Nhiều người khi cầm kết quả chẩn đoán bị bệnh tiểu đường tuýp 2 (đái tháo đường tuýp 2) thường thắc mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ? Bài viết này lý giải nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh và cách kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Tiểu đường tuýp 2 là gì?
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là tình trạng mức đường trong máu cao hơn người bình thường do tuyến tụy sản xuất insuline không đủ so với nhu cầu cơ thể hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả (gọi là đề kháng insulin) dẫn đến thiếu insulin để đưa glucose trong máu đi nuôi các tế bào. Điều này khiến lượng đường trong máu tiếp tục tăng dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2. (1)
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 gồm: khát nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều nhưng vẫn mệt mỏi, sụt cân… Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu trên, người dân nên đi khám với bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được xét nghiệm, tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngăn bệnh tiến triển nặng.
Người bệnh đái tháo đường tuýp 2 cần uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, ăn uống lành mạnh và luyện tập điều độ để ngăn các biến chứng lên mắt, tim, thận,… Học cách sống chung với bệnh đái tháo đường tuýp 2, cần sự kiên trì và quyết tâm của người bệnh.
Bất cứ ai cũng có thể bị đái tháo đường tuýp 2, tuy nhiên, người thuộc các trường hợp dưới đây có nguy cơ cao hơn:
- Nguời trung niên và lớn tuổi: cùng với sự lão hóa của cơ thể, tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin để duy trì mức đường huyết ổn định. Ngoài ra, người lớn tuổi còn gặp thay đổi về chuyển hóa, rối loạn tiết insulin và kháng insulin (tế bào của cơ thể sử dụng insulin kém hiệu quả). Việc sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến đường huyết như corticosteroid (điều trị các bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus, dị ứng…), thuốc chẹn beta (điều trị cao huyết áp), nhóm thuốc thiazid (lợi tiểu)… cũng làm tăng nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.
- Người thừa cân, béo phì: có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường. Gan là nơi lưu trữ chất béo và glucose thừa. Gan của người thừa cân, béo phì chứa nhiều chất béo nên không thể chứa thêm glucose. Do đó, glucose vẫn còn trong máu, đòi hỏi tuyến tụy phải tạo ra nhiều insulin hơn để giải phóng thành phần này. Lâu dài, tuyến tụy “kiệt sức”, sản xuất ít insulin gây ra bệnh tiểu đường.
- Tiền sử gia đình bị đái tháo đường: một số đột biến gen có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2. Những đột biến gen này và môi trường (ăn uống, sinh hoạt, lối sống) có thể tương tác qua lại lẫn nhau làm tăng nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2. (2)
Tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ?
Nhiều người khi nhận kết quả chẩn đoán bị tiểu đường tuýp 2 thường hỏi: tiểu đường tuýp 2 nặng hay nhẹ? Bệnh nặng hay nhẹ tùy thuộc vào mức độ kiểm soát đường huyết của từng người bệnh: ăn uống lành mạnh, uống thuốc đúng chỉ định, luyện tập thể dục.
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 điều trị tốt vẫn sống khỏe, làm việc sinh hoạt bình thường và hiếm khi gặp các biến chứng. Ngược lại, người bệnh không uống thuốc điều độ, tự ý dùng các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, duy trì các thói quen có hại như: ăn thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều carbohydrat (nước ngọt có gas, tinh bột…), ít vận động… dễ bị tăng đường huyết cùng nhiều biến chứng cấp tính (nhiễm toan ceton – tình trạng acid đọng trong máu; tăng áp lực thẩm thấu máu) và các biến chứng mạn tính gồm: biến chứng mạch máu lớn (bệnh tim mạch, bệnh mạch máu ngoại biên, mạch máu não) và biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường (biến chứng mắt, thận, thần kinh).
Nhiều người thường quan niệm bệnh tiểu đường tuýp 2 nhẹ hơn bệnh tiểu đường tuýp 1 là sai lầm. Cả tuýp 1 và 2 đều khiến đường huyết tăng cao, nếu không kiểm soát tốt đều dẫn đến biến chứng lên tim, thần kinh, mắt, thận… Khi đó, các biến chứng lại khiến bệnh tiểu đường trầm trọng và tiến triển nặng nhanh chóng và khó điều trị hơn.
Vì vậy, ngay từ khi phát hiện tiểu đường, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết để ngăn chặn bệnh tiến triển gây biến chứng. Đặc biệt những người có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao (thừa cân, gia đình có người bị bệnh, từng bị tiểu đường thai kỳ hay có thai lớn hơn 4kg…) nên chủ động đo đường huyết định kỳ.
Vì sao tiểu đường tuýp 2 không điều trị sẽ nặng?
Người dân truyền tai nhau tiểu đường tuýp 2 là bệnh nặng vì nghĩ phải ăn uống kiêng khem. Việc thay đổi thói quen ăn uống “xả láng” hàng ngày, khiến người bệnh hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nặng hay nhẹ đều tùy thuộc vào việc tuân thủ chế độ ăn, uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường 30 năm vẫn sống khỏe nhờ kiểm soát tốt đường huyết. Trong khi đó, nhiều trường hợp mới phát hiện bệnh đã biến chứng nặng do không tuân thủ điều trị.
1. Tiểu đường tuýp 2 gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Khi lượng đường huyết không được quản lý tốt về lâu dài có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là 6 biến chứng thường gặp: (3)
- Hạ đường huyết: do sử dụng quá liều thuốc hạ đường huyết, bỏ bữa, tập thể dục quá sức. Người bệnh mệt mỏi, run tay chân, nếu không cấp cứu kịp có thể hôn mê.
- Tăng áp lực thẩm thấu: do đường huyết tăng cao bất thường gây mất nước trong cơ thể dẫn đến hôn mê.
- Biến chứng tim mạch: mảng xơ vữa xuất hiện trong lòng mạch gây hẹp và giảm lượng máu nuôi tim, dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ…
- Suy thận: tác động của đường huyết không ổn định khiến hệ thống mạch máu nuôi thận tổn thương dẫn đến suy thận; thậm chí phải chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
- Biến chứng trên mắt: đường huyết cao khiến hệ thống mao mạch ở đáy mắt tổn thương. Về lâu dài, thị lực của người bệnh bị suy giảm, thậm chí mù lòa.
- Biến chứng thần kinh: đường huyết cao gây tổn thương thần kinh ngoại biên và các mạch máu nhỏ khiến người bệnh tê bì, châm chít chân tay, mất cảm giác khi vật nhọn đâm vào…
- Loét bàn chân: hệ thống mạch đến nuôi dưỡng các chi tổn thương, cùng đó người bệnh mất cảm giác đau do tổn thương thần kinh nên vết thương ở các chi khó lành. Ở mức độ nặng, người bệnh phải cắt cụt chi.
2. Không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh
Hiện y học vẫn chưa có phương pháp nào điều trị đứt điểm bệnh tiểu đường. Các phương pháp: dùng thuốc tây y, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập thể dục hợp lý nhằm kiểm soát đường huyết chứ không chữa khỏi bệnh.
3. Tiểu đường tuýp 2 “rút ngắn” tuổi thọ của người bệnh
Dân gian thường truyền tai nhau một khi mắc bệnh tiểu đường phải ăn uống kiêng khem, nhiều người nghĩ chỉ cần ăn quá một muỗng cơm hay vài muỗng chè cũng khiến đường huyết nhảy vọt. Do đó, một người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thường tự hỏi bệnh có “rút ngắn” tuổi thọ hay không?
Trên thực tế, bệnh tiểu đường tuýp 2 có tác động đến tuổi thọ hay không đều tùy thuộc vào khả năng kiểm soát tốt đường huyết hay không. Nếu không kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh dễ gặp các biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân này khiến người bệnh tiểu đường dễ rơi vào nguy kịch tính mạng, suy giảm tuổi thọ.
Một nghiên cứu trên 421 người khoảng 65 tuổi (trong đó 194 phụ nữ) công bố vào năm 2022 (4) cho thấy người bệnh tiểu đường tuýp 2 có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp đã tăng thêm khoảng 2,0-3,9 năm tuổi thọ; giảm huyết áp ở người bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể kéo dài tuổi thọ 1,1-1,9 năm; giảm cholesterol ở mức thấp kéo dài 0,5-0,9 năm. Đáng chú ý, các nghiên cứu cho thấy chỉ số HbA1C giảm từ 9,9% xuống 7,7% giúp người bệnh đái tháo đường tuýp 2 sống thêm 3,4 năm. (5)
Như vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra thực hiện một lối sống lành mạnh và quản lý tốt lượng đường trong máu giúp người bệnh đái tháo đường tuýp 2 khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ.
Cách điều trị tiểu đường tuýp 2 hiệu quả để giảm nhẹ bệnh
Để kiểm soát đường huyết, không tiến triển nặng, người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, kết hợp tập luyện và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là những điều cần lưu ý:
1. Kiểm soát bệnh bằng thuốc tây
Nhiều người bệnh tiểu đường tuýp 2 thay vì uống thuốc tây y thì chuyển sang dùng các loại thuốc dân gian. Điều này khiến quá trình kiểm soát đường huyết thêm khó khăn. Bệnh đái tháo đường xảy ra khi insuline hoạt động không hiệu quả hoặc không có đủ insuline. Do đó, người bệnh cần điều trị với thuốc tây y và làm đúng theo chỉ định của bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường. Các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2 gồm: metformin (glucophage, glucophage XR, glucofast, Panfor,..), thiazolidinedione (rosiglitazone, pioglitazone), sulfonylureas (glimepiride, glipizide và glyburide), thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 (liraglutide, semaglutide, exenatide), thuốc ức chế men Dipeptidyl peptidase-4 (sitagliptin, saxagliptin, vildagliptin và linagliptin).
2. Chế độ dinh dưỡng
Ngoài việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị, kiểm soát bệnh đái tháo đường tuýp 2. Theo đó, người bệnh không nên ăn uống kiêng khem quá mức dẫn đến suy dinh dưỡng. Chế độ ăn uống nên cân bằng các nhóm chất: tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất; nên ăn rau luộc vào đầu bữa; ăn nhiều bữa nhỏ; ăn thịt cá trước hoặc cùng lúc ăn tinh bột; không ăn nhiều vào bữa tối…
3. Chế độ tập luyện
Bên cạnh ăn uống và dùng thuốc tây y theo đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh đái tháo đường tuýp 2 nên thường xuyên vận động, luyện tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Vận động hợp lý giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, lưu thông khí huyết, cải thiện giấc ngủ và tâm trạng.
4. Thói quen sinh hoạt
Người bệnh đái tháo đường cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh: không thức khuya, ăn đúng giờ giấc, không hút thuốc lá, không dùng các chất kích thích (rượu, bia…).
Khi uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, điều chỉnh chế độ ăn uống cân bằng, đảm bảo dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, vận động hợp lý 30 phút mỗi ngày sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường.
Trên đây là bài viết tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ mà BVĐK Tâm Anh chia sẽ. Hi vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu hơn về bệnh tiểu đường tuýp 2. Và khi thấy có dấu hiệu bất thường như: mệt mỏi liên tục, không tập trung, hoa mắt, chóng mặt… nên đi khám bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được kiểm tra, điều trị kịp thời.