Mỗi một đất nước sẽ xây dựng một hình thức Nhà nước riêng biệt, nhưng đa phần đều sẽ chia theo các hình thức chính thể phổ biến trên thế giới. Dù đất nước được xây dựng dưới bất kỳ hình thức chính thể nào đi nữa thì đều sẽ có tác động đến đời sống của nhân, kinh tế và đặc biệt là chính trị. Vậy, chính thể là gì? Phân tích các hình thức chính thể của Nhà nước trên thế giới?
1. Chính thể là gì?
Hình thức chính thể nhà nước là cách thức và trình tự thành lập cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, xác lập mối quan hệ giữa cơ quan đó với cơ quan cấp cao khác và với nhân dân.
Định nghĩa trên cho thấy, xem xét về hình thức chính thể của một nhà nước là xem xét trình tự và thủ tục thành lập cơ quan tối cao của quyền lực nhà nước, xem xét mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước với nhau, với các cơ quan cấp cao khác của nhà nước và với nhân dân. Cụ thể, tìm hiểu về hình thức chính thể của một nhà nước là tìm hiểu xem trong nhà nước đó:
– Quyền lực cao nhất của nhà nước được trao cho ai? Nhà vua hay một cơ quan hay một số cơ quan của nhà nước?
– Phương thức trao quyền lực cho các cơ quan tối cao của quyền lực nhà nước là gì? Cha truyền con nối hay chỉ định hay suy tôn hay bầu cử…?
– Quan hệ giữa các cơ quan tối cao của quyền lực nhà nước với nhau, với các cơ quan cấp cao khác của nhà nước và với nhân dân diễn ra như thế nào? Nhân dân ở nước đó có được tham gia vào tổ chức, hoạt động và giám sát hoạt động của cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước hay không?
Xem thêm: Thể chế chính trị là gì? Các thể chế chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam?
2. Phân tích các hình thức chính thể của Nhà nước trên thế giới:
Trình tự và thủ tục thành lập cơ quan tối cao của quyền lực nhà nước, mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước với nhau, với các cơ quan cấp cao khác của nhà nước và với nhân dân thể hiện khác nhau ở các nhà nước khác nhau tùy theo từng dạng chính thể. Vì vậy, hình thức chính thể có hai dạng cơ bản là quân chủ và cộng hòa.
Chính thể quân chủ:
– Chính thể quân chủ là chính thể mà toàn bộ hoặc một phần quyền lực tối cao của nhà nước được trao cho một cá nhân (vua, quốc vương…) theo phương thức chủ yếu là cha truyền con nối (thế tập). Đây là hình thức được hành thành do tương quan lực lượng giai cấp trong xã hội khi tiến hành cách mạng dân chủ tư sản nếu xét ở khía cạnh lịch sử.
– Đặc trưng:
+ Người đứng đầu nhà nước và về mặt pháp lý là người có quyền cao nhất của nhà nước là vua hoặc những người có danh hiệu tương tự.
+ Đa số các vua lên ngôi bằng con đường cha truyền con nối nên đó là phương thức chủ yếu. Tuy nhiên, các nhà vua sáng lập ra một triều đại mới thường lên ngôi bằng các con đường khác như chỉ định, suy tôn, bầu cử, tự xưng, được phong vương hoặc tiếm quyền, song ở các triều vua sau, phương thức truyền kế ngôi vua lại được duy trì và củng cố.
+ Chính thế quân chủ là một thể chế hình thức chính quyền mà theo đó người đứng đầu là nhà nước vua hay nữ hoàng. Hiện tại trên thế giới có 44 quốc gia còn tồn tại hình thức này với 25 vị vua và nữ hoàng, trong đó nữ hoàng Anh đồng thời là nữ hoàng của 15 quốc gia quân chủ độc lập khác.
– Các dạng: Chính thể quân chủ có hai hình thức cơ bản là quân chủ chuyên chế (tuyệt đối) và quân chủ hạn chế (tương đối), riêng chính thể quân chủ hạn chế lại có ba biến dạng là quân chủ đại diện đẳng cấp, quân chủ nhị hợp (nhị nguyên) và quân chủ đại nghị (nghị viện).
Chính thể cộng hòa
– Theo tiến trình của lịch sử những cuộc đâu tranh giai cấp và có sự tương quan lực lượng giữa các giai cấp mà khi tiến hành các cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Ở những nước này cách mạng tư sản giành được thẳng lợi triệt để thì ở đó chính thể cộng hòa được thiết lập (như ở Pháp, Mỹ,..). Theo đó chính thể cộng hòa của một quốc gia được lãnh đạo bởi những người không dựa vào sức mạnh chính trị của họ vào bất kỳ một quy luật nào vượt khỏi tầm kiểm soát Chính thể cộng hòa là chính thể mà quyền lực tối cao của nhà nước được trao cho một hoặc một số cơ quan theo phương thức chủ yếu là bầu cử.
– Đặc trưng: Trong chính thể này, quyền lực cao nhất của nhà nước được trao cho một hoặc một số cơ quan chủ yếu bằng con đường bầu cử. Hiến pháp của các nước có chính thể này đều quy định rõ trình tự, thủ tục để thành lập các cơ quan đó.
– Các dạng: Tùy theo đối tượng được hưởng quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan tối cao của quyền lực nhà nước mà chính thể cộng hòa có các dạng cơ bản là cộng hòa quý tộc và cộng hòa dân chủ.
+ Cộng hòa quý tộc: Là chính thể mà quyền bầu cử và được bầu vào cơ quan tối cao của quyền lực nhà nước chỉ thuộc về tầng lớp quý tộc. Chính thể này chủ yếu tồn tại ở một số nhà nước chủ nô như Spart, La Mã…
+ Cộng hòa dân chủ: Là chính thể mà về mặt pháp lý, quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan tối cao của quyền lực nhà nước thuộc về mọi công dân khi có đủ những điều kiện luật định. Chính thể này có nhiều dạng tuỳ theo từng kiểu nhà nước như cộng hòa chủ nô, cộng hòa phong kiến, cộng hòa tư sản và cộng hòa xã hội chủ nghĩa.
Xem thêm: Sự khác biệt cơ bản về hình thức chính thể của nhà nước ở Anh và Mĩ
3. Hình thức chính thể Nhà nước CHXHXCN Việt Nam:
Chính thể Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thông qua nguyên tắc bầu cử bình đẳng, phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín nhân dân đã bỏ phiếu bầu ra cơ quan đại diện của mình (Quốc hội, HĐND các cấp).
Quyền lực Nhà nước tối cao thuộc về Quốc hội. Quốc hội được bầu theo nhiệm kỳ 5 năm, có quyền lập pháp, quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
– Chính thể cộng hòa dân chủ của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có nhiều đặc điểm riêng khác với cộng hòa dân chủ tư sản.
Thứ nhất, việc tổ chức quyền lực Nhà nước trong chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam
Đảng Cộng sản Việt Nam chính là một Đảng duy nhất tại nước ta, có vai trò và ý nghĩa vô cùng lớn đối với nước ta. Có thể nói nhờ có Đảng mà chúng ta mới có thể có được những sự độc lập, thống nhất và phát triển như hiện nay.
Trong Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Như vậy, Đảng chính là đường lối, chủ trương, chính sách, định hướng cho sự nghiệp của toàn dân, toàn đảng trong từng thời kỳ. Với vai trò là một Đảng lãnh đạo, hằng năm Đảng luôn đưa những Đảng viên ưu tú vào những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước để thuận tiện cho công tác quản lý và giám sát những hoạt động, chính sách và chiến lược đề ra. Đảm bảo lợi ích của người dân, hạn chế những sai phạm do đội ngũ cán bộ thiếu trách nhiệm.
Thứ hai, quyền lực Nhà nước trong chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xây dựng theo nguyên tắc tập quyền nhưng có sự phân định rạch ròi giữa các cơ quan
Hiện nay, theo cơ cấu tổ chức nước ta có 03 nhánh quyền lực cụ thể là hành pháp, lập pháp và tư pháp. Đứng đầu nhánh lập pháp là Quốc hội, đây là cơ quan quyền lực duy nhất do nhân dân cả nước bầu ra. Ngoài ra còn có Hội đồng nhân dân các cấp cũng là những cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân đưa ra những chính sách, quan điểm, ý kiến đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiệm vụ chính của nhánh quyền lực này chính là ban hành những văn bản pháp luật quy định những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế…
Đứng đầu nhánh hành pháp là Chính phủ. Đây là cơ quan chịu tránh nhiệm quản lý mọi vấn đề đời sống xã hội của người dân. Ngoài ra, tại địa phương sẽ có Ủy ban nhân dân các cấp giúp việc.
Đứng đầu nhánh tư pháp chính là Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục tố tụng, đảm nhiệm chức năng xét xử và đồng thời kiểm sát hoạt động tư pháp.
Như vậy, sự tập quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, mọi vấn đề đều liên quan đến lợi ích của nhân dân. Các nhánh quyền lực này tập trung quyền lực với nhau nhưng có sự phân chia quyền lực. Tuy nhiên, vẫn có sự phối hợp và quản lý với nhau về các vấn đề đời sống xã hội của nhân dân.
Thứ hai, chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội
Việc mang bản chất của giai cấp công nhân gắn liền với ý nghĩa lịch sử giai cấp và nhân dân lao động từ những năm gắn bó cùng nhau đánh giặc, kháng chiến giành độc lập dân tộc. Chính vì sự đoạn kết này mà đất nước ta mới có được sự độc lập và thành tựu như ngày hôm nay.
Thứ ba, trong chính thể Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng
Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của quyền lực Nhà nước. Trong hệ thống chính trị không thể thiếu Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đây được xem là tổ chức có vai trò quan trọng đối với hoạt động tại các địa phương như vấn đề tuyên truyền pháp luật, xây dựng mối quan hệ đoàn kết của các tầng lớp nhân dân lại với nhau, từ đó xây dựng xã hội giàu mạnh, công bằng và văn minh.