Bac Si Nguyen Xuan Quang's Blog

Bac Si Nguyen Xuan Quang's Blog

đôi chằm là gì

ĐÔI TẦM EM ĐEO

(Học Anh Ngữ Bằng Việt Ngữ Và Ngược Lại).

Nguyễn Xuân Quang.

Chúng ta có bài ca dao Tát Nước Đầu Đình rất được ưa chuộng và đã phổ thành nhạc được nhiều ca sĩ nổi tiếng hát.

Ta thường nghe hát:

Đêm qua tát nước đầu đình,

Để quên cái áo trên cành hoa sen.

Em có bắt được thì cho anh xin,

Hay là em để làm tin trong nhà.

. . . . . .

Giúp em đôi chiếu em nằm,

Đôi chăn em đắp, đôi Trầm em đeo.

Giúp em quan tám tiền cheo,

Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.

Cũng có người viết, có người hát là đôi TẰM và giải thích là bông tai giống như con tằm. Giải thích như vậy là Sai.

Có người cho là Tầm do tằm hát sai mà thành và cũng giải thích tầm là con tằm. Cũng Sai.

Như đã nói ở trên phần lớn thường viết hay hát là TRẦM, một thứ gỗ thơm, quí. Cũng sai luôn. Trầm là thứ gỗ quí dân dã Việt Nam ít biết đến. Gỗ trầm chỉ dùng trong tín ngưỡng và làm vật dụng như quạt trầm dành cho giới vương giả mà thôi. Bông tai không bao giờ làm bằng gỗ trầm cả.

Ta cũng thấy rất rõ trầm là sai qua câu ca dao:

Gái khôn con đã đến thì,

Để mẹ sắm sửa cho đi lấy chồng.

Mẹ sắm cho con cái yếm nhất phẩm hồng,

Dép cong, nón trẫm với dây thao điều,

Đôi Trầm’ vàng rực con đeo…

Gỗ trầm mầu nâu, không hề có loại gỗ trầm nào ‘vàng rực’ như vàng kim loại cả. Rõ ràng trầm là sai. Phải là Đôi Tầm vàng rực mới đúng.

Đúng và đích thực phải là TẦM hay TẰM nhưng phải hiểu khác với nghĩa tằm tơ và không phải là gỗ trầm trăm phần trăm.

Tầm/tằm ở đây liên hệ với Tai.

Ta có từ đôi đồng nghĩa tằm tang hay tầm tang, nghĩa là tằm/tầm ruột thịt với tang. Tang có nhiều nghĩa. Hán Việt tang là cây dâu dùng lá chăn tằm lấy tơ dệt lụa. Tang bộc: trên bộc trong dâu chỉ bọn người dâm đãng.

Còn ở đây tang là một từ nôm, thuần Việt có một nghĩa liên hệ với Tai.

Tang có một nghĩa là tai thấy qua:

-Tang là tai hay hàm nghĩa tai (ở phía hai bên mặt) thấy qua từ tang trống: vành trống, phía bên mặt trống; tang giếng: thành giếng (phía bên mặt giếng). Lưu ý dùng từ tang trống và tang giếng vì trống và giếng đều có mặt. Rõ hơn Chàm ngữ tang là tai. Chàm ngữ liên hệ với Nam Đảo ngữ, thuộc nhánh Lạc Việt Hải Đảo nghĩa là liên hệ mật thiết với Việt ngữ Hồng Lạc.

màng tang.

Nếu hiểu màng là mỏng thì có nghĩa là màng da mỏng phía tai. Ta có từ đôi mỏng tang, mỏng tanh, mỏng teng nghĩa là tang, tanh có một nghĩa là mỏng, liên hệ với Gael và Irish ngữ tana, mỏng, với Phạn ngữ tanu, mỏng, với Anh ngữ thin (mỏng), Với nghĩa mỏng teng thì liên hệ với Welsh là teneu, Latin là tenuis.

Với nghĩa này màng tang liên hệ với Pháp ngữ tempe, Anh ngữ temple: “flattened area on either side of the forehead”, from PIE *temp- “to stretch,” an extension of root *ten- “to stretch.” The sense development would be from “stretchings” to “stretched skin” (phần dẹp ở mỗi bên trán, phát gốc từ gốc tái tạo Tiền-Ấn-Âu ngữ PIE *temp- ‘dãn ra’, nới rộng của gốc *ten- ‘tăng’ (căng, dãn). Phát triển ý từ ‘tăng dãn’ tới ‘da căng ra’ (online Etymyology Dictionary).

Thật ra gốc PIE *temp-, *ten- tăng, căng ra hàm nghĩa tang, tanh (mỏng) cũng biến âm với tang (tai) và liên hệ với màng tai (màng nhĩ).

Nếu hiểu màng là biến âm mẹ con với mang có một nghĩa là bên (như họ hai mang là họ cả hai bên nội ngoại), mang (bên), biến âm với mạn (mạn thuyền) và với Hán Việt bàng (là bên) thì màng tang = mang tai (bên tai). Cười ngoác miệng lên tới tận mang tai. Người Bắc thường nói thái dương. Người Trung Nam dùng nhiều từ màng tang, ít khi dùng từ thái dương như người Bắc. Có lẽ người Trung vì giao lưu với ngôn ngữ Chàm trong đó có từ Chàm tang là tai nên dùng nhiều màng tang.

Tăm, Tằm, Tầm Liên Hệ Với Tai.

Ta thấy rõ qua:

1. Tăm/tằm/tầm liên hệ với tai.

Qua biến âm kiểu tằm-tang ta có tằm = tang với tang = tằm (tơ). Suy ra ta cũng có tằm/tầm = tang với tang có nghĩa là tai.

2. Qua từ đôi đồng nghĩa tăm tiếng, ta có tăm liên hệ với tiếng. Tiếng liên hệ với tai thấy qua từ đôi đồng nghĩa tai tiếng (bị nói đến tai nhiều, bị nghe đến nhiều, bị dị nghị, bị tiếng xấu) nhiều khi cũng nói mang tai mang tiếng (cần phân biệt với mang tai có một nghĩa là mang họa, mang tai họa). Nhưng theo nghĩa của từ đôi đồng nghĩa tai tiếng ta có một nghĩa là tai = tiếng (tiếng liên hệ với tai và ngược lại). Như vậy ta có tằm/tầm liên hệ với tang (tai) và liên hệ với tiếng (tai).

3. Tăm/tằm/ tầm liên hệ với tai với tiếng cũng liên hệ với Phạn Ngữ ţam (imitation sound, bắt chước tiếng động, âm), Phạn Ngữ tâmkrita, tiếng động, âm, Phạn Ngữ dam, to sound, làm thành tiếng, tạo ra tiếng, tạo ra âm thanh (có một nghĩa là đánh trống). Việt ngữ cổ Đâm là đánh trống. Trống đồng Đông Sơn hở đáy là trống nòng nọc (âm dương) nên đánh trống theo cách nòng nọc (âm dương). Trống mang tính nọc nòng (dương âm) thì chầy cũng phải mang tính nòng nọc (âm dương) gồm một đầu kín, đặc dương và một đầu hở âm. Trên trống Ngọc Lũ I và họ hàng có cảnh đánh trống theo nòng nọc (âm dương). Dùng đầu chầy hở mang âm tính Đâm thẳng từ trên xuống mặt trời mang tính dương ở tâm mặt trống cho nòng nọc (âm dương) giao hòa, tạo ra muôn điều tốt lành cho vũ trụ, trời đất, thế giới con người.

clip_image002

Một cảnh đánh trống theo nòng nọc (âm dương) trên trống Hoàng Hạ đầu chầy phía dưới hở, âm đâm thẳng từ trên xuống mặt trống có mặt trời dương.

Đâm là đánh trống tạo ra tiếng chính là Phạn ngữ dam, to sound. Người cổ Việt gọi đánh trống là đâm trống. Tương tự khi lật ngược trống đồng nòng nọc (âm dương) lên ta có một cái cối. Lúc này dùng đầu dùi trống đặc làm chầy mang dương tính đâm thẳng từ trên xuống vào lòng rỗng cối mang âm tính (như thấy ở cảnh giã chầy cối bên khu nhà nòng âm trên trống đồng Đông Sơn).

Ngày nay giã ớt, giã tỏi bằng chầy dương cối âm chúng ta cũng vẫn còn nói đâm ớt, đâm tỏi. Ta cũng thấy đâm cối (giã) giống đâm trống có một nghĩa là Phạn ngữ dam (to sound) mang tính tín ngưỡng để cho nòng nọc âm dương giao hòa (giống như cảnh đâm trống) ở ngành nòng âm đối ngược với cảnh đâm trống ở ngành nọc dương. Vì thế cảnh đâm cối trên trống đồng không hẳn là cảnh giã gạo như các nhà khảo cổ Việt Nam hiện nay cho là vậy mà mang một ý nghĩa biểu tượng tín ngưỡng (Giải Đọc Trống Đồng Đông Sơn).

Nói rộng ra thêm ta thấy từ Phạn ngữ dam, Việt ngữ đâm có tuổi già hơn trống Ngọc Lũ tức già hơn 2.500 năm và ta cũng tìm ra được nguyên ngữ (gốc chữ) của các từ nôm thuần Viêt liên hệ với Phạn ngữ dam và Việt ngữ đâm (có nghĩa là đánh liên hệ với âm thanh). Ví dụ Ông Dóng Phù Đổng Thiên Vương có Dóng là đánh trống (dóng trống) và dóng là nói (dóng tiếng, dổng tiếng). Tống là đánh (tao tống cho mày một quả bây giờ) liên hệ với Việt ngữ trống, Pháp ngữ ton, Anh ngữ tone. Đấm (đánh bằng nắm tay) liên hệ với Phạn ngữ dam… Ta cũng thấy từ đâm trong đâm trống, đâm cối diễn đạt nòng nọc (âm dương) giao hòa, giao hợp cùng nghĩa với từ đâm thọc (đâm = thọc). Thọc, thục, thọt, thụt chính là Anh ngữ thrust, đâm, thọc, có một nghĩa chỉ động tác làm tình [tức giao hợp, giao hòa nòng nọc (âm dương)].

Tóm lại tâm, tầm biến âm mẹ con với đâm (đánh trống), với Phạn ngữ dam, to sound tức tạo ra tiếng, liên hệ mật thiết với tai (tai tiếng).

Nhưng rõ hơn nữa là tằm/tầm liên hệ với hoa tai:

4. tăm/tằm/tầm liên hệ với hoa tai ruột thịt với Phạn ngữ “uttaḿsa” có nghĩa là “ear-ring” (hoa tai, bông tai). Giải tự từ uttaḿsa có:

ut- là trên, “ut” đẻ ra Anh ngữ “up”, Gothic và Anglosaxon ut, Old High German ûz có nghĩa là trên.

-và -tamsa. Tamsa có tam- liên hệ với Phạn ngữ tam, bắt chước tiếng động, tâmkrita, tiếng động, âm thanh và dam, to sound tức liên hệ với tai như vừa nói ở trên.

Uttamsa có một nghĩa (vật) ‘trên tai’.

5. tăm/tằm/tầm liên hệ với Mã ngữ těmpeleng, “a box on the ear”, một thứ hoa tai hình hộp, có tem- phát gốc từ Phạn ngữ tams, liên hệ với tai như vừa nói ở trên.

Không còn gì để nói nữa ‘đôi TẰM/TẦM em đeo’ chính là đôi hoa tai utTAMsa của Phạn ngữ và TEMpeleng của Mã ngữ. ” Đôi Tầm vàng rực con đeo”, chính là đôi hoa tai bằng vàng ròng, vàng mười sáng rực, rực rỡ.

Lưu Ý

(Xin mở một dấu ngoặc ở đây: ta thấy tầm của Việt và temp(eleng) của Mã ngữ đều liên hệ với Phạn ngữ tam-. Như thế Tầm lấy từ gốc Phạn (hoặc một từ ruột thịt với Phạn ngữ) hay lấy từ Mã-Nam Dương ngữ? Nếu là tác giả Bình Nguyên Lộc thì chắc ông nghiêng về có gốc từ Mã Lai. Tuy nhiên ta thấy từ tầm dùng nhiều ở Bắc Việt hơn ở Trung Nam. Như thế Tầm nghiêng về có gốc Phạn ngữ trực tiếp hay qua các tộc nói tiếng Nam Á Môn Khmer thuộc nhánh Hồng Việt có giao lưu với các tộc có ngôn ngữ liên hệ với Phạn ngữ hơn là có gốc từ Mã Nam Dương ngữ thuộc nhánh Nam Đảo Lạc Việt Hải đảo.

Vì thế khi so sánh Việt với Mã ngữ và cả với Nam Dương ngữ, ta phải biết chắc chắn chúng là thuần Mã, thuần Nam Dương ngữ, không có nguồn gốc từ Phạn ngữ thì ta mới kết luận là có sự liên hệ giữa Việt ngữ và Nam Đảo ngữ được. Trong danh sách so sánh của tác giả Bình Nguyên Lộc có rất nhiều từ Mã, Nam Dương có gốc Phạn, cần phải xét lại trước khi kết luận các từ này đẻ ra Việt ngữ. Đóng ngoặc).

Một điểm cần nói rõ nữa là hai từ tằm và tầm phiên âm của Phạn ngữ tam- đều đúng và đều có thể chấp nhận dùng được: đôi tằm hay đôi tầm cũng dùng được cả.

Tuy nhiên phải hiểu từ tằm ở đây không phải là tơ tằm, đôi tằm không phải là đôi bông tai làm bằng tơ tằm hay có hình con sâu tằm mà phải hiểu tằm ruột thịt với tai. Tằm (tai) liên hệ với Phạn ngữ uttamsa, hoa tai, Mã ngữ tempeleng, một loại bông tai, với Pháp ngữ tempe, Anh ngữ temple, màng tang, mang tai, với tam tam, tom tom (tiếng trống),với Pháp ngữ tambour, Anh ngữ tambourine, timbrel,Cổ ngữ Anh timpan, Latin tympanum, Anh ngữ hiện kim drum là trống. Riêng từ drum ta cũng thấy d(r)um = dum = Phạn ngữ dam, to sound = tum = tăm, tầm. Theo người Việt thì đánh trống (beat the drum) là đâm drum (đâm /đâm/), là tom tom chát chát (như trống chầu).

Trống tạo ra tiếng liên hệ với tai như đã biết qua từ đôi đồng nghĩa tai tiếng, ta có tai liên hệ với tiếng, với trống. Vì thế mà Anh ngữ có từ typanum là “drum of the ear,”

Tốt nhất để tránh hiểu nhầm ta nên chọn dùng từ TẦM: ‘đôi TẦM em đeo’ tránh dùng từ Tằm.

Một lần nữa qua các câu ca dao, dồng dao ta thấy rất rõ các từ nôm thuần Việt ruột thịt với Phạn ngữ tức liên hệ mật thiết với Anh ngữ nói riêng và Ấn-Âu ngữ nói chung. Ta có thể tìm hiểu, học Anh ngữ bằng Việt ngữ và ngược lại . Ở đây Phạn ngữ giúp ta tìm ra được gốc và nghĩa từ Tầm (xem Từ Điển Tương Đồng Việt-Anh/Anh Việt sẽ xuất bản).

Hãy viết và dù là ca sĩ hát hay tới đâu đi nữa nên hát cho đúng:‘đôi TẦM em đeo’ để nghe cho khỏi ngứa lỗ tai …