn sẽ có thể bão hòa được lượng caffeine, giúp làm giảm các triệu chứng say cà phê đáng kể.
  • Hít thở đều đặn là một cách đơn giản để có thể giảm triệu chứng căng thẳng, bồn chồn khi bị say cà phê. Cách hít thở được khuyến khích là hít bằng mũi trong 4 giây, giữ lại ở lồng ngực 7 giây sau đó, và thở ra bằng miệng trong khoảng 8 giây.

Những cách uống cà phê tránh bị say

Uống với liều lượng vừa phải

Để ngăn ngừa quá liều caffeine điều đầu tiên là tránh dung nạp quá mức (trên 400mg/ngày) và phải thấp hơn nhiều đối với những người nhạy cảm với caffeine.

Không uống cà phê cùng với rượu hoặc thuốc

Để tránh tình trạng say cà phê, bạn không nên dùng cà phê pha trộn với rượu bia, hoặc uống cùng với thuốc, một số loại thuốc sẽ có thể tương tác với cà phê sẽ gây hại cho sức khỏe đặc biệt là tim mạch và nặng hơn là ngộ độc. Hoặc bạn có thể lựa chọn uống cà phê khoảng 2-3 tiếng sau khi uống thuốc.

Chuyển sang decaf

Nếu bạn là người nhạy cảm với caffeine nhưng vẫn thích những hương vị có trong cà phê, bạn có thể lựa chọn chuyển sang decaf để có thể giảm sự dung nạp caffeine trong cơ thể và tránh tình trạng say cà phê.

Những cách uống cà phê có thể gây hại cho sức khỏe

Uống quá nhiều cà phê

Mặc dù cà phê đã được xem là thức uống hàng ngày nhưng việc lạm dụng quá mức, thường xuyên tiêu thụ một lượng caffeine quá mức độ an toàn sẽ gặp nhiều vấn đề liên quan đến giấc ngủ, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa, luôn có cảm giác lo âu, căng thẳng dẫn đến giảm hiệu suất làm việc, và tăng mức độ trầm cảm.

Uống cà phê quá sớm hoặc quá muộn

Các chuyên gia khuyến cáo không nên uống cà phê vào lúc sáng sớm khi vừa mới thức dậy, trong cơ thể sẽ có một lượng hormone cortisol ở mức cao nhất giúp bạn có thể tỉnh táo một cách tự nhiên. Và uống cà phê quá muộn, lượng caffeine cần một khoảng thời gian dài để có thể bài tiết ra bên ngoài sẽ gây khó ngủ hoặc mất ngủ cho bạn. Vì vậy, thời gian thích hợp uống cà phê là vào buổi sáng khoảng 9 đến 12 giờ.

Uống khi còn quá nóng

Cà phê sau khi pha thường nằm ở mức nhiệt độ khoảng 65-85OC, và nhiều người uống cà phê đánh giá hương vị tốt hơn khi cà phê được uống nóng. Tuy nhiên, WHO đã đưa ra cảnh báo về việc uống đồ nóng quá 65OC có nguy cơ mắc ung thư thực quản.

Uống khi đang căng thẳng

Trong trường hợp bạn đang căng thẳng, bạn tiêu thụ thêm một lượng cà phê, caffeine trong cà phê sẽ kích thích hệ thần kinh gây mệt mỏi, rối loạn nhận thức và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Uống khi mất ngủ

Không thể phủ nhận một trong những lí do làm cho cà phê được nhiều người yêu thích là do sự tỉnh táo mà nó mang lại, nhưng trong tình trạng bạn ngủ ít hơn 5 tiếng trong 3 ngày liên tục thì caffeine không còn ý nghĩa gì dù bạn có uống với lượng nhiều hơn, vì việc thiếu ngủ sẽ làm giảm đáng kể khả năng nhận thức và tập trung.

Uống với nhiều đường, sữa

Lượng đường quá nhiều trong máu, nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bên cạnh đó còn là tình trạng tăng cân, béo phì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Kết luận

Cà phê là một thức uống có lịch sử lâu đời và tiếp tục phổ biến với số lượng tiêu thụ đáng kể trên khắp thế giới nhưng việc uống loại đồ uống này cũng chỉ nên vào những thời điểm thích hợp và ở một mức hợp lý với cơ thể mỗi người để đảm bảo không bị ảnh hưởng tới sức khỏe của mình.

Nguồn tham khảo

Benowitz NL, Jacob P, 3rd, Mayan H, Denaro C. Sympathomimetic effects of paraxanthine and caffeine in humans. Clin Pharmacol Ther. 1995;58:684-91.

Chou CC, Vickroy TW. Antagonism of adenosine receptors by caffeine and caffeine metabolites in equine forebrain tissues. Am J Vet Res. 2003;64:216-24.

Guerreiro S, Toulorge D, Hirsch E, Marien M, Sokoloff P, Michel PP. Paraxanthine, the primary metabolite of caffeine, provides protection against dopaminergic cell death via stimulation of ryanodine receptor channels. Mol Pharmacol. 2008;74:980-9.

Undem BJ. Pharmacotherapy of asthma. In: Brunton LL, Lazo JS, Parker KL, editors. Goodman & Gilman’s The pharmacological basis of therapeutics. 11th ed. New York: McGraw-Hill Professional; 2005. pp. 727-36.

Winston AP, Hardwick E, Jaberi N (2005). “Neuropsychiatric effects of caffeine”. Advances in Psychiatric Treatment. 11 (6): 432-439. doi:10.1192/apt.11.6.432

www.rightasrain.uwmedicine.org/body/food/too-much-caffeine

www.healthline.com/health/caffeine-overdose