A. Chứng ợ nóng là gì?
- Dù có thể gây khó chịu ở vùng ngực nhưng chứng ợ nóng không phải do tim và không ảnh hưởng đến tim. Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở phần ngực dưới, đi kèm với vị chua, đắng ở vùng miệng và vùng hầu.
- Ợ nóng thường xảy ra sau khi ăn thật no hoặc khi nằm. Triệu chứng này có thể xảy ra trong vài phút đến vài giờ.
B. Nguyên nhân của chứng ợ nóng?
- Khi ăn, thức ăn di chuyển từ miệng xuống thực quản, là một ống dài khoảng 25 cm. Để vào được dạ dày, thức ăn cần thoát qua một lỗ nhỏ giữa thực quản và dạ dày (có cơ thắt thực quản dưới bao quanh). Lỗ này đóng vai trò như chiếc cổng kiểm soát cho phép thức ăn đi qua để xuống dạ dày.
- Thường thì lỗ này sẽ khép lại ngay sau khi thức ăn đi qua (do co cơ thắt thực quản dưới). Tuy nhiên, trong trường hợp lỗ không khép lại được hoàn toàn, chất acid trong dạ dày sẽ trào ngược qua lỗ để lên thực quản. Đây chính là chứng trào ngược. Chất acid ở dạ dày gây kích ứng thực quản và gây ra triệu chứng ợ nóng.
- Thoát vị hoành cũng gây ra chứng ợ nóng. Thoát vị hoành là tình trạng một phần dạ dày bị đẩy ngược qua cơ hoành (là vách ngăn bằng cơ giữa dạ dày và lồng ngực), chui vào lồng ngực.
C-Các yếu tố góp phần làm tăng chứng ợ nóng?
Nhiều yếu tố có thể góp phần làm tăng chứng ợ nóng.
Ợ nóng thường xảy ra nhiều nhất sau khi ăn quá no, khi cúi gập người về phía trước hoặc khi ở tư thế nằm.
Có thai, stress và một số thức ăn khác khiến chứng ợ nóng tăng nặng hơn.
Sau đây là liệt kê các yếu tố góp phần làm chứng ợ nóng xấu đi hơn
- Hút thuốc lá
- Cà phê (cả loại thường lẫn loại khử caffein) và các thức uống có caffein khác
- Rượu
- Các thức uống có gaz
- Các trái cây thuộc họ cam, chanh, quýt, bưởi
- Cà chua và các sản phẩm từ cà chua
- Sô cô la, bạc hà
- Thức ăn béo và nhiều gia vị (như bánh pizza, ớt và cà ri)
- Hành củ
- Nằm ngay sau khi ăn
- Thừa cân hoặc béo phì
- Các thuốc Aspirin hoặc ibuprofen (Motrin)
- Một số thuốc khác (như các thuốc an thần, và một số thuốc tim mạch như nifedipin, thuốc nhóm nitrates)
D. Chứng ợ nóng có thể trở nên nghiêm trọng hay không?
- Sẽ không nghiêm trọng nếu chỉ thỉnh thoảng bị chứng ợ nóng. Tuy nhiên, nếu chứng ợ nóng xảy ra thường xuyên hơn, nó có thể gây viêm niêm mạc thực quản . Khi viêm thực quản trở nên trầm trọng, thực quản bị chít hẹp, xuất huyết hoặc rối loạn nuốt có thể xảy ra.
- Nếu chứng ợ nóng xảy ra thường xuyên hơn, có thể đó là triệu chứng của các bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease=GERD), viêm dạ dày, thoát vị hoành hoặc loét tiêu hóa.
E. Bí quyết để phòng tránh chứng ợ nóng
- Kê đầu giường cao hơn khoảng 15-20 cm.
- Sau khi ăn, nên đợi ít nhất là từ 2 đến 3 giờ trước khi nằm. Nếu ngủ trưa, hãy cố gắng ngủ trên ghế dựa.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Giảm cân nếu thừa cân.
- Không ăn quá no.
- Ăn khẩu phần nhiều protein, ít chất béo.
- Tránh mặc quần áo chật, nới lỏng nịt lưng.
- Tránh các thức ăn và các yếu tố khác gây triệu chứng ợ nóng.
F. Làm gì nếu các triệu chứng nặng hơn?
- Nếu thay đổi lối sống và thuốc kháng acid không giúp cải thiện các triệu chứng thì nên đi khám bệnh. Có thể cần phải dùng thêm một số thuốc đặc hiệu hoặc làm một ít xét nghiệm để chẩn đoán.
- Các xét nghiệm có thể bao gồm chụp dạ dày cản quang để phát hiện các ổ loét tiêu hóa, xét nghiệm pH để kiểm tra độ acid trong thực quản, hoặc nội soi dạ dày tá tràng. Dùng ống nội soi đưa vào dạ dày qua ngã thực quản để kiểm tra. Đồng thời xét nghiệm tìm vi khuẩn H. pylori, là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng.
G. Thuốc men để điều trị chứng ợ nóng?
- Có nhiều loại thuốc để trị chứng ợ nóng. Các thuốc kháng acid trung hòa lượng acid do dạ dày tiết ra.
- Trong đa số trường hợp, các thuốc kháng acid giảm nhanh triệu chứng trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên dùng nhiều thuốc kháng acid quá có thể gây tiêu chảy hoặc táo bón. Hãy chọn dùng các thuốc kháng acid có chứa magnesium hydroxide lẫn aluminum hydroxide (một thuốc gây táo bón trong khi loại kia gây tiêu chảy, do đó chúng sẽ khử bớt tác dụng của nhau). Một số biệt dược có tên là Maalox, Mylanta và Riopan. Dùng theo hướng dẫn trên bao bì.
- Các thuốc ức chế thụ thể H2 (một số biệt dược: Pepcid, Tagamet, Zantac) giảm lượng acid do dạ dày tiết ra. Một số được bán không cần toa.
- Một số thuốc khác như omeprazole (biệt dược: Prilosec) và lansoprazole (biệt dược: Prevacid), ức chế bơm proton gây giảm tiết acid ở dạ dày. Metoclopramide (biệt dược: Primperan, Reglan) giảm trào ngược acid.
- Bệnh nhân cần đi thăm khám để được chỉ định dùng thuốc thích hợp.
H. Cần đi khám bệnh ngay nếu:
- Nuốt khó hay nuốt đau.
- Nôn ra máu.
- Tiêu phân máu bầm hoặc phân đen.
- Khó thở.
- Chóng mặt, xây xẩm choáng váng.
- Đau lan đến vùng cổ và vai.
- Đau thắt ngực toát mồ hôi.
- Bị ợ nóng thường xuyên (trên 3 lần mỗi tuần) trong hơn 2 tuần.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn