Vào những năm gần đây, chúng ta dần được nghe nhiều hơn về hai khái niệm làm việc, đó chính là Freelance và làm việc Remote. Freelance đang được lựa chọn khá phổ biến với các nhóm ngành Marketing, Design hay công nghệ thông tin. Còn đối với làm việc Remote, lý do hình thức này hiện nay trở nên được áp dụng rộng rãi hơn là vì kể từ khi thế giới diễn ra đại dịch Covid19, buộc nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn để đảm bảo công việc vẫn được duy trì và không bị tác động quá nhiều. Nghe thì có vẻ “na ná”, nhưng nhiều bạn còn khá lẫn lộn về hai hình thức làm việc này. Đừng lo, vì bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn Remote job và Freelancer. Cùng Mona Media tìm hiểu nhé!
Định nghĩa giữa Remote work và Freelancer
Freelance – Làm việc tự do
Freelance là một hình thức làm việc tự do. Người lao động dưới hình thức này sẽ không làm việc cố định cho bất cứ doanh nghiệp cụ thể nào, đồng thời lại hoàn toàn có thể làm thuê cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân cùng một lúc theo thỏa thuận riêng từ đôi bên.
Ở Việt Nam, thường sẽ là dạng thỏa thuận dịch vụ. Nếu chọn hình thức làm việc này, bạn sẽ tự do về thời gian, địa điểm, cách thức làm việc dựa theo như những gì đã được thỏa thuận và chủ yếu được đánh giá dựa theo kết quả công việc. Điều này đồng nghĩa với, bạn không có nhiều ràng buộc về mặt kỷ luật lao động, có thể nói là chủ động 100% công việc và thời gian.
Ngoài những ưu điểm về sự linh hoạt, tự do thì những ai chọn công việc Freelance lại phải đối mặt với những vấn đề khác như thu nhập không ổn định, không được hưởng các chính sách bảo hiểm hay những rủi ro tài chính nếu đối tác phạm phải những thoả thuận hợp tác. Đó là vì hầu hết những thỏa thuận công việc này là thỏa thuận cá nhân và không được bảo vệ dưới luật lao động. Đã có rất nhiều Freelancer đã phải chịu nhiều thiệt thòi cho bản thân khi không nắm rõ những điều khoản luật của các hợp đồng dịch vụ.
Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp các nghề freelancer phổ biến hiện nay
Remote job – làm việc từ xa
Remote work trở nên phổ biến hơn kể từ khi đại dịch Covid19 xuất hiện. Điều này nghĩa bạn là một nhân viên full-time của một doanh nghiệp, công ty nào đó hay có thể là nhân viên part-time hay thậm chí là freelancer cho nhiều doanh nghiệp khác nhau cùng với những thỏa thuận dịch vụ, thỏa thuận lao động tuỳ theo từng trường hợp.
Như vậy có thể hiểu remote job ý chỉ một phương thức làm việc, bạn có thể làm ở bất cứ nơi nào, không bị ràng buộc về mặt địa lý. Còn về thời gian, tuỳ thuộc vào mỗi doanh nghiệp mà họ sẽ đưa ra yêu cầu cho bạn. Có trường hợp bạn có thể có một sự linh hoạt hoàn toàn về thời gian, hoặc là sẽ yêu cầu trong khung giờ cố định nào đó, hay là số lượng giờ nhất định còn lại thì linh hoạt sắp xếp và cân bằng.
Những điểm giống nhau giữa Remote work và Freelancer
Mức độ linh hoạt trong công việc
Cả hai Remote job và Freelancer đều là hình thức làm việc có tính linh hoạt rất cao và đương nhiên là đều có thể lựa chọn làm việc online bằng máy tính. Không cần bạn phải ăn mặc chỉnh chu khi làm việc, hay bạn có đang vừa ăn vừa làm không. Miễn bạn thể hiện và chứng minh năng lực của mình qua những kết quả của công việc và hoàn thành tốt chúng là được. Điều bạn cần đó là một bộ máy tính cấu hình ổn định và đủ để đáp ứng nhu cầu công việc của bạn, một đường truyền internet tốt là đã đủ điều kiện cơ bản để làm việc remote hoặc Freelancer rồi.
Là hình thức làm việc online trên máy tính, không cần đến văn phòng
Bạn đều có thể ngồi làm việc tại quán cà phê, làm việc hăng say trên một bãi biển lộng gió hay trên một phương tiện giao thông công cộng, thậm chí là vỉa hè. Vì bạn không nhất thiết phải đi đến văn phòng mới có thể hoàn thành được công việc. Nhưng điều quan trọng nên nhớ đó là hãy chọn cho mình một địa điểm làm việc hiệu quả, mang lại hiệu suất cao và nhiều cảm hứng để tránh trường hợp môi trường có tác động trong quá trình làm việc bởi có thể từ sự mất tập trung.
Sự cô đơn vì tính chất công việc
Cả Freelancer và những ai làm việc Remote đều dành đại đa số thời gian để hoàn thành công việc một cách độc lập. Chính vì điều đó, đôi lúc sẽ làm bạn cảm thấy cô đơn và buồn chán vì không có đồng đội hay tập thể để tương tác, trò chuyện. Thế cho nên đã có khá nhiều người làm Freelancer hay remote work chọn không gian làm việc tập thể (coworking space) để giảm bớt cảm giác tiêu cực này.
Những điểm khác nhau để tránh nhầm lẫn giữa Remote và Freelancer
Ràng buộc về mặt nghĩa vụ
Đối với remote workers thì thường được thuê bởi một tổ chức hoặc công ty. Dù là làm việc tại nhà nhưng vẫn có được kết nối, trao đổi công việc online với những thành viên trong hội nhóm thông qua các kênh liên lạc phổ biến như Slack, Hangouts hay Skype. Thậm chí có công ty còn dùng cả phần mềm quản lý công việc để giám sát nhân viên. Những người làm Remote được đánh giá công việc theo thời gian, họ sẽ liên tục trao đổi với mọi người về dự án. Họ cũng có nghĩa vụ, được xét chỉ tiêu đối với công việc đã nhận như một nhân viên làm việc trên văn phòng.
Ngược lại với Freelancer, họ có tất cả quyền tự chủ và tự do đưa ra quyết định cho các dự án và khách hàng. Họ đa phần không bị ràng buộc bởi hợp đồng và có thể từ chối lời mời làm việc bất cứ khi nào. Với những ai đã chọn làm một freelancer, bạn sẽ lên lịch cho những công việc của mình theo cách mà bạn thấy tiện nhất với bản thân. Hơn nữa bạn không phải lo về việc bị gò bó vì công việc của bạn rất hiếm khi bị khách hàng giám sát.
Sự khác nhau trong quá trình tuyển dụng
Để có được một công việc Freelancer, bạn sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều ứng viên khác trên thị trường Freelancer. Và thường thì những người được nhận công việc là những người đòi giá thấp nhất cho cùng một dự án.
Đối với công việc Remote thường được tuyển với những lựa chọn khắt khe hơn. Người làm remote sẽ phải trải qua rất nhiều cuộc phỏng vấn và kiểm tra với những quy trình gắt gao và chuyên nghiệp hơn. Vì các công ty muốn tuyển người làm việc từ xa sẽ quan tâm nhiều về năng lực công việc của bạn, và cả khả năng giao tiếp nhóm từ xa. Họ sàng lọc kỹ càng hơn nhằm chọn ra các ứng viên đạt đủ và đúng với nhu cầu mà họ mong muốn.
Thuế và chế độ phúc lợi
Làm Freelancer với tư cách cá nhân và công việc tự do cho nên bạn phải tự đóng thuế, bảo hiểm xã hội và không được hưởng các phúc lợi lao động như các nhân viên chính thức của công ty hay doanh nghiệp.
Còn đối với làm việc remote thì ngược lại, bạn vẫn là một nhân viên của một công ty, doanh nghiệp nào đó nên sẽ được công ty hỗ trợ một phần của thuế và cả bảo hiểm xã hội theo đúng quy định luật doanh nghiệp. Đồng thời, bạn còn được hưởng thêm những phúc lợi do công ty cung cấp như phụ cấp ăn trưa, đi lại, điện thoại…
Thông qua bài viết, Mona tin chắc bạn đã hiểu được khái niệm và điểm giống cũng như khác nhau của hai hình thức làm việc này. Việc lựa chọn làm Remote job hay Freelancer phần lớn phụ thuộc vào sở thích, mong muốn của chính bạn để có thể chấp nhận những ưu cũng như nhược điểm của từng tính chất công việc. Mona mong rằng bài viết này đã phần nào giúp cho bạn có thể tiến gần hơn với câu trả lời cho dự định công việc của bạn trong thời gian sắp tới.