Mua bán – sáp nhập: Chọn mua đứt bán đoạn hay bắt tay hợp tác?

Mua bán – sáp nhập: Chọn mua đứt bán đoạn hay bắt tay hợp tác?

Mua đứt bán đoạn là gì

Một cách ví von, ông Thái Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư tư nhân Vina-VP Capital, gọi chuyện hai doanh nghiệp sáp nhập nhau là giải pháp “lấy vợ không mất tiền, lại còn được quà hồi môn”. Mặc dù vậy, kể cả là “lấy vợ không mất tiền” thì theo ông Minh, trước khi gật đầu cũng phải “khám sức khỏe”, có “hợp đồng hôn nhân” và phải định giá nhau một cách sòng phẳng.

Thậm chí, vấn đề không phải chỉ là nhìn riêng doanh nghiệp đấy, mà còn phải đánh giá xu hướng thị trường, tầm nhìn tương lai để có lựa chọn tối ưu nhất. “Không ai bắt anh chỉ đưa ra một phương án để đàm phán, mà có thể là 4-5. Hoặc mua đứt, hoặc mua một phần, hoặc sáp nhập. Phương án nào đàm phán tốt nhất thì lựa chọn phương án đó”, ông Thái Quốc Minh đã “hiến kế” như vậy cho ông Đỗ Thế Hiển, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Giáo dục Vietburning, người đang phải đứng ra giải quyết phương án M&A với một doanh nghiệp khác.

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này có sự tham gia của hai chuyên gia Trần Quốc Việt và Thái Quốc Minh Chương trình CEO – Chìa khóa thành công kỳ này có sự tham gia của hai chuyên gia Trần Quốc Việt và Thái Quốc Minh

Tình huống mà ông Hiển gặp phải, đó là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các mặt hàng nông sản. Nhận thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi, có nhiều cơ hội để phát triển, lại thêm việc chuẩn bị bước vào kinh doanh trong khu vực kinh tế chung ASEAN, nên HĐQT, bao gồm cả CEO, quyết định xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ của riêng mình.

Sau quá trình nghiên cứu, doanh nghiệp nhận thấy hiện có cơ hội mua lại một chuỗi cửa hàng bán lẻ đã hoạt động sẵn của một doanh nghiệp đang là đối tác lớn phân phối sản phẩm của công ty (và sản phẩm cùng ngành của các nhà sản xuất khác). Nếu thâu tóm được chuỗi cửa hàng này, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thực hiện được kế hoạch của mình với một hệ thống đã có sẵn, không mất nhiều công sức để thiết lập từ đầu. Tuy nhiên, để thâu tóm được, doanh nghiệp cần một khoản đầu tư khá lớn, kèm theo đó là những phức tạp trong chế độ nhân sự khi sáp nhập. Do đó, trong nội bộ HĐQT của doanh nghiệp đã xuất hiện 2 luồng ý kiến trái ngược nhau.

Cổ đông thì cho rằng, để tìm được một đối tác phù hợp và đạt được nhiều tiêu chí theo yêu cầu của công ty là hoàn toàn không dễ, do đó, muốn đầu tư vốn để tiến hành sáp nhập hai bên vào làm một. Có như vậy thì hai bên mới trở thành một khối đồng nhất, “có họa cùng chịu, có phúc cùng hưởng”.

Trong khi đó, CEO lại cho rằng, không nên đầu tư để thâu tóm họ ngay như thế, mà nên tiến hành hợp tác theo hình thức liên doanh để có thể tiếp tục tìm kiếm cơ hội khác tốt hơn. Mỗi bên đều có cái lý của mình và cuộc tranh luận xem ra chưa có hồi kết.

Đây cũng là chủ đề của Chương trình CEO – Chìa khóa thành công kỳ này: “M&A – Lựa chọn giải pháp tối ưu”, với sự tham gia của CEO Đỗ Thế Hiển và hai chuyên gia Trần Quốc Việt, Thái Quốc Minh.

Chia sẻ trên trang facebook của Chương trình, anh Hoàng Anh Dũng thậm chí còn vạch ra tới 10 bước đi cần thiết để thực hiện các phương án M&A. “Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm liên doanh, nhưng ở mức góp vốn cao hơn, tức là trên 50%. Ở mức trên 50%, ta sẽ có quyền thương lượng cao hơn rất nhiều, kể cả bây giờ và sau này, lại không chứa quá nhiều rủi ro như ôm toàn bộ”. Trong khi đó, nhiều quan điểm đồng ý việc sáp nhập, bởi sáp nhập sẽ làm chủ được kênh phân phối của mình.

Các ý kiến trái chiều này, cũng như các ý kiến tư vấn của các chuyên gia trong Chương trình có thể sẽ giúp các doanh nghiệp đang gặp tình huống tương tự tìm được hướng giải quyết tối ưu nhất.