Làm chết êm dịu (Euthanasia) và kinh nghiệm về cái chết trong bệnh viện

Euthanasia là gì

Làm chết êm dịu (Euthanasia)[1] và kinh nghiệm về cái chết trong bệnh viện

BS Elizabeth Trần Như Ý Lan

Trích Thời sự Thần học, Số 75 – 02/2017

Ngày 22/4/2014 tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) đề xuất quyền được chết của bệnh nhân, ông phát biểu: “Người bệnh nặng, y học bó tay, gia đình kiệt quệ, mong được chết một cách êm dịu cũng rất nên chấp thuận cho họ”.[2] Ngày 27/4/2014 kết quả khảo sát do báo Tuổi Trẻ online thực hiện trên 685 ý kiến bạn đọc cho thấy có 557 ý kiến đồng ý bổ sung quyền được chết vào Bộ luật dân sự (chiếm 81,3%). Có 117 ý kiến không đồng ý và 11 ý kiến khác. Cho đến các ngày sau, tỉ lệ ủng hộ việc bổ sung quyền được chết vào Bộ luật dân sự tuy có giảm nhưng vẫn chiếm đa số, gần gấp đôi số người phản đối.[3]

Tôi giật mình lo lắng trước sự kiện này. Cho đến nay, ngược với trào lưu đang có xu hướng gia tăng ở một số nước phương Tây đòi hợp pháp hóa việc làm chết êm dịu, và chết với sự trợ giúp của thầy thuốc, hay còn gọi là “trợ tử”[4], pháp luật và y khoa Việt-Nam không cho phép làm chết êm dịu hay trợ tử. Bộ luật hình sự 1999, điều 101 quy định phạt tù từ sáu tháng đến ba năm đối với tội xúi giục người khác tự tử, hay trợ giúp người khác tự tử.[5]

Bộ Giáo Lý Đức Tin nhận định: “Sự tiến bộ y khoa trong vài thập niên trở lại đây đã đem lại các khía cạnh mới của vấn đề làm chết êm dịu, và các khía cạnh mới này cần được làm sáng tỏ hơn về mặt đạo đức. Trong xã hội hiện đại, ngay cả các giá trị nền tảng của đời sống con người cũng thường bị đặt lại vấn đề, sự thay đổi văn hóa ảnh hưởng lên cách nhìn về đau khổ và sự chết; hơn nữa, y khoa đã gia tăng khả năng chữa lành và kéo dài sự sống trong các hoàn cảnh đặc biệt, điều này làm nảy sinh các vấn nạn luân lý. Vì vậy con người sống trong tình cảnh này cảm nghiệm không ít lo lắng về ý nghĩa của tuổi già và sự chết. Họ cũng bắt đầu tự hỏi rằng họ có hay không, quyền cho chính họ hay cho đồng loại, tìm đến “cái chết êm dịu” hầu rút ngắn đau khổ và, dường như đối với họ, hòa hợp hơn với phẩm giá con người.”[6]

Trở lại tình hình Việt Nam, tuy đề nghị của ông Vụ trưởng Pháp chế cho đến nay chưa được xem xét, vẫn còn đó nguy cơ nền y khoa đất nước có thể đi ngược lại với truyền thống văn hóa đáng trân trọng, đã đâm rễ sâu trong tâm hồn người Việt là “đức hiếu sinh”, và có thể chuyển sang một bước ngoặt làm thay đổi chính bản chất ngành y, từ chỉ có cứu người trở thành có thể “giết người cách hợp pháp”, mặc dù xuất phát từ lòng thương xót hay được bệnh nhân yêu cầu. Bài viết nhận định vấn đề này trên quan điểm Huấn Quyền Công Giáo, và kể đôi nét về kinh nghiệm tiếp cận cái chết trong bệnh viện của chính tác giả.

Đọc các bình luận của độc giả các bài báo nêu ở phần mở đầu, tôi thấy dường như nhiều độc giả chưa hiểu rõ vài khái niệm cơ bản như sự khác nhau giữa việc làm chết êm dịu và việc chấp nhận ngưng các điều trị nặng nề không hiệu quả để cái chết đến tự nhiên như hậu quả tất yếu của bệnh lý. Việc làm sáng tỏ các khái niệm liên quan đến làm chết êm dịu là cần thiết, nếu không thì việc bàn luận sẽ bế tắc vì không hiểu nhau.

I. Một vài khái niệm liên quan đến Làm Chết Êm Dịu

Theo Tuyên Ngôn về Làm Chết Êm Dịu, Bộ Giáo Lý Đức Tin định nghĩa : “Làm Chết Êm Dịu được hiểu là một hành động hay một sự bỏ qua để do tự điều này và bởi ý định gây ra cái chết, nhằm mọi đau khổ được chấm dứt.” Từ định nghĩa này, có thể phân loại thêm, tùy theo phương thức hành động và ý nguyện của bệnh nhân.

1. Làm Chết Êm Dịu chủ động (active euthanasia): hành động của một người gây ra (thường là bác sĩ, y tá hay người nhà bệnh nhân) chủ ý chấm dứt sớm tính mạng của người khác (thường là bệnh nhân). Thí dụ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, bác sĩ cố tình tiêm morphine liều cao, ẩn dưới lý do giúp giảm đau, nhưng chính là nhắm đến gây suy hô hấp và bệnh nhân chết do morphine quá liều.

– Làm Chết Êm Dịu chủ động tự nguyện (voluntary active euthanasia): Làm Chết Êm Dịu chủ động theo yêu cầu của bệnh nhân, có sự đồng tình rõ ràng của bệnh nhân. Trường hợp này còn gọi là tự tử với sự trợ giúp của thầy thuốc (physician assisted suicide). Thí dụ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, không còn hy vọng điều trị hồi phục, không muốn kéo dài tình trạng đau đớn, và yêu cầu bác sĩ tiêm cho mình liều cao thuốc morphine để chết. Bác sĩ đồng ý và thực hiện điều này.

– Làm Chết Êm Dịu chủ động không tự nguyện (non- voluntary active euthanasia): Làm Chết Êm Dịu chủ động ở những người không có khả năng bày tỏ sự ưng thuận cách tự do và không hiểu biết về những gì sẽ xảy ra cho mình, như người bệnh tâm thần, bệnh nhân tình trạng thực vật, hôn mê sâu. Thí dụ bệnh nhân ở trạng thái thực vật vài năm, gia đình yêu cầu bác sĩ tiêm thuốc cho bệnh nhân chết, bệnh nhân không hề biết cái chết đang xảy ra cho mình.

– Làm Chết Êm Dịu chủ động trái với ý muốn bệnh nhân (active euthanasia contrary to patient’s will) Làm Chết Êm Dịu chủ động ở những người bệnh nặng còn tỉnh táo, minh nhiên từ chối, không đồng ý việc bị làm cho chết, hoặc ở bệnh nhân hiện trạng không có khả năng bày tỏ sự ưng thuận cách tự do và không hiểu biết về những gì sẽ xảy ra cho mình, nhưng trước đó, khi còn đầy đủ ý thức, bệnh nhân đã tỏ rõ ý kiến là không chấp nhận việc làm chết êm dịu. Thí dụ bệnh nhân liệt tứ chi nằm liệt gường nhiều năm do chấn thương cột sống cổ, gia đình yêu cầu bác sĩ làm chết êm dịu cho bệnh nhân; bệnh nhân không đồng ý nhưng không có cách phản kháng.

2. Làm Chết Êm Dịu thụ động (passive euthanasia): thường là bác sĩ hay y tá, bỏ qua hành vi cần thiết để cứu sống hoặc rút bỏ các phương tiện điều trị y khoa cứu sống bệnh nhân chủ ý chấm dứt sớm tính mạng bệnh nhân. Thí dụ bệnh nhân già bị tai biến mạch máu não mức độ trung bình phải nhập viện. Tổn thương não còn hy vọng phục hồi, nhưng trong quá trình nằm viện, bệnh nhân bị bội nhiễm viêm phổi cấp. Viêm phổi này có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh mạnh phù hợp, nhưng bác sĩ và gia đình cùng đồng ý không dùng kháng sinh cần thiết điều trị để cái chết đến sớm. Cuối cùng bệnh nhân chết vì viêm phổi nặng.

Tương tự như trên, Làm Chết Êm Dịu thụ động cũng chia thêm làm ba loại tùy theo ý nguyện của bệnh nhân

– Làm Chết Êm Dịu thụ động tự nguyện (voluntary passive euthanasia): Làm Chết Êm Dịu thụ động theo yêu cầu của bệnh nhân, có sự đồng tình rõ ràng của bệnh nhân

– Làm Chết Êm Dịu thụ động không tự nguyện (non- voluntary passive euthanasia): Làm Chết Êm Dịu thụ động ở những người không có khả năng bày tỏ sự ưng thuận cách tự do và không hiểu biết về những gì sẽ xảy ra cho mình.

– Làm Chết Êm Dịu thụ động trái với ý muốn bệnh nhân (passive euthanasia contrary to patient’s will) Làm Chết Êm Dịu thụ động ở những người bệnh còn tỉnh táo, minh nhiên từ chối, không đồng ý việc bị làm cho chết. Hoặc ở bệnh nhân hiện trạng không có khả năng bày tỏ sự ưng thuận cách tự do và không hiểu biết về những gì sẽ xảy ra cho mình, nhưng trước đó, khi còn đầy đủ ý thức, bệnh nhân đã tỏ rõ ý kiến là không bao giờ chấp nhận việc làm chết êm dịu.

Mọi trường hợp làm chết êm dịu chủ động hay thụ động đều không hợp luân lý.

3. Để cho chết (allowing to die/ letting die): là ngưng các phương tiện điều trị đang được áp dụng hoặc không bắt đầu các phương tiện điều trị không hiệu quả, không đáp ứng mong đợi hồi phục và do đó để cái chết đến tự nhiên như quá trình kết thúc tất yếu của căn bệnh nghiêm trọng. Trường hợp này không sai trái luân lý. Để cho chết tự nhiên khác với làm chết êm dịu thụ động là việc cố ý bỏ qua hành động cần thiết cứu sống để làm cho bệnh nhân chết sớm hơn tiến trình tự nhiên của bệnh. Thí dụ bệnh nhân phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn xương, di căn não. Bác sĩ thông tin việc điều trị hóa trị, xạ trị, tốn kém nhiều nhưng kết quả dự đoán không khả quan bao nhiêu, và hậu quả phụ của hóa trị, xạ trị sẽ làm bệnh nhân thêm gánh nặng thể lý. Bệnh nhân lại nghèo, nên từ chối việc điều trị và cuối cùng bệnh nhân chết do chính căn bệnh ung thư di căn.

Một luận cứ quan trọng mà nhóm chủ trương làm chết êm dịu đưa ra để biện minh lập trường của họ là: biết chắc trước sau gì bệnh nhân cũng chết, thì làm cho bệnh nhân chết sớm sẽ nhẹ gánh cho bệnh nhân, cho gia đình, cho xã hội, nhất là khi chính bệnh nhân yêu cầu làm điều ấy. Tuy nhiên, điều khác nhau nền tảng về bản chất giữa làm chết êm dịu và để cho chết là trong trường hợp thứ nhất, bệnh nhân chết do bị bác sĩ giết, còn trong trường hợp thứ hai, bệnh nhân chết là do tiến trình tất yếu tự nhiên của căn bệnh.

4. Phương thức điều trị cân xứng (proportionate means) hay thông thường (ordinary means)

Là những phương thức điều trị theo phán đoán của bệnh nhân, với một lương tâm tự do và có đủ thông tin chính xác từ thầy thuốc, mang lại hy vọng về lợi ích tương xứng và không kéo theo quá nhiều gánh nặng thể lý hoặc chi phí quá lớn cho bệnh nhân, gia đình và cộng đồng. Mỗi người buộc phải dùng phương tiện thông thường để bảo vệ sức khỏe của mình.[7]

5. Phương thức điều trị không cân xứng (disproportionate means) hay ngoại thường (extra-ordinary means)

Là những phương thức chữa trị mà bệnh nhân, với một lương tâm tự do và có đủ thông tin chính xác từ thầy thuốc, thấy rằng có quá nhiều nguy cơ, hoặc gây ra tác dụng phụ không mong muốn và gánh nặng thể lý hoặc chi phí quá tốn kém cho bệnh nhân, gia đình và cộng đoàn, trong khi không hy vọng về lợi ích cân xứng mang lại cho bệnh nhân. Về mặt luân lý, bệnh nhân có quyền từ chối phương thức điều trị không cân xứng.[8]

Chính từ cái nhìn về nhân vị, ý nghĩa sự sống, ý nghĩa của đau khổ, bệnh tật, và cái chết mà các luận cứ được đưa ra để ủng hộ hay chống đối việc làm chết êm dịu. Do đó điều căn bản cần nói đến là giá trị sự sống, ý nghĩa của đau khổ, bệnh tật, ý nghĩa cái chết. Các phần sau đây, chủ yếu được trích từ giáo huấn của Giáo Hội vì tính thẩm quyền chính thức và cũng khá đầy đủ.

II. Giá trị nhân vị và giá trị sự sống

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu lên giá trị khôn ví của nhân vị trong Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống (Evangelium Vitae, EV):

Con người được mời gọi đến sự sống sung mãn vượt xa các chiều kích hiện hữu trần thế của con người, bởi vì đó là chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Tính cao cả của ơn gọi siêu nhiên này biểu lộ sự lớn lao và giá trị khôn lường của sự sống con người ngay trong giai đoạn trần thế của nó. Thật vậy, sự sống trong thời gian, là điều kiện cơ bản, là giai đoạn khởi đầu, và là một phần cốt yếu của toàn bộ tiến trình thống nhất của sự hiện hữu con người. Đó là một tiến trình, một cách bất ngờ và nhưng không, được soi sáng bởi lời hứa và được đổi mới bởi việc trao ban sự sống thần linh. Tiến trình ấy sẽ đạt đến sự thể hiện trọn vẹn của nó trong đời sống vĩnh cửu (x. 1 Ga 3, 1-2). Đồng thời, chính ơn gọi siêu nhiên này làm nổi bật tính chất tương đối của đời sống trần thế của mỗi cá nhân. Sau hết, sự sống trên trần thế không phải là một thực tại “chót” mà là “áp chót”; dù có thế đi nữa, sự sống trên trần thế vẫn là một thực tại thánh thiêng được trao phó cho chúng ta, để chúng ta giữ gìn với ý thức trách nhiệm và để chúng ta đưa nó đến mức hoàn thiện trong tình yêu và trong sự hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa và cho anh chị em chúng ta.[9] (EV s.2)

Bộ Giáo lý Đức Tin trong Tuyên Ngôn về Làm Chết Êm Dịu dạy về giá trị sự sống:

Sự sống con người là nền tảng cho mọi điều thiện hảo, là nguồn cội và điều kiện cần thiết cho mọi sinh hoạt con người và cho mọi xã hội. Đa số nhân loại nhìn nhận sự sống như điều thánh thiêng và không ai có thể tự ý hủy diệt sự sống. Các Kitô hữu nhận ra trong sự sống một điều lớn lao hơn, đó là món quà của tình yêu Thiên Chúa, mà con người được mời gọi để bảo tồn và làm cho nảy sinh hoa trái. Và chính suy tư này khơi gợi các hệ luận sau:

1/ Không ai xâm phạm sự sống con người vô tội mà lại không đối nghịch với tình yêu Thiên Chúa dành cho con người vô tội ấy, mà không xâm phạm đến quyền cơ bản, và vì thế phạm một tội ác nghiêm trọng nhất.[10]

2/ Mọi người có trách nhiệm sống hòa hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Đời sống đó được trao ban cho mỗi cá nhân như là một điều tốt lành và phải sinh hoa trái ngay trên trái đất này, nhưng chỉ đạt đến viên mãn trong đời sống vĩnh cửu.

3/ Cố ý gây ra cái chết cho bản thân, hay tự tử, vì vậy cũng sai trái như là sát nhân; hành vi như thế xem như là chối bỏ quyền chủ tể và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Hơn nữa, tự tử cũng thường là từ chối tình yêu đối với bản thân, chối bỏ bản năng sinh tồn, thoái thác khỏi bổn phận công bình và bác ái đối với người thân cận, với các cộng đồng khác nhau, hay với toàn thể xã hội. Mặc dù, như thường được nhìn nhận, đôi khi có những yếu tố tâm lý có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm hay ngay cả miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm.

Theo kinh nghiệm của người viết trong những năm làm cấp cứu tại Bệnh Viện Lê Lợi Vũng Tàu, người tự tử sau khi được cứu sống sẽ bị phạt hành chính, mà giới y chúng tôi gọi đùa là “đóng tiền ngu”. Cố Giáo sư Ngô Gia Hy nhận định trong thực hành y khoa Việt-Nam chưa hề phát sinh ý hướng cho phép việc làm chết êm dịu. Châm ngôn của thầy thuốc Việt-Nam là “còn nước còn tát”, “tận nhân lực, tri thiên mạng”. Y đức Đông phương chủ trương thầy thuốc đem hết tài trí để cứu sinh mạng bệnh nhân cho đến hơi thở cuối cùng. Các thầy thuốc Việt-Nam nỗ lực “tìm sự sống trong cái chết”, vì sự sống luôn là điều thiện hảo. Thầy thuốc không thể thay Tạo Hóa gây giết người dù nhân danh lòng thương xót. Đây là điểm son của ngành y Việt-Nam.[11] Tiếc thay, thái độ này nay không dành cho thai nhi, đặc biệt là các thai nhi khuyết tật.[12]

III. Ý Nghĩa của đau khổ và việc sử dụng thuốc giảm đau cho bệnh nhân

Bộ Giáo lý Đức Tin trong Tuyên Ngôn về Làm Chết Êm Dịu nhận định về ý nghĩa của đau khổ, cách riêng đón nhận đau khổ trong bệnh tật:

Theo giáo huấn Kitô giáo, đau khổ, cách riêng là đau khổ trong những giờ phút cuối cuộc đời, có một vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đau khổ quả thật là chia sẻ cuộc khổ nạn của Đức Kitô và hiệp nhất với hy tế cứu độ của Ngài trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vì vậy, không nên ngạc nhiên nếu một số Kitô hữu muốn giảm bớt việc dùng thuốc giảm đau để có thể chấp nhận một cách tự nguyện ít ra là một phần những đau khổ của họ và qua đó kết hợp một cách có ý thức với những đau khổ của Đức Kitô chịu đóng đinh (x. Mt 27, 34). Tuy nhiên sẽ là thiếu khôn ngoan khi áp đặt cách thức hành xử anh hùng này như là một nguyên tắc. Trái lại, đức khôn ngoan nhân bản và khôn ngoan Kitô giáo gợi ý cho đa số bệnh nhân việc sử dụng các thuốc có khả năng giảm nhẹ hay trấn áp đau đớn dù cho các thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ làm giảm ý thức và sự sáng suốt. Còn đối với những người lâm vào trạng thái không tự diễn đạt được, ta có thể giả định cách hữu lý rằng họ muốn dùng thuốc giảm đau, và dùng cho họ theo lời khuyên của bác sĩ. Nhưng việc dùng thuốc giảm đau liên tục không phải không có khó khăn, vì hiện tượng quen thuốc thường khiến cần phải tăng liều lượng để duy trì hiệu quả. Về điểm này, thật thích hợp nhắc lại lời tuyên bố của Đức Piô XII mà nay vẫn còn hiệu lực; khi Ngài trả lời một nhóm bác sĩ đã đặt câu hỏi: “Việc trấn áp cơn đau và ý thức bằng thuốc gây ngủ, … có được phép về mặt tôn giáo và luân lý cho bác sĩ và bệnh nhân hay không (ngay cả lúc cận kề cái chết, và nếu dự đoán rằng sử dụng thuốc gây ngủ sẽ rút ngắn đời sống)?” Đức Giáo Hoàng nói: “nếu không có phương tiện nào khác, và nếu trong các hoàn cảnh thực tế, việc (dùng thuốc) này không ngăn cản sự thực hiện các bổn phận khác về tôn giáo và luân lý thì được phép.”[13] Trong trường hợp này, hẳn nhiên không hề nhắm gây ra cái chết, ngay cả một cách hợp lý gây ra nguy cơ chết; ý hướng ở đây đơn thuần là để giảm đau cách hiệu quả, sử dụng các thuốc giảm đau sẵn có cho mục đích này. Thế nhưng các thuốc giảm đau mà gây mất ý thức cần được xem xét thận trọng. Vì mỗi người không những phải có khả năng làm tròn bổn phận luân lý và trách nhiệm gia đình; mà còn phải chuẩn bị chính mình với đầy đủ ý thức để gặp gỡ Đức Kitô. Vì vậy Đức Piô XII khuyến cáo: “không được lấy đi ý thức của người hấp hối nếu không có lý do nghiêm trọng.”[14]

IV. Mầu nhiệm sự chết

1. Ý Nghĩa sự chết

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy niệm cái chết của Đức Kitô trên Thập Giá (x. Lc 23, 48) và từ đó con người sẽ tìm thấy được ý nghĩa cái chết của chính mình khi kết hợp với sự đau khổ và cái chết của Đấng Cứu Độ chúng ta.

Vào đầu buổi chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, “bóng tối bao phủ khắp mặt đất…mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong đền thờ bị xé ngay chính giữa” (Lc 23, 44. 45). Đây là biểu tượng của sự đảo lộn lớn lao của vũ trụ và cuộc xung đột ồ ạt giữa các thế lực thiện và ác, giữa sự sống và sự chết. Ngày nay chúng ta cũng đang ở giữa cuộc xung đột thảm khốc giữa “nền văn hóa sự chết” và “nền văn hóa sự sống”. Nhưng vinh quang Thập Giá không bị khuất phục bởi bóng tối tăm này; mà đúng hơn, nó chiếu soi còn rạng ngời và sáng tỏ và hơn bao giờ hết, và được mạc khải như là trung tâm, ý nghĩa và mục đích của tất cả lịch sử và mọi sự sống con người.

Đức Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá và được nâng cao khỏi mặt đất. Ngài kinh nghiệm giây phút của “sự bất lực” tột cùng, và sự sống Ngài dường như hoàn toàn rơi vào sự chế giễu của thù địch và nộp vào tay của kẻ hành hình: Ngài bị mỉa mai, chế giễu, sỉ nhục (x. Mc 15, 24-36). Tuy nhiên, chính giữa tất cả các điều này, nhìn thấy Ngài trút hơi thở cuối cùng, viên đại đội trưởng thốt lên: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15, 39). Như vậy, vào lúc yếu đuối cùng cực nhất, Con Thiên Chúa mạc khải Ngài là ai: trên Thập Giá vinh quang Người tỏ hiện.

Bằng cái chết, Đức Giêsu chiếu ánh sáng vào ý nghĩa sự sống và sự chết của mọi người. Trước khi chết, Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, xin tha thứ cho những người bách hại Ngài (x. Lc 23, 34), và với người tội phạm xin Ngài nhớ đến anh trong vương quốc của Ngài, Ngài đáp: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43). Sau cái chết của Ngài “mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy” (Mt 27, 52). Ơn cứu độ Đức Giêsu thực hiện là ơn ban sự sống và sự phục sinh. Trong suốt cuộc đời trần thế, Đức Giêsu quả thật đã ban ơn cứu độ bằng sự chữa lành và làm điều tốt cho tất cả mọi người (x. Cv 10, 38). Nhưng các phép lạ của Ngài, chữa lành hay ngay cả làm kẻ chết sống lại, đã là các dấu chỉ cho sự cứu độ khác, sự cứu độ bao hàm trong việc tha thứ tội lỗi, tức giải thoát con người khỏi sự đau ốm lớn lao nhất và đưa họ lên tới chính sự sống của Thiên Chúa.

Trên Thập Giá, phép lạ rắn đồng được Môsê giương cao trong sa mạc (Ga 3,14-15; x. Ds 21, 8-9) được đổi mới và mang đến sự hoàn hảo trọn vẹn và dứt khoát. Ngày nay cũng vậy, khi nhìn lên Đấng đã bị đâm thâu, những ai mà đời sống bị đe dọa sẽ gặp được niềm hy vọng vững chắc đạt tới ơn giải thoát và cứu độ.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhận định về đau khổ và sự chết của người Kitô hữu:

Với người Kitô hữu, đau khổ và cái chết mang một ý nghĩa tích cực và riêng biệt nhờ sức mạnh cứu độ nơi sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu. Như thánh Phaolô nói: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10). Sự thật này tuy không làm vơi đi nỗi đau và sự sợ hãi, nhưng cho chúng ta sự tin tưởng và ân sủng để mang lấy sự đau khổ thay vì để nó đè bẹp chúng ta. Sứ vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo làm chứng cho sự thật đó là với những ai ở trong Chúa Kitô, đau khổ và cái chết chỉ là cơn đau đớn trong lúc sinh ra một tạo thành mới. “Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21,3-4).[15]

2. Thái độ cần có khi đối diện với cái chết

Trong Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khuyên người bệnh:

Khi bệnh hoạn, con người cũng được mời gọi để phó thác cho Chúa như thế và đổi mới lại niềm tin cơ bản vào Đấng “chữa lành mọi bệnh tật” (x. Tv 103, 3). Khi mọi hy vọng về sức khỏe dường như tiêu tan đến nỗi người ấy phải kêu lên: “Ngày tháng đời con: chiều tà bóng ngả, tấm thân này: cỏ úa vàng khô” (Tv 102, 12), ngay cả lúc ấy, người tín hữu được nâng đỡ bởi niềm tin không lay chuyển vào quyền năng ban sự sống của Thiên Chúa. Bệnh tật không kéo ngã một người như thế thất vọng tìm đến cái chết, nhưng khiến người ấy kêu lên với niềm hy vọng: “Tôi đã tin cả khi mình đã nói: ‘ôi nhục nhã ê chề’” (Tv 116, 10); “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục. Lạy Chúa từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống” (Tv 30, 2-3). (EV 46)

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, nỗi sợ hãi cái chết khiến cho con người cầu nguyện và chạy đến với Thiên Chúa. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 18/1/2017 Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm câu chuyện ngôn sứ Giôna và ban huấn dụ cho các tín hữu về thái độ cần có trước sự đe dọa của cái chết: “Sự sợ hãi kinh hoàng trước cái chết vén mở cho thấy nhu cầu hy vọng nơi Thiên Chúa của sự sống, khiến cho con người cầu nguyện, xin cứu giúp, và nhận biết Chúa đích thật và duy nhất của trời và đất. Dưới ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa và của mầu nhiệm phục sinh cái chết có thể trở thành ‘chị chết’ và dịp nhận biết niềm hy vọng gặp gỡ Chúa.”[16] Đức Thánh Cha nhắc lại thái độ các thủy thủ, các người ngoại giáo, khi thấy mình sắp chết “mỗi người khẩn cầu thần linh của họ” (Gn 1,5). Vị thuyền trưởng đánh thức Giôna: “Sao làm gì mà ngủ thế này? Dậy, kêu cầu thần của ông đi chứ! May ra ngài sẽ nghĩ tới chúng ta và chúng ta khỏi mất mạng” (Gn 1,6). Đây là lời nói của niềm hy vọng trở thành lời cầu nguyện, lời cầu nguyện với đầy âu lo trước đe dọa của cái chết đang đến. Đây là lúc con người sống trọn vẹn kinh nghiệm sự mỏng dòn của phận người và nhu cầu được cứu rỗi của mình. Nỗi sợ tự nhiên phải chết vén mở cho thấy sự cần thiết hy vọng nơi Thiên Chúa – Đấng là chủ sự sống. Niềm hy vọng đã khiến cho các thủy thủ cầu xin để khỏi chết, lại làm ra một thực tại vượt quá những gì họ hy vọng: họ không chỉ được sống sót về thể lý, mà còn nhận biết Thiên Chúa- Đấng chân thật và duy nhất. Vậy với lòng thương xót của Chúa cùng với ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh, cái chết có thể trở thành “chị chết” của chúng ta. Lời cầu nguyện, đặc biệt trong cảnh tăm tối, đưa con người tiếp tục bước đi trong hy vọng.[17]

3. Kinh nghiệm về những cái chết và cận kề cái chết

Hành nghề bác sĩ đã 30 năm, với nhiều đêm trực cấp cứu trong năm năm làm tại Bệnh Viện (BV) Lê Lợi Vũng Tàu, tôi đã gặp và xử lý nhiều bệnh nhân cận kề với cái chết, kết quả là cứu sống có, chết có. Kinh nghiệm này để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong tôi, và cũng là tác nhân chính khiến tôi, một người đam mê khoa học, thao thức tìm hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu nơi Thiên Chúa- Đấng tuyệt đối- trong đời tu.[18]

Một trong những ca trực cấp cứu đầu tiên trong đời bác sĩ, buổi chiều 5 giờ khi tôi nhận bàn giao, Khoa Cấp Cứu đã có một bệnh nhân nam khoảng 30 tuổi, phải thở máy từ ba ngày trước vì suy hô hấp cấp do ngộ độc cá nóc. Đến khoảng 8 giờ tối, một ca đa chấn thương do tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng hầu như tử vong, và không thể chuyển lên tuyến trên là BV Chợ Rẫy để phẫu thuật sọ não. Tôi cho truyền dịch, đặt nội khí quản bóp bóng (bằng tay) giúp thở vì bệnh viện chỉ có một máy giúp thở đang được sử dụng cho bệnh nhân ngộ độc cá nóc. Điều trị chỉ là kéo dài thời gian tử vong. Đến nửa đêm, một bệnh nhân khoảng 60 tuổi khoa lao bị ngưng thở. Tôi đặt nội khí quản, lấy máy trợ thở đang dùng cho bệnh nhân ngộ độc cá nóc cho bệnh nhân lao này thở, và ra y lệnh bóp bóng cho bệnh nhân ngộ độc cá nóc. Dùng máy thở thì hiệu quả hơn bóp bóng bằng tay, tôi suy nghĩ rằng bệnh nhân ngộ độc cá nóc suy hô hấp đã ba ngày, chắc khó hồi phục, trong khi bệnh nhân lao mới ngưng thở, nên quyết định như trên. Tuy nhiên, sau đó cả hai ca đều tử vong. Nhận định về cách điều trị hai ca này, bác sĩ trưởng khoa cấp cứu, đàn anh trên tôi sáu lớp, nói rằng tôi đã sai. Đáng ra tôi nên để bệnh nhân ngộ độc cá nóc tiếp tục thở máy, vì anh ta trẻ, cơ thể còn khỏe[19], điều trị một thời gian chờ cơ thể thải hết độc chất thì bệnh nhân hy vọng có thể qua khỏi. Riêng bệnh nhân lao đã suy kiệt giai đoạn cuối mới bị suy hô hấp, đây là suy hô hấp mạn tính, dù có thở máy kéo dài thời gian, thì khả năng hồi phục rất thấp. Đúng là tôi chưa có kinh nghiệm điều trị ngộ độc cá nóc, một bệnh thường gặp vùng biển, tôi lúc ấy chỉ mới biết về phương thức điều trị chung cho các loại ngộ độc. Tôi sửng sốt, hồi tâm trước mặt Chúa, tôi tự hỏi tôi là ai mà có quyền “cho người này sống, cho người kia chết”? Từ khi mới bước chân vô trường Y, tôi đã ý thức về trọng trách mình sẽ mang sau khi ra trường, nên học rất nghiêm túc và thuộc loại “top ten” học tập trong khóa hơn 300 sinh viên. Sau thất bại đầu đời y khoa, tôi càng ý thức rằng thầy thuốc phải học suốt đời hành nghề và càng “kính trọng” nghề y của mình vì can thiệp đến sự sống và sự chết của người khác.

Cũng một lần khác trong những ca trực cấp cứu đầu tiên, tôi tiếp nhận một bệnh nhân nam ngưng tim ngưng thở chưa rõ nguyên nhân. Phản xạ cứu người tự nhiên của bác sĩ, tôi kê miệng hô hấp nhân tạo để khỏi lỡ mấy phút quý báu trong khi chờ đợi y tá chạy đi lấy bộ nội khí quản để đặt bóp bóng. Sau đó bệnh nhân vẫn tử vong. Khi cấp cứu không nghĩ chi, nhưng khi chuyển ông ấy xuống nhà xác, nhìn mặt người chết tôi thấy sợ sợ. Eo ơi, ông ấy lấy đi “nụ hôn đầu đời” của tôi!?

Một lần trực ngày Chúa Nhật tại BV Lê Lợi, tôi cấp cứu một bệnh nhân nam trạc 60, nhập viện vì khó thở và đau ngực dữ dội. Gia đình tận ngoài Bắc, bệnh nhân một mình đi vào miền Nam kiếm sống, không ngờ trên đường xe đò từ Sài Gòn về Vũng Tàu thì đột ngột xảy ra khó thở. Chẩn đoán là suy hô hấp, tràn khí màng phổi do vỡ các hang lao trong phổi, tiên lượng nặng khó hồi sức thành công vì các hang lao đã gậm nhấm hết hai lá phổi. Được báo tin là không thể qua khỏi, bệnh nhân đã nói một câu mà tôi không thể quên được: “Bác sĩ cố gắng cứu cho tôi sống thêm một giờ nữa, một giờ nữa thôi để tôi suy gẫm về cuộc đời mình.” Tôi rút khí trong màng phổi dẫn lưu để bệnh nhân bớt khó thở. Vì người bệnh là tín hữu Công Giáo, tôi nhờ người mời cha Xứ gần bên đến cho bệnh nhân chịu bí tích Xức dầu và rước Mình Thánh Chúa. Câu nói trên của bệnh nhân khiến tôi quyết định cả đêm hôm đó, ngồi cạnh bệnh nhân để rút khí liên tục. Sáng hôm sau, tôi giao lại bệnh nhân cho ê-kíp trực khác, bác sĩ nhận ca thấy không hy vọng, nên không rút khí tiếp và bệnh nhân chết trong an bình. Vì bệnh nhân nghèo, tôi xin Công trình đô thị lo mai táng bệnh nhân và báo tin cho gia đình ngoài Bắc.[20] Là bác sĩ, về mặt y khoa, tôi đã bất lực trong việc cứu sống bệnh nhân, nhưng bệnh nhân cũng đã nhận thức được tình trạng bệnh của mình vượt quá khả năng cứu chữa của y học, biết mình sắp chết. Ông không trông mong việc chữa lành (cure), nhưng là sự chăm sóc (care), được đối xử với lòng thương xót và được lắng nghe. Tôi giúp bệnh nhân vào những giây phút cuối đời ra đi với niềm bình an hy vọng, với lời Chúa Giêsu nói với riêng mỗi người: ‘Ta là Sự Sống lại và là Sự Sống. Ai tin Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11, 25).[21] Hai vợ chồng nhỏ bạn thân của tôi, đều là bác sĩ, hôm ấy từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu đến bệnh viện thăm tôi. Vì tôi không có giờ để trò chuyện, hai vợ chồng bạn ngồi khoảng 15 phút thì ra về. Trước khi ra khỏi Khoa Cấp Cứu, cô bạn nói với tôi: “YL ơi, khi nhìn YL cấp cứu bệnh nhân, mình cảm thấy có sức mạnh thiêng liêng nào đó từ trong YL”. Thật sự tự tôi không thấy mình có sức mạnh gì, chỉ có điều tôi kinh nghiệm gặp gỡ chính Đức Kitô nơi các bệnh nhân mình phục vụ, và nhờ thế, nhiều đêm trực thức trắng cấp cứu bệnh nhân nhưng tôi không hề thấy mệt, mà lại thấy vui vì cứu sống người khác. Tuy nhiên, nói cho cùng, bác sĩ cũng là người, nên sau đó ra trực thường tôi phải ngủ bù cả buổi sáng.

Một đêm trực tôi nhận ca bé trai 10 tuổi thắt cổ tự tử vì giận bố la mắng nặng lời. Nhận định em bé đã chết trước khi nhập viện vì chẳng những ngưng tim thở mà đồng tử dãn lớn, nhưng tôi vẫn tiến hành hồi sức khoảng 30 phút vì thấy bố mẹ bé quá đau đớn. Trẻ em non nớt, suy nghĩ chưa thấu đáo, và có lẽ các em cũng chưa thật sự hiểu cái chết là gì, nhưng nhiều khi các em đi vào cái chết do sơ sót của người lớn. Ở Việt Nam, một số bố mẹ thương con nhưng nhiều khi chưa tôn trọng con cái đúng mức. Bố mẹ cứ tưởng rằng con mình thì mình thích la mắng nó gì cũng được. Nhiều bố mẹ cũng phải học lại cách giáo dục con cái.

Một cô bác sĩ đồng nghiệp trẻ của tôi, 27 tuổi, trong lúc giận một vị trong ban giám đốc bệnh viện hiểu lầm cô, tự chích insulin tự tử và đi vào hôn mê. Được phát hiện trễ nên sau khi cấp cứu tại BV Chợ Rẫy, cô ấy sống nhưng ở trạng thái thực vật. Người mẹ già 65 tuổi phải chăm con nhiều năm sau đó, đau đớn tâm sự với tôi: “Bác đã sinh ra nó, nuôi nó ăn học ra bác sĩ, nhưng đã không giúp nó đủ sức đương đầu với đời!”. Nhiều bạn trẻ hôm nay rất cần niềm tin tôn giáo để có thể đối mặt với đau khổ, thử thách.

Cô bạn của tôi dạy tiểu học có một người em trai khoảng hơn 30 tuổi bị tiểu đường nặng, suy thận mạn giai đoạn chót. Không có hy vọng thay thận vì em ấy tiểu đường. Ban đầu mỗi tháng chạy thận nhân tạo một lần, phí tổn một triệu đồng mỗi lần chạy thận, chưa tính các chi phí khác khi nhập viện. Trị liệu chỉ kéo dài đời sống chứ không khỏi được. Sau đó bệnh càng nặng hơn, mỗi tuần chạy thận hai lần. Gia đình bạn tôi hoàn cảnh cũng không dễ dàng. Em bạn tôi không muốn gia đình tốn tiền mà lại không hy vọng khỏi bệnh nên đề nghị xuất viện, dù bác sĩ nói nếu về nhà thì sẽ chết trong vòng vài ngày. Sau khi lo cho em chịu các phép bí tích cuối cùng, bạn tôi hoàn tất thủ tục xuất viện, lúc ấy em lại sợ hãi xin tiếp tục ở lại bệnh viện và bạn tôi cũng đồng ý. Một tuần sau, được gặp linh mục đồng hành, em ấy bình an và lại xin về. Tôi đến thăm em, ngồi bên cạnh, không biết nói gì; là bác sĩ tôi cảm thấy liên đới trách nhiệm khi y khoa bất lực, chỉ cầm tay em cùng đọc kinh và hứa cầu nguyện cho em luôn. Sau hai ngày thì em qua đời với vẻ bình an trên khuôn mặt. Gia đình, bác sĩ và bệnh nhân đã làm hết sức, và cuối cùng đành chấp nhận để cái chết đến tự nhiên sau quá trình bệnh kéo dài trị liệu không hiệu quả. Trường hợp này chỉ có Chúa mới mang lại bình an đích thực và hy vọng em hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

Cách nay 20 năm, khi tôi còn đang giai đoạn Kinh viện (tôi cũng là tu sĩ), cả học viện đi chơi hè Nha Trang. Trên đường về Sài Gòn, mưa tầm tả, tôi ngồi phía trước cạnh tài xế, chợt thấy một người đàn ông lao vào đầu xe. Xe thắng gấp lại nhưng không kịp, tông ông té sấp xuống đường. Phản xạ người thầy thuốc, tôi mở cửa xe chạy nhanh xuống đỡ người đàn ông lên, không để ý rằng mình quên mang dép, và hai bàn chân trần của tôi rướm máu vì mảnh kính xe vỡ tung tóe. Đang lúc tôi nâng người đàn ông, thì một xe hơi khác lao mạnh từ sau tới tông vào xe tôi đang dừng. Cách xe vài mét, tôi thấy xe đang đâm thẳng vào mình và người bị nạn. Chắc mình sẽ chết, tôi chỉ kịp nghĩ thoáng qua trong đầu: “Chúa ơi xin tha tội cho con”. Hú vía, tôi chạy tránh được qua một bên, xe lao về phía bên kia đường trệch xuống mương. Sau khi hỏi thăm chị em không ai bị thương, tôi đứng giữa đường mưa nặng hạt ngoắc nhờ xe chở người bị nạn nhưng không xe nào dừng. Cuối cùng thì có một người đi xe máy tình nguyện chở tôi và người bị nạn đến BV Thủ Đức gần đó. Dưới ánh đèn BV, tôi nhận ra ông ấy bị phong cùi, hỏi thì ông trả lời mới trốn từ viện Phong ra. Bệnh nhân sau khi nói được mấy câu thì đi vào hôn mê và được chuyển đến BV Chợ Rẫy. Trước khi chuyển viện, cô y tá yêu cầu tôi trả tiền viện phí sơ cứu bệnh nhân. Lúc ấy tôi mới ý thức mình bỏ lại tiền trong xe, túi không có một xu, chân không dép! Tôi chợt cảm thán về thân phận người. Tôi theo xe BV Thủ Đức chuyển người bị nạn, nhưng ông ấy chết khoảng 4 tiếng sau khi đến BV Chợ Rẫy. Tôi đã cầu nguyện nhiều năm sau đó cho người đàn ông phong cùi tự tử và chết trong cô đơn. Nhiều người bệnh đơn chiếc không người thân muốn tìm đến cái chết, đây là trách nhiệm của cộng đồng, phải tìm phương thế giúp sao cho bệnh nhân cảm nghiệm được tình thương, có được sự đồng hành giúp đỡ thiêng liêng, bên cạnh sự chăm sóc thể lý. Phần tôi qua kinh nghiệm bản thân về cận kề cái chết của chính mình, tự nhủ sẽ phải sống thật tốt lành hơn nữa, chỉ yêu thương, không giận ghét ai, để khi Chúa gọi về bất ngờ, lòng mình thanh thản và bớt bất xứng ra trước nhan Ngài.

Sau khi đi tu, tôi chuyển về làm việc tại Khoa Siêu Âm, Trung Tâm Y Khoa Medic. Một lần tôi khám cho bệnh nhân nam 36 tuổi, đau vùng thượng vị âm ỉ cả tháng, đi khám tại địa phương được chẩn đoán viêm dạ dày nhưng uống thuốc không bớt. Lần đầu tiên trong đời anh ấy lên Sài Gòn đi khám bệnh. Tôi phát hiện anh có khối ung thư gan to hơn 10 cm. Sau đó bác sĩ phòng khám cho bệnh nhân chụp CT gan với thuốc cản quang để đánh giá mạch máu nuôi khối u. Bệnh nhân được thử test xem có dị ứng thuốc cản quang. Không ngờ, anh ta không dị ứng nhưng bị rối loạn đông máu sau khi tiêm thuốc cản quang và chết ngay trên bàn chụp CT. Nhận được tin báo tôi sửng sốt. Cuộc đời bác sĩ tiếp xúc nhiều cái chết bất ngờ, với mọi lứa tuổi, sơ sinh, em bé, thanh niên, người già…Đúng như Chúa Giêsu nói mọi người phải tỉnh thức vì cái chết đến bất ngờ như kẻ trộm (x. 1 Tx 5,2; 2 Pr 3,10), không ai biết trước! Cái chết cứ làm tôi khắc khoải tìm Chúa.

Đã gần 7 năm Mạ tôi ở trạng thái thực vật sau một tai nạn giao thông. Lúc đầu khi biến cố mới xảy ra, tôi đã chết lặng câm nín với nỗi đau tột cùng. Bây giờ với thời gian, tôi bình an nhìn lại thánh ý Chúa trên cuộc đời Mạ tôi, và từ Mạ tôi mà ảnh hưởng cả gia đình tôi. Buổi sáng sớm 5 giờ 30 Chúa Nhật 13/6/2010, tôi nhận được điện thoại của đứa em út vừa khóc nức nở vừa nói: “Ý ơi, Mạ bị tai nạn giao thông, hôn mê rồi, đang ở BV Bà Rịa”. Tôi bủn rủn tay chân, chạy vội ra bến xe về BV Bà Rịa. Mạ tôi được mổ sọ não tại đây, nhưng vì thêm biến chứng tiểu đường nên Mạ tôi không tỉnh lại. Mạ tôi được chuyển lên BV Chợ Rẫy. Bạn cùng lớp y khoa của tôi đang làm phó Giám Đốc, cũng gửi gắm Mạ tôi cho các bác sĩ Khoa Hồi Sức Ngoại Thần Kinh. Mạ tôi hôn mê và nằm tại Khoa Hồi Sức Ngoại Thần Kinh hơn hai tháng. Trong hai tuần đầu, Mạ tôi ngưng thở hai lần, đêm đầu tiên phải bóp bóng bằng tay, vì lúc ấy các máy thở của Khoa đều có bệnh nhân đang dùng. Đêm hôm đó, năm anh chị em tôi, kể cả người anh Cả bên Canada cũng về, thay nhau bóp bóng. Đứng bên cạnh bóp bóng cho Mạ, tôi vẫn cứ như người mơ ngủ vì không nghĩ được, và cũng không tin rằng điều khủng khiếp này lại đang xảy ra cho Mạ tôi, như nó đang xảy ra với nhiều bệnh nhân khác chung quanh Mạ tôi. Cả nhà tôi bàng hoàng đau đớn, chỉ đi trong đêm tối của đức tin. Mạ tôi, cả đời hy sinh cho chồng con, một người tín hữu rất tốt lành, một cô giáo được kính yêu của nhiều thế hệ học trò ở Trường Trung Học Hòa Vang, Trường Nữ Trung Học Hồng Đức, Trường Thánh Tâm và Trường Thọ Nhơn Đà Nẵng, về già chỉ lo việc giáo xứ và giúp người nghèo, giúp nhiều tu sinh ở Huế, mà sao Chúa nỡ thử thách Mạ tôi như rứa?? Bạn của gia đình tôi đến thăm Mạ và nói: “Bà thật là người hiền bị nạn!” Tôi nghiền ngẫm ý nghĩa của đau khổ, đọc lại sách Gióp để thêm sức mạnh bước tiếp. Một điều an ủi là Mạ tôi từ lúc 50 tuổi đã thường nói với các con: “Bây chừ Mạ sẵn sàng về với Chúa, không mong chi nữa, xong bổn phận đối với con cái, đứa mô cũng ổn định rồi”. Đặc biệt là mấy tháng trước khi bị tai nạn, sau khi đi viếng Đất Thánh Giêrusalem về, Mạ tôi hay nói “Mạ đã được đến quê hương Chúa Giêsu, bây chừ sẵn sàng về với Chúa.” Rứa mà Chúa vẫn để Mạ trong trạng thái thực vật gần 7 năm nay!! Đau khổ thực sự là một mầu nhiệm! Thánh ý Chúa quá cao vời con chẳng sao vươn tới! (x. TV 139, c.6)

Một nữ tu đến thăm Mạ tôi, nói với tôi: “Cầu nguyện, nếu đẹp lòng Chúa thì xin Chúa cất Bác về sớm để bớt khổ!”. Tai tôi lùng bùng khi nghe câu nói. Mặc dù Mạ tôi 72 tuổi khi bị nạn, nhưng trước đó Mạ tôi khỏe mạnh, lạc quan, và anh em tôi mong Mạ tôi sống lâu với con cái. Nay biến cố đột ngột xảy đến, anh chị em tôi vẫn chưa sẵn lòng chấp nhận việc Mạ ra đi. Tôi biết vị tu sĩ ấy nói vì tình thương, nhưng tôi vẫn đau lòng. Có lẽ các vị mục tử nên rút kinh nghiệm, lý trí là tốt, nhưng đừng nên nói quá lý trí trước hoàn cảnh đau khổ của người khác, mà nên để ý cảm nhận, xúc cảm của họ. Một tu sĩ khác khi thăm Mạ tôi, an ủi tôi: “Cầu nguyện cho YL thêm sức để mang vác gánh nặng này!” Vị ấy nói đúng, nhưng với tôi, gánh nặng này là “gánh êm ái”, vì tôi được phúc lo cho Mạ tôi; tôi thì thầm với Mạ: vì kính yêu Mạ nên con không thấy nặng nề khi chăm sóc cho Mạ! Mạ chưa bao giờ là gánh nặng cho con! Tôi càng thấm thía hơn câu nói của Chúa Giêsu: “Ách của Ta êm ái, gánh của Ta nhẹ nhàng”. Vâng, tình yêu làm cho gánh nặng cuộc đời trở nên có thể. Lúc ban đầu, tôi xin Chúa chữa lành cho Mạ, bây chừ thì xin tuân theo thánh ý Chúa, sao cho đẹp lòng Chúa nhất, cho vinh danh Chúa nhất. Dù sao mỗi lần vô thăm Mạ tôi sau buổi trưa đi làm, tôi vẫn cảm nhận được tình thương của Mạ và được an ủi khi được sờ chạm vào Mạ tôi. Mạ tôi vẫn mở mắt nhìn tôi đầy ấm áp, tuy với người khác thì Mạ tôi không biết chi. Tôi chiêm niệm về biến cố, Mạ tôi nằm đó có lẽ vì phần rỗi cho nhiều người, vì Mạ tôi có ước mong truyền giáo bằng chính đời sống. Anh chị em tôi đã quen chờ đợi 24/24 suốt hai tháng cấp cứu Mạ tôi nên bây chừ có vẻ ai nấy kiên nhẫn hơn khi phải chờ đợi điều gì, vì nó vẫn ngắn hơn so với hai tháng đó.

Chăm sóc Mạ tôi trong Khoa này, tôi là bác sĩ mà cũng thấy quá stress khi nhìn chung quanh hầu như toàn là bệnh nhân hôn mê và nhiều người phải thở máy, ai nấy đều trần trụi với tấm drap trắng đắp trên người. Tôi thẩn thờ nhìn các bệnh nhân nam rất trẻ, trước đây đầy sức sống là thế, mà bây chừ không biết chi, để mặc các cô y tá lật qua lật lại chăm sóc. Vì là khoa mổ sọ não nên nhiều người đầu hõm vào, mặt biến dạng do một phần hộp sọ bị tháo rời. Đúng là khuôn mặt nát tan của người tôi tớ đau khổ! Đau đớn về thể xác, nhiều gia đình bệnh nhân nghèo còn phải chạy tiền viện phí hàng ngày; nếu không đóng viện phí một ngày sẽ bị xuất viện, dù tình trạng nặng! Tiền viện phí trung bình từ 3 triệu đến 7, 8 hay 10 triệu/ngày, tùy tình trạng bệnh nhân. Vài lần tôi cũng phải giúp tiền viện phí cho vài người, nhưng chỉ là giọt nước giữa đại dương khổ ải.

Trong thời gian đó, anh chị em tôi luân phiên túc trực bên ngoài tại Trại 25, chờ nghe tin, vì mỗi ngày chỉ được vô thăm 1 giờ buổi trưa thôi. Ban đêm nhiều lần tôi ngủ lại, không có giường, chỉ thấp thỏm tạm ngã người lên chiếc ghế dựa. Chung quanh là nhiều thân nhân bệnh nhân khác cùng hoàn cảnh, lại thêm kẻ gian trà trộn móc túi. Nhìn vài người vẻ mặt cũng hơi đáng sợ, nhưng mặc kệ, không biết làm chi hơn. Thỉnh thoảng trong đêm có tiếng loa gọi tên và rồi tiếng khóc rú lên, là biết có bệnh nhân trong Khoa vừa chết và người nhà được gọi lên để nhận xác. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”! Là bác sĩ, có lẽ tôi thương nhưng chưa thấu hiểu hết nỗi khổ đau của bệnh nhân, nhưng khi là người nhà bệnh nhân, tôi thực sự đau với nỗi đau của họ, thấu cảm và thương xót họ nhiều hơn. Tôi càng thấm thía ba chữ “thân phận người”! Tôi càng gắn bó mật thiết hơn với Đức Kitô trên Thập Giá, và cảm nghiệm bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Từ sau biến cố Mạ tôi, và vừa mới rồi là sự ra đi vĩnh viễn của Ba tôi, các biến cố khác hình như rất ít động được tôi nữa, vì cái đau đớn nhất tôi đã trải qua. Có lẽ nỗi đau lớn nhất trong đời là nỗi đau mất người thân. Anh chị em tôi càng cảm thấy cần có nhau hơn trong cuộc sống. Bây chừ có thể nói tôi cảm thấy luôn bình an, sự bình an sâu thẳm của Chúa mà thế gian không thể cho được, và thế gian cũng không thể lấy mất được, và tôi càng muốn yêu thương hết mọi người hơn nữa. Hình như Mạ tôi nằm đó mà lại tiếp thêm sức mạnh cho tôi, có lẽ Mạ cầu nguyện cho các con của Mạ dấn thân phục vụ tha nhân tốt hơn.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng thao thức nhiều về đau khổ con người, và Ngài thấy được tia sáng hy vọng sau bức màn đen đau khổ:

Hơn mọi thứ khác, chính là vấn đề đau khổ thách đố và thử nghiệm đức tin. Làm sao chúng ta có thể không thấu hiểu nỗi thống khổ chung của con người khi chúng ta suy gẫm sách Gióp? Có thể hiểu được khi người vô tội bị tràn ngập đau khổ đi đến chỗ tự hỏi: “Sao Ngài lại ban ánh sáng cho kẻ khốn cùng, ban sự sống cho ai nuốt cay ngậm đắng? Họ là những người mong chết mà không được, tìm cái chết hơn cả tìm kho báu?” (G 3, 20-21). Nhưng ngay trong bóng tối tăm dày đặc nhất, đức tin vẫn hướng đến sự nhìn nhận ra một “mầu nhiệm”, với lòng cậy trông và tôn thờ: “Con biết rằng việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu” (G 42, 2). (EV 24)

Kết

Để kết thúc bài viết, xin mượn lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi Tiếp kiến chung thứ tư 25/01/2017 nói về đức can đảm, và thái độ tín thác cần có của con người trước đường lối khác biệt đôi khi đến khó hiểu của Thiên Chúa:

Chúng ta đừng đặt điều kiện với Chúa, và hãy để niềm hy vọng lướt thắng sự sợ hãi. Hãy tín thác vào Chúa có nghĩa là đi vào kế hoạch của Ngài mà không đòi hỏi điều gì, và chấp nhận con đường cứu độ và phù giúp của Chúa khác với cách thức chúng ta mong đợi. Chúng ta xin Chúa sự sống, sức khoẻ, tình thương, hạnh phúc. Thật đúng đắn khi làm điều ấy, nhưng luôn ý thức rằng Chúa có thể mang lại sự sống ngay từ trong cái chết, rằng chúng ta có thể kinh nghiệm sự bình an cả trong bệnh tật, và có thể thanh thản cả trong nỗi cô đơn, và hạnh phúc cả trong khóc lóc. Không phải chúng ta có thể dạy cho Thiên Chúa điều Ngài phải làm, về điều chúng ta cần. Ngài biết rõ hơn chúng ta và chúng ta phải tín thác, bởi vì con đường và tư tưởng của Ngài khác với con đường và tư tưởng của chúng ta.[22]

————————————-

[1] Về từ ngữ “Euthanasia”, nhiều tác giả dịch là “An tử”. Đúng là ngắn gọn, tuy nhiên tôi thấy có thể gây hiểu lầm trong thực tế, nên tôi chọn cụm từ “làm chết êm dịu”, hơi dài nhưng theo tôi có thể bộc lộ chính xác hơn nội dung của từ.

[2] Lan Anh, Sơn Hà, “Đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật dân sự”, <http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150422/de-xuat-dua-quyen-duoc-chet-vao-bo-luat-dan-su/737417.html>

[3] Lan Anh, Sơn Hà, “Đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật dân sự”.

[4] X. Trần Mạnh Hùng, An Tử và Trợ tử Dưới Nhãn Quan Thần Học Luân Lý Công Giáo. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đình Diễn (Hà Nội, nhà Xuất bản Tôn giáo, 2004) tr. 304-305.

[5] X. Nguyễn Văn Hưởng và Nhóm Bác Sĩ, Vấn Đề Đạo Đức Trong An Tử, Tập 1, tr. 21 (lưu hành nội bộ, 2005).

[6] Bộ Giáo Lý Đức Tin, “Tuyên Ngôn về Làm chết êm dịu”, BS Trần Như Ý- Lan chuyển dịch từ bản tiếng Anh, <http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_19800505_euthanasia_en.html>

[7] Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo cho các Dịch Vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo”, 2009, số 56.

[8] Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo cho các Dịch Vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo”, 2009, số 57.

[9] Bản dịch Việt ngữ của Trần Như Ý Lan.

[10] Chúng tôi hoàn toàn không bàn đến vấn đề án tử hình và chiến tranh, vốn liên quan đến các xem xét riêng biệt, nhưng không liên hệ với đề tài này.

[11] X. Ngô Gia Hy, Y Đức và Y Sinh Học, Nguồn Gốc và sự Phát Triển (Nxb Y Học, Tp HCM, 1998), tr. 108-123; Ngô Gia Hy, Dạy và Học Y Khoa, (Nxb Trẻ, Tp HCM, 2001), 423-425.

[12] Trích lại trong Bs. Trần Như Ý-Lan, “Đức tin và luân lý sự sống: nhận định vài vấn đề luân lý y-sinh học tại Việt- Nam trên quan điểm y khoa và luân lý Công Giáo”, Thời Sự Thần Học, số 61 (Tháng 8/2013, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh)

[13] Piô XII, Diễn Từ ngày 24/2/ 1957: AAS 49 (1957), tr. 147.

[14] Piô XII, Ibid., tr. 145; x. Diễn Từ 9/9/ 1958: AAS 50 (1958), tr. 694.

[15] Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo cho các Dịch Vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo”, 2009, Dẫn Nhập Tổng Quát.

[16] Đức Thánh Cha Phanxicô, “Christian hope – 7. Jonah: hope and prayer”, General audience, <https://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2017/documents/papa-francesco_20170118_udienza-generale.html>, 18/1/2017.

[17] Đức Thánh Cha Phanxicô, “Christian hope – 7. Jonah: hope and prayer”, General audience, <https://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2017/documents/papa-francesco_20170118_udienza-generale.html>, 18/1/2017

[18] Tôi đã chia sẻ ít nhiều về điều này trong bài viết “Đức Hy Vọng: nhìn từ nhãn quan người thầy thuốc Công Giáo”, Thời Sự Thần Học, số 69, Tháng 8/2015, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh.

[19] Ngộ độc cá nóc không có thuốc đối kháng (antidote) để trị độc, chỉ điều trị triệu chứng, truyền dịch, trợ tim mạch hô hấp để cơ thể tự dần dần thải chất độc.

[20] Thời đó vào những năm nửa cuối thập niên 90, đất nước còn rất khó khăn, gia đình bệnh nhân ngoài Miền Bắc không thể vào nhận xác.

[21] Câu chuyện này đã được kể lại trong bài “Đức Hy Vọng: nhìn từ nhãn quan người thầy thuốc Công Giáo”, Thời Sự Thần Học, số 69, Tháng 8/2015, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh.

[22] Đức Thánh Cha Phanxicô, “Christian hope – 8. Judith: the courage of a woman restores hope to a people”, General audience, <http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2017/documents/papa-francesco_20170125_udienza-generale.html>, 25/1/2017