HƯ CẤU, PHI HƯ CẤU VÀ BẢN CHẤT CỦA SÁNG TẠO VĂN HỌC
Trần Đình Sử
Ai cũng biết hư cấu là vấn đề cốt lõi của văn học, nghệ thuật. Nhưng hiểu hư cấu như thế nào vẫn đang là vấn đề chưa được thống nhất. Nhiều người đồng nhất tưởng tượng và hư cấu. Có khi người ta nói nhiều đến tưởng tượng, mà coi nhẹ hư cấu. Có khi lại đề cao quá đáng sáng tác “phi hư cấu”, làm như hư cấu không còn quan trọng nữa. Lại có người xem hư cấu chỉ là vấn đề riêng của nghệ thuật, văn học. Thực ra hư cấu là một hiện tượng “xuyên giới”, phức tạp, liên ngành, nhiều bình diện của sáng tạo nghệ thuật. Bài này thử tổng hợp các khuynh hướng nghiên cứu mới và đưa ra một vài điều suy nghĩ về vấn đề này.
Từ trước đến nay có nhiều cách tiếp cận vấn đề hư cấu. Từ lí thuyết mô phỏng, phản ánh có từ Aristote cho đến G. Lukacs, E. Auerbach đều xem hư cấu là sáng tạo theo những hình mẫu có trước. Từ đó đối lập hai loại văn bản: nghệ thuật thì hư cấu và phi nghệ thuật thì phi hư cấu. Sự phát triển của lí luận đã cho thấy, hư cấu không chỉ là mô phỏng hiện thực, mà còn vượt qua mô phỏng để sáng tạo, và sự đối lập nói trên chưa đủ để hiểu văn học, bởi vì trong tác phẩm “phi hư cấu” cũng có hư cấu. Ví như chủ nghĩa tân lịch sử của Hayden White, đã cho thấy rằng trong các tác phẩm lịch sử nghiêm túc cũng có kể chuyện, cũng có hư cấu[1]. Ai đọc Tả truyện, Sử kí của Trung Quốc đều thấy hư cấu không ít, nhất là các chi tiết miêu tả lời nói, suy nghĩ của các nhân vật, hoặc chi tiết tả nội tâm của những người đã sống cách xa tác giả hai, ba nghìn năm. Trong khoa học cũng có hư cấu. Quả đất vốn không có kinh tuyến , vĩ tuyến , đường xích đạo… Nhưng nhà khoa học đặt ra cho nó, và nó cung cấp tọa độ cho người đi biển, xác định vị trí địa lí của các đảo ngoài khơi…Thực tế không có điểm, đường thẳng…, nhà toán học đặt ra để tính toán. Cả trong toán học và logic học đều có các thế giới khả thể (hư cấu) tồn tại. Các khái niệm, tên gọi cũng không có trong thực tế, chúng do con người đặt ra để gọi tên và tư duy. Các thứ vu thuật, nghi lễ cúng bái và thần linh thời tiền sử cho đến các lễ nghi hiện đại cũng như các loại trò chơi, kể cả đá bóng, cầu lông, chơi ô ăn quan… đều do con người hư cấu ra cả. Có thể nói, mọi tư duy sáng tạo và sản phẩm của chúng đều do hư cấu mà có. Từ đầu thế kỉ XX có thêm cách xét hư cấu từ ngôn ngữ biểu đạt. Người ta cho thấy bản thân ngôn ngữ văn học là một sự hư cấu, võ đoán, là trò chơi, và cái ý nghĩa mà ngôn ngữ gợi lên cũng có tính hư cấu, biến hư cấu trở thành tính chất phổ biến của hoạt động ngôn ngữ.
Quan niệm hư cấu có tính phổ biến chiếm ưu thế. Theo sách The Oxford Companion to the English Language thì hư cấu gồm ba loại[2]. 1. Một cái gì được bịa ra, kể cả cái giả; 2. Một cái gì chưa từng tồn tại, kể cả nội dung của tác phẩm văn học, như là một phần của thực tại. 3. Các sự thực đặc thù, gồm các khái niệm hành chính, các khái niệm khoa học như không gian, thời gian, kinh tuyến vĩ tuyến, xích đạo…Nội dung 1 cho thấy hư cấu trong hoạt động lời nói, bao gồm cả hư cấu chân thật và hư cấu dối trá. Nội dung 3 cho thấy hư cấu trong các khái niệm khoa học. Nội dung 2 đề cập đến phạm vị sáng tạo hư cấu trong đời sống và trong nghệ thuật. Các đồ án, thiết kế đã được thể hiện thành sảm phẩm vật chất hữu ích cho con người như nhà cửa, kiến trúc, xe cộ, áo quần…đã thành một phần của thực tại. Nội dung của tác phẩm văn học cũng tồn tại như một phần của thực tại văn hóa, ví như các nhân vật văn học, các bức tượng, bức tranh, điệu múa… Đó là toàn bộ thế giới thế giới tinh thần và vật chất do con người tạo ra mà nội dung văn học chỉ là một[3].
Một khi hư cấu đã thành phổ biến, thì vấn đề đặt ra là phân biệt các loại hư cấu theo đặc trưng và chức năng của chúng. Đầu thế kỉ XX nhà triết học Đức Hans Vaihinger trong sách Triết học “giả thiết”(giá như, 1911.) nghiên cứu về hư cấu, phân biệt 18 chức năng của hư cấu. Theo quan niệm này, mọi kiến thức đều là hư cấu có tính giả thuyết, và giá trị thực sự của nó chỉ nằm ở giá trị thực tiễn cuộc sống. Tri thức là những hư cấu nhằm giải thích thế giới do con người tạo ra (hư cấu giả định), cho phép con người khi nhận thức thế giới, biến các đối tượng của thế giới thành đối tượng của nhận thức. “Con người coi các hư cấu giải thích như là vật thể có thật.” Tuy nhiên tác giả là người theo khuynh hướng hoài nghi, không thừa nhận tính chân lí của hư cấu. Theo ông, chân lí khách quan theo nghĩa phù hợp hợp với thực tế là điều không thể đạt được. Sự miêu tả thế giới trong quan niệm của chúng ta bao gồm một mạng lưới hư cấu quái dị và đầy rẫy những mâu thuẫn logic. Hư cấu là những phương thức biểu đạt giá trị và lí tưởng thường không đầy đủ, mang tính chủ quan, tượng hình, mà sự phù hợp hợp với thực tế bị loại trừ. Thực ra khi nhận thức sự vật, con người có thể tách sự vật ra thành các yếu tố, đem so sánh vật này với vật kia, ghép các sự vật cùng loại vào một chỗ để tạo ra khái niệm…, như thế tức là đã hư cấu rồi, mà hư cấu không hề đối lập với nhận thức. Đồng thời, trong các sản phẩm hư cấu, đều có các yếu tố của sự thật.Thiếu sự thật làm đối chứng người ta không thể hư cấu được.
Các nhà ngữ học cũng tham gia giải quyết vấn đề hư cấu. L. Wittgenstein, S. Lewis, M. V. Nikitin, J. Searle xem xét vấn đề hư cấu trong hoạt động lời nói. Ý thức con người phản ánh thế giới, biến nó thành bức tranh thế giới. Ý thức gắn với ngôn ngữ, cho nên ngôn ngữ có vị trí hàng đầu trong việc tạo thành các hình ảnh về hiện thực. Hư cấu được coi là một dạng hoạt động của tư duy lời nói, phản ánh những khả năng đặc thù của tư duy con người gắn với năng lực nghịch lý để tạo ra những sản phẩm lời nói không liên quan trực tiếp đến tham chiếu của thế giới mà con người đang tồn tại. Thái độ của xã hội đối với kết quả của hoạt động này là không rõ ràng, nhưng nhìn chung là tích cực. Trong ngôn ngữ có các câu trần thuật thể hiện sự tồn tại của thực tại, đồng thời có các thức như giả định (giá mà), điều kiện (nếu như), thể tương lai (ngày mai, mai sau), hồi tưởng (hồi ấy) luôn vẽ ra những khả thể của hiện thực. Đặc điểm đó đã ảnh hưởng đến sáng tác văn học. Các đặc điểm lôgic và ngữ nghĩa của loại hoạt động ngôn từ và tinh thần này được hình thành dựa trên các quy định lý thuyết nổi tiếng của triết học và lôgic học về chân lý và cái đối lập của nó – phi chân lí. Phương pháp luận hiện đại của cách tiếp cận lôgic-triết học dựa trên tư tưởng đa chiều về chân lý như một hiện tượng khách quan gắn với một tri thức lý thuyết, dựa trên kinh nghiệm thực nghiệm, và có tính tương đối, phù hợp với các tri thức đang thay đổi của thực tế. Văn học thuộc lĩnh vực sáng tác của lời, nó không thể biến thành vật thể, hư cấu của nó tạo ra các thế giới tinh thần, thể hiện các thế giới quan, các thái độ đạo đức, tạo ra những cách nhìn, trường nhìn có tính thẩm mĩ cho con người. Nhà nghiên cứu Nga E. Elinova xem hư cấu như một dạng của hoạt động lời nói của con người, khi giao tiếp người ta thường tạo ra các khách thể không có tham chiếu trực tiếp với thế giới. Bà chia hư cấu làm ba lĩnh vực theo chức năng: hư cấu thao túng, gắn với việc cung cấp thông tin xuyên tạc, tuyên truyền thường thuộc phạm vi này; hư cấu khám phá nhằm mục đích nhận thức những cái mới, chưa biết dựa trên những cái đã biết; hư cấu nghệ thuật thẩm mĩ, nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người bằng cách thức miêu tả thế giới một cách hình tượng, cảm xúc và biểu hiện thái độ và ý thức nội tại về nó[4].
Đồng thời hư cấu văn học được nghiên cứu sâu. Năm 1969 trong bài nói chuyện về Cấu trúc mời gọi của văn bản, nhà mĩ học Đức W. Izer đã chia ngôn ngữ làm hai loại: một loại có tính thuyết minh (erlɑuternd Sprache) và một loại có tính tạo hình (darstellend Sprache). Ngôn ngữ tạo hình có nhiều khoảng trống và ý nghĩa bất định. Mà đó là đặc điểm của văn bản hư cấu. Những năm 70 thế kỉ XX W. Izer nêu lên ý tưởng mới về hư cấu. Theo truyền thống Đức, ông thấy hư cấu không phải chỉ riêng của văn học, mà cả trong khoa học, trong các giả thiết, trong các sơ đồ, mô hình cũng đều là các hư cấu. Sự khác biệt của hư cấu văn học, do sáng tạo bằng lời, chỉ là không phục tùng bất cứ nhu cầu cụ thể nào, mà so với các hư cấu trong đời thường càng táo bạo hơn, mạnh mẽ hơn, ít bị ràng buộc hơn. Xuất phát từ quan niệm nhân học, ông xem hư cấu văn học là một hành vi xâm phạm có ý thức vào thế giới hiện thực, là một hành vi vượt giới hạn. Kết quả là hư cấu vừa phá bỏ, phân tán, vừa khuếch trương cái thế giới đã cung cấp cho nó tham chiếu. Và trong văn học hư cấu đã thay thế hiện thực[5].
Với tư cách là hành vi vượt giới hạn, hư cấu trong văn học là hành vi có tính ý hướng có ý thức, có mong muốn tri nhận, nó xuyên qua các giới hạn xã hội, văn hóa, chính trị, sáng tạo ra một thế giới kết hợp phần tưởng tượng và phần kinh nghiệm hiện thực. Con người sở dĩ thích hư cấu là do nó luôn khao khát thể hiện mình. Nhu cầu thể hiện mình là cội nguồn nhân học của sự tồn tại và phát triển của con người. Izer chia hư cấu làm ba kiểu hành vi: lựa chọn (selection), tổ hợp (combination) và phơi bày cái tôi (self-disclosure). Lựa chọn ví như chọn lấy một yếu tố nào đó của thế giới, con người, con vật, đồ vật, tách nó khỏi các liên hệ của thực tại, đó đã là hư cấu. Tổ hợp tức là kết hợp hai yếu tố vốn không thể kết hợp được, ví như con vật với con người, người sống với người chết, ta có hoạt động nhân hóa, dĩ nhiên là hư cấu rồi.Trong hư cấu, nhà văn tự biểu hiện chính mình, đó là tự phơi bày cái tôi.Trong thi ca mục ca, tuy có sự mô phỏng đời sống người chăn cừu, kì thực là nhà thơ khoác áo (mặt nạ) kẻ chăn cừu để thể hiện chính mình.Trong thơ ca điền viên, nhà thơ khoác áo (mặt nạ) người làm ruộng để thể hiện chính mình. Hư cấu như vậy là một cái phương tiện để thể hiện hai loại ý nghĩa, trở thành một dạng thức để thể hiện mình và thể hiện thế giới. Lí thuyết mô phỏng từ Aristote đến Lukacs đều xem văn học chỉ là sự mô phỏng, biến sự kiên hiện thực thành một hoạt động hư cấu. Nhưng như vậy lí thuyết mô phỏng và sau này là lí thuyết phản ánh chỉ quan tâm tác dụng nhận thức, mà bỏ qua hoặc coi nhẹ nhu cầu tự vượt qua, tự thể hiện, tự khuếch trương, tự biểu diễn, tự du hí (trò chơi) vốn có của hoạt động nghệ thuật. Nếu không xét ở bình diện nhận thức luận, mà xét từ quan điểm nhân loại học thì chính nhu cầu tự thể hiện cái tôi mới là động lực của lựa chọn và tổ hợp để vượt giới hạn và tự biểu hiện của con người. Từ góc độ tái hiện, tuy thế giới hư cấu trong văn học không phải là thế giới hiện thực có thực, nhưng vì một mục đích đặc thù, nó vẫn phải được coi là một thế giới, tức là thế giới văn bản “phi hiện thực”, nhưng vẫn phải được xem là một thứ hiện thực, trở thành một hình tượng ảo ảnh mà ta có thể cảm thấy được. Thực chất của hành động vượt giới hạn là tìm thấy mình ở bên ngoài mình. Có thể không xét bình diện nhận thức luận của hư cấu, bởi vì nhận thức đã là nền tảng, là điều kiện của hư cấu, có trước hư cấu. Thiếu tri thức thì không thể hư cấu được. Hư cấu phải thể hiện một tương quan, một thái độ đối với hiện thực.
Xét về hư cấu trong văn bản, Izer vận dụng lí thuyết nhân cách đa vai của nhà triết học Đức Helmuth Plessner (1892-1885) để thuyết minh tính chất trò chơi và biểu diễn của nhà văn trong văn bản. Theo Plessner, bản chất của tính cách con người là có nhiều vai, trong đời sống họ đóng các vai tùy thuộc vào tình huống thực tế. Tuy nhiên chỉ có nhà văn trong sáng tác văn học và trong khi đọc văn học con người mới thể hiện đầy đủ các tiềm năng đa vai của mình. Ví dụ như diễn viên trên sân khấu, nhập thân vào vai mà mình diễn. Nhà văn, nhất là nhà tiểu thuyết, khi sáng tác nhập vào rất nhiều vai, tiềm năng của họ là vô hạn. Người đọc trong thực tế, do tình huống đời sống, thường quên mất tiềm năng vai của mình, khi đọc văn học họ lại được làm sống lại các tiềm năng ấy. Trong văn bản cái biểu đạt và cái được biểu đạt bị tách rời, chỉ có kết hợp những cái biểu đạt, mới tạo thành cái mà Izer gọi là trò chơi văn bản(textualgame). Nhà văn dựa vào ngôn từ của văn bản để tự biểu diễn (performance) các vai có thể và các vai mà người đọc chờ đợi. Quan niêm trò chơi ở đây giống như quan niệm của các học giả khác, như I. Kant, J. Huizinga, H. Gadamer. Kant nói đến trò chơi của trí tưởng tượng, Huizinga nói đến chơi là bản chất của văn hóa, Gadamer xem bản chất của chơi là tự biểu hiện mình. Izer nhấn mạnh tới văn học là trò chơi của văn bản, gắn với bản chất trò chơi của ngôn ngữ. Trò chơi là thuộc tính của hư cấu. Bản chất trò chơi đòi hỏi phải có người xem, ở đây, người người chơi và người xem ngoài tác giả còn là bạn đọc.
Có thể nói văn học là trò chơi vượt qua giới hạn của con người và thực tại.
Theo Izer, trong mỗi hư cấu đều có các yếu tố của thực tại, không bao giờ chỉ thuần là hư cấu cả. Chỉ có việc lựa chọn và tách yếu tố nào ra để đưa vào văn bản là có tính hư cấu. Hư cấu cũng nằm trong hành vi tổ hợp. Hiểu như vậy, mọi tác phẩm kí đều là hư cấu. Những năm 60 ở Mĩ dã dấy lên trào ưu sáng tác “phi hư cấu” với các tên tuổi như Norman Kingsley Mailer (1923-2007),Truman Garcia Capote (1924-1984),Thomas Kennerly Wolfe(1930-2018), rồi sau có thêm nhiều tên tuổi, kể cả Svetlana Alexievich (sinh năm 1948) đã đoạt giải Nobel. Họ chủ trương không tưởng tượng, chỉ ghi âm, ghi chép, tái hiện. Nhưng tác phẩm phi hư cấu cũng có hư cấu, bởi vì khi sáng tác, tái hiện sự thật, nó phải được ghi lại bởi ngòi bút khác, không thể không bỏ bớt nhiều thứ, không thể không tái tổ hợp các yếu tố của hiện thực lại. Chính vì cũng là hư cấu, theo một kiểu khác, mà kí cũng nằm trong văn học, thống nhất với văn học. Cho nên cái sự cuồng nhiệt về sáng tác phi hư cấu, chỉ là phát triển thêm của văn học kí mà thôi.
Bản chất của văn học không chỉ là vượt giới hạn, mà còn tạo ra một thế giới khác cho con người. Tư tưởng về thế giới khả thể bắt đầu nảy sinh từ tư tưởng của nhà triết học Đức G. W. Leibniz thế kỉ XVIII, trong sách Thần nghĩa luận năm 1710, một thế giới mà không mâu thuẫn với quy luật logic thì là thế giới khả thể. Thế giới khả thể nhiều vô kể, Thượng đế chọn một trong đó để thực hiện, thế là có cái thế giới thực tại mà ta đang ở. Tiếp theo, nhà mĩ học Đức là Baumgarten trong bài Suy nghĩ triết học về thơ năm 1735 đã vận dụng vào thơ và xem thơ là một thế giới khả thể. Ngày nay nhiều nhà lí thuyết khác đã lấy tư tưởng này để giải thích nghệ thuật, bởi nghệ thuật đã là một giả thiết thì nó cũng cần giải thích bằng một lí thuyết về giả thiết. Nó có thể có hai nghĩa. Một là ngoài thế giới thực tại, còn có vô vàn thế giới khả thể khác mà người ta chưa hoặc không biết. Hai là trong vô vàn thế giới khả thể ấy, một nhà văn trong trường hợp cụ thể chỉ chọn lấy một thế giới của mình. Thế giới khả thể được vận dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Đầu tiên là trong phạm vị ngữ nghĩa trong ngôn ngữ học, một phán đoán thật hay giả về logic phụ thuộc vào thế giới khả thể được nói tới, tức liên quan đến các tình thái như “có lẽ”, “có thể”, “tất yếu”, “nhất định”, “thực tế là”…Từ những năm 1970 nhà lí thuyết Mĩ gốc Rumani là Thomas Pavel trong công trình Thế giới khả thể trong ngữ nghĩa văn học đã phê phán quan niệm đem so tác phẩm hư cấu với hiện thực để đánh giá tính chân thực của nó là không phù hợp với logic, hoặc là ngây thơ.[6] Khả thể là một giả thiết, mà bản chất của nghệ thuật cũng là một giả thiết về đời sống.
Vào khoảng năm 1988 học giả người Canada gốc Séc Lubomir Dolezel (1922 – 2017), có bài Mô phỏng và thế giới khả thể[7], đã kiểm điểm lại toàn bộ lí thuyết từ Platon, Aristote đến cận đại và chỉ ra nó thất bại là tất yếu bởi nó chỉ dựa vào có một thế giới đơn nhất. Theo đó, để giải thích sáng tạo nghệ thuật, lí thuyết bắt chước phải quy hình tượng hư cấu vào một nguyên mẫu thực tế để giải thích, nhưng nhiều trường hợp không thể tìm ra nguyên mẫu ấy. Và ông là một trong những người đầu tiên đi tìm lí thuyết thế giới khả thể như một lí thuyết ngữ nghĩa đa nguyên, phi mô phỏng (phản ánh) để giải thích văn học. Ông đề ra sáu đặc trưng cơ bản của thế giới khả thể để giải thích đặc trưng của văn học.
Một là, thế giới hư cấu là tập hợp của tất cả các sự vật có thể xảy ra, đặc trưng quan trọng nhất của nó là cũng cấp tính hợp pháp cho các tồn tại phi thực tế (gồm nhân vật, thuộc tính, sự kiện, trạng thái), tức là sự vật hư cấu có ý nghĩa độc lập tồn tại của nó. Do là khả thể, cho nên không có vấn đề đối chiếu với hiện thực để phán đoán thật giả ở đây. Ví dụ, Hamlet tuy không tồn tại trong thực tế, song với tư cách khả thể, nó tồn tại trong tác phẩm của Shakespeare là một cách không thể chối cãi. Tên gọi Hamlet không phải là trống rỗng, không phải tự chỉ, mà là một nhân vật trong sáng tạo hư cấu. Các nhân vật hay địa điểm có thực trong tiểu thuyết lịch sử như London, Napoleon, Cutuzov, theo ngữ nghĩa học phản ánh thì không giải thích được, còn theo ngữ nghĩa khả thể thì đó là sản phẩm của ngòi bút của nhà văn, chúng không hoàn toàn nhất trí với thực tế và không dựa vào nguyên mẫu thực tế để có ý nghĩa. Sản phẩm hư cấu và hiện thực liên hệ với nhau qua quan hệ của tính đồng nhất xuyên thế giới. Theo Dolezel, vật hư cấu thuộc vào hệ ngữ nghĩa phi bản chất, tác giả hư cấu có quyền tự do thay đổi tính cách và tính chất của nhân vật hư cấu. Tính như thật chỉ là nhu cầu của một số sáng tác, không phải là thuộc tính chung bắt buộc của mọi hư cấu. Thế giới khả thể đem lại tồn tại và ý nghĩa độc lập với thế giới thực tại cho thế giới hư cấu. Thế giới hư cấu và thế giới thực tại độc lập với nhau, song hành với nhau, không giao cắt nhau. Và như thế hư cấu thoát khỏi ràng buộc của thuyết mô phỏng, ra khỏi phạm vi phán đoán bằng cái thực. Đây là điểm rất then chốt.
Hai là, thế giới hư cấu là một tập hợp vô tận, vô cùng của nhiều chủng loại. Nó có thể bao gồm các các thế giới mô phỏng như xưa nay vốn có, vừa bao gồm toàn bộ không gian tưởng tượng của con người, thậm chí cả những khả thể mâu thuẫn với thực tế. Điều này chứng tỏ thế giới hư cấu không cùng cấu trúc với thế giới thực tại và không bị giới hạn bởi tính chân thực và tính hợp lí của nó. Thế giới khả thể có các quy tắc chung, thế giới hư cấu phải tôn trọng các quy tắc đó mới vào được thế giới khả thể. Chẳng hạn bà Bovary chỉ tồn tại trong thế giới khả thể với Roudolph, nhưng không thể tồn tại trong thế giới của hoàng tử có phép thuật. Dựa vào đó, Dolezel xác định thế giới hư cấu là một thể giới khả thể bé nhỏ được tạo thành bởi một số giới hạn và những cá thể hữu hạn.
Ba là, Tác giả và người đọc chỉ có một con đường duy nhất là ngữ nghĩa học mà đi vào thế giới hư cấu của văn học, bởi nó do ngôn ngữ cấu tạo thành. Bất cứ sự thực thực thế nào, chất liệu nào, bất kì tác giả nào hay người đọc nào muốn đi vào văn học, đều phải chấp nhận sự giới hạn bản thể của văn học, không thể không tự thay đổi tính chất của mình, biến thành khả thể phi thực tế, rồi mới vào thế giới hư cấu được. Người đọc muốn vào thế giới hư cấu thì chỉ có một con đường duy nhất là đọc hiểu ngữ nghĩa và các quy tắc cấu tạo văn bản với rất nhiều thủ pháp và loại hình của nó. Lí thuyết thế giới khả thể kiên trì quan điểm, thế giới khả thể này do người đọc kiến tạo.Vai trò của người đọc là kiến tạo lại, dựa vào các chỉ dẫn của văn bản , đồng thời kết hợp với những kinh nghiệm của bản thân có từ đời sống. Con đường ngữ nghĩa này gồm nhiều hướng.
Thư tư, thế giới khả thể này theo Dolezel là chưa hoàn thành, không hoàn chỉnh. Thế giới khả thể logic thì hoàn thành và hoàn chỉnh, còn thế giới khả thể hư cấu thì không, bởi vì ta biết được gì đều do tác giả kể, nếu không kể thì không biết được, và cũng không có ý nghĩa gì. Ví dụ, ta biết Emma Bovary tự tử chết, nhưng không biết bên vai trái cô ấy có phải có cái bớt hay không, điều đó không có ý nghĩa gì.
Thứ năm, thế giới khả thể trên tầm vĩ mô có thể là sự kết hợp hỗn độn, có thể gồm hai thế giới đối lập (địch/ta, thiện/ ác), còn thể giới tầm thấp hơn có thể được đồng nhất.
Thứ sáu, thế giới hư cấu văn học do văn bản tạo thành. Như mọi sản phẩm sáng tạo khác của con người, thế giới hư cấu văn học cũng bắt nguồn từ đời sống thực tế, nhưng xét về tính chất, cấu trúc, bản chất đều độc lập với thực tại, bởi vì văn bản có sức mạnh của hành vi ngôn ngữ, mục tiêu của nó là tạo ra các khả thể hư cấu như tiên nữ, phù thủy, Raskolnicov, Lâm Đại Ngọc…mà người đọc có thể sợ hãi, thích thú, hay đồng cảm.
Thế giới khả thể do các thành tố như nhân vật, sức mạnh của tự nhiên, tính hình, sự kiện, hành vi, đời sống tinh thần(ý thức, vô thức) tạo nên, ngoài ra còn có các loại hình. Ông chia ra hai loại hình; Thế giới một người và thế giới hai người trở lên. Thế giới một người như Robinson Crusoe, Sông lớn hai lòng. Lấy Robinson làm vì dụ, ta thấy thế giới khả thể ở đây do hoạt động, tư duy, lí tính và hoạt động kể của anh ta mà có. Ý nghĩa của thế giới do các hành động của anh ta mà có. Thế giới này song hành cùng thế giới thực tại. Loại thế giới nhiều người như Lũ người quỷ ám của Dostoievski, Doro bé nhỏ của Dickens, Cười để quên đi của Milan Kundera. Cuốn thứ nhất là truyện gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi không kiểm soát; cuốn thứ hai do nhân vật không thoát khỏi sự đè nén của môi trường; quyển thứ ba kể về hai động lực của đời sống hiện đại là chính trị và tính dục, chúng vốn đối lập nhưng ở thời đại ta do chúng tương đồng với nhau mà giảm nhẹ. Vai trò quan trọng của loại hình thế giới này là tính tương tác, các dạng tương tác. Ngoài các tính chất đã nêu, Dolezel quan tâm tới trật tự vĩ mô của thế giới khả thể. Trật tự này gồm hai nguyên tắc. Một là sự lựa chọn hạn chế các thành tố tạo nên thế giới. Một người hay nhiều người, vật chất hay tinh thần, hữu thức hay vô thức…tạo nên loại hình của nó. Hai là thao tác tạo thành, tức các loại trình tự tạo thành tiềm lực câu chuyện. Có bốn loại mô thức ràng buộc, mỗi loại có hai dạng phải và trái, ngược nhau: Mô thức giá trị thật, đạo nghĩa, giá trị và tri nhận. Giá trị thật là câu chuyện tuân thủ phép tắc tự nhiên hay ngược lại là siêu nhiên. Nếu tin thật thì có kiểu như hiện thực, siêu nhiên thì có tiên, phật, thần thánh, ma quỷ. Loại đạo nghĩa thì theo nguyên tắc đạo đức, nghĩa vụ và cấm kị và ngược lại, không thừa nhận chúng. Mặt trái của nguyên tắc này là không theo, lúc đó nhân vật hành động theo kiểu khác. Loại ràng buộc giá trị là kiến tạo thế giới theo các đánh giá tốt, xấu, vô nghĩa mà hư cấu.Tác giả có thể không theo giá trị chung mà theo đuổi hệ giá trị của riêng mình. Ví như Một anh hùng thời đại của Lermontov bất chấp hệ giá trị chung. Ràng buộc tri nhận là thế giới khả thể trong đó nhân vật tuân thủ các nhận thức và tôn giáo hoặc ngược lại là vô tri. Niềm tin tri nhận là năng lượng hoạt động của nhân vật.Các truyện trinh thám, kinh dị, tiểu thuyết giáo dục…đều thuộc loại này.Vô tri sẽ bị lừa, chuyện bị lừa nổi tiếng nhất là Othello. Sự phân loại của Dolezel cung cấp khả năng cho mọi người phân tích các loại hình hư cấu.
Tuy nhiên phân tích ý nghĩa của thế giới khả thể không thể chỉ dựa vào cấu trúc của hình tượng, là bộ phận ngoại diên, mà phải dựa vào ngữ nghĩa học, tức dựa vào sự biểu đạt hàm ẩn của ngôn từ. Ở đây bản chất của văn bản hư cấu tạo nên thế giới khả thể, chứ không phải ngược lại. Phải dựa vào hàm nghĩa mĩ học của ngôn từ mà hiểu ý nghĩa của thế giới. Ví dụ cách đặt tên nhân vật đều có ý nghĩa thẩm mĩ quy định thế giới khả thể. Nếu thay đổi cách đặt tên thì thế giới khả thể thay đổi. Nếu một từ có thể có hàm nghĩa khác nhau thì thế giới khả thể cũng thế. Thế giới ngoại diên và hàm nghĩa bổ sung nhau. Nhà văn trước hết sáng tạo câu chuyện, nhân vật, hành động, khi viết thành văn bản thì thể hiện ý nghĩa hàm ý. Người đọc bắt đầu cảm nhận ý nghĩa của văn bản rồi mới từ văn bản mà hình dung hàm nghĩa thế giới hư cấu, sau mới hình dung thế giới ngoại diên. Như vậy thế giới khả thể có các tầng bậc.Cấu trúc của thế giới hư cấu cũng theo tầng bậc.
Thế giới này có nhiều chức năng, nhưng quan trọng nhất là hai chức năng: chứng nhận và chức năng bão hòa. Hoạt động sáng tạo của nhà văn là biến cái không tồn tại thành cái tồn tại. Vì vậy văn bản có chức năng xác nhận sự tồn tại ấy. Người kể chuyện giấu tên (ngôi thứ ba) là kẻ có quyền uy xác nhận sự tồn tại của hư cấu.Trong thế giới này lại có sự phân biệt thật và giả của nó, cũng do người kể chuyện xác nhận. Nó tạo nên sự đối lập nhị nguyên của riêng nó: thật giả, tốt xấu, đẹp xấu của riêng nó. Người kể chuyện xưng “tôi” là phái sinh từ người kể chuyện ngôi thứ ba, cho nên quyền năng không bằng, mặc dù có ý nghĩa riêng trong việc cá nhân hóa trần thuật. Chức năng bão hòa là chỉ mật độ thông tin về thế giới khả thể mà văn bản cung cấp. Khi kể chuyện khó tránh khỏi thiếu sót, để lại những chỗ trống trong văn bản. Văn bản độ bão hòa thấp là thử thách đối với người đọc. Ông phản đối Izer, cho rằng chỗ trống để cho người đọc sáng tạo. Theo ông, văn bản có chi tiết hàm ẩn, cái đó cần người đọc phát hiện sáng tạo, chứ không phải có thể bổ sung chi tiết cho nhà văn[8]. Hàm ẩn và chỗ trống là khắc hẳn nhau.
Tóm lại, lí thuyết hư cấu của Dolezel rất phong phú. Nó mở ra khuynh hướng nghiên cứu ngữ nghĩa học của thế giới hư cấu. Ông đề nghị đưa thế giới hư cấu lên địa vị bình đẳng, đa nguyên với thế giới hiện thực, thoát khỏi sự ràng buộc của thuyết mô phỏng và phản ánh. Từ cách đổi mới cách hiểu về hư cấu, chúng ta ta cũng sẽ hiểu mới về ý nghĩa và chức năng của văn học. Dolezel kết hợp thế giới hư cấu với văn bản, cấu trúc hình tượng, tỏ ra có tính bao quát các thành tựu nghiên cứu lí thuyết thế kỉ XX, do đó càng có giá trị. Chỉ riêng mối quan hệ giữa thế giới hư cấu và người đọc chưa được nghiên cứu kĩ.
Lí thuyết hư cấu với những tìm tòi mới, đã cho thấy bản chất sáng tạo của văn học, thoát khỏi cái bóng ám của thuyết mô phỏng và thuyết phản ánh, hiểu đúng cội nguồn sáng tạo của nó. Sự hư cấu cho thấy văn học không xa rời bản chất tư tưởng, ý thức hệ, đạo đức của con người, nhưng gắn với chức năng thẩm mĩ, trò chơi, giải trí, thỏa mãn tình cảm.
Hà Nội, 12.4.2022
Tài liệu tham khảo:
1.Trương Du. (2017) Lí thuyết hành vi ngôn ngữ, lí thuyết thế giới khả thể và vấn đề hư cấu nghệ thuật.Bình luận văn học, số 1.
2.Trương Du, (2017) Hư cấu văn học và lí thuyết thế giới khả thể của Dolezel, Nghiên cứu lí luận văn nghệ, số 3.
3.Elinova E. Ju. (2009) Quan niệm hóa hư cấu trong ý thức ngôn ngữ và trong văn bản, Luận án tiến sĩ khoa học, Volgagrad, Bản tóm tắt.
4.Epshtein Mikhail, (2001) Triết học của các khả thể,S-Peterburg, Nxb Aleteja.
5.Triệu Nghị Hành Tự sự học nghĩa rộng, Nxb Đại học Tứ Xuyên, Thành Đô, 2013.
6.Dolezel Lubomir,(1988) “Mimesis and Possible Worlds”,Poetics Today,Vol. 3,pp. 475 - 495.
7.Izer Wolgang, (1993) Đi tới nhân loại học văn học, trong sách: Tương lai của lí luận văn học, Nxb Khoa học xã hội Trung Quốc.
8.Uông Chính Long. Hư cấu của W. Izer và ý nghĩa của nó.Trang mạng Yêu tư tưởng.
9.The Oxford Companion to the English Language / Ed. by Tom McArthur // Oxford University Press, 1992. XXX.
10.Pavel Thomas G., “Possible Worlds in Literary Semantics”, The Journal of Aesthetics and Art Criticism,Vol. 2,Winter 1975,pp. 165 - 176.
11.Trần Đình Sử chủ biên, nhiều tác giả.(2018) Tự sự học lịch sử , trong sách Tự sự học, lí thuyết và ứng dụng, Nxb Giá dục, Hà Nội.
Tóm tắt. Bài viết giới thiệu các tư tưởng mới của giới lí luận phương Tây về hư cấu trong văn học, nghệ thuật. Trọng tâm là quan niệm của W. Izer về tính chất vượt giới hạn và L. Dolezel về các thế giới khả thể, gợi mở về cách hiểu hư cấu thoát khỏi lối mòn của lí thuyết mô phỏng.
Từ khóa: hư cấu, thế giới khả thể, W. Izer, L. Dolezel.
Abstract:
The article discusses Western theory’s new perspective on fiction in literature and art. It focuses on W. Izer’s concept of transcendence and L. Dolezel’s possible worlds, suggesting a new way of understanding fiction that departs from the old fashioned view of simulation theory.
Keywords: fiction, possible world, W. Izer, L. Dolezel.
Tạp chí nghiên cứu văn học số 5 – 2022
[1] Xem Trần Đình Sử chủ biên, nhiều tác giả. Tự sự học lịch sử , trong sách Tự sự học, lí thuyết và ứng dụng, Nxb Giá dục, Hà Nội, 2018. [2] Lưu ý là trong tiếng Việt hư cấu được dùng như động từ, còn trong tiếng Âu Mĩ thì dùng như danh từ, tức là chỉ một sản phẩm hư cấu. [3] The Oxford Companion to the English Language / Ed. by Tom McArthur // Oxford University Press, 1992. XXX. [4] E. Ju. Elinova, Quan niệm hóa hư cấu trong ý thức ngôn ngữ và trong văn bản, Luận án tiến sĩ khoa học, Volgagrad, bảo vệ năm 2009, Bản tóm tắt. [5] W. Izer. Đi tới nhân học văn học, trong sách Tươnglai của lí thuyết văn học, Nxb KHXH Trung Quốc, 1993, tr. 275. [6]Thomas G. Pavel, “Possible Worlds in Literary Semantics”, The Journal of Aesthetics and Art Criticism,Vol. 2,Winter 1975,pp. 165 - 176. [7] Lubomir Dolezel, “Mimesis and Possible Worlds”,Poetics Today,Vol. 3,1988,pp. 475 - 495. [8] Theo chúng tôi, quan niệm của R. Ingarden xem văn bản chỉ là bộ xương, đòi hỏi người đọc cụ thể hóa cần được suy nghĩ thêm.. Bởi vì người đọc không có quyền bổ sung chi tiết cho tác phẩm. Chẳng hạn, khi xem tượng bán thân, thì đâu cần phải tưởng tượng nhân vật mặc complet hay ở trần. Cái ví dụ mà Ingarden nêu ra về mấy đứa trẻ chạy chơi, không rõ là mắt xanh hay mắt nâu, cũng không đúng. Chi tiết trong tiểu thuyết phải là chi tiết có ý nghĩa do tác giả tạo ra, còn chi tiết mà người đọc nghĩ ra là không cân thiết và vô nghĩa.- TĐS.