Thừa phát lại là gì? Quy định về chức năng, thẩm quyền của Thừa phát lại?

Văn phòng thừa phát lại là gì

Thừa phát lại là một trong những chế định mới xuất hiện trong quy định của pháp luật Việt Nam trong những năm gần đây. Do vậy không phải ai cũng nắm được khái niệm Thừa phát lại là gì? Chức năng của thừa phát lại theo quy định của pháp luật như thế nào?

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568

1. Thừa phát lại là gì?

Khái niệm Thừa phát lại được ghi nhận tại khoản 1, Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại như sau: “Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”.

Theo quy định trên, nhà làm luật đã đưa ra định nghĩa dựa trên tiêu chuẩn lựa chọn và các công việc của Thừa phát lại có quyền thực hiện, các điều kiện và thẩm quyền này sẽ được phân tích ở phần sau của bài viết. Chức danh Thừa phát lại là một chức danh chưa quá quen thuộc đối với người dân như công chứng viên, mặc dù phạm vi thẩm quyền của họ rất rộng và nhiều người cũng đã biết đến lập vi bằng – một trong các công việc của Thừa phát lại.

Lý do chức danh này chưa phổ biến có thể xuất phát từ chính tên gọi “Thừa phát lại”, cụm từ này có nguồn gốc Hán – Việt nên khó cắt nghĩa. Thực ra, ý nghĩa gốc được dùng để chỉ một người do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện một số chức năng giống với thẩm quyền của nhân viên nhà nước nhưng lại không phải cán bộ, công chức nhà nước.

Tên gọi “thừa phát lại” bắt nguồn từ một thuật ngữ có gốc Hán – Việt và có tính lịch sử. Và tồn tại ở miền Nam trước năm 1975. Chúng được hiểu để ám chỉ một người công lại. (người không phải nhân viên nhà nước được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Từ đó mang trong mình quyền lực nhà nước).

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy, lập vi bằng,…. Văn phòng thừa phát lại là một tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Hoạt động của thừa phát lại là hoạt động trong thi hành án dân sự được thí điểm tại TP.HCM từ năm 2009.

Thừa phát lại sẽ thực hiện các công việc cụ thể như sau:

  • Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
  • Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
  • Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.
  • Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
  • Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Như vậy, thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp, giống tên gọi của một số chức danh tư pháp khác như: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên… Một mặt thừa phát lại không phải là công chức, không phải người đại diện cho nhà nước, nhưng mặt khác, thừa phát lại được nhà nước tuyển chọn theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và bổ nhiệm để làm một số công việc thuộc thẩm quyền của Nhà nước.

Thừa phát lại tiếng Anh là Bailiff.

Xem thêm: Chức năng hoạt động của đơn vị Thừa phát lại

2. Quy định về chức năng, thẩm quyền của Thừa phát lại:

Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại do Thừa phát lại thành lập dựa trên việc gửi hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, ký quyết định. Chức năng của Văn phòng Thừa phát lại dựa trên những việc mà Thừa phát lại được làm. Những công việc mà Thừa phát lại được làm bao gồm:

*) Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.

  • Trưởng văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do chính Thừa phát lại thực hiện.
  • Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, đúng thời hạn của mình; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thưởng theo quy định.
  • Thủ tục thực hiện việc thông báo về thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Thủ tục thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Theo quy định hiện hành, thừa phát lại chỉ được tống văn bản của cơ quan tòa án và cơ quan thi hành án; trong khi dự thảo cho phép thừa phát lại được tống đạt cả văn bản của đương sự trong các vụ việc dân sự, hành chính (để phục vụ việc thu thập chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự), văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp – Công ước La Hay 1965) và văn bản của các cơ quan, tổ chức khác (cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp).

Riêng về tống đạt văn bản của đương sự, cơ quan nhà nước và tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp thì thừa phát lại được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa văn phòng thừa phát lại và cơ quan, tổ chức, đương sự có yêu cầu.

Dự thảo nghị định cũng sửa đổi quy định về chi phí tống đạt theo từng nhóm đối tượng yêu cầu. Cụ thể, nhóm đối tượng là tòa án và cơ quan thi hành án theo mức do nhà nước quy định như hiện nay; nhóm đối tượng là đương sự trong vụ việc dân sự, hành chính và nhóm đối tượng là cơ quan, tổ chức khác theo nguyên tắc thỏa thuận; nhóm liên quan đến tương trợ tư pháp do pháp luật về tương trợ tư pháp quy định.

*) Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

  • Việc lập vi bằng phải do chính Thừa phát lại thực hiện. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại có thể giúp Thừa phát lại thực hiện việc lập vi bằng, nhưng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về vi bằng do mình thực hiện.
  • Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp pháp luật cấm. Đồng thời, dự thảo còn quy định và làm rõ các trường hợp không được lập vi bằng như: không được lập vi bằng đối với những việc thừa phát lại không được làm; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định của Bộ luật Dân sự, trái đạo đức xã hội; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp.

Nhưng điểm đáng chú ý là phạm vi lập vi bằng của thừa phát lại đã được mở rộng ra ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt văn phòng thừa phát lại (hiện nay thừa phát lại chỉ được lập vi bằng tại địa phương – nơi đặt văn phòng).

*) Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

  • Người được thi hành án có quyền dùng kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại để yêu cầu thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án vụ việc căn cứ kết quả xác minh để tổ chức thi hành án.
  • Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh. Các quy định khác về thủ tục xác minh điều kiện thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án.
  • Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án thỏa thuận với Trưởng văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án
  • Trong trường hợp có căn cứ xác định kết quả xác minh không khách quan, chính xác thì Cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng Thừa phát lại khác có quyền không sử dụng kết quả đó nhưng phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
  • Văn bản thỏa thuận phải có các nội dung chủ yếu sau: Nội dung cần xác minh, trong đó nêu cụ thể yêu cầu xác minh về điều kiện tài sản hay các điều kiện khác của đương sự; Thời gian thực hiện việc xác minh; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Chi phí xác minh…

Theo quy định hiện nay, thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt văn phòng thừa phát lại.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các văn phòng thừa phát lại nâng cao kết quả hoạt động xác minh điều kiện thi hành án, cũng như tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận dân sự giữa thừa phát lại và người yêu cầu xác minh, dự thảo nghị định đã mở rộng thẩm quyền, phạm vi xác minh của thừa phát lại. Theo đó, thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định về ủy thác xác minh điều kiện thi hành án giữa các văn phòng thừa phát lại; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như: công chức tư pháp – hộ tịch, địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường; cán bộ, công chức cấp xã khác; bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng… trong việc hỗ trợ thừa phát lại thực hiện xác minh điều kiện thi hành án.

*) Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại. Đương sự có quyền yêu cầu văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án dân sự trong trường hợp vụ việc đó đang do Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành. Thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

  • Thừa phát lại thực hiện các thủ tục về thi hành án theo quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP. Trường hợp trong Nghị định không quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
  • Trưởng văn phòng Thừa phát lại ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng thỏa thuận thi hành án với người yêu cầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Kết luận: Văn phòng thừa phát lại sẽ lập vi bằng đối với giao dịch của bạn khi bạn có yêu cầu. Tuy nhiên, đối với một số giao dịch, theo quy định của pháp luật thì bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực (ví dụ như những giao dịch trong đất đai) mà bạn lập vi bằng thì không đúng theo quy định của pháp luật. Việc giao dịch không đúng về hình thức có được công nhận hay không còn phải phụ thuộc vào việc các bên đã thực hiện hợp đồng/giao dịch đến giai đoạn nào.