Soi da là gì? Công dụng của soi da cực kỳ tuyệt vời bạn nên biết

Soi da ở đâu

Công nghệ soi da không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa các bệnh về da mà còn phục vụ làm đẹp cho chị em. Vậy soi da là gì? Phương pháp soi da tại BVĐK Tâm Anh dùng để điều trị những bệnh gì?

soi da

Soi da là gì?

Soi da (dermoscopy) là phương pháp sử dụng kính hiển vi có phát quang để tạo ra nhiều dải sóng trên bề mặt da nhằm kiểm tra, đánh giá, phân biệt các tổn thương khác nhau được tìm thấy trên da, thay vì dùng mắt thường chỉ thấy ánh sáng trắng. Nhờ phân tích quang phổ của một tổn thương da, bác sĩ thấy rõ các mô hình phân bố collagen, mạch máu và sắc tố melanin được thể hiện bên trong da tổn thương. (1)

Dựa vào các dữ liệu này, bác sĩ da liễu đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng loại bệnh. Tóm lại, soi da giúp dễ phát hiện vùng da bệnh, nhất là người có da khô hoặc da dầu thường khó quan sát bằng mắt thường.

Kính hiển vi bề mặt da xuất hiện đầu tiên vào năm 1663, sau này được bác sĩ da liễu người Đức, Johann Saphier, đã thêm một nguồn sáng tích hợp vào thiết bị. Cuối cùng, bác sĩ da liễu Goldman (Mỹ) là người đầu tiên thế giới sử dụng thuật ngữ “soi da” và sử dụng kính soi da để đánh giá các tổn thương sắc tố trên da.

Thế hệ kính soi da mới nhất bao gồm các kính phân cực chéo có sẵn, lọc bỏ ánh sáng phân tán từ ngoại vi, giảm độ chói và cho phép hình dung các cấu trúc nền mà không cần chất lỏng liên kết.

BVĐK Tâm Anh TP.HCM đầu tư máy soi da với thiết bị cầm tay, có một kính lúp với ống kính phóng đại chất lượng cao và hệ thống chiếu sáng mạnh (kính soi da). Kính lúp trên máy soi da có thể nhìn thấy vị trí tổn thương tăng lên nhiều lần so với thực tế. Nguồn ánh sáng mạnh kết hợp kính soi da hiện đại này giúp bác sĩ nhìn rõ cấu trúc và mẫu da.

Trong tương lai, máy soi da được cải tiến nhờ thu gọn nhẹ, kết nối wifi cho kính soi da qua USB, phân tích hình ảnh kỹ thuật số và nỗ lực kết hợp trí tuệ nhân tạo để tạo ra một đơn vị chẩn đoán tự động.

Soi da có thể phát hiện được gì dưới da?

  • Sắc tố da: soi da giúp phát hiện sớm các đốm sắc tố da khi mắt thường không nhìn thấy. Với những sắc tố da đã hiện rõ, soi da giúp nhận biết sắc tố ở nông hay ở sâu để có hướng trị liệu thích hợp.
  • Cấu trúc da: soi da giúp đánh giá kết cấu da, da mịn hay thô (lỗ chân lông to, sẹo mụn).
  • Mạch máu da: soi da giúp phát hiện sớm các ung thư da (nếu thấy tình trạng tăng sinh mạch máu), teo da, giãn mạch. Một số trường hợp da mẫn cảm, soi da sẽ thấy hiện tượng giãn mao mạch gây đỏ da.
  • Độ nhờn da: soi da giúp phát hiện da nhờn, da khô hay da hỗn hợp.

Dựa vào sắc tố và cấu trúc da được tìm thấy khi soi da, bác sĩ phân biệt người bệnh đang mắc bệnh da cụ thể.

  • Bệnh da lành tính: sự phát triển của các nốt mụn nhỏ, mụn viêm, mụn nhọt, soi nếp nhăn, soi sẹo, soi độ nhạy cảm của da. Thậm chí, phát hiện u máu, u bã đậu, nốt ruồi hắc tố bẩm sinh lành tính (congenital nevomelanocytic nevus); tàn nhang (lentigos), bớt xanh, nốt ruồi không điển hình, dày sừng tiết bã, tổn thương da không sắc tố. Đặc biệt, soi da phân tích và tìm ve ghẻ, rận mu, phân biệt một số tình trạng da nhất định như liken phẳng với những bệnh khác như bệnh vảy nến hoặc bệnh chàm.
  • Bệnh da ác tính: Với phương pháp soi da, bác sĩ da liễu giàu kinh nghiệm và chuyên môn còn dễ dàng phát hiện ra ung thư hắc tố (melanoma), ung thư biểu mô tế bào đáy sắc tố, ung thư biểu mô tế bào vảy. Điều này rất quan trọng, bởi ung thư hắc tố nguy hiểm nhất trong 3 loại ung thư da. Nhờ phát hiện giai đoạn sớm, bác sĩ kịp thời chặn đứng được ung thư hắc tố xâm lấn sâu, tiến triển và di căn nhanh sang các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Bệnh khác: soi da được sử dụng để kiểm tra bề mặt da chi tiết trong một số trường hợp khác như kiểm tra mao mạch nếp gấp ở móng tay trong bệnh lupus ban đỏ ở da hoặc bệnh xơ cứng hệ thống; đánh giá rụng tóc (soi trichoscopy) và sức khỏe móng tay.

Lợi ích của kỹ thuật soi da

Một số nghiên cứu chứng minh rằng phương pháp soi da có thể chính xác hơn 35% so với khám và chẩn đoán các bệnh về da bằng mắt thường. Từ đó, bác sĩ có thêm dữ liệu để đưa ra cách điều trị phù hợp hơn, cần phối hợp thêm những chuyên khoa liên quan đến tình trạng bệnh.

1. Xác định và hiểu rõ bệnh về da

Dưới đây là một vài bệnh da lành tính và ác tính cần sự hỗ trợ của soi da:

  • Hỗ trợ chẩn đoán bệnh ghẻ và rận mu: bác sĩ dùng mực India nhuộm trên da bệnh, cạo sạch vết vảy. Đồng thời, dùng kính soi da có thể giúp xác định vị trí bọ ve đang trú ẩn trong hang. Bằng cách phóng đại rận mu, kỹ thuật soi da cho phép chẩn đoán nhanh chóng những loài côn trùng nhỏ khó nhìn thấy như rận mu.
  • Hỗ trợ chẩn đoán mụn cóc: bác sĩ soi da nhận diện cấu trúc của mụn cóc rõ ràng, trong khi với mắt thường đôi khi nhầm lẫn giữa mụn cóc với vết chai, chấn thương hoặc dị vật. Nhờ thấy được cấu trúc của mụn cóc, bác sĩ theo dõi sát cả quá trình điều trị dứt điểm mụn cóc, không bị dừng điều trị sớm do khó hình dung bằng mắt thường.
  • Hỗ trợ chẩn đoán nhiễm nấm: phân biệt nấm da “chấm đen” hay nhiễm nấm da đầu với rụng tóc từng mảng.
  • Hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về tóc và da đầu: người bệnh được soi da để nhận biết tình trạng rụng tóc từng mảng, rụng tóc do thay đổi nội tiết tố nữ, monilethrix, hội chứng Netherton hay hội chứng lông tơ.

Nhờ hiểu rõ các bệnh về da, bác sĩ giúp người bệnh giảm số lượng các tổn thương lành tính trên da nhờ cắt bỏ, bắn laser.

Soi da còn hữu ích trong việc giúp bác sĩ da liễu xác định khối u ác tính chính xác hơn. Sự thay đổi cấu trúc da có thể được phát hiện trong các khối u ác tính bề mặt trong vòng 3 đến 6 tháng.

Các chuyên gia ước tính có thể phát hiện 92% khối u ác tính ngay lập tức vì các đặc điểm điển hình. 8% còn lại không có các đặc điểm nhận dạng và được chẩn đoán do thay đổi tổn thương không điển hình.

Việc soi da không chỉ phân biệt da lành với da bệnh, u lành với u ác mà còn giúp xác định ranh giới phẫu thuật của các loại ung thư da khó xác định. Đơn cử như khối u của bệnh Bowen, ung thư biểu mô tế bào đáy bề mặt và bệnh hắc lào đậu lăng cần xác định chính xác mức độ thực sự của khối u, để giảm bớt số lần phẫu thuật lặp lại.

So sánh trước và sau điều trị bệnh về da

Khi thực hiện soi da, phần mềm đính trong thiết bị soi da cho phép quay video chất lượng cao hoặc chụp ảnh kỹ thuật số để lưu về máy. Nhờ phần mềm này, bác sĩ và người bệnh sẽ xem lại trên màn hình máy tính và so sánh với hình ảnh được chụp tại các cuộc hẹn tái khám. Từ đó, bác sĩ da liễu giúp người bệnh so sánh trước và sau điều trị bệnh về da.

Phần mềm máy tính có thể được sử dụng để lưu trữ hình ảnh và cho phép các bệnh viện, bác sĩ da liễu phối hợp chẩn đoán và điều trị từ xa nhờ hệ thống máy soi da hiện đại (kính hiển vi phát quang kỹ thuật số, soi da từ xa, lập bản đồ nốt ruồi hoặc các tổn thương da sắc tố lành tính và ác tính cho từng ca bệnh).

Bên cạnh điều trị bệnh, kỹ thuật soi da được báo cáo là giúp xác định nhanh chóng và loại bỏ các vết khâu còn sót lại ở các vết thương đã đóng vảy. Soi da cũng có thể tạo điều kiện xác định và loại bỏ dị vật tác động vào da.

Phẫu thuật da liễu và thẩm mỹ

Da được chia thành 4 loại khác nhau, gồm: da nhờn, da khô, da hỗn hợp và da nhạy cảm. Các loại da này khó phân biệt nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, do đó bác sĩ dùng thêm máy soi da để nhận dạng rõ nét hơn.

  • Da nhờn: khi thực hiện soi da, bác sĩ và người bệnh sẽ thấy các hạt nhờn trải rộng trên toàn bộ mặt (tuyến nhờn vùng mặt thương chỉ ở vùng chữ T: giữa 1 chân mày và mũi). Lỗ chân lông ở những vùng này to hơn và thấy sợi bã nhờn bên trong lỗ chân lông.
  • Da khô: màn hình soi sẽ thấy bề mặt da có những mảng khô, sần sùi, lỗ chân lông nhỏ và ít chất nhờn hoặc thậm chí không thấy chất nhờn ở vùng chữ T.
  • Da nhạy cảm: làn da khá mỏng, dễ ửng đỏ và thấy rõ mạch máu đỏ.
  • Da thường: khi soi thấy bề mặt da có lỗ chân lông nhỏ, tuyến nhờn ít hoạt động, độ đàn hồi tốt, ít mụn, ít nếp nhăn.

Rõ ràng, soi da đóng vai trò lớn trong thẩm mỹ da. Ví dụ, nhiều phụ nữ có nhu cầu kiểm tra sức khỏe của da đang bị lão hóa sớm hay không, tìm những mụn ẩn trong da… Soi da còn đánh giá chứng tăng sắc tố quanh mắt (sắc tố da, mạch máu bất thường, độ nhão da), phân loại các lỗ chân lông trên mặt… để cải thiện và kéo dài làn da tươi trẻ.

Trong làm đẹp giảm lông bằng laser (LHR), phương pháp soi da được bác sĩ chọn lựa để tối ưu việc điều trị. Bởi một số trường hợp, nếu da sẫm màu bị rậm lông thì việc soi da giúp rõ hơn các thông số về độ tán xạ và độ dày của sợi lông trước khi điều trị bằng laser.

Soi da còn giúp bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tóc ghi lại số lượng đơn vị nang hiện có, số lượng tóc trên một đơn vị nang, kích thước của nang tóc và các thông số khác tại nơi cho và nhận.

Công dụng khác

Soi da đã được báo cáo để hỗ trợ xác nhận xét nghiệm sủi bọt ở những bệnh nhân mắc bệnh Behcet. Hình ảnh soi da có thể hỗ trợ xác nhận phản ứng thử nghiệm miếng dán là dương tính thực sự hay chất kích ứng, đặc biệt ở những người da sẫm màu. Soi da cũng tỏ ra hữu ích trong việc lên kế hoạch để cắt bỏ ‘mụn cóc thẩm mỹ tốt hơn, nhất là những nam giới có mụn cóc ở vùng cạo râu.

Các phương pháp soi da phổ biến hiện nay

Kính soi da bao gồm một nguồn ánh sáng xuyên thấu và một kính lúp (thường có độ phóng đại gấp 10 lần). Có ba phương thức soi da chính, gồm: (2)

1. Soi da bằng ánh sáng không phân cực

  • Với phương pháp soi da này, máy soi da sẽ phát ra ánh sáng không phân cực trên bề mặt da và cung cấp thông tin về lớp da bề ngoài. Nhờ vào đó, bác sĩ nhìn thấy các dải màu đỏ và màu hồng phát hiện dễ dàng cấu trúc mạch máu, collagen và sẹo…

2. Soi da bằng ánh sáng phân cực

  • Với phương pháp soi da này, ánh sáng phân cực cho phép hình dung các cấu trúc da sâu hơn để phát hiện và phân biệt những bệnh khó hơn như chẩn đoán sớm ung thư da, chẩn đoán phân biệt ung thư sắc tố với các bệnh sắc tố lành tính để tìm cách điều trị tốt hơn.
  • Hầu hết các kính soi da hiện đại đều cho phép người dùng chuyển đổi giữa hai chế độ phân cực và không phân cực, nhằm cung cấp thông tin bổ sung.

3. Soi da bằng ánh sáng phân cực, không tiếp xúc

  • Khi dùng kỹ thuật tiếp xúc, tấm kính của thiết bị tiếp xúc với da tổn thương. Kỹ thuật tiếp xúc này cho khả năng chiếu sáng và độ phân giải tốt hơn.
  • Tuy nhiên, việc soi bằng ánh sáng phân cực không tiếp xúc, giúp người bệnh tránh lây nhiễm chéo bệnh da khi khám chữa bệnh. Cụ thể, trong kỹ thuật không tiếp xúc, thấu kính phân cực chéo hấp thụ tất cả ánh sáng tán xạ và do đó chỉ cho phép ánh sáng trong một mặt phẳng duy nhất đi qua nó mà không tiếp xúc của thấu kính với da.
  • Ưu điểm của kỹ thuật không tiếp xúc là ngăn ngừa lây nhiễm giữa các bệnh nhân. Tránh lây nhiễm chéo trong trường hợp soi da tiếp xúc bằng cách sử dụng một màng chắn như màng bám hoặc băng dính trên vùng da tổn thương.

Quy trình soi da tại BVĐK Tâm Anh

Bước 1: Khám lâm sàng

  • Bác sĩ da liễu hỏi thăm sức khỏe, khai thác thông tin bệnh sử và kiểm tra tổng thể tình trạng da bằng mắt thường, bằng tay.

Bước 2: Khám cận lâm sàng (soi da và phân tích, nhận định)

  • Người bệnh được làm sạch vùng da được soi bằng dung dịch tẩy trang, nước muối sinh lý.
  • Bác sĩ đặt ống kính phân cực tiếp xúc với da hoặc kính phân cực không cần tiếp xúc với da. Sau đó, bật đèn trên thiết bị soi da và giữ ống kính của thiết bị trên vùng da đang kiểm tra. Điều này hoàn toàn không gây đau đớn.
  • Lúc này, thiết bị soi da phát ra dải sóng với nguồn ánh sáng mạnh và kính sẽ phóng đại vị trí tổn thương lớn hơn 10 – 14 lần.
  • Phần mềm của thiết bị soi da lấy nét chính xác để phân tích sắc tố và cấu trúc da. Bác sĩ chuyển về máy tính lưu trữ để phân tích tình trạng bệnh xem bệnh da lành hay ác tính. Hình ảnh (chụp ảnh hoặc video) trên máy tính được lưu trữ và theo dõi cho những lần tái khám sau. Những hình ảnh này có thể chuyển qua điện thoại thông minh cho người bệnh.

Bước 3: Chẩn đoán bệnh

  • Bác sĩ da liễu đọc kết quả và đưa ra phác đồ điều trị, tư vấn người bệnh hướng chăm sóc da.
  • Thiết bị soi da được vệ sinh sau khi sử dụng cho bệnh nhân.

Câu hỏi thường gặp

1. Soi da có chính xác không?

Nhờ kính soi da, bác sĩ chuyên về da liễu sẽ phát hiện và chẩn đoán chính xác hơn trong việc chẩn đoán khối u ác tính so với chỉ nhìn bệnh bằng mắt thường. Điều này rất quan trọng, giúp người bệnh không phải tốn nhiều thời gian, khi phát hiện các bất thường qua soi da và có cơ hội điều trị sớm.

Việc đánh giá u ác tính thông qua kết quả soi da còn phụ thuộc vào chuyên môn cao của bác sĩ và tình trạng sức khỏe bệnh nhân như: tiền sử bệnh, tuổi tác, yếu tố gia đình từ đó bác sĩ có thể quyết định thực hiện sinh thiết để chẩn đoán chính xác bệnh.

Một vài trường hợp, kết quả soi da không chính xác do ảnh hưởng của một số yếu tố:

  • Da không sạch: tại vị trí soi da chưa được xịt khoáng, cồn hay bôi gel.
  • Trang điểm da: da người bệnh còn phấn son, chất dưỡng ẩm, kem chống nắng hay vị trí soi da đầu dùng thuốc nhuộm tóc.
  • Màu da tối: vài trường hợp, màu da sáng dễ chẩn đoán hơn với người có màu da tối.

2. Có nên soi da hay không?

Nên thực hiện soi da định kì mỗi năm 1 lần. Soi da là phương pháp giúp bác sĩ tối ưu điều trị và giúp người bệnh điều trị triệt để hơn những bệnh lành tính và có cơ hội phát hiện sớm những bệnh không lành tính. Soi da không đau, không ảnh hưởng sức khỏe nên cần thực hiện để cải thiện tình trạng da.

3. Soi da mất nhiều thời gian không?

Soi da diễn ra đơn giản, không mất nhiều thời gian thực hiện, tuy nhiên kỹ thuật viên cần vệ sinh sạch sẽ thiết bị soi da giữa các bệnh nhân với nhau.

4. Soi da ở đâu?

Hiện nay có 3 loại kính soi da chính (3):

  • Máy soi da cầm tay: một thiết bị cầm tay đơn giản được tích hợp đèn chiếu sáng, có thể phóng đại hình ảnh lên 10-20 lần. Chúng không kết nối với màn hình.
  • Soi da kết nối với máy ảnh: loại kính soi da được kết nối với thiết bị xem hình ảnh, video và chia sẻ với bác sĩ và bệnh nhân trong quá trình khám.
  • Thiết bị soi da tại nhà: kính soi da không cần kê toa, bán đại trà.

Tuy nhiên, người dân không mua thiết bị soi da tại nhà do thiếu kiến thức về da liễu, ung thư nên không thể hiểu đúng về những gì đang nhìn thấy trên da. Trong khi, bác sĩ da liễu cũng phải có kinh nghiệm điều trị lâm sàng, biết phân biệt được u lành tính, u ác tính…

Chưa kể, so với các loại máy soi da dùng để bác sĩ sử dụng trong bệnh viện thì kính soi da tại nhà có chất lượng thấp hơn về loại kính và nguồn ánh sáng nên kết quả sẽ kém chất lượng hơn. Tốt nhất, người dân nên khám bác sĩ da liễu khi thấy da có biểu hiện khác thường và cần kiểm tra bệnh da liễu mỗi năm một lần.

Soi da là phương pháp hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ da liễu trong việc khám, phát hiện chính xác sắc tố da, cấu trúc da… để điều trị hiệu quả, chính xác.