Hệ thống thông tin là gì? Cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành này sẽ làm những công việc nào? Cơ hội việc làm đối với ngành này có cao không? Nếu bạn đang bị “bao vây” bởi hàng loạt những câu hỏi trên, hãy đọc bài viết dưới đây và bạn sẽ được sáng tỏ.
Hệ thống thông tin là gì?
Hệ thống thông tin là một tập hợp nhiều yếu tố có mối liên hệ mật thiết với nhau, tạo thành một chỉnh thể. Các yếu tố này vô cùng đa dạng, tạo nên khối dữ liệu không lồ và cấu thành từng lĩnh vực hệ thống thông tin nhất định. Có thể kể đến như hệ thống các trường đại học, hệ thống truyền thông, hệ thống giao thông…
Các thành phần của một hệ thống thông tin nói chung có thể là phần tử vật chất như máy móc, thiết bị, lực lượng nhân sự, các phòng ban… Đồng thời, hệ thống thông tin cũng bao gồm các phần tử phi vật chất như lượng dữ liệu (data), các quy tắc xử lý, thủ tục, quy trình thu thập thông tin…
Trước đây, khi công nghệ máy tính chưa phát triển, hệ thống thông tin chủ yếu được thu thập và lưu trữ bằng giấy bút, văn bản, tủ lưu trữ hồ sơ. Ngày nay, hầu như tất cả dữ liệu của hệ thống thông tin đều được cập nhật vào phần cứng hoặc phần mềm lưu trữ trên máy tính và được quản lý tự động hóa.
Đặc trưng của hệ thống thông tin là gì?
Ngoài hiểu được khái niệm “Hệ thống thông tin” là gì, bạn cũng cần phải biết các đặc trưng của hệ thống này. Cụ thể:
Hệ thống thông tin được lưu trữ trên máy tính
Với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu, hệ thống thông tin được xây dựng và lưu trữ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Chẳng hạn như các hệ thống siêu máy tính với bộ nhớ khủng, các phần cứng và phần mềm quản lý khối dữ liệu chung…
Hệ thống thông tin có tính phân nhánh
Trên thực tế, một hệ thống thông tin lớn bao gồm nhiều nhánh con, gọi là hệ thống thông tin phân nhánh. Vậy tính phân nhánh của hệ thống thông tin là gì?
Chúng ta có thể hiểu như sau: Mỗi nhánh con trong hệ thống có mối liên hệ mật thiết, được kết nối và tương tác qua lại lẫn nhau. Mỗi khi người quản lý cập nhật dữ liệu trên một nhánh con bất kỳ sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến hệ thống dữ liệu của các nhánh con còn lại, cũng như thay đổi dữ liệu hệ thống thông tin chung. Cũng như vậy, khi thực hiện truy xuất dữ liệu của hệ thống thông tin con, người quản lý cần lưu tâm đến mối quan hệ lẫn nhau giữa các hệ thống phân nhánh.
Hệ thống thông tin có thể thay đổi
Hệ thống thông tin là một dạng hệ thống có kết cấu “mềm dẻo” và linh hoạt. Sở dĩ có thể nói như vậy là vì chúng luôn luôn thay đổi, luôn luôn phát triển từng ngày, từng giờ, thậm chí từng giây. Nói cách khác hệ thống thông tin luôn được cập nhật và mở rộng để phù hợp với sự biến đổi và phát triển của tổ chức.
Hệ thống thông tin có cấu trúc như thế nào?
Để hình dung được cấu trúc của hệ thống thông tin là gì, bạn có thể tưởng tượng nó giống như một chiếc máy tính. Nghĩa là nó chứa đựng 3 thành phần quan trọng, gồm:
Phần cứng: Là những thiết bị hoặc các phương tiện kỹ thuật dùng để lưu trữ và xử lý thông tin như máy tính, thiết bị ngoại vi…
Phần mềm: Bao gồm nhũng ứng dụng, chương trình, phần mềm chuyên dụng… giúp người dùng dễ dàng cập nhật, quản lý và kiểm soát dữ liệu.
Dữ liệu: Là tập hợp thông tin được thu thập, thống kê, xử lý và nhập vào hệ thống thông tin.
Chuyên ngành đào tạo Hệ thống thông tin là gì?
Trên đây là những nội dung khái quát xoay quanh khái niệm hệ thống thông tin là gì. Những đặc điểm này được xem là nền tảng để đào tạo chuyên ngành hệ thống thông tin. Vậy cụ thể chuyên ngành Hệ thống thông tin đào tạo kiến thức và kỹ năng nào?
Chuyên ngành đào tạo Hệ thống thông tin hướng đến mục tiêu đào tạo các cử nhân có khả năng thu thập thông tin, thống kê và khai thác các khía cạnh thuộc lĩnh vực thông tin. Cử nhân sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có khả năng nắm vững kiến thức chuyên ngành và được thực hành rèn luyện kỹ năng thông thạo. Khi đó họ sẽ có nhiều cơ hội để ứng tuyển vào các công ty ở nhiều vị trí khác nhau.
Nếu bạn đang ấp ủ dự định học ngành này, bạn cần tìm hiểu các khối thi vào chuyên ngành Hệ thống thông tin. Dưới đây là những khối thi được xét tuyển vào ngành Hệ thống thông tin ở các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc:
– Khối A00: Toán – Lý – Hóa
– Khối A01: Toán – Lý – Anh
– Khối C01: Văn – Toán – Lý
– Khối D01: Văn – Toán – Anh
– Khối D10: Toán – Địa – Anh
– Khối D96: Toán – Anh – Khoa học xã hội
– Khối D90: Toán – Anh – Khoa học tự nhiên
– Khối D07: Toán – Hóa – Anh
Điểm chuẩn trung bình của ngành Hệ thống thông tin trong các năm gần đây dao động từ 16 – 22 điểm tùy theo từng trường và từng khu vực.
Cơ hội việc làm đối với chuyên ngành Hệ thống thông tin
Như đã đề cập ở trên, Hệ thống thông tin là một trong những chuyên ngành mới và “hot” hiện nay, có nhu cầu về nhân lực cao và cơ hội việc làm rộng mở. Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia dự đoán trong năm 2021 nước ta cần đến hơn 1 triệu nhân lực tại các vị trí việc làm trọng điểm thuộc ngành Hệ thống thông tin.
Học ngành Hệ thống thông tin ra trường làm gì?
Đa số phụ huynh và học sinh đều băn khoăn không biết việc làm cụ thể sau này khi học Hệ thống thông tin là gì. Trên thực tế, đây là một ngành học sẽ mang đến cho bạn nhiều vị trí việc làm đa dạng tại các công ty. Tiêu biểu là:
Lập trình viên
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống thông tin, tân cử nhân hoàn toàn có thể nộp đơn ứng tuyển ở vị trí Lập trình viên – một trong những vị trí việc làm được các doanh nghiệp săn đón nhất hiện nay. Lập trình viên sẽ làm những công việc như tối ưu hóa dữ liệu, viết phần mềm mới, cải thiện phần mềm cũ, sửa lỗi dữ liệu phát sinh, xử lý các trục trặc trên hệ thống máy tính…
Kỹ sư quản lý hệ thống
Bên cạnh lập trình viên, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống thông tin còn có thể ứng tuyển làm Kỹ sư quản lý hệ thống mạng thông tin tại các công ty. Với vai trò là quản lý mạng, các kỹ sư thông tin có trách nhiệm thiết kế phần mềm, vận hành, giám sát và sửa lỗi hệ thống thông tin mạng… Bên cạnh đó, họ còn phải ngăn chặn sự xâm nhập và đánh cắp dữ liệu từ hacker, đảm bảo bảo mật tuyệt đối dữ liệu thông tin cho công ty.
Giảng viên về Hệ thống thông tin máy tính
Với những sinh viên tốt nghiệp cầm trong tay tấm bằng giỏi, thành tích học tập ấn tượng và yêu thích giảng dạy hoàn toàn có thể chuyển hướng sang làm giảng viên. Bạn có thể giảng dạy các phân môn liên quan đến chuyên ngành Hệ thống thông tin máy tính tại trường đại học, cao đẳng như: Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, Ngôn ngữ lập trình C, Kiến trúc máy tính…
Ngoài ra còn có rất nhiều vị trí việc làm khác cho bạn tha hồ lựa chọn như: Tư vấn viên (hỗ trợ các lãnh đạo, quản lý phòng ban ra quyết định), Quản trị cơ sở dữ liệu, Quản trị hệ thống thông tin trong tổ chức…
Trên đây là những chia sẻ cụ thể về khái niệm Hệ thống thông tin là gì cũng như chuyên ngành học có liên quan. Mong rằng với sự chọn lọc và giới thiệu với những thông tin khái quát, ngắn gọn trên, Careerlink đã đem đến cho bạn đọc cái nhìn tổng quan, chính xác về ngành nghề. Chúc bạn sớm có được định hướng tốt nhất cho tương lai.
Pha Lê