Tinh hoa, họ là ai?

Tinh hoa, họ là ai?

Tinh hoa là gì

Tinh hoa theo từ điển Tiếng Việt nghĩa là “phần tinh túy tốt đẹp nhất”, trong đó từ” tinh” nghĩa là “hoàn toàn chỉ có một thứ, một loại, không xen lẫn thứ khác, loại khác. Ví dụ như trong câu “tiếp thu tinh hoa của văn minh thế giới”. Đó là ý nghĩa gốc của “tinh hoa” trong tiếng Việt, nhưng đối với từ tinh hoa hay giai cấp tinh hoa hay nhóm tinh hoa được dịch ra từ “elite” của văn minh phương Tây thì họ là ai? Và liệu có tồn tại giai cấp tinh hoa hay không?

Châu Âu

Ở châu Âu, danh từ tinh hoa được dịch từ từ “elite” (tiếng Anh), từ này xuất phát từ một từ La Mã là “eligere”, sau đó người Pháp mượn và viết thành “e’lite”, sau đó đến thế kỉ 18 người Anh đã mượn lại người Pháp với từ “elite”, nó tồn tại ở hai thể danh từ và tính từ. Xem trên biểu đồ của google cung cấp, chúng ta có thể thấy được rằng người dân sử dụng từ này ngày càng tăng dần. Đó là bằng chứng rõ ràng mức độ quan tâm tới từ này tăng nhanh dần theo thời gian.

Về mặt lý thuyết xã hội học và chính trị học, elite hay tinh hoa là một nhóm nhỏ của những người quyền lực như quyền lực chính trị, đặc quyền, tài sản hoặc kĩ năng không cân xứng trong một nhóm. Từ “không cân xứng” trong định nghĩa trên có nghĩa là quá lớn hoặc quá bé so với thứ khác. Còn theo từ điển Cambridge là những người hoặc tổ chức mà được xem là tốt nhất, hay nhất, giỏi nhất… hoặc quyền lực nhất so với người hay tổ chức khác cùng loại.

Elite được phân ra thành nhiều loại, nó là chính trị, tri thức, thể thao, quân đội… Ví dụ họ gọi Vasiliy Lomachenko, vận động viên Ukraine đạt hai huy chương vàng Olympic là thuộc nhóm “elite boxes” (võ sĩ quyền Anh tinh hoa); hoặc đội đặc nhiệm SWAT là một lực lượng tinh hoa của cảnh sát Mỹ.

Đồ thị của google cung cấp, minh họa việc sử dụng từ “elite” suốt chiều dài lịch sử.

Việt Nam

Vào thời phong kiến, các vị sử quan như Lê Tắc, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đề cập ngoài giới tinh hoa chính trị là các vua chúa thì họ nhắc tới một nhóm bao gồm các quan lại, võ tướng, thậm chí cả dân thường, bằng danh từ “nhân vật”, là một từ được cho gốc Hán: 人物, nghĩa là người có phẩm cách, tài ba kiệt xuất hoặc có danh vọng, địa vị.

Trong sách An Nam chí lược, viết vào thời Trần thế kỉ 14, liệt kê một số nhân vật như Lê Phụ Trần, dũng cảm giúp vua Trần thoát chết, hay Lê Văn Hưu một văn nhân vừa có đức, có tài, viết sách Việt chí. Đến thế kỉ 18, sử gia Lê Quý Đôn viết sách Kiến văn tiểu lục khi bàn về nhân tài có đề cập tới hai nhóm, nhóm một là những người Việt sang Trung Quốc làm việc ở đó như Lý Ông Trọng, làm quan tư lệ hiệu úy nhà Tần; Nguyễn An giỏi về tính toán, xây dựng, đã xây dựng thành hào ở Bắc Kinh vào thời Minh. Nhóm hai là những người Việt ở trong nước, thời Trần có những người như Chu Văn An, người đã dâng sớ chém nịnh thần, thời Lê sơ có người như Lý Tử Cấu, người đã từ chối làm quan cho nhà Hồ cũng như nhà Minh. Phan Huy Chú cũng có những ghi chép tương tự ở sách Lịch triều hiến chương loại chí.

Những thập kỉ gần đây, thì cách nhìn hiện đại cũng không có khác thời phong kiến, nhà nước và xã hội dành những sự tôn trọng cao nhất cho những vị anh hùng cứu nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, bên cạnh đó là các nhà khoa học, giới văn nghệ sĩ nổi tiếng… Đặc điểm nổi bật ở Việt Nam là các nhân vật, nhân tài… đại đa số đi liền với chủ nghĩa yêu nước.

Hình ảnh Donald Trump trong một chiến dịch tranh cử, nói rằng dân chúng là

Hình ảnh Donald Trump trong một chiến dịch tranh cử, nói rằng dân chúng là “tinh hoa”.

Sự phủ nhận của giới “tinh hoa chính trị”

Vào thời phong kiến Đông hay Tây, những tinh hoa chính trị thường phải thu hút dân chúng bằng hai yếu tố, đó là họ xuất phát từ dòng giống quí tộc và gắn với những câu chuyện, thế lực siêu nhiên, như Lưu Bang ở Trung Quốc với chuyện chém rắn trắng, Lưu Bị tự nhận là hoàng thúc nhà Hán hay ở thời trung đại Việt Nam, Lê Lợi được các thế lực siêu nhiên phù trợ để chiến thắng quân Minh.

Nhưng sau khi kết thúc thời phong kiến, giới chính trị gia thường tránh dùng những từ này, từ chối nhận mình thuộc một nhóm nhỏ cao cấp hơn nhóm khác. Ví dụ như trong cuộc tranh cử của Donald Trump, ông ấy từ chối mình là elite – tinh hoa, và chỉ vào dân chúng và nói rằng “các bạn là tinh hoa”, dân chúng hoan hô nhiệt liệt. Thậm chí đảng viên đảng Dân chủ, thị trưởng New York Andrew Cuomo cũng nói rằng ông “không thuộc một câu lạc bộ chính trị”.

Ở Việt Nam, chúng ta đều rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người có sinh hoạt bình dị, gắn liền với đời sống bình dân, một lần ông nói ông chỉ là một chất keo kết dính mọi người lại với nhau để làm việc nước thôi. Đó là những bằng chứng sống động và rõ ràng cho thái độ đó.

Mặt khác, một ảnh hưởng không kém đó là từ một triết gia vĩ đại, được coi là nhận được nhiều sự trích dẫn nhất lịch sử từ tác phẩm, Karl Marx. Lý thuyết xã hội của Marx ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ thế giới, trong đó ông chia xã hội tư bản thành hai giai cấp, là người bóc lột và người bị bóc lột. Và dĩ nhiên, không ai tự nhận mình thuộc nhóm nhỏ bóc lột như sách của Marx mô tả như vậy, không những ở các nước tư bản, mà còn nhạy cảm hơn ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Kết luận

Có những mâu thuẫn như chúng ta thấy để nhận định rằng, hiện nay có tồn tại một giai cấp tinh hoa hay không. Bởi vì, ngay những người được cho rằng họ thuộc giới tinh hoa, thì họ vẫn phủ định về điều đó.

Qua một hành trình tìm hiểu về từ elite – tinh hoa, chúng ta cũng nhận thấy rằng xã hội đã có một sự phát triển về nhận thức. Một xã hội nói chung mà đề cao các giá trị bình đẳng, quan tâm tới những lợi ích đại đa số dân chúng hơn là một nhóm thiểu số, một trong những yêu cầu cấp thiết đó là cần phải làm gì để nâng cao phúc lợi cho dân chúng.

Đó là điều có lẽ cần lưu ý hơn là đặt câu hỏi rằng có tồn tại hay không giai cấp tinh hoa hay là giai cấp tinh hoa phải làm gì để giúp xã hội tiến bộ.

Đặng Quỳnh Lê