Thích Nữ Nguyên Tuệ Chùa Dược Sư, Tp.HCMTạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022
ĐẶT VẤN ĐỀ: Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka) còn gọi là Vi Diệu Pháp hay Luận Tạng, Abhidamma là “giáo lý vốn cao siêu, khó thâm nhập, nhưng đây là chìa khóa để thâm nhập Tam tạng kinh điển. Không có kiến thức về A Tỳ Đàm, chúng ta khó có thể hiểu rõ một cách cặn kẽ những lời dạy của đức Phật vốn rất qúi báu, qúi báu từng câu, từng chữ”(1) . Thật vậy, rất nhiều học giả, đã nêu lên tầm quan trọng trong việc học và nghiên cứu Abhidhamma bởi lẽ “nếu xử lý tư tưởng Phật giáo về mặt học vấn mà không có một tri thức nào về A Tỳ Đạt Ma thì bất luận bộ môn nào đều không thể đạt đến kết quả hoàn toàn. Do đó, mặc dầu A Tỳ Đạt Ma cực kỳ phiền tạp, song từ xưa đến nay các học giả Phật giáo bất luận theo lập trường nào, cũng đều phải lấy nó làm cơ sở nghiên cứu và ít ra cũng phải một lần đọc qua” (2). Tuy nhiên, điều gây ra tranh cãi là Abhidhamma có phải do đức Phật thuyết hay không, nếu có thì thuyết ở thời điểm nào? Một điều sự thật và chắc chắn là bất cứ giáo lý hay học thuyết nào cũng đều phải có cội nguồn, khởi điểm, nơi bắt đầu và tiến trình phát triển của nó. Đối với Abhidjamma cũng không ngoại lệ.Từ khóa: Abhidhamma, đức Phật, A Tỳ Đạt Ma, cao siêu, vi diệu pháp, phật thuyết, Phật giáo,…
I. Khái quát về Abhidhamma
1. Định nghĩa Abhidhamma
Abhidhamma (Skt. Abhidharma, Pali. Abhidhamma), bao gồm abhi +dhamma
Theo “Từ điển Pāli của Hội Thánh Điển Pāli giải thích nghĩa chính của Abhi tóm tắt vào hai nghĩa chính, (a) đối diện và xâm lấn, (b) chế ngự. Từ hai nghĩa chính trên nới rộng thành ý nghĩa tăng cường hay cường điệu cho tác động của động từ, hàm nghĩa “rất nhiều, quá lớn”.(3)
Và theo Dr Mehm Tin Mon: “Tiếp đầu ngữ Abhi được dùng trong ý nghĩa ưu trội, vi diệu, thù thắng, cao siêu…”(4)
Tương tự thế, trong “Chú Giải Bộ Pháp Tụ” của Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) giải thích: “Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) có nghĩa là gì? Chính là điều trội vượt hơn và tách biệt khỏi Pháp (tức là các Kinh tạng). Tiếp đầu ngữ “Abhi” cũng tương tự với “Ati”, được sử dụng theo nghĩa điều gì đó vượt trội hơn hẳn và độc đáo… “giáo pháp” hay “chính pháp”cũng như vậy và được gọi là Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), vì giáo pháp này trỗi vượt và khác biệt do nhiều phẩm chất đa dạng hơn so với “giáo pháp” bình thường khác.”(5)
Theo tài liệu Kimura Taiken: “Trước hết hãy đề cập của Ngài Phật Âm: Trong A Tha Saị Ni (sách chú thích Pháp-tập-luận), Phật Âm định nghĩa A Tỳ Đạt Ma là “thắng pháp”, “đặc-thù-pháp”. Nhất là trong Na Tư Mãn Già La Y Lạp Hy Ni (sách chú thích Digha Nikaya), giải thích về Abhidhamma có dẫn chứng bài tụng được truyền như sau: “Hữu-pháp, tăng thịnh, đặc-thù, tôn trọng, tường thuyết, tối thượng: thế gọi là A Tỳ Đạt Ma”. Nghĩa là, trong Abhi gồm có những ý nghĩa “Tăng thịnh, đặc thù, tôn trọng, tường thuyết và tối thượng: pháp nào có tất cả những đặc sắc đó thì được gọi là A Tỳ Đạt Ma. Như vậy, cái nghĩa rốt ráo của A Tỳ Đạt Ma gồm hai đặc điểm sau đây: về nội dung thì ý nghĩa thù thắng và về phương pháp luận cứu thì tường tận, khúc triết. Song, sự giải thích y đã được đúc kết từ những thuyết đã được lưu truyền từ trước chứ không phải do chính Phật-Âm sáng tạo. Những giải thích khác về A Tỳ Đạt Ma của các học giả thuộc luận hệ Nam-Phương đại khái có thể nói đều căn cứ theo giải thích trên đây cả.”(6)
Nhận định của Hòa thượng Tịnh Sự: “Abhidhamma Pitaka (tạng A Tỳ Đàm) dịch là Tạng Vô Tỷ Pháp, là một trong ba Tạng giáo lý của Phật giáo. Tạng Abhidhamma đặc thù hơn tạng Kinh và tạng Luật trên phương diện nghĩa lý, trình bày pháp chân tướng bản thể (sabhāvadhamma), vì ý nghĩa cao siêu nhặt nhiệm, nên có chỗ dịch là Vi Diệu Pháp”(7)
Trên đây chỉ sơ lược một vài khái niệm về Abhidhamma, còn rất nhiều khái niệm về Abhidhamma nhưng cũng tương đương những nghĩa như trên.
2. Nội dung Abhidhamma
Có thể nói, Abhidhamma “Đó là giáo pháp cao siêu của đức Phật. Ở đây đức Phật dùng những thuật từ trừu tượng để mô tả những thực tại cùng tột (paramattha) trong thế gian và Niết Bàn, là mục tiêu rốt ráo của đạo Phật. Như vậy, Abhidhamma có thể được xem là giáo pháp cao siêu của đức Phật”(8). Theo Pàli Abhidhamma, có đến 89 hay 121 tâm (Citta) và 52 tâm sở (Cetasika)
Về phương pháp diễn đạt, tạng Abhidhamma chú trọng đặc biệt về một hệ thống gọi là Patisambhidà (Vô ngại giải hay Pratisamvit, một hệ thống của luận lý phân tích). Một đặc tính nữa của tạng Abhidhamma mà các Luận sư cho là rất đặc biệt là sự cố gắng của tạng Abhidhamma giải thích sự vật theo “Đệ nhất nghĩa đế” (Paramatthasacca), chớ không theo “Tục đế” (Sammutisacca) như trong Kinh tạng. Bốn thực tại theo nghĩa tối hậu (paramattha dhammā), còn được gọi là Chân đế, đó là:
1. Citta, tâm, hay thức, được định nghĩa là cái nhận biết về đối tượng. Citta xảy ra như những trạng thái riêng biệt chốc lát của tâm thức. 2. Cetasika, tâm phụ tùy khởi lên cùng lúc với citta. 3. Rūpa, sắc thể, hay hiện tượng vật lý. 4. Nibbāna, Niết Bàn.
Thật vậy, “Abhidhamma tạng là cả một sự cố gắng hệ thống hóa những lý thuyết và phương pháp tiềm tàng và rải rác trong Kinh tạng, và đặc biệt đặt những hệ thống ấy trên một bối cảnh chung và nhờ vậy giúp chúng ta có một khái niệm tổng quát và quán xuyến về đạo Phật”(9).
Abhidhamma gồm bảy bộ như sau:
1. Bộ Pháp Tụ: Dhammasangani 2. Bộ Phân Tích (Phân Biệt): Vibhanga 3. Bộ Chất Ngữ (Giới Thuyết): Dhatukatha 4. Bộ Nhân Chế Định (Nhân Thi Thuyết): Puggala Pannatti 5. Bộ Ngữ Tông (Biện Giải): Kathavatthu 6. Bộ Song Đối (Song Luận): Yamaka 7. Bộ Vị Trí (Phát Thú): Patthana
Từ đây, chúng ta sẽ đi sâu vào nghiên cứu nguồn gốc và sự phát triển của Abhidhamma.
II. Nguồn gốc và sự phát triển của Abhidhamma
1. Nguồn gốc Abhidhamma
Như ta đã biết, Tạng A Tỳ Đàm lúc đầu chưa có mà chỉ có Pháp và Luật.
Thế nhưng trong “Pháp” mà Phật nói đã có Sutra và Abhidamma. Như vậy từ đầu đã có Abhidamma xuất phát từ Dhammma rồi. Trong “A Tỳ Đàm Yếu Luận” có nói đến: “Ý nghĩa của tạng Kinh và tạng A Tỳ Đàm (Abhidhamma) được gọi chung là Pháp (Dhamma) – ý nghĩa là “giáo pháp hay lời dạy của đức Phật”. Pháp ở đây là giáo pháp có thể hộ trì, nâng đỡ cho những ai trú trong Pháp để khỏi bị rơi xuống bốn khổ cảnh và có thể tẩy trừ phiền não trong tâm để có thể đạt đến hạnh phúc miên trường”(10). Do đó, Dhamma có hai nghĩa là Dhamma bình thường là Sutta và cao siêu hơn – đó là Abhidhamma.
Nhìn từ thực tế, ta thấy rất rõ ràng rằng Sutta là lời Phật dạy đã khó hiểu rồi, không ai giải nổi ngoài đức Phật, huống chi Abhidhamma quá cao siêu, cho nên chỉ có Phật mới giải nổi. Từ đây cũng đủ khẳng định Abhidhamma đã có từ thời đức Phật. Điều này trong Đại Cương Câu Xá Luận của Hòa thượng Thích Thiện Siêu cũng xác quyết: “A Tỳ Đạt Ma bao gồm trong sự thuyết pháp của đức Phật. Đức Phật thuyết pháp một cách ung dung tự tại. Lời Phật nói đơn giản minh bạch không có gì bí mật. Phật đã phân biệt và phân loại rõ ràng. Như vậy nguồn A Tỳ Đạt Ma xuất phát từ Phật”(11). Chỉ với trí tuệ cao siêu của đức Phật mới phân biệt, phân loại và giải thích cặn kẽ được như vậy. Cũng vậy, theo tài liệu của Kimura Taiken trong Tiểu thừa Phật giáo Tư Tưởng Luận có nói: “Ngay tại bản thân của Phật đã có thái độ căn bản về phương pháp luận cứu phân loại và phân biệt của A Tỳ Đạt Ma rồi”(12).
Quả thật, trước khi thành đạo, khi còn là danh hiệu Bồ Tát, trong khi ngồi dưới cội Bồ Đề và thọ thực bằng bát cháo sữa của Sujāta, Ngài nhịn đói luôn bảy tuần nhật liền. Suốt bốn mươi chín ngày đó, Ngài ngồi im lặng để suy niệm, chỉ quanh quẩn dưới gốc cây Bồ Đề và sử sách ghi lại: “Trong tuần lễ thứ tư, đức Phật ngự trong “bảo cung” (ratanaghara, cái phòng bằng ngọc, trong ý nghĩa “cái phòng quý báu”) để suy niệm về những điểm phức tạp của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma, giáo lý cao siêu). Kinh sách ghi nhận rằng khi Ngài suy tưởng về lý Nhân Quả Tương Quan (Patthana), bộ khái luận thứ bảy của Tạng Vi Diệu Pháp, tâm và thân Ngài trở nên hoàn toàn tinh khiết và do đó phát tủa ra một vầng hào quang “sáu màu”(13). Cho nên, trước khi thành đạo quả Chính Đẳng Chính Giác thì Vi Diệu Pháp đã được đức Phật chiêm nghiệm qua. Điều này cũng Ngài Phật Âm diễn giải:
“Trong tuần lễ thứ tư, Ngài ngồi thiền trong một ngôi nhà xây bằng đá quí toạ lạc ở vùng đông bắc. Ngôi nhà đá quí đó không có nghĩa là ngôi nhà được xây bằng bảy viên ngọc quí, nhưng là nơi Ngài chiêm nghiệm về bảy bộ Vi Diệu Pháp. Và trong khi Ngài ngồi thiền về những nội dung trong bộ Dhammasanganī, thân thể của Ngài không tỏa ra hào quang; tương tự như vậy đối với việc hành thiền năm bộ kế tiếp. Nhưng khi ngài thiền đến Bộ Vị Trí, ngài bắt đầu chiêm ngưỡng tư tưởng hai mươi tư mối tương quan nhân quả phổ quát, về nguyên nhân và sự thể hiện…, chắc hẳn đây là dễ dàng Ngài đạt đến giác ngộ ngay tại đó. Bởi vì giống như con kình ngư Timiratipingala chỉ tìm được chỗ dưới độ sâu tám mươi tư ngàn do tuần dưới dòng đại dương, cũng vậy, Ngài thực sự đạt đến giác ngộ chỉ trong Bộ Vị Trí này. Những hào quang sáu màu – xanh, vàng, đỏ, trắng, hung hung và chói sáng – được tỏa ra từ thân thể của vị đạo sư (đức Phật), nhờ việc giác ngộ Ngài đã tìm ra, Ngài nhập thiền định về giáo pháp tinh tế và sâu sắc”(14).
Và cũng trong tác phẩm trên đã khẳng định rất rõ ràng qua Bộ Vị Trí Patthāna: “Trong số 22 mẫu đề tam và 100 mẫu đề nhị do đức Thế Tôn Toàn Tri pháp, thì toàn bộ đều là những lời trực tiếp của Ðấng Chinh Phục và đã tạo thành bản đề mục cho bảy bộ Luận này”(15). Và Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) đã giải thích tường tận, chi tiết về các mẫu đề và lý giải phương cách thuyết pháp của đức Phật về bộPatthāna qua tác phẩm trên.
Từ những chứng minh trên ta có cơ sở để nhận định chính đức Phật đã từng chiêm nghiệm qua Abhidhamma trước khi thành đạo. Chính vì vậy mà sau khi chứng ngộ giải thoát, đức Phật đã thuyết pháp độ Mẫu thân Ngài vào kỳ hạ thứ bảy – tại cung Trời Tavatimsa (Đao Lợi). Điều này đã được tài liệu ghi lại: “Vài ngày sau khi hạ sinh Thái Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) thì Hoàng Hậu Maha Maya (Ma Da) băng hà và tái sinh vào cung Trời Tusita (Đấu Xuất Đà). Trong hạ thứ bảy, đức Phật thuyết Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) cho chư Thiên ở cung Trời Đao Lợi, và vị Trời trước kia là Hoàng Hậu Ma Da, từ Đấu Xuất Đà đến Đao Lợi nghe Pháp. Mỗi ngày đức Phật trở về quả địa cầu, tóm tắt bài Pháp để cho đức Sariputta (Xá Lợi Phất) giảng rộng giáo lý ấy cho hàng đệ tử. Tạng Vi Diệu Pháp còn lưu truyền đến nay là bài Pháp đầy đủ chi tiết do Đại Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) truyền dạy. Kinh sách ghi rằng sau khi nghe xong những thời Pháp này, vị Trời trước kia là mẹ của Thái Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) đắc Quả Tu Đà Hườn.”(16)
Trong Kinh Trung Bộ cũng diễn tả sự kiện Sariputta tường thuật lại câu nói của Maha Moggallana cho đức Phật nghe như sau: “Ở đây, này Hiền giả Sariputta, hai Tỳ kheo đàm luận về Abhidhamma (A Tỳ Đàm). Họ hỏi nhau câu hỏi, và khi được hỏi, họ trả lời được với nhau, chớ không dừng lại vì không trả lời được, và cuộc đàm luận về Pháp của họ được tiếp tục. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỳ kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.” Và đức Phật tán thán “Lành thay Sariputta! Nếu trả lời cho được chân chính, Moggallana phải trả lời như vậy. Này Sariputta, Moggallana là bậc thuyết về Chính pháp”(17)
Tiếp tục qua đoạn kinh Gulisāni, Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc). Lúc bấy giờ, Tỳ kheo Gulissani là vị sống tại rừng núi, hành động thô tháo đã đến giữa Tăng chúng do một vài công vụ. Ở đây, Tôn giả Sariputta (Xá-lợi- phất) nhân vì Tỳ kheo Gulissani, bảo các Tỳ kheo: “Này chư Hiền, Tỳ kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập Thắng Pháp (Abhidhamma), Thắng Luật (Abhivinaya). Này chư Hiền, sẽ có người hỏi Tỳ kheo sống ở rừng núi về Thắng Pháp, Thắng Luật. Nếu Tỳ kheo sống ở rừng núi được hỏi về Thắng Pháp, Thắng Luật mà không thể trả lời được, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì, nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích; nay Tôn giả này được hỏi về Thắng Pháp, Thắng Luật lại không có thể trả lời được!” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỳ kheo sống ở rừng núi cần phải có thực tập Thắng Pháp, Thắng Luật”(18).
Qua những đoạn kinh trên cho ta thấy được Abhidhamma đã xuất hiện từ thời Phật tại thế và được tuyên thuyết bởi đức Phật mà các giới học giả nghiên cứu đã nhận định. Thật không còn gì bàn cãi nữa, bởi lẽ bấy nhiêu đó cũng đủ minh chứng cho nguồn gốc Abhidhamma. Tương tự như trên, một lần nữa Dhammakitti Mahāsāmi đã tóm tắt Diệu Pháp cô động qua những câu Pāli:
“Dhammasanganī Vibhango caDhātukathā tathāparamTathā PuggalapaññattiKathāvatthuppakaranamYamakam atha Patthānam ime sattapabhedato,Abhidhamma ti pitakam Sammāsambuddhadesitan ti”
Dịch nghĩa: “Pháp Tụ, Phân Tích và cuốn khác nữa là Chất Ngữ, thêm vào đó là Nhân Chế Định, và Cuốn Ngữ Tông
Song Đối và Vị Trí, bảy cuốn riêng biệt này đã được giảng bởi Bậc Chính Đẳng Giác và được gọi là Tạng Vi Diệu Pháp”
Kiểm chứng qua một vài bộ Kinh ta sẽ thấy hình thức Abhidhamma trong lời dạy của đức Phật rất rõ ràng:
Kinh Trường Bộ 2, Kinh Thập Thượng số 34
“Thế nào là ba pháp chịu phần tai hại? Ba bất thiện căn: Tham bất thiện căn, sân bất thiện căn, si bất thiện căn. Đó là ba pháp chịu phần tai hại. (20)
Kinh Trung Bộ 1, Kinh Thừa Tự Pháp số 3
“Ở đây, này chư Hiền, tham là ác pháp, và sân cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo, diệt trừ tham và diệt trừ sân, khiến (tịnh) nhãn sinh, khiến (chân) trí sinh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.”(21)
Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương II: Hai Pháp I. Phẩm Hình Phạt
“Có hai pháp này, này các Tỳ kheo. Thế nào là hai? Thấy vị ngọt trong các pháp có thể khởi lên kiết sử. Và thấy nhàm chán trong các pháp có thể khởi lên kiết sử. Ai sống thấy vị ngọt trong các pháp có thể khởi lên kiết sử, này các Tỳ kheo, tham không đoạn tận, sân không đoạn tận, si không đoạn tận. Do tham không đoạn tận, sân không đoạn tận, si không đoạn tận, nên không giải thoát khỏi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng người ấy không giải thoát khỏi khổ đau(22). Những yếu tố tham, sân, si trong những đoạn kinh trên là những chi phần trong Vi Diệu Pháp mà sau này được chia chẻ rất chi ly. Đây là minh chứng rất rõ cho ta thấy từ thời đức Phật, việc hành trì Abhidhamma đã xuất hiện trong Tăng đoàn và vào thời Phật tại thế.
Thật không còn gì để bàn cãi về nguồn gốc của Abhidhamma và như để khẳng định cho sự chắc chắn này mà Buddhaghosa đã tổng kết:
“1. Nguồn gốc Bộ Vi Diệu Pháp chính là lòng tin do việc giác ngộ thôi thúc. 2. Bộ này được hoàn thiện với 550 Kinh Bổn Sinh (Jataka). 3. Bộ này được quán triệt tại gốc cây Bồ đề. 4. Bộ này được quán triệt nhân ngày Rằm tháng Sáu (Visakha) 5. Bộ này được đức Phật toàn giác quán triệt. 6. Bộ này được liễu ngộ tại gốc cây Bồ đề.7. Bộ này được liễu ngộ trong suốt 7 ngày tại toà nhà Bảo ngọc, 8. Bộ này được đức Phật toàn giác liễu ngộ. 9. Bộ này được giảng cho chư thiên cõi Tam Thập Tam Thiên. 10. Bộ này được thuyết vì lợi ích cho Chư Thiên. 11. Bộ này được thuyết để giải thoát khỏi Tứ Bộc Lưu”.(23)
Một dẫn chứng nữa là trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá nhậnđịnh: “Điều hiển nhiên là từ Abhidhamma hay A Tỳ Đạt Ma xuất hiện nhiều nơi trong các kinh và luật. Đại Tì Bà Sa dẫn tám đoạn kinh, mục đích là nhằm thuyết minh thể tính của A Tì Đạt Ma. Những dẫn chứng này cũng hàm ngụ ý nghĩa rằng chính đức Phật đã thuyết A Tì Đạt Ma.”(24)
2. Sự Phát Triển Abhidhamma
Theo tài liệu “Chú Giải Bộ Pháp Tụ”, sự phát triển Abhidhamma ngoài sự học thuộc lòng còn là sự truyền đạt của những bậc luận sư: “Các vị Luận sư thay phiên nhau truyền đạt bộ này. Bộ Vi Diệu Pháp đã được truyền đạt do các vị Trưởng Lão ngược lên cho tới thời Ðại Hội thứ ba đó là: Trưởng Lão Sāriputta, Bhaddaji, Sobhita, Piyajāli, Piyapāla, Piyadassī, Kosiyaputta, Siggava, Sandeha, Moggalīputta, Visudatta, Dhammiya, Dāsaka, Sonaka, Revata và các vị Trưởng Lão khác nữa. Sau đó, Bộ Vi Diệu Pháp đã được các đệ tử kế vị các Trưởng Lão truyền đạt lại hậu thế. Như vậy bộ này đã được các bậc Luận sư không gián đoạn chuyền tải xuống tại Ấn Ðộ. Và sau đó từ đảo quốc Tích Lan, bộ này được lan truyền đến cho các vị Mahīnda, Iddhiya, Uttiya, Bhaddanāma và Sambala. Từ Ấn Ðộ, những bậc Trưởng Lão trí tuệ vĩ đại đó đã đem bộ Vi Diệu Pháp đến hòn đảo này, và kể từ đó cho đến nay, bộ này đã được truyền lại cho hàng Luận sư là các đệ tử của các vị đó.”(25)
Nhận định này cũng giống với Tỳ Bà Sa: “Sau khi Phật Niết Bàn, hay ngay trong thời tại thế, các Thánh đệ tử, bằng nguyện trí, tùy theo sự thích hợp, soạn tập phân biệt theo bộ loại. Thời gian sau Phật tịch diệt, tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử, cũng bằng nguyện trí, tùy thuận soạn tập, viết thành Phát Trí Luận”(26)
Nếu nói một cách rõ ràng và chi tiết hơn thì theo tài liệu “Tiểu Thừa A Tỳ Đạt Ma Phật Giáo Tư Tưởng Luận”: “sự phát triển A Tỳ Đạt Ma có thể chia làm bốn giai đoạn”(27):
2.1. Thời kỳ thứ nhất: Luận thư còn giữ hình thái khế kinh.
Tức là thời kỳ chưa phân chia ra kinh, luận, mặc dầu phương pháp luận cứu là phân biệt, phân loại và giải thích, nhưng chung qui thì luận thư vẫn giữ hình thái khế kinh. Nếu lại nhận xét phần nội dung trong các kinh hiện còn lưu truyền, có rất nhiều điểm được coi là nội dung của A Tỳ Đạt Ma ở thời kỳ đầu mà ở đây không thể kể ra hết được. Luận Cứu A Tỳ Đạt Ma của đệ tử Phật được thành lập ở thời đại Phật đến một trăm năm sau Phật nhập diệt, một phần cũng dùng phương phápvấn đáp mà để truyền thụ giáo nghĩa cho cá nhân, nhưng cũng phương pháp ấy mà đức Phật đã áp dụng để trực tiếp thuyết pháp cho đệ tử thì lại biến thành Khế-Kinh.
2.2. Thời kỳ thứ hai: Luận thư giải thích nghĩa kinh.
Từ thời kỳ đầu, A Tỳ Đạt Ma đã dần dần tiến triển đến giai đoạn không còn giữ được hình thái khế kinh nữa; luận thư ở thời kỳ này là trước sau vẫn lấy kinh làm bối cảnh, nhưng chỉ định nghĩa, phân loại, phân biệt và giải thích những điều đã được nói trong khế kinh, chứ chưa phát huy một cách thuần túy cái phương pháp của A Tỳ Đạt Ma luân thư, và cũng chưa tỏ rõ ra có một luận cứu pháp nào thêm vào cho những điều đã nói trong khế kinh: có thể nói đây là thể tài “gạch nối” để tiến từ khế kinh đến luận thư độc lập. Thời kỳ này, nếu đứng về phương diện niên đại mà nói, tuy không được rõ lắm, nhưng đại khái có thể nói là khoảng một trăm năm sau Phật nhập diệt đến thời kỳ tư tưởng bộ phái đại thịnh, và dựa vào hình thái đó để tiến triển.
2.3. Thời kỳ thứ ba: Luận thư tiến tới địa vị độc lập.
Thời kỳ thứ ba này, luận thư đã rời bỏ khế kinh mà chiếm địa vị độc lập. Nói về thể tài, thời kỳ này luận thư không còn bàn riêng về những câu kinh nữa mà lấy tất cả đề mục của các kinh làm chủ, rồi đem phân loại một cách tường tận và theo mọi tiêu chuẩn để phân biệt tính chất của đề mục ấy: đó là đặc trưng của phương pháp luận cứu trong luận thư. Còn về nội dung thì thời kỳ này, luận thư đã dần dần bao hàm các vấn đề sự thực và đã có một chủ trương đặc hữu: đó chính là A Tỳ Đạt Ma phát sinh theo trào lưu bộ phái, và đã chiếm địa vị độc lập hẳn với kinh luật chính ở thời kỳ này.
2.4. Thời kỳ thứ tư: Thời kỳ cương yếu luận.
Khi các bộ phái đã được thành lập thì những A Tỳ Đạt Ma luận thư chủ yếu chỉ đạo tinh thần và đại biểu, cho mỗi phái cũng được hoàn thành; nhưng, vì muốn cho học tập được dễ dàng nên lại làm ra các sách cương yếu nữa. Thời kỳ này đại khái vào thế kỷ thứ hai, thứ ba sau Tây lịch, tức là thời kỳ các bộ phái Tiểu Thừa được thành lập.
Trên đây chỉ sơ lược các thời kỳ căn bản, ngoài ra còn có những nghiên cứu chuyên sâu hơn. Chẳng hạn: “Phần lớn các nhà học giả đều đồng ý rằng tạng Abhidhamma được tổ chức và phát triển từ các Mātikā, nghĩa là những công thức đã có sẵn trong kinh tạng, và như vậy tạng Abhidhamma vẫn có thể được xem là tạng có tính cách nguyên thủy.”(28). Cũng tương tự thế, theo sự chú giải của Nalinaksha.Dutt: “Một bằng chứng sự trưởng thành về sau của văn học Abhidhamma là truyền thuyết chính thống cho rằng đức Phật không giảng toàn bộ Abhidhamma mà chỉ giảng những Mātikā (toát yếu). Những toát yếu này sau được Ngài Xá Lợi Phất giảng rộng ra và truyền thừa ngang qua các đệ tử cho đến Revata.”(29)
Do đó, trong rất nhiều bài Kinh chứa đựng hình thức Abhidhamma và người viết chỉ khảo sát qua một bài kinh cụ thể để thấy rõ hình thức Abhidhamma
Kinh Trường Bộ 2, Kinh Thập Thượng số 34
“Thế nào là ba pháp chịu phần tai hại? Ba bất thiện căn: Tham bất thiện căn, sân bất thiện căn, si bất thiện căn. Đó là ba pháp chịu phần tai hại.”(30)
Trong kinh chỉ nói đến tâm tham, sân, si là bất thiện chứ không nói gì thêm. Thế nhưng, qua Abhidhamma đã phát triển rất rõ: Tâm bất thiện có 12 tâm là 8 tâm tham, 2 tâm sân, 2 tâm si. Tiếp theo chia chẽ ra 8 tâm tham: ví dụ như “tâm tham thọ hỷ hợp tà vô trợ, tâm tham thọ hỷ hợp tà hữu trợ, tâm tham thọ hỷ ly tà vô trợ…
Mặt khác, thông qua Bộ Nhân Chế Định, trong phần đầu đề ba chi:
“Có ba hạng người dụ như bệnh nhân có mặt trong đời xuất hiện như vầy:
– Thế nào là ba hạng?
Ở đây có hạng người dù được gặp đức Như Lai hay không được gặp đức Như Lai, dù được nghe pháp luật Như Lai thuyết hay không được nghe pháp luật Như Lai thuyết, cũng không bước vào qui luật chính phần các thiện pháp.
Lại nữa, ở đây có hạng người dù được gặp đức Như Lai hay không được gặp đức Như Lai, dù được nghe pháp luật Như Lai thuyết, hay không được nghe pháp luật Như Lai thuyết thì vẫn bước vào qui luật chính phần các thiện pháp.
Lại nữa, ở đây có hạng người khi gặp đức Như Lai, không phải không được, khi được nghe pháp luật Như Lai thuyết không phải không được; thì mới bước vào qui luật chính phần các thiện pháp.”
Đây cũng là bài kinh trong Kinh Tăng Chi, “chương Ba Pháp, Người Bệnh”(31). Do vậy, ta thấy Bộ Nhân Chế Định được kết tập từ Kinh Tăng Chi và như vậy nó có nguồn gốc từ thời Phật, sau đó phát triển thành những bộ luận sau này. Từ sự phân tích các đoạn kinh trên cho thấy, mối liên hệ về cách biên tập của Kinh và Luận, về sau các Luận sư căn cứ vào khế Kinh tiếp tục giải thích và phân tích làm rõ nghĩa những lời Phật dạy được ghi chép trong Kinh tạng Pāli, biên tập thành tạng Abhidharma. Vì thế ta thấy hình thức luận đầu tiên đã có trong Kinh và bản thân Kinh đã có Luận… và còn rất nhiều bài kinh nữa, ở đây chỉ lấy một ví dụ cụ thể để minh chứng mà thôi.
KẾT LUẬN
Qua những gì nghiên cứu ta chứng minh được rằng Abhidhamma đã xuất hiện từ thời đức Phật và do đức Phật chứng nghiệm truyền lại cho các đệ tử. Hình thức Abhidharma xuất hiện rất nhiều trong kinh, không phải đợi đến kỳ kết tập kinh tạng lần thứ tư mới ra đời Abhidhamma cao cả, thù thắng vì trình bày những pháp tế vi, sâu nhiệm, cần thiết và hữu ích cho những ai có đời sống tu học nghiêm túc, tinh cần thiền định và thiền tuệ. Bên cạnh đó, Vi Diệu Pháp không chỉ là giáo lý suông hay sự phân tích các pháp mà còn là ứng dụng vào đời sống tu tập của từng cá nhân, trang bị cho mình những thấy biết chân xác, vi diệu, tinh tế về tâm và về pháp đặc biệt. Chính vì thế mà Dr. N. K. G. Mendis đã thốt lên rằng: “Abhidhamma không phải là thung lũng xương khô, bám đầy bụi, không phải là những tư tưởng phiêu bồng trên mây. Abhidhamma có thể ứng dụng được trong đời sống hàng ngày”(32)
Do đó, việc nghiên cứu và học Vi Diệu Pháp đối với người con Phật chúng ta cần phải trau giồi và thông suốt vì thông hiểu Vi Diệu Pháp chúng ta sẽ nhìn vạn pháp đúng theo nghĩa Chân đế và không còn chấp những kiến thức sai lệch về thế gian và con người. Hơn thế nữa, “đến A Tỳ Đạt Ma tư tưởng Phật giáo đã khai triển những vấn đề hoặc kiến giải vượt ra ngoài khế kinh, và kết quả đã ảnh hưởng đến tư tưởng sau này nhất là ảnh hưởng đến Đại thừa Phật giáo không ít, do đó, nếu muốn hiểu rõ Đại thừa tất cũng phải nghiên cứu qua A Tỳ Đạt Ma Phật giáo”(33).
Vì lẽ đó “nếu không có một tri thức tổng quát về A Tỳ Đạt Ma thì quyết không thể nào hiểu rõ được ý nghĩa trong khế kinh”(34). Tầm quan trọng Abhidhamma thật không còn gì để bàn cãi và những minh chứng trên càng khẳng định giá trị thiết thực “luận A Tỳ Đàm là kho tàng cung ứng vật thực, nuôi dưỡng và làm tăng trưởng tri thức. Nơi đây có rất nhiều chiếc chìa khóa để mở cửa những kho tàng báu vật”(35).
Và để mở được kho báu ấy hay không, phải phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của mỗi hành giả – những bậc đang nghiên cứu, học và hành pháp thông qua bộ môn Vi Diệu Pháp này. Thật không sai khi nói rằng tạng Abhidhamma là “quyển sách đầu giường cho chư tăng, ni và các phật tử, là kim chỉ nam trên hành trình tiến tu giải thoát.”
Thích Nữ Nguyên Tuệ Chùa Dược Sư, Tp.HCMTạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022
***
CHÚ THÍCH:(1) Dr Mehm Tin Mon, A Tỳ Đàm Yếu Luận, Minh Huệ (Biên Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2008, tr. 8(2) Kimura Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích Quảng Độ (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 63(3) Acarya Vasubandhu, A Tỳ Đạt Ma Câu Xá, Tuệ Sĩ (dịch và chú), Tphcm: Nxb Phương Đông, 2012, tr. 36(4) Dr Mehm Tin Mon, A Tỳ Đàm Yếu Luận, Minh Huệ (Biên dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2008, tr. 10(5) Buddhaghosa, Chú Giải Bộ Pháp Tụ, Pe.Maung Tin,Ma (tiếng Anh), Rhys Davids (Biên tập), Tỳ Khưu Siêu Minh (dịch), Tphcm:Nxb Tổng Hợp Tphcm, 2005, tr.20(6) Kimura Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích Quảng Độ (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.56(7) Tạng Diệu Pháp- Bộ Pháp Tụ, Đại Trưỡng Lão Tịnh Sự (dịch), Thành Hội Phật Giáo TPHCM,Pl. 2534, 1990, tr.7(8) Dr Mehm Tin Mon, A Tỳ Đàm Yếu Luận, Minh Huệ (Biên Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2008, tr.9(9) Thắng Pháp Tập Yếu Luận, Thích Minh Châu (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2005, tr. 13(10) Dr Mehm Tin Mon, A Tỳ Đàm Yếu Luận, Minh Huệ (Biên Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2008, tr. 10(11) Thích Thiện Siêu, Đại Cương Luận Câu Xá, Hn : Nxb Tôn Giáo 2006, tr. 70(12) Kimura Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích Quảng Độ (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 47(13) Narada Maha Thera,Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (Dịch), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm, 2013, tr.67(14) Buddhaghosa, Chú Giải Bộ Pháp Tụ, Pe. Maung Tin,Ma (tiếng anh), Rhys Davids (biên tập), Tỳ Khưu Siêu Minh (dịch), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm, 2005, tr.39(15) ipid, tr.32(16) Narada Maha Thera,Đức Phật Và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (Dịch), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm, 2013, tr.205 Narada Maha Thera,Đức Phật Và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (Dịch), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm, 2013, tr.205(17) Kinh Trung Bộ, Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), Đại Kinh Rừng Sừng Bò, Vncphvn: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.273(18) Kinh Trung Bộ, Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), Đại Kinh Rừng Sừng Bò, Vncphvn: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.273 Kinh Trung Bộ, Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), Kinh Gulisàni,Vncphvn: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.273(19) Dhammakitti Mahāsāmi, Diệu Pháp Yếu Lược, Indacanda (Trương Đình Dũng, (dịch Việt)), Nxb Đà Nẵng, 2011, tr. 27(20) Kinh Trường Bộ 2, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Thập Thượng số 34, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991, tr. 657.(21) Kinh Trung Bộ 1, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Thừa Tự Pháp số 3, NXB Tôn Giáo, 2012, tr 34.(22) Kinh Tăng Chi Bộ 1, Thích Minh Châu (dịch), Chương II Hai Pháp I. Phẩm Hình Phạt, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1996, trang 99-100.(23) Buddhaghosa, Chú Giải Bộ Pháp Tụ, pe. Maung tin,ma (tiếng Anh), Rhys Davids (biên tập), Tỳ Khưu Siêu Minh (Dịch), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm, 2005, tr.76(24) Acarya Vasubandhu, A Tỳ Đạt Ma Câu Xá, Tuệ Sĩ (Dịch Và Chú), Tphcm: Nxb Phương Đông, 2012, tr. 42(25) Buddhaghosa, Chú Giải Bộ Pháp Tụ, pe. Maung Tin,Ma (Tiếng Anh), Rhys Davids (biên tập), Tỳ Khưu Siêu Minh (Dịch), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm, 2005, tr.76(26) Acarya Vasubandhu, A Tỳ Đạt Ma Câu Xá, Tuệ Sĩ (Dịch Và Chú), Tphcm: Nxb Phương Đông, 2012, tr. 51(27) Kimura Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích Quảng Độ (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 49(28) Thắng Pháp Tập Yếu Luận, Thích Minh Châu (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2005, tr.13(29) Nalinaksha.Dutt, Đại Thừa và Sự Liên Hệ Tiểu Thừa, Thích Minh Châu (Dịch), Tphcm: Nxb Tphcm, 1999, tr. 64 (30)Kinh Trường Bộ 2, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Thập Thượng số 34, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991, tr. 657.(31) Kinh Tăng Chi, Tập 1,Thích Minh Châu (Dịch), Chương Ba Pháp, Người Bệnh, Vncphvn: Nxb Tôn Giáo, 2015, tr.151(32) Dr.N.K.G.Mendis, Abhidhamma Áp Dụng,Như Nhiên dịch, Kỷ niệm Phật Đản 2626, Trang webBuddhaSasana.(33) Kimura Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Thích Quảng Độ (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 62(34) Ipid, tr. 62(35) Chánh Minh, Đường Vào Thắng Pháp, Tphcm: Nxb Phương Đông, 2008, tr. 3