Trường nghĩa của từ và vấn đề thiết kế bài tập phát triển vốn từ

Trường nghĩa là gì

a) Trường nghĩa của từ

Do quá lớn và quá phức tạp, những liên hệ ngữ nghĩa trong từ vựng không hiện ra một cách trực tiếp giữa các từ lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Những quan hệ về ngữ nghĩa giữa các từ sẽ hiện ra khi đặt được các từ vào những hệ thống con thích hợp. Có nghĩa là, tính hệ thống về ngữ nghĩa trong lòng từ vựng và quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ riêng lẻ thể hiện qua quan hệ giữa những tiểu hệ thống ngữ nghĩa chứa chúng. Mỗi tiểu hệ thống ngữ nghĩa được gọi là một trường nghĩa. Đó là những tập hợp từ đồng nhất với nhau về ngữ nghĩa. Dựa vào các trường nghĩa, ta có thể phân định một cách tổng quát những quan hệ ngữ nghĩa trong từ vựng thành những quan hệ ngữ nghĩa giữa các trường nghĩa và những quan hệ ngữ nghĩa trong lòng mỗi trường. Nói một cách khác, mỗi trường nghĩa là một tiểu hệ thống nằm trong hệ thống là từ vựng của một ngôn ngữ. Có thể chia hệ thống từ vựng thành các trường nghĩa, tuỳ theo từng tiêu chí. Cụ thể, chia hệ thống từ vựng thành trường nghĩa biểu vật và trường nghĩa biểu niệm. – Trường biểu vật:

– Trường nghĩa biểu vật là tập hợp những từ cùng biểu thị một phạm vi sự vật, hiện tượng thực tế khách quan [4, tr.172]. Cơ sở để xác lập trường nghĩa biểu vật là sự đồng nhất nào đó trong ý nghĩa biểu vật của các từ.

Ví dụ: + trường nghĩa biểu vật về động vật: tên các loài: gà, lợn, chó, trâu… + trường nghĩa chỉ bộ phận cơ thể: đầu, mỏ, đuôi, mõm…

– Trường nghĩa biểu là “một tập hợp các từ có chung một cấu trúc biểu niệm” [4, tr.178]. Căn cứ để phân lập các trường biểu niệm là các ý nghĩa biểu niệm của từ. Cấu trúc biểu niệm không chỉ riêng cho từng từ mà chung cho nhiều từ.

Ví dụ: nói về trường biểu niệm “vật thể nhân tạo”, “thay thế hoặc tăng cường thao tác lao động”, “cầm tay” có thể chia thành các trường nhỏ, chẳng hạn:

+ Dụng cụ để chia, cắt: dao, cưa, búa, rìu, liềm… + Dụng cụ để xoi, đục: đục, dùi, chàng, khoan…

+ Dụng cụ mài giũa: giũa, bào, đá mài, giấy ráp…

Sự phân lập từ vựng thành trường biểu vật và trường biểu niệm dựa trên sự phân biệt hai thành phần ngữ nghĩa trong từ. Nó phản ánh hai cách nhìn từ vựng ở hai góc độ khác nhau. Tuy nhiên, hai loại trường nghĩa này có liên hệ với nhau: Nếu lấy những nét nghĩa biểu vật trong cấu trúc biểu niệm làm tiêu chí lớn để tập hợp thì chúng ta có các trường biểu vật. Ngược lại, nếu cần phân biệt một trường biểu vật thành các trường nhỏ thì lại phải dựa vào các nét nghĩa khác trong cấu trúc biểu niệm: Cả trường nghĩa biểu vật và trường nghĩa biểu niệm đều thuộc loại trường nghĩa dọc.

– Trường nghĩa tuyến tính (còn gọi là trường nghĩa ngang): Để lập nên các trường nghĩa tuyến tính, chúng ta chọn một từ làm gốc rồi tìm tất cả những từ có thể kết hợp với nó thành những chuỗi tuyến tính (cụm từ, câu) chấp nhận được trong ngôn ngữ.

Ví dụ: trường nghĩa tuyến tính của từ đi là nhanh, chậm, tập tễnh, khập khiễng, ra, vào, lên, xuống, giày, dép, găng, tất v.v…

. – Trường liên tưởng là tập hợp bao gồm những từ cùng nằm trong trường biểu vật, trường biểu niệm và trường tuyến tính, tức là những từ có quan hệ cấu trúc đồng nhất và đối lập về ngữ nghĩa với từ trung tâm. Trong trường liên tưởng còn có nhiều từ khác được liên tưởng tới do xuất hiện đồng thời với từ trung tâm trong những ngữ cảnh có chủ điểm tương đối đồng nhất, lặp đi lặp lại.

b) Kết luận sư phạm

Nói đến các kiểu quan hệ của ngôn ngữ không thể không nói đến hai dạng quan hệ, đó là quan hệ ngang và quan hệ dọc. Theo hai dạng quan hệ đó có thể có hai loại trường nghĩa là trường nghĩa ngang và trường nghĩa dọc. Trường nghĩa biểu vật và trường nghĩa biểu niệm thuộc kiểu trường nghĩa dọc, trường nghĩa tuyến tính thuộc kiểu trường nghĩa ngang. Trường nghĩa liên tưởng là kiểu trường nghĩa có tác động sâu sắc đối với việc sử dụng từ ngữ và vừa có tính chất của một trường nghĩa ngang, vừa mang tính chất của một trường nghĩa dọc.