Giới thiệu về Tiền Giang

Sông tiền ở đâu

Tiền Giang là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam. Nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền với chiều dài trên 120 km; có tọa độ địa lý 105049’07” đến 106048’06” kinh độ Đông và 10012’20” đến 10035’26” vĩ độ Bắc. Trung tâm thành phố Mỹ Tho – tỉnh lỵ Tiền Giang cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) 70 km về hướng Tây Nam và cách trung tâm thành phố cần Thơ 90 km về hướng Đông Bắc.

Tỉnh Tiền Giang tiếp giáp với các tỉnh như sau:

– Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Long An và TP HCM,

– Phía Tây và Tây Nam giáp các tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long,

– Phía Nam giáp tỉnh Bến Tre,

– Phía Đông giáp biển Đông.

Tiền Giang có diện tích tự nhiên là 2.510,61 km2, chiếm 0,76% diện tích cả nước, 6,2% diện tích ĐBSCL.

Trong định hướng phát triển Tiền Giang đã phân chia cụ thể ba vùng kinh tế trọng điểm: Vùng các huyện phía Đông là vùng có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển và phát triển các loại hình công nghiệp đóng tàu, cảng biển và vận tải biển, chế biến thủy hải sản; cùng các tiềm năng về du lịch và dịch vụ hậu cần nghề cá… Vùng các huyện phía Tây có thế mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt là cây ăn trái lớn nhất tỉnh gắn liền với sự phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các dịch vụ phục vụ dọc theo trục kinh tế Quốc lộ 1. Ngoài ra, vùng còn có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, nơi hội tụ của ba vùng sinh thái như sinh thái mặn, ngọt gắn với sinh thái sông nước, cây ăn trái và sinh thái vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười… Và vùng thành phố Mỹ Tho – Châu Thành là vùng động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và chủ động hội nhập, hợp tác kinh tế với vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, Tiền Giang có nhiều ưu thế trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường khả năng hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ cũng như với các nước Đông Nam Á đặc biệt là các quốc gia cùng chia sẻ nguồn tài nguyên dọc sông Mekong.

Trên cơ sở phân định thế mạnh từng vùng, Tiền Giang đã tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp – nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa; thâm canh, chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học; tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn (GAP) gắn với hệ thống tiêu thụ và phục vụ cho công nghiệp chế biến… Đầu tư ổn định khoảng 60 nghìn ha đất canh tác lúa để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và mục tiêu xuất khẩu; hình thành các vùng chuyên canh là thế mạnh của tỉnh như cây ăn trái, rau sạch… Tiếp tục khai thác thế mạnh trong phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường… Phát triển thủy sản theo hướng quy hoạch các vùng nuôi, thâm canh tăng năng suất, đa dạng hóa đối tượng nuôi, kết hợp chặt chẽ khâu nuôi, bảo quản chế biến và quản lý bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển các loại thủy sản có giá trị tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu như cá, tôm, nghêu, cá bè… trên sông Tiền, các cồn, bãi bồi ven biển.

Trong những năm qua, tỉnh đã thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời chú trọng các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế như công nghiệp chế biến, công nghệ sinh học, công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ nông nghiệp – nông thôn cùng các ngành công nghiệp bổ trợ cho vùng KTTĐ phía Nam và vùng ĐBSCL. Tập trung thu hút đầu tư phát triển nhanh các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt đồng thời củng cố và nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp đã có. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 7 – 8 khu công nghiệp tập trung và khoảng 30 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 8.700 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực Tân Phước và Gò Công.