Trong thư gửi đến Tòa soạn VietNamNet – San viết: “năm nay 23 tuổi, tốt nghiệp ĐH chính quy năm 2011, khối ngành Công nghệ thông tin. Nay tôi đi làm đã được 1 năm, và hiện giờ tôi có điều kiện để ra nước ngoài làm việc, cụ thể là Hàn Quốc. Nhưng tôi đang gặp phải vấn đề về bằng tốt nghiệp ĐH.
Quá trình xin VISA, bộ phận kiểm tra giấy tờ và bằng cấp bên Hàn Quốc không chấp nhận bằng tốt nghiệp ĐH của tôi, với lý do: không xác định là loại bằng nào. Trên bằng có ghi “The Degree Of Engineer”. Theo thông tư số 19 về mẫu bằng tốt nghiệp ĐH do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký ban hành ngày 24/5/2011 thì “The Degree Of Engineer” quy định bằng cho các ngành thuộc khối kỹ thuật.
Tuy nhiên, phía Hàn Quốc đòi hỏi thì bằng không có chỗ nào ghi “Bachelor – cử nhân” để xác định là tôi đã tốt nghiệp ĐH.
Tôi có tìm kiếm trên google thì không có cái bằng nào tiếng Anh ghi “The Degree of Engineer” hay “The Degree of Bachelor”. Hầu hết bằng cấp của thế giới đều ghi “Bachelor of Engineering”.
Điều này đồng nghĩa với việc tôi là thế hệ đầu tiên phải lấy cái bằng ghi sai tiếng Anh?
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề đặt ra, phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Trần Văn Nghĩa cho biết, mỗi nước có một hệ thống văn bằng khác nhau, có những phần chung nhưng cũng có nét riêng. Vì vậy Việt Nam cũng như rất nhiều nước đều thành lập cơ quan công nhận văn bằng để xem xét những vấn đề liên quan.
Ông Nghĩa dẫn dụ, về văn bằng kĩ sư: Degree of Engineer hoặc Engineer’s Degree là thuật ngữ hết sức thông thường.
Cụ thể, “engineer’s degree” (bằng kĩ sư) là một tấm bằng học thuật cao cấp trong lĩnh vực cơ khí được trao ở Châu Âu, một số quốc gia Mỹ La tinh và một số trường đại học ở Mỹ.
Ở Châu Âu, “engineer’s degree” (bằng kĩ sư) được xếp tương đương về cấp độ học thuật với bằng Thạc sĩ, và thường được biết đến với nghĩa đen là “bằng tốt nghiệp kĩ sư” (viết tắt là Dipl.-Ing. hoặc DI).
Ở một số quốc gia Mỹ La tinh và Mỹ, “engineer’s degree” (bằng kĩ sư) có thể được học sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ và thường được xem là cao hơn bằng Thạc sĩ nhưng thấp hơn Tiến sĩ ngành Kỹ thuật (viết tắt là Dr. Ing) ở Châu Âu.
Ở các quốc gia Mỹ La tinh khác, không có văn bằng kĩ sư phù hợp, nhưng danh hiệu “Ingeniero” (kỹ sư, viết tắt là Ing) được sử dụng cho những sinh viên tốt nghiệp cử nhân trong phạm vi của bằng ĐH”.
Ở Việt Nam hiện nay trường kỹ thuật có hai hệ: hệ 4 năm sẽ nhận bằng cử nhân (Bachelor), hệ năm năm được nhận bằng kỹ sư. Khi chuyển sang tiếng Anh, các trường kỹ thuật kiên quyết đòi có sự phân biệt giữa hai hệ này và họ giải trình cụ thể để có thể đưa vào văn bằng chữ “The Degree of Engineer”.
“Như vậy có thể kết luận, không thể nói chưa nơi nào dùng thuật ngữ này. Thông tư không hướng dẫn sai về thuật ngữ tiếng Anh ghi trên văn bằng” – ông Nghĩa khẳng định.
Còn không loại trừ trường hợp một cá nhân nào đó không hiểu do hệ thống của họ không có văn bằng này, thì học sinh phải xin xác nhận của trường để giải thích cho họ rõ kèm theo bảng điểm. Trong bảng điểm chỉ rõ thời gian học và chương trình đào tạo, họ có thể so sánh với hệ thống của họ.
- Nguyễn Hiền – Nguyễn Thảo