Bệnh viêm màng não: nguyên nhân, triệu chứng, các yếu tố nguy cơ

Viêm màng não là gì

Viêm màng não là bệnh lý thần kinh nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh. Nhận biết sớm bệnh viêm màng não giúp người bệnh được điều trị kịp thời, tránh được di chứng, tử vong.

Viêm màng não là gì?

Viêm màng não là hiện tượng viêm của màng xung quanh não và tủy sống, dẫn đến hàng loạt triệu chứng như đau đầu, cứng gáy, sợ sáng, tăng số lượng bạch cầu trong dịch não tủy. Nguyên nhân viêm màng não có thể do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn.

Viêm màng não có thể do nhiễm vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, viêm màng não có thể được chữa khỏi sau vài tuần, hoặc có thể là trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng.

Các loại viêm màng não

1. Viêm màng não do não mô cầu

Vi khuẩn não mô cầu là tác nhân gây viêm màng não, viêm não khá phổ biến. Trẻ em và người lớn tuổi là 2 nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất.

Viêm màng não do não mô cầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, với các biểu hiện thường gặp như sốt cao đột ngột trong khoảng 39 đến 40 độ C, đau đầu dữ dội (ở trẻ quấy khóc rất nhiều), nôn và buồn nôn (trẻ kém ăn, bỏ ăn, bỏ bú, người mệt mỏi, lừ đừ), dấu hiệu cổ cứng là đặc trưng cho tình trạng bệnh (do bác sĩ khám và xác định). Trẻ dưới 1 tuổi có thể thấy thóp phồng lên bất thường.

Bệnh rất nguy hiểm, diễn tiến nhanh trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị tích cực. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nên khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh rất cao; đồng thời nguy cơ phát triển thành ổ dịch là rất lớn nếu không có các biện pháp khống chế kịp thời.

2. Viêm màng não do phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây viêm màng não thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có bệnh lý kèm theo như bệnh tim, phổi, thận mãn tính, suy giảm miễn dịch,… và ở người lớn; đặc biệt là người nghiện rượu, suy dinh dưỡng, người cao tuổi, người có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, người suy giảm miễn dịch… Bệnh nhân viêm màng não do phế cầu thường có các ổ áp xe cận kề sọ não hoặc các cơ quan khác như tai giữa, tai xương chũm, xoang, nội tâm mạc, phổi,..

Người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu trong một vài giờ hoặc từ 1 đến 2 ngày. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như nôn mửa, nhạy cảm ánh sáng, ăn không ngon, đau cứng cổ, rối loạn ý thức, li bì, ngủ gà,…

Viêm màng não do phế cầu khuẩn có tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ lên đến 8%, ở người lớn là 22%. Nếu may mắn sống sót, người bệnh có thể hứng chịu những di chứng nặng nề kéo dài. Có đến 21% trẻ sống sót sau bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn bị mất thính lực. Một số trường hợp khác rối loạn khả năng học tập, sử dụng ngôn ngữ, vận động, thỉnh thoảng lên cơn co giật.

Phế cầu khuẩn không chỉ đe dọa sức khỏe, cuộc sống và tương lai của chính bản thân người bệnh, mà còn là gánh nặng to lớn với gia đình, xã hội và ngành y tế.

Viêm màng não có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó mô cầu khuẩn là nguyên nhân thường gặp nhất

3. Viêm màng não do các virus đường ruột

Virus đường ruột (hay Enterovirus) lây truyền qua đường tiếp xúc phân – miệng hoặc hô hấp, thường gây bệnh ở trẻ em, người trẻ tuổi và xuất hiện vào mùa hè.

Virus Coxsackie nhóm A và B, virus ECHO gây viêm màng não nước trong, có thể kèm bại nhẹ. Biểu hiện thường gặp của bệnh là mệt mỏi, sốt, đau đầu, nôn và hội chứng màng não. Một số chủng virus Coxsackie nhóm A và B biểu hiện bằng hội chứng tay, chân, miệng với nốt phồng ở niêm mạc lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng. Một số loại Enterovirus khác gây đau cơ ngực, cơ bụng, viêm cơ tim.

Phần lớn các ca bệnh do virus đường ruột thường diễn biến lành tính và khỏi hoàn toàn. Nhưng cũng có một số bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong.

4. Viêm màng não do Haemophilus influenzae typ B (Hib)

Haemophilus influenzae typ B (hay Hib) là nguyên nhân gây viêm màng não mủ ở trẻ em dưới 6 tuổi. Ở người lớn, viêm màng não do Hib thường liên quan đến các ổ nhiễm khuẩn cận kề như viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm tai giữa, hay một số bệnh lý tiềm tàng như viêm phổi, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,…

Viêm màng não do Hib có thể đi kèm một số biểu hiện của nhiễm khuẩn toàn thân như viêm cơ, viêm phổi, viêm mủ hầu họng, viêm xương tủy, nhiễm khuẩn huyết,… Triệu chứng lâm sàng của viêm màng não do Hib thường không có nhiều khác biệt với so với các bệnh viêm màng não khác: sốt, đau đầu, nôn,…

Tỷ lệ tử vong của bệnh viêm màng não do Hib thường rơi vào khoảng 5%. Nếu may mắn sống sót, người bệnh có thể có một số di chứng về thần kinh như giảm thính lực, điếc, chậm nói, não úng thủy.

Nguyên nhân viêm màng não

Viêm màng não có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: virus, vi khuẩn, nấm và viêm màng não mãn tính.

1. Viêm màng não do virus

Virus gây bệnh phổ biến nhất ở mọi lứa tuổi là Enterovirus. Đặc biệt virus này chiếm 85% nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ em. Nhóm Coxsackie hoặc Echovirus là căn nguyên phổ biến nhất, hay gặp nhất như Coxsackie virus A6 và B3, Echovirus type 30, 18, 9, 11,…. Ở trẻ 3 tháng tuổi thường gặp Coxsackie virus nhóm B. EV-71 và Coxsackievirus A16. Một số chủng virus khác không chỉ gây viêm màng não, mà còn viêm não phối hợp. Virus bại liệt cũng có thể gây viêm não nước trong. Tuy nhiên với sự ra đời của vắc xin đã làm giảm đáng kể bệnh bại liệt, từ đó giảm nguy cơ viêm não nước trong.

2. Viêm màng não do vi khuẩn

Viêm màng não do vi khuẩn là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính màng não do một số loại vi khuẩn gây nên. Có ít nhất 14 căn nguyên gây viêm màng não vi khuẩn. Ở trẻ em, nguyên nhân thường gặp nhất là vi khuẩn Hemophilus influenza typ B (Hib), phế cầu và não mô cầu; Ở người lớn lớn là liên cầu khuẩn, phế cầu và não mô cầu. Biểu hiện lâm sàng của màng não nhiễm khuẩn thường là sốt, có hội chứng màng não. Trong một số trường hợp có biểu hiện của ổ nhiễm trùng khởi điểm. Hiện việc điều trị viêm màng não do vi khuẩn vẫn còn khá phức tạp và khó khăn, tốn kém nhiều chi phí.

3. Viêm màng não do nấm

Viêm màng não do nấm là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương hiếm gặp, thường gặp nhất ở những người suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV, sử dụng corticoid kéo dài, bệnh máu ác tính,… Bệnh thường diễn biến kéo dài, tỷ lệ tử vong cao, khó chẩn đoán nếu không có hỗ trợ lâm sàng. Các triệu chứng phổ biến của bệnh là đau đầu, sốt, buồn nôn, lú lẫn và động kinh. Có trường hợp người bệnh giảm thị lực và tiến triển đến mù.

4. Viêm màng não mãn tính

Viêm màng não mãn tính kéo dài từ 4 tuần trở lên, do nhiều loại vi sinh vật và yếu tố nguy cơ như: Nấm, spirochetes, Mycobacterium tuberculosis, rickettsiae, Toxoplasma gondii, HIV, enteroviruses và một số bệnh rối loạn thấp khớp tự miễn dịch (lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp) và ung thư. Các triệu chứng cơ năng và thực thể tương tự như triệu chứng viêm màng não khác.

Triệu chứng viêm màng não

Viêm màng não thường có những triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với viêm đường hô hấp thông thường, sốt siêu vi như: sốt cao, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc ho, chảy nước mũi, nôn… Để phân biệt bệnh lý viêm màng não với các bệnh viêm đường hô hấp thông thường khác, có thể dựa vào các triệu chứng quan trọng sau:

  • Co giật: Người bệnh có thể co giật một phần cơ thể như tay, chân, mắt, miệng hoặc cũng có thể co giật toàn thân. Một số trường hợp co giật đơn thuần do sốt cao hoặc do rối loạn điện giải, nhưng cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.
  • Rối loạn ý thức: người bệnh dễ bị kích động, sau đó ngủ li bì, lờ đờ, hôn mê.
  • Đau đầu, nôn hoặc có biểu hiện liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở chân, tay hoặc nửa người.
  • Đối với trẻ sơ sinh: dấu hiệu ban đầu thường không đặc hiệu và rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác. Người bệnh có thể sốt hoặc không sốt, đi kèm một trong các triệu chứng trên. Một số biểu hiện thần kinh hay gặp là ngủ li bì, thóp phồng, co giật.
Đối với trẻ sơ sinh, dấu hiệu viêm màng não thường không đặc hiệu & khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác

Viêm màng não có lây không?

Các tác nhân gây bệnh viêm màng não thường có trong những chất tiết ra từ đường hô hấp. Người khỏe mạnh hít phải chất tiết này khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi có khả năng mắc bệnh.

Bệnh cũng có thể lây gián tiếp khi tiếp xúc qua da, khi người lành dùng chung các đồ vật hàng ngày như ly chén,…. với người bệnh. Một số nghiên cứu còn phát hiện ra, vi khuẩn Neisseria meningitidis gây bệnh viêm màng não có thể lây cho những người tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trong thời gian dài với người bệnh. Người trong gia đình, bạn học, bạn cùng phòng… bất cứ ai tiếp xúc trực tiếp với chất dịch bệnh nhân đều có nguy cơ mắc bệnh.

Các tác nhân gây bệnh viêm màng não có trong những chất tiết ra từ đường hô hấp

Tỷ lệ lây truyền bệnh thường cao hơn ở các vùng có khí hậu khắc nghiệt, ổ dịch đang bùng phát, những nơi có điều kiện sống, sinh hoạt, vệ sinh kém. Thời gian ủ bệnh viêm màng não thông thường là 4 ngày; dao động trong khoảng 2 – 10 ngày.

Đối tượng bị viêm màng não

Bất kì ai ở bất kì tuổi nào đều có thể mắc viêm màng não, từ trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ, cho đến tuổi thanh thiếu niên, người già. Trong đó, trẻ nhỏ và người già là hai nhóm đối tượng dễ bị bệnh tấn công và diễn tiến nặng.

Viêm màng não ở trẻ em

Viêm màng não ở trẻ em thường gặp ở độ tuổi trung học. Triệu chứng do virus và vi khuẩn ở trẻ tương tự như các triệu chứng bệnh ở người lớn như: sốt đột ngột, nhức mỏi cổ và cơ, buồn nôn, nhầm lẫn hoặc mất phương hướng, mệt mỏi, nôn.

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh mắc viêm màng não có các triệu chứng nhiễm trùng khác với người lớn. Một số triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh có thể kể đến như: sốt, khóc the thé, buồn ngủ và khó thức dậy, cáu kỉnh, gắt gỏng, bú yếu.

Viêm màng não do virus thường phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng nghiêm trọng ở vùng lân cận trên cơ thể. Ví dụ, vi khuẩn từ nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng xoang có thể xâm nhập vào máu, tìm đến não hoặc tủy sống, gây nhiễm trùng nặng.

Viêm màng não ở người lớn

Sau tuổi thanh niên, nguy cơ mắc bệnh viêm màng não giảm dần. Nguyên nhân phần lớn là do hoàn cảnh sống thay đổi. Trường học, ký túc xá là nơi có điều kiện lý tưởng cho bệnh lây lan. Khi ra khỏi môi trường này, nguy cơ nhiễm trùng sẽ giảm xuống.

Tuy nhiên ở những người lớn tuổi có bệnh nền, hệ miễn dịch suy giảm khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt là những người sống trong nhà dưỡng lão, mầm bệnh có thể lây lan nhanh chóng.

Giáo viên, chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nhân viên trông trẻ cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm màng não

1. Không tiêm chủng

Tiêm chủng được đánh giá là phương pháp phòng bệnh viêm màng não và nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Hiện nay, một số loại vắc xin phòng viêm màng não như viêm màng não do não mô cầu type BC, viêm màng não do mô cầu type ACYW, viêm màng não do phế cầu khuẩn chưa được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng. Do vậy tại nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm ngừa các loại vắc xin này chưa cao.

Trong khi đó, không cần phải sống trong khu vực có dịch bệnh lưu hành, người dân đặc biệt là trẻ nhỏ có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào.

2. Suy giảm miễn dịch

Những người suy giảm miễn dịch có nguy cơ nhiễm trùng do viêm màng não cao hơn so với người bình thường. Cụ thể, một số trường hợp suy giảm miễn dịch điển hình có thể kể đến như:

  • HIV / AIDS
  • Rối loạn tự miễn dịch
  • Hóa trị liệu
  • Cấy ghép nội tạng hoặc tủy xương
  • Ung thư
  • Thuốc ức chế miễn dịch

Cryptococcus và nấm là hai nguyên nhân phổ biến gây viêm màng não ở người nhiễm HIV.

3. Mang thai

Trong suốt thai kỳ, hệ miễn dịch của thai phụ suy giảm hơn so với bình thường. Sự thay đổi trong hệ thống miễn dịch của phụ nữ trong thai kỳ có thể làm tăng tính mẫn nhiễm của nhiều mầm bệnh, sự bộc phát của các dạng tiềm ẩn. Do đó, mặc dù phụ nữ mang thai không thuộc nhóm suy giảm miễn dịch, nhưng cũng là nhóm đối tượng cần được bảo vệ trước căn bệnh viêm màng não nguy hiểm.

4. Tuổi tác

Mặc dù mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não, nhưng một số nhóm tuổi nhất định có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh viêm màng não do virus. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc viêm màng não do vi khuẩn. Người lớn tuổi cũng có nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng dẫn đến viêm màng não.

Chẩn đoán viêm màng não

Các phương pháp được các bác sĩ dùng chẩn đoán viêm màng não có thể kể đến như:

  • Chọc dịch não tủy: Là phương pháp xét nghiệm chẩn đoán viêm màng não phổ biến thực hiện bằng cách lấy dịch não tủy xét nghiệm nhằm xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm, tác nhân gây bệnh viêm màng não và sự nhạy cảm của vi sinh vật với sản phẩm thuốc.
  • Xét nghiệm máu: Là xét nghiệm cần thiết để đánh giá mức độ nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, người bệnh phải xét nghiệm máu để xác định tác nhân gây bệnh.
  • CT, MRI: Là phương pháp hiện đại được sử dụng để phát hiện biến chứng viêm màng não ảnh hưởng đến não.

Biến chứng viêm màng não

Viêm màng não nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề về sau. Một số biến chứng viêm màng não đã được ghi nhận như:

  • Tổn thương dây thần kinh sọ não: viêm màng não mủ có thể gây tổn thương một số dây thần kinh sọ não II, III, IV, VI,…
  • Áp xe não, áp xe màng cứng, ổ tụ mủ dọc huyết quản, viêm quanh mạch máu não, viêm tắc tĩnh mạch.
  • Tắc nghẽn dịch não tủy, dính màng não, cản trở lưu thông dịch não, hội chứng não nước,…
  • Ngoài ra, viêm màng não còn gây biến chứng ngoài hệ thần kinh. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm màng não mà dẫn đến các biến chứng ngoài hệ thần kinh khác nhau như xuất huyết phủ tạng, sốc độc tố, viêm thận, viêm phổi, viêm nội mạc, viêm khớp, viêm ngoại tâm mạc,…

Hậu quả nặng nề nhất của viêm màng não là tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tử vong do viêm màng não giai đoạn sớm có thể do suy hô hấp, phù não thể nặng và sốc không hồi phục. Ở giai đoạn muộn, người bệnh tử vong do biến chứng nhiễm khuẩn nặng ở não và ngoài não (như viêm phổi, viêm thận,, loét rộng và suy kiệt,…).

Điều trị viêm màng não

Điều trị viêm màng não phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng, mức độ phổ biến và nghiêm trọng của bệnh lý, biến chứng và bệnh lý nền. Đối với những trường hợp nhẹ được các bác sĩ chỉ định điều trị ở cơ sở ngoại trú. Những trường hợp nặng cần có sự hỗ trợ về y tế và được các chuyên gia theo dõi thường xuyên. Nguyên tắc điều trị viêm màng não gồm:

  • Điều trị nguyên nhân: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm màng não như vi khuẩn, virus, nấm mà các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Chọn lựa thuốc điều trị phải phù hợp với độ mẫn cảm của vi sinh vật. Thuốc kháng sinh có thể được tiêm đường tĩnh mạch hoặc tiêm thông qua ống truyền dịch.
  • Giảm áp lực nội sọ: thông thường các bác sĩ sử dụng thuốc lợi tiểu để làm giảm phù nề mô và áp lực trong hệ thống dịch não tủy.
  • Thuốc điều trị triệu chứng gồm: thuốc hạ sốt, giảm đau, chống nôn,…
Viêm màng não trường hợp nặng cần có sự hỗ trợ về y tế và được các chuyên gia theo dõi thường xuyên

Phòng ngừa viêm màng não

Viêm màng não hiện là gánh nặng bệnh tật đáng báo động do tỷ lệ tử vong cao, di chứng kéo dài ảnh hưởng đến tương lai và cuộc sống của người bệnh. Để chủ động phòng bệnh viêm màng não ngay từ sớm, người dân cần thực hiện một số biện pháp sau:

Không chia sẻ đồ dùng cá nhân

Các tác nhân gây bệnh viêm màng não có thể lây truyền khi người lành tiếp xúc chất tiết hô hấp của người bệnh, thông qua dùng chung các đồ dùng cá nhân. Do đó, để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn, virus gây bệnh mọi người không nên dùng chung đồ dùng có chứa chất tiết như ly uống nước, chai nước, ống hút, bàn chải đánh răng, son môi và thuốc lá.

Giữ khoảng cách với người bệnh

Ngoài sử dụng chung các đồ vật cá nhân có nguy cơ lây nhiễm viêm màng não, người lành có thể mắc bệnh nếu ở gần người bệnh, do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết.

Giữ khoảng cách tối thiểu 1m, khi người tiếp xúc gần có dấu hiệu của nhiễm trùng đường hô hấp. Dùng khuỷu tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh các giọt bắn lan xa, sau đó rửa tay.

Rửa tay thật sạch

Virus và vi khuẩn gây viêm màng não có thể bám trên tay và đi vào cơ thể qua đường miệng. Rửa tay sạch với xà phòng và nước kháng khuẩn là phương pháp phòng bệnh đơn giản, đặc biệt là sau khi ở nơi đông người, sau ho hoặc hắt hơi.

Tăng cường hệ thống miễn dịch

Khi bị nhiễm trùng, hệ miễn dịch sẽ hoạt động để chống lại các tác nhân xâm nhập. Hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng do virus, vi khuẩn. Ngoài ra, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc có thể giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Chăm sóc sức khỏe giữ vai trò quan trọng, đặc biệt là khi bạn đang có một hay nhiều bệnh lý mãn tính làm tổn hại hệ thống miễn dịch, hoặc sử dụng các loại thuốc gây suy giảm miễn dịch.

Tiêm phòng vắc xin

Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh viêm màng não là tiêm phòng vắc xin. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo, người dân nên tiêm vắc xin phòng viêm màng não ở độ tuổi 11 hoặc 12, sau đó tiêm nhắc khi 16 đến 18 tuổi. Đặc biệt lưu ý, nguy cơ mắc bệnh viêm màng não cao hơn khi sống trong môi trường tập thể có tiếp xúc gần với nhiều người, chẳng hạn như trong ký túc xá đại học. Vắc xin phòng viêm màng não cũng được khuyến cáo với những người đang có ý định vào quân đội, đi du lịch hoặc định cư ở quốc gia nơi đang lưu hành bệnh viêm màng não do vi khuẩn. Các loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não hiện đang lưu hành tại Việt Nam hiện nay gồm:

1. Vắc xin VA-Mengoc-BC – CuBa

Vắc xin VA-Mengoc-BC có thể tạo miễn dịch phòng viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu tuýp B và C, cho trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi trở lên đến người lớn 45 tuổi.

2. Vắc xin Menactra – Mỹ

Vắc xin cộng hợp Menactra phòng ngừa các bệnh viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi do vi khuẩn não mô cầu tuýp A, C, Y, W-135, dành cho trẻ nhỏ từ 9 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi.

3. Vắc xin Synflorix – Bỉ

Vắc xin Synflorix phòng ngừa các bệnh gây ra bởi phế cầu khuẩn dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi.

4. Vắc xin Prevenar 13 – Bỉ

Vắc xin Prevenar 13 chứa huyết thanh 13 chủng vi khuẩn phế cầu, phòng bệnh phế cầu xâm lấn như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp tính, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu)…, Vắc xin tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi, người trưởng thành, người cao tuổi mắc các bệnh lý mãn tính.

5. Vắc xin phòng viêm màng não Hib (Haemophilus influenzae týp B)

  • Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp), Infanrix IPV + Hib (Bỉ): phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi – viêm màng não do HIB.
  • Vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa (Bỉ); Hexaxim (Pháp): phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh viêm phổi – viêm màng não do HIB.
  • Vắc xin Quimi-Hib (Cu Ba): phòng viêm phổi – viêm màng não do vi khuẩn HIB.

Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC có danh mục vắc xin đa dạng, đầy đủ, với hơn 40 loại vắc xin quan trọng phòng ngừa hơn 50 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và người lớn. Trong đó, đã bao gồm các loại vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu khuẩn, phế cầu khuẩn và Hib cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn. Tất cả các loại vắc xin được bảo quản trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP theo quy định của Bộ Y tế đảm bảo nguồn vắc xin chất lượng, an toàn đối với Quý Khách hàng.

Để được tư vấn về vắc xin, tiêm chủng và đặt lịch tiêm tại Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, Khách hàng có thể gọi tới hotline 028 7300 6595, nhắn tin cho Fanpage VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn hoặc liên hệ trực tiếp Hệ thống các trung tâm tiêm chủng VNVC.

Viêm màng não là bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, không chỉ có nguy cơ tử vong cao mà còn để lại những di chứng thần kinh nặng nề và kéo dài cho người bệnh. Tiêm phòng đủ liều, đúng lịch là phương pháp bảo vệ an toàn và hiệu quả nhất trước căn bệnh nguy hiểm này.