Disclaimer là gì? Nên viết disclaimer như thế nào cho website?

Disclaimer là gì

Nếu bạn đang sở hữu hay quản lý một website thì bạn cần phải biết disclaimer là gì. Nếu website của bạn không có disclaimer hay còn gọi là tuyên bố từ chối trách nhiệm, bạn có thể sẽ được pháp luật “chăm sóc tận tình” đấy nhé.Bizfly Cloud sẽ chia sẻ disclaimer là gì, vai trò và cách thức để tạo ra nó sao cho phù hợp với website của bạn nhé!

Disclaimer là gì?

Disclaimer, theo cách hiểu chung nhất, là một sự từ chối trách nhiệm nhằm giới hạn lại quyền và nghĩa vụ của một đối tượng với đối tượng còn lại trong một mối quan hệ nào đó được pháp lý công nhận. Vậy với các website trên internet thì disclaimer là gì? Nó là một thông báo được đặt trên mỗi trang web có nội dung về việc hạn chế trách nhiệm pháp lý của website đó đối với những kết quả xảy ra với người dùng từ việc sử dụng trang web. Có thể bạn không chú ý nhưng gần như 100% website nào trên internet cũng có tuyên bố này. Vậy tại sao nó lại cần thiết đến thế?

Vai trò của disclaimer là gì?

Disclaimer đóng vai trò rất quan trọng vì nó bảo vệ doanh nghiệp khỏi những rủi ro và các khiếu nại pháp lý. Dưới đây là những vai trò chủ đạo của Disclaimer mà bạn không thể bỏ qua:

– Bảo vệ quyền lợi của bạn

Disclaimer bảo vệ quyền lợi đối với tài sản trí tuệ của bạn trước sự xâm phạm của người khác. Giả sử rằng tác phẩm của bạn có tính chất văn học hoặc nghệ thuật, Disclaimer có thể bao gồm tuyên bố về quyền sở hữu đối với bản quyền nội dung của bạn. Tuyên bố từ chối trách nhiệm có thể ngăn cản người khác sử dụng nội dung của bạn mà không có sự cho phép của bạn.

– Làm rõ nghĩa vụ của bạn đối với độc giả

Disclaimer thông báo cho người đọc về phạm vi nghĩa vụ của bạn đối với họ. Điều này đặc biệt hữu ích khi content của bạn là những lời khuyên, tư vấn trong một lĩnh vực không nhất thiết thuộc chuyên môn của bạn. Disclaimer vừa là cảnh báo vừa là cách để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ bạn khỏi trách nhiệm pháp lý. Bất kỳ ai đọc Disclaimer của bạn nên hiểu những rủi ro liên quan đến việc sử dụng hoặc hành động dựa trên content trên trang web của bạn.

– Từ chối trách nhiệm pháp lý của bên thứ ba

Trường hợp các bên thứ ba có thể tương tác với khách hàng hoặc đối tác của bạn thông qua trang web/blog, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý từ các hành động hoặc tuyên bố của họ.

Ví dụ: trang web hoặc tài khoản mạng xã hội của bạn có thể cho phép nhận xét hoặc quảng cáo từ các bên khác. Trong những trường hợp này, Disclaimer sẽ bảo vệ bạn khỏi phải chịu trách nhiệm pháp lý từ những hành động của những người bình luận hoặc quảng cáo trên trang web hoặc trang của bạn.

– Bảo vệ tổ chức hoặc doanh nghiệp của bạn

Nếu bạn làm việc trong một tổ chức/doanh nghiệp, trang web hoặc blog riêng của bạn có thể dễ dàng được liên kết với tổ chức/doanh nghiệp đó. Nếu chẳng may, trang web/blog của bạn bị kiện cáo, rất có thể tổ chức/doanh nghiệp của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này, Disclaimer có thể làm rõ rằng ý kiến của bạn chỉ là của riêng bạn và nó không phản ánh quan điểm của tổ chức/doanh nghiệp đó.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Disclaimer sẽ không hoàn toàn bảo vệ bạn khỏi trách nhiệm pháp lý. Ví dụ, bạn vẫn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu một người bị thương do sơ suất của bạn hoặc nếu bạn không làm điều gì đó theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, việc viết và đặt tuyên bố từ chối trách nhiệm trên trang web của bạn vẫn rất quan trọng để bảo vệ tốt nhất cho bạn và doanh nghiệp của bạn.

Cách thức để viết một disclaimer

Chắc chắn không có một công thức cụ thể nào cho việc viết một disclaimer, bởi lẽ tùy vào lĩnh vực, quy mô, nội dung của website sẽ có những tuyên bố khác nhau. Disclaimer chỉ cần đáp ứng được nhu cầu, điều kiện của chủ sở hữu web. Tuy nhiên, vẫn có một số nội dung cơ bản bạn có thể cân nhắc đưa vào tuyên bố của mình, chẳng hạn như:

Tuyên bố về quyền sở hữu: disclaimer có thể nêu rõ quyền sở hữu của bạn đối với tác phẩm, nội dung trên web nhằm ngăn cản hành vi “chôm chỉa” tài nguyên web. Ngoài ra, nó còn bảo vệ bạn khỏi những cáo buộc về sao chép, đạo nhái từ các trang web khác.

Giới hạn trách nhiệm pháp lý của bạn: hãy đưa ra các lĩnh vực, phạm vi mà bạn sẽ chịu trách nhiệm pháp lý và những vấn đề nào bạn không chịu trách nhiệm. Tất nhiên những tuyên bố này phải phù hợp với quy định của pháp luật. Chẳng hạn, bạn mở một website bán hàng thì không thể nói rằng mình không chịu trách nhiệm nếu giao hàng không đúng với những gì khách đã order.

– Hãy cho người đọc biết rằng nội dung trên web của bạn chỉ là một ý kiến mang tính tham khảo và không hẳn đã chính xác 100%. Vì như trên đã đề cập, không có gì là đảm bảo tuyệt đối. Lúc này, disclaimer sẽ bảo vệ bạn khỏi các cáo buộc và hình phạt từ các vụ kiện của người dùng.

Thông báo rằng người đọc web sẽ tự chịu trách nhiệm nếu có hậu quả xảy ra khi làm theo nội dung web. Vì tất cả chỉ là lời khuyên, tin hay không, hành động theo hay không là ở cá nhân người dùng nên họ tự chịu trách nhiệm.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm từ các hành vi, nội dung của bên thứ ba. Nhất là với các trang web hay trang mạng xã hội cho phép người dùng tự do bình luận thì tuyên bố này sẽ giúp bạn tránh được những hậu quả từ một bên thứ ba gây ra cho khách hàng của mình.

Trên đây là một vài kiến thức cơ bản về tuyên bố từ chối trách nhiệm trên website. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ disclaimer là gì, những nội dung nên có của một tuyên bố trách nhiệm… Hãy để lại email của bạn bên dưới để được cập nhật những bài viết mới nhất về công nghệ từ BizFly Cloud nhé!

Nguồn: Bizfly Cloud chia sẻ

>> Có thể bạn quan tâm: Địa chỉ broadcast là gì? Cách kiểm tra địa chỉ broadcast