Đuối nước là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay trên thế giới, chiếm 7% tổng số ca tử vong liên quan đến thương tích. Ước tính có khoảng 320.000 người chết đuối hàng năm trên thế giới. Trong đó, tai nạn đuối nước xảy ra nhiều ở trẻ em, những người không biết bơi và các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai lũ lụt. Vậy đuối nước là gì? Và làm thế nào để phòng tránh tai nạn đuối nước xảy ra để hạn chế thương vong?
Giai đoạn từ 2015 – 2019, ước tính trên thế giới có khoảng 320.000 người chết vì đuối nước, chiếm phần trăm lớn trong tỷ lệ tử vong toàn cầu. Ở các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, số tai nạn do đuối nước xảy ra nhiều hơn 10 lần so với các nước phát triển. Cụ thể, năm 2019 ở Việt Nam có khoảng 2000 trẻ em chết do đuối nước. Những số liệu đáng báo động.
1. Đuối nước là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đuối nước được định nghĩa là hiện tượng suy hô hấp xảy ra ở người lớn hoặc trẻ nhỏ khi bị chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào khí quản gây khó thở. Hậu quả gây ngạt thở lâu dẫn tới tử vong (chết đuối) hoặc gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh.
Không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, tai nạn đuối nước có thể xảy ra ngay tại bể bơi, bồn tắm, bể cảnh, giếng nước, ao hồ, sông, biển… Tai nạn này có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào, nhưng thường ở trẻ em và những người không biết bơi. Thậm chí nhiều người lớn, bơi giỏi vẫn có nguy cơ đuối nước nếu như lơ là, chủ quan.
Số trẻ em bị đuối nước xảy ra tại Việt Nam giai đoạn 2015 – 2017
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng đuối nước
Việt Nam là một quốc gia sở hữu đường bờ biển dài với số lượng ao hồ, sông suối, kênh rạch khá nhiều, có trên 2.300 con sông với chiều dài khoảng 198.000 km và gần 3.300 km đường bờ biển. Chính vì vậy, các hoạt động trên sông nước diễn ra hàng ngày, tiềm ẩn nhiều tai nạn đuối nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng đuối nước: không biết bơi, hay vui chơi những khu vực nguy hiểm như: ao hồ, sông suối, các khu công trình xây dựng, bể bơi, giếng nước… Hoặc tập bơi ở những khu vực không có biển báo nguy hiểm, các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng trong quá trình bơi lội, hay những tai nạn do thiên tai, lũ lụt gây ra; du lịch sông nước…
Tình trạng đuối nước xảy ra nhiều ở trẻ em và những người không biết bơi
Theo thống kê thì:
– Hơn một nửa số ca tử vong do đuối nước xảy ra trong bể bơi.
– Một phần tư nạn nhân bị đuối nước đã biết bơi.
– Trẻ sơ sinh nhỏ hơn một tuổi thường bị chết đuối trong bồn tắm
– Trẻ em từ 1 – 4 tuổi thường bị chết đuối trong bể bơi.
– Khi trẻ lớn hơn, tỷ lệ chết đuối trong nước tự nhiên như sông, hồ, ao và đại dương bắt đầu tăng lên. Đối với những người lớn tuổi hơn 15 tuổi, 65% trường hợp đuối nước xảy ra trong nước tự nhiên.
– Rượu là một yếu tố gây ra một nửa số ca tử vong do đuối nước ở tuổi vị thành niên và người trưởng thành.
3. Cách cứu người bị đuối nước đúng cách
Theo các chuyên gia, cấp cứu tại chỗ là việc làm quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân đuối nước, nếu xử trí chậm nạn nhân dễ bị thiếu Oxy não, rất khó cứu sống. Nên thực hiện theo 3 bước sau để sơ cứu người đuối nước:
– Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước một cách an toàn và nhanh chóng.
– Bước 2: Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm cơ thể. Nếu nạn nhân bất tỉnh, cần kiểm tra nạn nhân còn thở không bằng việc áp tai vào lồng ngực.
Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngưng thở cần nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo:
+ Đặt nạn nhân nghiêng mình sang trái, dùng gạch hoặc khăn sạch kiểm tra và loại bỏ các dị vật trong miệng và mũi của nạn nhân.
+ Tiến hành hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân, kết hợp với ép tim ngoài lồng ngực. Với công thức 15:2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người thực hiện hoặc tỉ lệ 30/2 nếu có một người. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và nạn nhân thở trở lại.
Bước 3: Khi nạn nhân đã thở được sẽ nôn ra nhiều nước, cần tiến hành đặt ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối tránh bị ngạt.
Bước 4: Sau khi sơ cứu thành công, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Hướng dẫn cứu nạn nhân tránh tình trạng đuối nước
>> Xem thêm: Địa chỉ mua áo phao cứu hộ tại Hà Nội chất lượng, giá rẻ.*** Lưu ý:
– Tuyệt đối không được dốc ngược người nạn nhân hay vác lên vai rồi chạy.
– Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực cần thực hiện ngay khi đưa nạn nhân lên bờ. Hãy nhớ bước sơ cứu đầu tiên sẽ quyết định đến sự sống cũng như nguy cơ gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống.
4. Cách phòng tránh tai nạn đuối nước xảy ra
Có nhiều hành động để ngăn chặn đuối nước và nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước:
– Học bơi nên là ưu tiên hàng đầu của mọi trẻ em và mọi người ở mọi lứa tuổi.
– Lắp đặt các rào chắn (ví dụ che giếng, sử dụng rào chắn và cửa ra vào, rào chắn hồ bơi, các khu vực gia đình gần ao, hồ, sông…) để kiểm soát mức độ tiếp cận với nước, làm giảm đáng kể nguy cơ và rủi ro xảy ra.
– Luôn giám sát trẻ, không cho trẻ chơi ở những nơi gần sông, hồ, bể bơi, bãi biển,… khi không có người lớn.
– Sử dụng áo phao bơi, áo phao cứu hộ khi tham gia các hoạt động sông nước.
– Sử dụng các biển báo, biển cảnh báo độ sâu hay khu vực cấm bơi để hạn chế tai nạn.
– Siết chặt các quy định về vận tải tàu thuyền và an toàn sông nước.
– Xây dựng khả năng chống chịu lũ lụt và quản lý rủi ro lũ lụt thông qua lập kế hoạch phòng chống thiên tai, lập kế hoạch sử dụng đất và hệ thống cảnh báo sớm có thể ngăn chặn đuối nước trong thảm họa lũ lụt. Trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ để kịp thời sử dụng.
Học bơi là cách phòng chống đuối nước quan trọng nhất
Không những vậy, cần đảm bảo những nguyên tắc an toàn khi bơi:
+ Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn
+ Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi và cứu đuối.
+ Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
+ Không nên tắm vào thời điểm từ 11h trưa đến 3h chiều.
+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
+ Phải khởi động trước khi xuống nước.
+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
+ Không dùng các phao bơm hơi.
+ Không đi tắm, bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
+ Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.
Hy vọng những thông tin trên đây giúp mọi người có thêm những kiến thức cơ bản về tình trạng đuối nước. Cùng chung tay giảm thiểu số ca tử vong do đuối nước gây ra.