Không doanh nghiệp (DN) nào dại dột đi vay trong khi lãi suất cao, cũng không ngân hàng (NH) dám cho vay khi rủi ro tiềm ẩn là rất lớn. Cả phía cung và cầu đều ngại khiến cho nhiều NH bị ứ đọng vốn chứ không phải là thanh khoản dồi dào khiến NH phải giảm lãi suất để cho vay.
Nhiều NH thừa nhận đang có dư tiền nhưng chưa cho vay được – Ảnh: Quý Hòa
Dư tiền mà không cho vay đượcNăm 2010, Công ty TNHH Lê Uyên gặp rủi ro nên hàng tồn kho ứ đọng không xuất khẩu được khiến công ty nợ quá hạn NH vài tỷ đồng. Giám đốc công ty đã bán căn nhà riêng để thanh toán khoản nợ này và chuyển sang sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Và cũng từ thời điểm đó, do không có tài sản thế chấp, cộng với lần bị xếp vào danh sách nợ quá hạn, nên chuyện vay vốn đối với công ty trở nên vô cùng khó khăn.
“Dù chấp nhận vay lãi suất cao tại NH nhưng vẫn không được, nên tôi đành phải đem L/C cầm cố để vay tiền với lãi suất hơn 2%/tháng.Khi khách hàng thanh toán hợp đồng, tôi và người cho vay tiền cầm L/C cùng các giấy tờ khác đến NH rút tiền và nhận lại phần của mình”, giám đốc công ty kể. Với lãi suất hơn 2% tháng, khoản lãi ròng của công ty này hiển nhiên bị giảm đi 10%. Khi hỏi các DN về chuyện vay vốn thì đại đa số đều có câu trả lời chung: “NH giảm lãi suất xuống thấp hơn cũng không đến lượt mình!”. Để được vay vốn, DN phải đáp ứng được điều kiện thế chấp rất ngặt nghèo với điều kiện thế chấp 6/10.
Có nghĩa, với giá trị tài sản thế chấp 10 tỷ đồng, DN chỉ được vay 6 tỷ đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định thế chấp trong hoạt động của các NH vẫn còn quá nặng nề, nếu không nói là khắt khe so với các quy trình thẩm định cho vay của các nước.
Bên cạnh đó, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạn chế bơm vốn vào lĩnh vực phi sản xuất, tức “room” tín dụng càng ít, cung càng ít trong khi cầu khan hiếm, mức lãi suất cho vay ở lĩnh vực này sẽ phải cao. Chỉ những lĩnh vực kinh doanh tốt thì các NH thương mại mới dành cho gói tín dụng hàng ngàn tỷ đồng ưu đãi lãi suất thấp.
Nhưng thực tế không phải NH thương mại đã sử dụng hết room tín dụng ưu đãi, bởi nhiều DN hoạt động tốt, có tỷ suất sinh lời cao vẫn không mặn mà vay vốn lãi cao. Đại diện nhiều NH thừa nhận hiện nay các NH có dư tiền nhưng không cho vay được.Do đó, mới xảy ra tình trạng các DN lớn có thể vay đến hàng ngàn tỷ đồng, rồi mất khả năng chi trả, trong khi các DN nhỏ kinh doanh tốt lại không thể vay vài tỷ đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tình trạng này kéo dài dẫn đến nghịch lý: trong khi các NH dư thừa vốn và không tìm được các dự án đầu tư thì nhiều DN lại thiếu vốn và phải đi vay ở thị trường không chính thức với lãi suất cao.
Thậm chí, có thể vay được tại NH nhưng cũng phải chấp nhận mức lãi suất ngoài luồng cao hơn 3-4% so với mức lãi suất công bố là 15-16%/năm. Không ép bằng mệnh lệnh hành chínhKhó khăn vay vốn NH đang là một rào cản lớn đối với sự phát triển của DN vừa và nhỏ. Theo Cục Thuế TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm, số DN trên địa bàn ngưng hoạt động lên tới hơn 2.500 đơn vị.
Nguyên nhân do ngân hàng chỉ chú trọng cung cấp tín dụng. “Gần đây, nhiều NH lớn đã công bố hạ lãi suất cho vay chỉ mang tính phong trào theo chính sách.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình mới ban hành quyết định 5 ngân hàng thương mại Nhà nước là Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV và MHB tiết giảm chi phí và hạ lãi suất cho vay, đồng thời quyết tâm “mỗi quý giảm 1%, đưa lãi suất huy động về mức 10%/năm vào cuối năm nay.”
Bởi lẽ, thông báo hạ lãi suất nhưng một số NH cũng cho biết số khách hàng được hưởng mức lãi suất cho vay thấp chỉ chiếm khoảng 1-1,5% tổng dư nợ của NH vì họ cho rằng với mức lãi suất huy động 13%/năm, NH chỉ cho vay khoảng 16%/năm sẽ không có lợi nhuận.
Vì vậy, cũng sẽ không có nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn này”, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết. Còn ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn nhận, mức giảm 1% chưa thể giúp DN vượt khó trong bối cảnh hiện nay.TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, NH cũng là một DN kinh doanh nên không có lý do gì các NH phải hy sinh lợi nhuận để cứu DN. Tuy nhiên, NH là loại hình kinh doanh đặc biệt có sự tham gia điều hành của NHNN và Chính phủ nên chuyện hỗ trợ DN cần có sự điều hành chính xác và chặt chẽ. DN là động lực thúc đẩy GDP tăng trưởng nên không có lý gì các DN sản xuất, xuất nhập khẩu phải chịu rủi ro để có tỷ lệ lãi khoảng 2%, còn NH chỉ chờ hưởng lợi. NHNN phải tạo ra cơ chế để các NH thương mại tự giảm chi phí.
“Một khi phải kinh doanh, một khi không nhận được vị thế vốn rẻ thì hiển nhiên họ phải đưa ra các biện pháp tiết giảm chi phí để cạnh tranh. Khi họ ở vị trí cao như vậy rồi mà yêu cầu họ tiết giảm chi phí, giảm lãi suất thì đó là hành vi phi thị trường, không có sức thuyết phục, giống như một lời kêu gọi, không làm cũng không sao”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhận định.Ngoài ra, nhiều chuyên gia nhận định, để mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm, chính sách giảm lãi suất của NHNN phải có độ trượt trong một vài tháng tới. Khi lạm phát được kiềm chế ở mức 9%, lãi suất đầu vào khoảng 11%/năm, thì mặt bằng lãi suất cho vay xoay quanh 14-15%/năm, DN mới làm ăn có lãi.