Cách gọi tên trong hoàng tộc

Tử gọi là gì

* Thời phong kiến, các thứ bậc trong hoàng tộc được gọi tên như thế nào? (Nguyễn Thanh An, Hải Châu, Đà Nẵng).

– Về cách gọi tên trong hoàng tộc, Việt Nam chịu ảnh hưởng của các triều vua Trung Hoa, viết hoa chữ cái đầu.

Cha vua nếu chưa từng làm vua gọi là Quốc lão; nếu đã từng làm vua rồi truyền ngôi cho con gọi là Thái thượng hoàng. Mẹ vua nếu chồng chưa từng làm vua: Quốc mẫu; nếu chồng đã từng làm vua: Thái hậu.

Vua: Hoàng thượng. Vua của đế quốc (thống trị các nước chư hầu): Hoàng đế. Vợ vua: Hoàng hậu hoặc Hoàng hậu nương nương.

Anh trai vua: Hoàng huynh. Chị gái vua: Hoàng tỷ. Em trai vua: Hoàng đệ. Em gái vua: Hoàng muội. Bác vua: Hoàng bá. Chú vua: Hoàng thúc. Cậu vua: Quốc cữu. Cha vợ vua: Quốc trượng.

Con trai vua: Hoàng tử; nếu được chỉ định sẽ lên ngôi: Đông cung Thái tử hoặc Thái tử. Vợ Hoàng tử: Hoàng tức. Vợ Đông cung Thái tử: Hoàng phi. Con gái vua: Công chúa. Con rể vua: Phò mã.

Con trai trưởng vua chư hầu: Thế tử. Con gái vua chư hầu: Quận chúa. Chồng quận chúa: Quận mã. Trong xưng hô thì không viết hoa, như dưới đây:

Vua tự xưng quả nhân (dùng cho tước nào cũng được); trẫm (chỉ dùng cho Hoàng đế hoặc Vương); cô gia (chỉ dùng cho Vương trở xuống).

Vua gọi các quần thần: chư khanh, chúng khanh; gọi cận thần (được sủng ái): ái khanh; gọi vợ (được sủng ái): ái phi; gọi vua chư hầu: hiền hầu.

Vua, Hoàng hậu gọi con (khi còn nhỏ): hoàng nhi. Các con tự xưng với vua cha: nhi thần. Các con gọi vua cha: phụ hoàng. Các con vua gọi mẹ: mẫu hậu.

Các thê thiếp (bao gồm cả vợ) khi nói chuyện với vua xưng: thần thiếp. Hoàng thái hậu nói chuyện với các quan xưng là: ai gia.

Các quan tâu vua: bệ hạ, thánh thượng. Các quan tự xưng khi nói chuyện với vua: hạ thần; khi nói chuyện với quan to hơn (về phẩm hàm): hạ quan; khi nói chuyện người dân: bản quan.

Các quan thái giám khi nói chuyện với vua, hoàng hậu xưng là: nô tài. Cung nữ chuyên phục dịch xưng là: nô tì.

Người dân gọi quan là đại nhân, khi nói chuyện với quan xưng là: thảo dân.

Người làm các việc vặt ở cửa quan như chạy giấy, dọn dẹp, đưa thư,… gọi là nha dịch/ nha lại/ sai nha. Nhà quyền quý, con trai: công tử; con gái: tiểu thư. Đầy tớ các gia đình quyền quý gọi ông chủ: lão gia; gọi bà chủ: phu nhân; gọi con trai chủ: thiếu gia; tự xưng khi nói chuyện với bề trên: tiểu nhân.

Đứa con trai nhỏ theo hầu những người quyền quý thời phong kiến: tiểu đồng.

Ngoài ra, đối với các quan còn có kiểu thêm họ vào trước chức tước, thành tên gọi. Ví dụ: Quách công công, Lý tổng quản, Lưu hoàng thúc…

* Giữa hai cách viết “Ôm rơm nặng bụng” và “Ôm rơm rặm bụng”, xin cho biết cách viết nào đúng? (Mỹ Hà, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

– “Ôm rơm rặm bụng” là cách viết/ nói đúng. Về từ rặm, Từ điển tiếng Việt giải thích: “Hơi chói và khó chịu như có cái gì đâm khẽ vào da: Quạt thóc xong thấy rặm người; Rặm mắt”.

Về nghĩa của thành ngữ “Ôm rơm rặm bụng” từ điển giảng: (Khẩu ngữ) ví việc làm không đâu, không phải việc của mình nhưng cứ làm, nên không những không mang lại lợi ích mà còn tự gây vất vả, phiền phức cho mình.

ĐNCT