Ngày 20-25/10/1986: Đảng bộ Hải Hưng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V tại thị xã Hải Dương, 505 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 115 nghìn đảng viên về dự. Đại hội nghiên cứu, quán triệt góp ý với dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI, xây dựng những nhiệm vụ mục tiêu kinh tế-xã hội và các biện pháp thực hiện trong 5 năm (1986-1990).
Đồng chí Phạm Văn Đồng làm việc với các đồng chí lãnh đạotỉnh Hải Hưng, tháng 10-1980
Đại hội lần thứ V của Đảng bộ tỉnh yêu cầu phải đạt được bước đổi mới quan trọng trên các lĩnh vực như: đổi mới tư duy nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đối mới tổ chức và cán bộ. Đại hội đề ra bước đi trong những năm tiếp theo là: tập trung lực lượng thực hiện cho được ba chương trình quan trọng nhất về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng xuất khẩu. Đồng thời có chủ trương biện pháp tích cực đẩy mạnh việc xây dựng nền văn hóa mới, con người xã hội chủ nghĩa, phát huy truyền thống tốt đẹp của địa phương, củng cố quốc phòng an ninh, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, kiện toàn bộ máy tổ chức, đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ mới gồm 56 đồng chí, trong đó có 13 đồng chí là ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí, đồng chí Lê Đức Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Ngày 13-15/4/1986: Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa V họp Hội nghị lần thứ 3 bàn về quyết định chương trình lương thực, thực phẩm đến năm 1990. Hội nghị đề ra mục tiêu phấn đấu chính trên các mặt trận sản xuất lúa, màu, phát triển cây thực phẩm, trồng cây công nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi. Để đạt được mục tiêu này, Hội nghị đề ra phương châm: áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới là điều có ý nghĩa quyết định.
Ngày 14-15/7/1987: Hải Hưng tổ chức Hội thảo khoa học kỹ thuật phục vụ 3 chương trình kinh tế lớn của tỉnh. Hội thảo có 20 ý kiến tham luận của Ủy ban khoa học kỹ thuật, các ngành và các cơ sở sản xuất nêu rõ tiềm năng và tình hình sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Các tham luận cũng đưa ra các hướng đi, mục tiêu và các biện pháp tăng cường khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, vào các ngành, các cơ sở để phục vụ tích cực ba chương trình kinh tế lớn đến năm 1990.
Ngày 15/9/1987: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 373 ban hành “Bản quy định về tổ chức quản lý và chính sách khuyến khích phát triển kinh tế gia đình trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ kỹ thuật”. Bản quy định gồm 8 điều với mục đích khuyến khích tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình nhằm khai thác mọi tiềm năng của địa phương như đất đai, lao động, ngành nghề thủ công truyền thống để phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ kỹ thuật, tạo thêm sản phẩm cho xã hội, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nhân dân và người lao động.
Ngày 16/10/1987: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Chỉ thị số 45 về thực hiện triệt để tiết kiệm. Chỉ thị chỉ rõ việc thực hiện trên các lĩnh vực: tiết kiệm trong sản xuất, kinh doanh; tiết kiệm trong xây dựng cơ bản; tinh giảm biên chế gián tiếp; tiết kiệm sử dụng xe ô tô con, xe máy công; tiết kiệm điện; tiết kiệm các khoản chi về hội nghị, tiếp khách; xoá bỏ các quỹ trái phép; tiết kiệm về sử dụng nhà ở.
Tháng 11/1987: Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị thống nhất biện pháp thực hiện cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Hội nghị đã nhất trí và quyết định: từng cơ sở Đảng phải xem xét lại đội ngũ cán bộ, sắp xếp lại tổ chức, kiên quyết thay thế những người phẩm chất và năng lực kém trí tuệ, không đổi mới. Đưa vào vị trí chủ chốt những cán bộ có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, phong cách và lối sống lành mạnh, có tín nhiệm với quần chúng. Năm 1987, tiến hành kiểm tra chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng, chấn chỉnh sinh hoạt Đảng, tổ chức tốt đợt tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống tiêu cực đưa những người thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng.
Ngày 7/1/1988: Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa V họp Hội nghị lần thứ 6. Hội nghị đã kiểm điểm 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V; kiểm điểm thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1987, bàn phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 3 năm 1988-1990. Hội nghị đã tiến hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc qua 1 năm phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng.
Ngày 10-11/3/1988: Ngành văn hóa – thông tin họp thống nhất chương trình hoạt động năm 1988 và 3 năm 1988-1990. Trên tinh thần đổi mới, cuộc họp vừa mang tính tổng kết, vừa hội thảo về sự nghiệp văn hóa thông tin. Các đại biểu đã thảo luận, phân tích, khẳng định những thành tích đạt được. Chỉ rõ những nguyên nhân yếu kém trong hoạt động văn hóa thông tin. Hội nghị thống nhất những chương trình hoạt động năm 1988 và 3 năm 1988-1990 của ngành văn hóa thông tin gồm 6 điểm: nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tiến lên bước mới; hoàn thiện bộ máy tổ chức, đào tạo cán bộ theo tinh thần thật sự đổi mới; quản lý tốt văn hóa tư nhân; tìm hướng làm kinh tế văn hóa đạt hiệu quả thiết thực; xây dựng và củng cố vật chất trang bị, thiết bị cần thiết cho toàn ngành.
Ngày 12/4/1988: Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành chính sách đối với các đơn vị kinh tế tập thể sản xuất công nghiệp, dịch vụ chuyên nghiệp, xây dựng vận tải.
Ngày 28-30/4/1988: Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh họp Hội nghị lần thứ 7 bàn về công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Hội nghị đã đề ra 5 yêu cầu trong công tác xây dựng Đảng đến năm 1990 nhằm nâng cao sức chiến đấu của Đảng.
Ngày 27/5/1988: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 28 về một số vấn đề đổi mới quản lý kinh tế trong các hợp tác xã nông nghiệp.
Ngày 28-30/7/1988: Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh Hải Hưng lần thứ V. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, báo cáo của Ban chấp hành Liên hiệp công đoàn tỉnh đã khẳng định những ưu điểm, chỉ rõ những thiếu sót của phong trào công nhân viên chức và hoạt động của tổ chức công đoàn tỉnh trong 5 năm (1988-1992) là: Vận động công nhân viên chức thực hiện cơ chế quản lý mới, thực hiện thắng lợi 3 chương trình kinh tế lớn, chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân viên chức, xây dựng công đoàn vững mạnh, đổi mới phương thức hoạt động và đội ngũ cán bộ công đoàn, vận động công nhân viên chức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh chống tiêu cực. Đại hội bầu Ban chấp hành Liên hiệp công đoàn tỉnh khóa V gồm 41 đồng chí và 18 đồng chí đi dự Đại hội công đoàn toàn quốc lần thứ VI.
Ngày 22/8/1988: Ủy ban nhân dân tỉnh ra văn bản quy định một số điểm về đất ở và đất làm kinh tế gia đình.
Ngày 5/10/1988: Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Hưng tổ chức Đại hội lần thứ V. Đại hội có trên 300 đại biểu từ các cơ sở huyện, thị xã về dự. Đại hội đã đánh giá tình hình, nhiệm vụ công tác mặt trận trong thời gian qua và nêu ra phương hướng nhiệm vụ những năm tiếp theo là: tích cực tham gia vào quá trình xây dựng nền dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa; bảo đảm và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân; tăng cường khối đoàn kết nhân dân, tôn giáo, dân tộc, động viên phong trào hành động cách mạng của đồng bào, góp phần thúc đẩy mọi năng lực sản xuất hàng hóa, thực hiện thắng lợi 3 chương trình kinh tế lớn của địa phương. Đại hội bầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh khóa V gồm 60 đại biểu, đồng chí Nguyễn Hữu Bạ làm Chủ tịch.
Ngày 12/1/1989: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 32 về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh. Nghị quyết gồm 4 phần: phần thứ II là phương hướng đổi mới cơ chế quản lý và chính sách kinh tế đối với các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải.
Ngày 1/4/1989: Tổng điều tra dân số trong cả nước. Tính đến 0 giờ ngày 1/4/1989 ở Hải Hưng có 2.440.000 người, trong đó nam có 1.148.000 người và nữ có 1.292.000 người.
Ngày 3-5/5/1989: Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh họp Hội nghị lần thứ 11 bàn về phát triển kinh tế nông thôn. Hội nghị đã khẳng định chủ trương phát triển toàn diện kinh tế nông thôn là rất cấp thiết, là yêu cầu cấp bách nhằm khai thác những tiềm năng phong phú của khu vực nông thôn. Chuyển kinh tế nông thôn còn mang nặng tính chất độc canh tự cấp, tự túc thành nền kinh tế hàng hóa phát triển. Hội nghị quyết định những phương hướng, nhiệm vụ và những biện pháp lớn cho sự nghiệp phát triển toàn diện kinh tế nông thôn.
Ngày 26/9/1989: Hội nhà báo Việt Nam tỉnh Hải Hưng tổ chức Đại hội lần thứ hai. Đại hội đánh giá tình hình hoạt động của Hội nhà báo từ Đại hội lần thứ nhất (6/1985) đến tháng 9/1989 trong không khí dân chủ, cởi mở. Trong 4 năm (1985-1989), báo chí đã đóng góp lớn vào cuộc đấu tranh phê bình công khai chống tiêu cực, góp phần làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ, bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Báo chí đã từng bước thực hiện tốt chức năng là tiếng nói của Đảng và diễn đàn của nhân dân. Đại hội cũng đã nghiêm khắc chỉ ra những thiếu sót cần phải khắc phục như thông tin, kỹ thuật in… Đại hội đã xác định nhiệm vụ của Hội nhà báo tỉnh trong giai đoạn mới là: Báo chí phải đổi mới để phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới của đất nước, của địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng; đổi mới trên lĩnh vực thông tin nhiều chiều, đa dạng, có định hướng việc mở rộng dân chủ công khai, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tiêu cực, gắn liền với cổ vũ nhân tố mới. Xây dựng Hội vững mạnh, đội ngũ những người làm báo đoàn kết, có tư tưởng phẩm chất đạo đức của người cầm bút.
Ngày 23/10/1989: Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị bàn về giữ gìn an ninh, trật tự xã hội gồm Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã. Hội nghị đánh giá tình hình phạm pháp hình sự ở tỉnh từ đầu năm 1989 đến tháng 10/1989 tăng trên 11% so với cùng kỳ năm 1988, gây thiệt hại về tài sản hơn 100 triệu đồng. Tình hình này đã làm cho nhân dân rất bất bình, lo ngại và gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ và các biện pháp thực hiện cho các cấp, các ngành, các cơ quan pháp luật phải là chỗ dựa vững chắc cho quần chúng. Các đoàn thể cần có kế hoạch tập hợp, giáo dục, xây dựng vững mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự xã hội. Hội nghị quyết định “mở đợt truy quét bọn tội phạm trên toàn tỉnh”. Đợt truy quét tội phạm hình sự sẽ được bắt đầu vào ngày 2/11/1989.
Ngày 2/11/1989: Đúng 8 giờ sáng, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ huy chiến dịch đã phát lệnh mở chiến dịch tập trung truy quét bọn tội phạm, hạ lệnh cho các lực lượng công an, quân đội trong tỉnh đồng loạt tấn công, đánh mạnh, đánh trúng vào các băng, ổ, nhóm cướp và các tệ nạn xã hội khác. Chỉ ngay ngày đầu chiến dịch, toàn tỉnh đã bắt được 116 đối tượng, trong đó có 37 tên “đầu gấu” chuyên khống chế, đe dọa nhân dân, bắt 10 tên thành án, 32 tên có lệnh truy nã, 6 tên tập trung cải tạo ở các trường “giáo dưỡng” và 31 đối tượng khác, thu nhiều vũ khí, văn hóa phẩm đồi truỵ. Kết quả, ngày đầu mở đợt truy quét đã gây lòng tin phấn khởi trong nhân dân. Nhân dân càng tích cực tham gia phối hợp với lực lượng chuyên chính tiêu diệt bọn tội phạm, lấy lại công bằng, ổn định trật tự xã hội.
Tháng 1/1990: Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị bàn về sản xuất và mua đay xuất khẩu năm 1990. Sau khi phân tích những mặt thuận lợi và khó khăn trong công tác sản xuất và mua đay, Hội nghị đã đề ra chỉ tiêu: toàn tỉnh phấn đấu xuất khẩu 12.700 tấn đay tơ, 1 triệu m2 thảm đay, mở rộng diện tích trồng đay từ 6.200 ha đến 6.500 ha.
Đầu tháng 2/1990: Đảng bộ tỉnh Hải Hưng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 1989. Hội nghị đánh giá: thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng, Nghị quyết số 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Năm 1989, hoạt động của hệ thống tổ chức Đảng đã tập trung vào một số việc chủ yếu và đạt kết quả thiết thực. Công tác tổ chức ở cơ sở Đảng đã đi sâu vào kiện toàn, củng cố làm theo quy mô thôn, gắn liền với nâng cao chất lượng đảng viên. Năm 1989, Hải Hưng kết nạp được 1.718 đảng viên, xử lý các hình thức kỷ luật 1.881 cán bộ, đảng viên, trong đó khai trừ ra khỏi Đảng 633 người không đủ tư cách. Năm 1989 có 4 Đảng bộ đạt yêu cầu “Đảng bộ vững mạnh” trong đó có Đảng bộ huyện Mỹ Văn (nay là huyện Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Lâm và một số xã của huyện Văn Giang).
Ngày 13/2/1990: Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định 176 của Hội đồng Bộ trưởng về “Sắp xếp lại lao động trong các đơn vị quốc doanh”. Hơn 320 đại biểu gồm các trưởng ban, ngành, đoàn thể; các giám đốc và chủ tịch công đoàn xí nghiệp địa phương và Trung ương trên địa bàn tỉnh dự Hội nghị. Các đại biểu đều thống nhất cho rằng: số lao động dôi dư trong các xí nghiệp còn khá đông, sản xuất kinh doanh không mạnh, hiệu quả kém, nếu kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến phá sản xí nghiệp. Việc sắp xếp lại lao động đang trở thành vấn đề cấp thiết, cần làm một cách kiên quyết để các xí nghiệp tồn tại và phát triển.
Tháng 3/1990: Liên hiệp Công ty lương thực của tỉnh tổng kết kế hoạch một năm thực hiện chuyển đổi cơ chế kinh doanh lương thực. Năm 1989, Hải Hưng chấm dứt được tình trạng bù giá vào lương thực, toàn ngành chuyển sang hạch toán kinh doanh và thực hiện cơ chế một giá, Nhà nước không phải bù lỗ. Năm 1989, toàn ngành đã mua vào 100.360 tấn qui thóc và bán ra 78.012 tấn, trong đó gần 2.000 tấn gạo xuất khẩu.
Tháng 3/1990: Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế. Cũng trong thời gian này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động phong trào bình nhận “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”.
Ngày 27/3/1990: Khai giảng khóa I hệ đại học sư phạm cấp I tại Hải Hưng. Khóa học này đón 50 giáo viên cấp I được tuyển chọn từ các trường trong tỉnh vào học, thời gian học 4 năm, mỗi năm 3 tháng.
Từ ngày 3-4/4/1990: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI họp kỳ thứ 2. Hội đồng nghe báo cáo về kết quả thực hiện Chỉ thị số 135 của Hội đồng Bộ trưởng; bổ sung điều chỉnh kế hoạch kinh tế xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 1990, thông qua các Nghị quyết quy định tạm thời về xử phạt hành chính; Nghị quyết lập chức danh trưởng thôn; Nghị quyết điều chỉnh lại nhà làm việc của các cơ quan tỉnh và kiểm tra việc quản lý, cấp sử dụng nhà đất của cán bộ công nhân viên chức; Nghị quyết bãi bỏ Quỹ an ninh quốc gia.
Cuối tháng 4/1990: Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo “Bác Hồ với nông dân – Nông dân với Bác Hồ” tại xã Đình Dù, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Văn Lâm). Tới dự Hội thảo có đại biểu của Hội nông dân Việt Nam, đại diện một số huyện, ngành trong tỉnh và đông đảo nông dân xã Đình Dù. Tại Hội thảo các báo cáo tham luận đã nói lên sự quan tâm của Bác Hồ đối với nông dân Việt Nam nói chung và nông dân Hải Hưng nói riêng, việc thực hiện lời dạy của Bác đối với địa phương. Nhân dịp này Hội Nông dân Hải Hưng phát động phong trào thi đua “Làm theo lời Bác xây dựng nông thôn mới giầu đẹp hơn”.
Ngày 17/5/1990: Trường Cao đẳng sư phạm Hải Hưng tổ chức Hội thảo “Bác Hồ với ngành giáo dục”.
Ngày 18/5/1990: Hội thảo khoa học “Bác Hồ với Hải Hưng”. Hội thảo được tổ chức tại thư viện tỉnh do Ban chỉ đạo kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 1990 của tỉnh tổ chức. Với 20 báo cáo, tham luận và gần 100 đại biểu tới dự. Đây là sinh hoạt chính trị lớn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng.
Ngày 18/6/1990: Ủy ban Nhân dân tỉnh ra Quyết định số 501-QĐ/UB về một số chủ trương, biện pháp thực hiện kết luận của thanh tra Trung ương trong hoạt động dự trữ lương thực ở Hải Hưng. Nội dung quyết định: thu hồi toàn bộ số thóc của các đối tượng vay từ tháng 9/1989; tính lãi suất hợp lý đối với những trường hợp vay trên 1 vạn tấn; xử lý hành chính đối với những trường hợp dây dưa, biển thủ; đối với cá nhân mượn danh nghĩa tập thể ngoài việc thu thuế còn phải xử lý hành chính hoặc phạt tiền; việc thu hồi nợ và thu thuế công thương nghiệp phải hoàn thành trước ngày 30/7/1990.
Tháng 12/1990: Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác điều động dân cư và vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Đắc Lắc (nay là Đắc Lắc và Đắc Nông), Gia Lai-Kon Tom, tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh khác (chủ yếu là miền Bắc). Nhân dịp này Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng bằng khen và phần thưởng cho các huyện, xã, các đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc vận động, tổ chức dân cư đi xây dựng vùng kinh tế mới, trong đó huyện Kim Thi (nay là huyện Ân Thi và Kim Động).
Ngày 28-30/3/1991: Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VI (vòng một) tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Về dự Đại hội có 405 đại biểu từ các cơ sở Đảng trong tỉnh. Các đại biểu đã nghiên cứu bản báo cáo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đợt sinh hoạt góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Tại Đại hội, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với các quan điểm lớn của Đảng thể hiện trong nội dung dự thảo Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ, chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội của nước ta đến năm 2000; Báo cáo chính trị; Báo cáo về xây dựng Đảng và Điều lệ Đảng (sửa đổi). Đại hội đã bầu đoàn đại biểu gồm 36 đại biểu chính thức và 3 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII.
Giữa tháng 4/1991: Tỉnh ủy Hải Hưng và Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức Hội thảo “Nông thôn Hải Hưng – thực trạng kinh tế, xã hội và chính sách”. Tham dự Hội thảo có hơn 50 giáo sư, cán bộ nghiên cứu và đại diện một số ban, ngành của Trung ương và của tỉnh; có 20 bản tham luận trong tổng số 39 bản được trình bày tại Hội thảo. Hội thảo thống nhất đánh giá: nông dân Hải Hưng sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã có bước chuyển biến tích cực. Đa số tham luận cho rằng không nên giao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân mà chỉ giao quyền sử dụng lâu dài, quyền chuyển nhượng, thừa kế cho các hộ nông dân; cần có chính sách riêng đối với nông dân nghèo nhất là trong tín dụng ngân hàng để nông dân nghèo có vốn sản xuất, chú ý xây dựng các cơ sở công nghiệp địa phương ở nông thôn, trước hết là công nghiệp chế biến.
Ngày 15-17/8/1991: Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VI (vòng hai). Về dự Đại hội có 404 đại biểu. Đại hội đã nghe, quán triệt sâu sắc các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, nghe báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa V và thông qua Nghị quyết, phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu 5 năm (1991-1995). Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa V (1986-1990), trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa VI đã đánh giá kết quả thực hiện đổi mới trên các lĩnh vực:
Về đổi mới kinh tế
- Thực hiện 3 chương trình kinh tế, từng bước đổi mới cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng lương thực tăng trong 5 năm (1986-1990) là 12,7 lần so với 5 năm (1981-1985). Năm 1989 sản lượng lương thực đạt trên 98,5 vạn tấn, đạt mục tiêu Đại hội V (95 vạn tấn). Chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm, cá đều tăng. Cây công nghiệp như đay, cói, lạc chuyển đổi theo nhu cầu thị trường. Nghề trồng dâu, nuôi tằm đang khôi phục lại. Kinh tế vườn phát triển đa dạng. Công nghiệp nói chung và chương trình hàng tiêu dùng nói riêng không đạt mục tiêu Đại hội V (chỉ đạt trên 66%), nhưng so với 5 năm (1981-1985) vẫn tăng 38%. Hàng xuất khẩu có chuyển biến, kim ngạch tăng 2,2 lần so với 5 năm (1981-1985).
- Thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần đã giải quyết tốt hơn năng lực sản xuất, khai thác tiềm năng của nhân dân và đi vào cuộc sống, chủ động thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.
Thực hiện chính sách xã hội
Tỷ lệ nhà xây từ 55% (năm 1985) lên gần 70% (năm 1990). Trên 70% số xã có hệ thống truyền thanh, mạng lưới y tế được mở rộng và từng bước được đầu tư nâng cấp từ tỉnh đến xã. Sự nghiệp giáo dục được điều chỉnh theo hướng tập trung cho lớp 1, cấp I và xoá mù chữ, nâng cao chất lượng các cấp học. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo sự nghiệp giáo dục.
Về an ninh-quốc phòng
Từ năm 1986 đến giữa năm 1989, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp, có mặt trầm trọng. Thực hiện Chỉ thị 60 của Bộ Chính trị về công tác an ninh quốc gia, Chỉ thị 135 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về đấu tranh chống tội phạm, tình hình có chuyển biến, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới hoạt động của cơ quan Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.
Công tác xây dựng Đảng trong 5 năm (1986-1990) được gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế-xã hội.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VI gồm 53 đại biểu. Đồng chí Phạm Văn Thọ được bầu là Bí thư Tỉnh ủy.
Tháng 2/1992: Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội Y học cổ truyền Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với Y học dân tộc” tại thị xã Hải Dương. Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu gồm các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, lương y của cả nước, đại diện Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Nghệ An, dòng họ Lê Hữu ở huyện Mỹ Văn (nay là huyện Yên Mỹ). Hội thảo khẳng định thêm tầm vóc lớn về y đức, y thuật, y nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông, đồng thời đề cập những vấn đề cấp thiết trong việc thừa kế và phát huy vốn y học cổ truyền Việt Nam mà Hải Thượng Lãn Ông là một trong những thầy thuốc tiêu biểu nhất.
Ngày 25/6/1992: Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai chương trình thông tin. Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định từ ngày 1 tháng 7 năm 1992 mỗi chi bộ phải có ít nhất một tờ báo nhân dân, một tờ báo Hải Hưng, một bản thông tin nội bộ, hoàn thành “truyền thanh hóa” cơ sở trong năm 1992.
Ngày 19/7/1992: Bầu cử Quốc hội khóa IX, Hải Hưng có 508 tổ bầu cử, 98,56% cử tri đi bỏ phiếu bầu, 28 xã có 100% số cử tri đi bầu. Thị xã Hưng Yên có số cử tri đi bầu cử cao nhất.
Tháng 10/1992: Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 1992 và bàn phương hướng nhiệm vụ năm 1993. Dự Hội nghị có 30 chủ nhiệm hợp tác xã khá và các đồng chí bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng phòng nông nghiệp các huyện, thị xã. Hội nghị biểu dương những thành tích đạt được trong nông nghiệp trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất, sản lượng. Lần đầu tiên Hải Hưng là tỉnh phía Bắc đạt mục tiêu 1 triệu tấn lương thực.
Ngày 10-12/12/1992: Hội thảo khoa học Quốc tế về Phố Hiến được tổ chức tại thị xã Hưng Yên. Đây là lần đầu tiên Hải Hưng tham gia cùng với Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo có qui mô lớn, có tính chất Quốc tế về nghiên cứu khoa học, khảo cổ học. Tham dự Hội thảo có đại biểu của 6 nước (Nhật Bản, Anh, Mỹ, Đức, Hà Lan và Úc) cùng hàng trăm học giả các nhà khoa học, các vị khách mời trong và ngoài nước. Tại Hội thảo, các tham luận và ý kiến tập trung vào 4 chủ đề lớn: Sự ra đời; hưng thịnh và suy giảm của phố Hiến; mối quan hệ của phố Hiến với các trung tâm thương mại trong và ngoài nước; kết cấu xã hội, cư dân và truyền thống văn hóa. Bộ Văn hóa-Thông tin cấp bằng công nhận cho quần thể di tích phố Hiến gồm 5 di tích, đó là: di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Phố; di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Thiên Hậu; di tích lịch sử văn hóa Văn Miếu – Xích Đằng; di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Nễ Châu.
Ngày 7-9/1/1993: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI họp kỳ thứ 13. Hội đồng đã quyết định các mục tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 1993: tổng sản phẩm xã hội tăng 5,5%; thu nhập quốc dân tăng 6%; giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 4%, công nghiệp, thủ công nghiệp tăng 6%; sản lượng lương thực qui thóc đạt 1,05 – 1,1 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 14 triệu đô la; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 282 tỷ đồng.
Ngày 25/2/1993: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 235/QĐ-UB về “Giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài” cho hộ nông dân.
Ngày 5/3/1993: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Chỉ thị số 04-CT cho Ủy Ban nhân dân các huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thi hành Quyết định số 33 ngày 5/2/1993 của Thủ tướng Chính Phủ về việc đưa tiền nhà vào lương và chuyển quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước sang phương thức kinh doanh.
Ngày 17-19/3/1993: Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh họp Hội nghị lần thứ 7 (mở rộng), nghiên cứu, quán triệt và quyết định chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa VII) về các vấn đề: Tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo; một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ trong những năm trước mắt; sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình và công tác thanh niên.
Ngày 20-23/4/1993: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI họp bàn về chính sách xã hội. Kỳ họp bàn và quyết định những vấn đề: củng cố công tác khám chữa bệnh và thu một phần viện phí phục vụ người bệnh; quy định về việc thu học phí đảm bảo công bằng hợp lý và phát triển sự nghiệp giáo dục; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện lối sống văn minh, gia đình văn hóa. Các đại biểu cũng đã sôi nổi tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và dự án Luật sử dụng đất nông nghiệp.
Tháng 6/1993: Sở giáo dục và đào tạo tổ chức Lễ tuyên dương, phát thưởng học sinh giỏi năm học 1992-1993, Hải Hưng có 34 học sinh đạt giải quốc gia gồm 3 giải nhì, 16 giải ba, 15 giải khuyến khích. Đây là năm đạt nhiều giải nhất trong 10 năm (1983-1993) của ngành giáo dục Hải Hưng.
Ngày 6/9/1993: Đài phát thanh truyền hình tỉnh lắp máy phát hình mới. Đây là hệ thống máy phát hình mầu, hiện đại. Công suất 1KW-VHF, kênh 70FFSET, ký hiệu PCN-1401 SH/1 băng III được nhập từ Nhật Bản. Đài có khả năng phủ sóng trên phạm vi toàn tỉnh.
Ngày 25-26/10/1993: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI họp kỳ thứ 16. Kỳ họp đã thông qua chỉ tiêu, biện pháp thực hiện chương trình “xóa đói, giảm nghèo”, nghe báo cáo hướng dẫn một số vấn đề cụ thể về việc thực hiện Luật đất đai và Luật sử dụng đất nông nghiệp.
Ngày 28/12/1993: Khởi công xây dựng bến phà Yên Lệnh. Phà Yên Lệnh trên sông Hồng hoàn thành sẽ nối liền đường 39A (Hưng Yên) với đường 60A (Hà Nam), tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa giữa hai tỉnh.
Tháng 1/1994: Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức kỷ niệm 30 năm phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới (1963-1993). Xã Ngọc Long (Yên Mỹ) vẫn giữ danh hiệu “Quê hương gia đình văn hóa”.
Ngày 1-3/3/1994: Đảng bộ tỉnh họp Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ (khóa VI). Về dự Hội nghị có 212 đại biểu đại diện cho gần 13 vạn đảng viên. Hội nghị đã nghe báo cáo đánh giá những kết quả, thành tựu kinh tế xã hội mà Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng đạt được từ năm 1991 đến năm 1993. Báo cáo khẳng định: nét nổi bật nhất trong 3 năm (1991-1993) là nền kinh tế của tỉnh từng bước thoát khỏi trì trệ và suy thoái, đang dần đi vào thế ổn định và phát triển. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội đến hết nhiệm kỳ là tiếp tục thực hiện thắng lợi 4 chương trình kinh tế-xã hội và bầu bổ sung 6 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Tháng 4/1994: Ngành bưu điện đưa vào sử dụng tổng đài điện thoại viễn thông tại các khu vực: thị xã Hải Dương, thị xã Hưng Yên và xã Trai Trang huyện Mỹ Văn (nay là thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ).
Ngày 18/10/1994: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI họp kỳ thứ 20 tổng kết nhiệm kỳ 1989-1994. Thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ 5 năm (1989-1994) là nền kinh tế từng bước thoát khỏi tình trạng trì trệ và suy thoái. Giá trị tổng sản phẩm 3 năm (1991-1993) tăng bình quân 7,85%. Năm 1994 so với năm 1993 tăng trên 10%; trên 80% hộ nông dân đã có nhà xây, trong đó 30% nhà mái bằng kiên cố; 81,1% số hộ nông dân sử dụng điện sinh hoạt; 95,54% số xã có đài truyền thanh đến các cụm dân cư, 32,6% hộ nông dân có máy thu thanh và 23,1% máy thu hình.
Tháng 11/1994: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Chỉ thị số 27/CT-UB về việc thực hiện Pháp lệnh qui định danh hiệu vinh dự Nhà nước “bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Ngày 20/11/1994: Bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp: tỉnh, huyện, thị và xã, phường, thị trấn. Hải Hưng có 97,98% số cử tri đi bỏ phiếu, 67 xã, phường và nhiều đơn vị đạt 100%. Kết quả, 85 đại biểu trúng cử Hội đồng nhân dân tỉnh; 407 đại biểu trúng cử Hội đồng nhân dân huyện, thị xã; 8.649 đại biểu trúng cử Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.
Giữa tháng 12/1994: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1994), Hội đồng Nhà nước đã tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 1.053 bà mẹ ở Hải Hưng. Trong số 1.053 mẹ, có 279 bà mẹ còn sống, có 837 mẹ có con độc nhất là liệt sĩ, 84 mẹ có hai con đều là liệt sĩ; 124 mẹ có từ 3 con trở lên là liệt sĩ; 5 mẹ có một con và chồng (hoặc bản thân) là liệt sĩ; 3 mẹ có 2 con và chồng (hoặc bản thân) là liệt sĩ.
Ngày 19-20/12/1994: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII họp kỳ họp thứ nhất. Tại kỳ họp này, Hội đồng đã báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ba cấp tỉnh, huyện, xã và cấp tương đương ngày 20/11/1994 và tiến hành bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng chí Đặng Văn Cảo được bầu lại làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Du được bầu lại Làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ngày 6-7/3/1995: Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 1994. Hội nghị dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận, nêu rõ những chuyển biến, tiến bộ về công tác xây dựng Đảng từ năm 1991 đến năm 1994, chủ yếu về tăng cường công tác tư tưởng, đổi mới công tác cán bộ và công tác kiểm tra.
Ngày 5/5/1995: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Lễ truy điệu đồng chí Lê Văn Lương, nguyên ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí Lê Văn Lương sinh ngày 28/3/1912 tại xã Nghĩa Trụ, Mỹ Văn (nay là huyện Văn Giang), mất ngày 25/4/1995 tại Hà Nội. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng đồng chí đã giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Ngày 23/1/1996: Khánh thành trạm bơm Triều Dương B thuộc xã Hải Triều, huyện Phù Tiên (nay là huyện Tiên Lữ). Công trình có tổng kinh phí 15 tỷ 306 triệu đồng, tiêu nước cho 958 ha thuộc khu vực phía tây đường 200.
Ngày 27/1/1996: Chính phủ ra Nghị định số 5 chia huyện Kim Thi thành 2 huyện: Kim Động và Ân Thi. Đến ngày 23/3, Chính phủ ra Nghị định số 17 thành lập thị trấn Ân Thi – thị trấn huyện lỵ của huyện Ân Thi.
Ngày 6- 9/5/1996, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VII tại thị xã Hải Dương. Về dự Đại hội có trên 350 đại biểu. Đại hội đã nghe báo cáo về những thành tựu nổi bật 5 năm (1991-1995):
- Kinh tế Hải Hưng đã thoát ra khỏi suy thoái (tuy còn một số mặt chưa vững chắc) phát triển liên tục với tốc độ nhanh. Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, tốc độ tăng 7,43% (mục tiêu đại hội VI của tỉnh là 3-4%). Sản lượng lương thực bình quân 1,1 triệu tấn, năm 1995 đạt 1,31 triệu tấn, năng suất lúa 103 tạ/ha, lương thực bình quân đầu người 485 kg (năm 1990 là 380 kg). Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng 13% trong đó công nghiệp địa phương tăng 11,4%. Các ngành kinh tế dịch vụ phát triển đa dạng với tốc độ 10,24%. Xây dựng kết cấu hạ tầng đạt kết quả quan trọng, tăng thêm nhiều tiềm năng mới. Công tác tài chính, tiền tệ, tín dụng được chấn chỉnh và đổi mới. Tập trung tạo nguồn thu, tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 34%, đáp ứng được nhu cầu chi thiết yếu.
- Đời sống văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, sô hộ giàu tăng từ 5% lên 6%, cơ bản xoá được đói, hộ nghèo giảm từ 20% xuống 10%, nhu cầu ăn ở, đi lại học hành chữa bệnh hưởng thụ văn hóa được đáp ứng tốt hơn. Quan tâm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được quan tâm đúng mức, kinh phí đầu tư tăng khá. Công tác bảo vệ sức khoẻ của nhân dân được quan tâm, mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố. Sự nghiệp giáo dục được phát triển theo hướng giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập cấp I, xoá tái mũ chữ, cơ sở vật chất, thiết bị học ở các trường tăng khá, các trường chuyên nghiệp được sắp xếp lại, đa dạng hóa phương thức đào tạo đáp ứng nhân lực tốt hơn cho nhu cầu phát triển. Khoa học và công nghệ phát triển hướng vào phục vụ 4 chương trình kinh tế xã hội, tiếp nhận và ứng dụng kỹ thuật mới về giống biện pháp canh tác, chế biến và bảo quản nông sản, tham gia một số công trình nghiên cứu và khảo sát cấp Nhà nước. Hoạt động văn hóa văn nghệ đa dạng và phong phú góp phần làm cho xã hội sống đẹp hơn, xây dựng lối sống nhân nghĩa, gia đình văn hóa, làng văn hóa.
- Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng an ninh; thực hiện nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết 03 của Trung ương, từng bước xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị tư tưởng và tổ chức. Công tác chính trị tư tưởng được coi trọng quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, cấp ủy một cách sâu rộng, góp phần đổi mới tư duy, định hướng tư tưởng, bồi dưỡng nhận thức cho cán bộ đảng viên. Thực hiện một bước đổi mới bộ máy cơ quan Đảng, hướng về củng cố cơ sở. Kiện toàn tổ chức Đảng, ban cán sự Đảng, các tổ chức cơ sở Đảng và huyện thị. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, tập trung giảm các cơ sở yếu kém. Quan tâm đúng mức tới công tác phát triển Đảng, kết nạp trên 8.000 đảng viên mới. Đổi mới hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII gồm 49 đồng chí. Đồng chí Phạm Văn Thọ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Ngày 23/8/1996, lũ các sông đều trên báo động 3 (vượt 73 cm). Tổng thiệt hại do 2 đợt bão lũ (bão số 2 ngày 24 tháng 7 và bão số 4 ngày 22 tháng 8) gây ra cho Hải Hưng là 196 tỷ 590 triệu đồng; 2 người chết; gẫy đổ hơn 60 vạn cây lấy gỗ, cây ăn quả; hư hỏng hàng ngàn ngôi nhà, công trình xây dựng; ngập úng 16 nghìn ha lúa…
Ngày 4- 6/11/1996, lượng nước mưa lên tới 400-600mm, làm ngập úng 4.800 lúa mùa muộn và hơn 12.000 ha cây vụ đông. Các huyện bị thiệt hại nặng nhất là Mỹ Văn (nay là Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Lâm và một số xã của Văn Giang), Ân Thi, Phù Tiên, Châu Giang (nay là Khoái Châu, Văn Giang), Kim Động, thị xã Hưng Yên…
Ngày 6/11/1996, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 phê chuẩn việc phân chia lại địa giới hành chính tỉnh. Hải Hưng được tách ra làm hai tỉnh; Hưng Yên và Hải Dương. Tỉnh Hưng Yên có diện tích tự nhiên là 923,09km2, dân số 1.075.517 người, gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện: thị xã Hưng Yên, Mỹ Văn, Châu Giang, Phù Tiên, Ân Thi, Kim Động. Vị trí địa lý, phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh và thủ đô Hà Nội; phía đông giáp tỉnh Hải Dương; phía Nam giáp tỉnh Thái Bình và Hà Nam; phía tây giáp tỉnh Hà Nam, Hà Tây và thủ đô Hà Nội.