Buzzword là cái gì? Sự liên quan giữa Buzzword và Bạn

Buzzword là gì

Artwork: Nordwood

Do có nhiều bạn học sinh phổ thông follow mình, nên mình may mắn cũng cập nhật tình hình các bạn trẻ một chút.

Gần đây mình thấy các bạn (hay các em) đang loay hoay băn khoăn chọn ngành gì để học. Gia đình bà con thì muôn thuở bác kĩ, kĩ sư, tài chính ngân hàng. Trên TV báo đài thì thay nhau đưa tin về xu thế việc làm, cách mạng 4.0, thương mại điện tử, AI (trí tuệ nhân tạo),… Ở một mặt trận khác, các nhà tuyển dụng cũng hô hào quảng cáo với những ngôn tư đẹp đẽ để tìm nhân sự, nào là đối tác chiến lược, quản trị tập sự, rồi môi trường start up, năng động trẻ trung… Còn trên mạng xã hội thì ta lại nghe thấy influencer, freelancer, beauty blogger, digital marketing, đam mê, tự do…

Các từ ngữ trên đều có một điểm chung là chúng rất “hot”, và khá bắt tai. Bạn biết không, trong tiếng Anh họ có một từ chung để chỉ các từ, cụm từ mà mình vừa nêu, đó là từ “buzzword”.

1. Buzzword nghĩa là gì?

Theo định nghĩa của từ điển Cambridge, “buzzword” là “a word or expression from a particular subject area that has become fashionable by being used a lot, especially on television and in the newspapers” (Một từ/cách diễn đạt từ một lĩnh vực cụ thể mà đã trở thành thời thượng, được dùng nhiều, đặc biệt trên TV và báo chí).

Theo mình, để cho dễ hiểu, “Buzzword” là những từ, cụm từ có tính chuyên ngành nhưng được sử dụng rộng rãi theo cách thời thượng, xu hướng, đặc biệt là bởi giới truyền thông.

2. Những buzzword hay gặp

Vì là từ về chuyên ngành, nên có buzzword sẽ chỉ thịnh hành trong một cộng đồng nhất định, nhưng cũng có buzzword rất thịnh hành trong công chúng. Các từ sau đây là một ví dụ:

Business

  • Startup: Khởi nghiệp
  • Industry/ Industrial Revolution 4.0: Cách mạng 4.0
  • Millennials, Gen X: những người sinh từ năm 1980 – đầu 2000
  • AI (Artificial Intelligence): Trí tuệ nhân tạo
  • E-commerce: Thương mại điện tử
  • Super-app: Siêu ứng dụng
  • Big data: Dữ liệu lớn
  • Blockchain: Công nghệ chuỗi khối

Sức khỏe/Làm đẹp (Health/Beauty)

  • Chemical free: Không hóa chất
  • Organic: hữu cơ
  • Plant-Based: chú trọng thực vật
  • Low-carb: ít tinh bột
  • No-plastic/Plastic free: không nhựa
  • Zero Waste: Không chất thải/rác
  • Cruelty-free: Không thử nghiệm trên động vật

3. Sự liên quan giữa buzzword và bạn

Buzzword có liên quan đến chúng ta không? Theo mình thì có đấy. Hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại mà rất dễ để tiếp cận thông tin, các nhà sản xuất nội dung cạnh tranh nhau từng li từng tí để thu hút sự chú ý của người dùng.

Vì vừa mang tính chất thời thượng, vừa có tính chuyên ngành nên buzzword là những key word chủ chốt để gây ấn tượng và đánh vào tâm lý người dùng.

Một trang web chuyên generate các buzzword giúp bạn có ý tưởng viết bài.

Bản thân buzzword không nhất thiết là xấu, nhưng do giới truyền thông, marketing, và nhiều người đang lạm dụng (overuse) buzzword để mô tả việc nào đó trong khi thực tế chưa đến mức đó, khiến buzzword trở thành một cái gì đó khiến người nghe phải dè chừng, cảnh giác, thậm chí là ác cảm. Có nhiều người còn bảo rằng, buzzword là những từ nghe có vẻ học thức nhưng thực ra là rỗng tuếch.

Bạn có biết rằng, theo một báo cáo gần đây của công ty London venture capital firm MMC, khoảng 40% các công ty start up về AI (Trí tuệ nhân tạo) ở châu Âu không thực sự làm về công nghệ AI, mỹ từ AI đúng chất là một buzzword được thêm vào để thu hút vốn đầu tư (attract more funding), nói thẳng ra là lòe các nhà đầu tư để các bác ấy rót tiền vào. Và buzzword này đã hoạt động rất hiệu quả, báo cáo chỉ ra các công ty AI có thể gọi thêm 15% – 50% vốn so với công ty phần mềm truyền thống từ năm 2015. Lí do đơn giản, AI là một công nghệ được tung hô gần đây, được coi là xu hướng của thời đại mới, thêm buzzword AI vào khiến công ty bạn trở nên có tiềm năng hơn và cạnh tranh hơn.

Một ví dụ khác rất gần gũi với bản thân mình, đó là buzzword “no plastic”, “zero waste”. Bản chất của “no plastic” đơn giản là để phân loại chất liệu. Tuy nhiên giờ đây nó đã được nâng tầm lên thành một phong cách sống, khi nói no-plastic, bạn không nói về một thuật ngữ hóa học mà nó là một lối sống hạn chế các sản phẩm từ nhựa. Buzzword! Là một người theo chủ nghĩa bảo vệ môi trường, mình ủng hộ lối sống này. Cái mà muốn chỉ trích đó là những công ty, chủ shop, nhà quảng cáo đang biến “no-plastic” thành một buzzword để nâng tầm thương hiệu, lấy sử ủng hộ của công chúng, và tiện thể nâng luôn giá thành sản phẩm.

Bất cứ cái gì có mác “no-plastic”, “zero waste” sẽ bị đội giá cao lên, cho dù đó là một miếng xơ mướp! Vâng, một miếng xơ mướp khô ở chợ sẽ có giá khác so với chính nó nhưng có thêm cái buzzword trên.

Nói chung, buzzword có điểm mạnh của chính nó, việc của bạn là thông minh hoặc là lợi dụng nó, hoặc là phán xét nó, tùy hoàn cảnh của bạn.

Add thêm buzzword cho bắt mắt nào – Source: Amazon

4. Buzzword và câu chuyện chọn ngành nghề

Trở về với mở bài của mình, hiện nay trong việc chọn ngành chọn nghề, có rất nhiều thông tin từ nhiều kênh khác nhau đang chi phối, thậm chí điều khiển bạn. Những buzzwords sẽ được tung ra để khiến bạn mê hoặc tới cái bề nổi mà quên đi bản chất vấn đề.

Đây là phần đầu của 2 mẩu tin tuyển dụng được mình xào xáo lại từ hai công ty có văn phòng ở TPHCM, các bạn cùng đọc thử nhé:

Đọc xong là thấy hớp hồn liền, blockchain, Silicon Valley, fintech… là những từ khóa mà báo chí gần đây hay tung hô, nghe sang chảnh hơn nhiều so với làm kĩ sư xây dựng, kiểm định kĩ thuật… phải không các bạn.

Tuy nhiên, theo mình chưa chắc nghề nào đã hơn nghề nào. Để xem mình nên theo cái gì, mình nghĩ bạn phải đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm hiểu từ nhiều nguồn về cái ngành mà bạn đang hứng thú, cộng với xem xét năng lực, sở thích của bản thân. Hãy xem nghề nghiệp đó có giúp bạn phát triển không, tương lai của nghề ấy là gì, để bạn sẽ không mung lung khi có ai đó hỏi: “What do you see yourself in 5 years?”

THAM KHẢO:

  • Danh sách 40 buzzwords làm người thông minh nghe như đần:
  • 40% start up tự nhận AI nhưng không làm về AI
  • Generate buzzword giúp bạn