Tương bần được biết đến như một đặc sản nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chưa biết tương bần là gì, chế biến ra sao, ăn có ngon không. Đừng lo vì những thắc mắc của bạn về tương bần sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.
Tương bần là gì? Lịch sử của tương bần
Tương Bần hay Tương làng Bần là tên gọi một loại tương được sản xuất tại Thị trấn Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên, Việt Nam. Đây được đánh giá là một trong những loại tương ngon của đất nước Việt Nam, đặc trưng cho ẩm thực vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Tương bần mang hương vị mộc mạc của làng quê Việt Nam (Ảnh: Internet)
Tương truyền, nghề làm tương bần đã có từ khoảng thế kỷ 19. Ngày trước, vào mỗi mùa tương (từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch) nhà nào cũng rục rịch chuẩn bị làm vài ba hũ, để dành dùng quanh năm… Bây giờ ít gia đình còn truyền thống làm tương tại nhà nữa, thay vào đó sản xuất tương đã theo công nghệ hiện đại, nên không còn phải vất vả như xưa, sản phẩm tương làm ra nhiều, bán trên khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Giai đoạn làm tương bần
Tương Bần được chế biến qua 2 giai đoạn là chọn nguyên liệu và làm tương. Nguyên liệu làm tương được người làng Bần sử dụng gồm gạo nếp, đỗ tương, muối. Gạo nếp được vo kỹ, ngâm nước rồi đồ thành xôi, rải xôi trên nia (một dụng cụ được làm bằng tre) hay trên mặt phẳng rộng, phơi nơi thoáng mát cho lên mốc vàng. Mỗi ngày dùng đũa đảo xôi đã mốc lên đều. Khi xôi đã thành mốc nhuộm một màu vàng ươm thì có thể chuẩn bị ngâm đỗ tương. Đỗ tương được lựa cẩn thận, rồi rang trên bếp với lửa nhỏ để bên trong chín giòn, vỏ ngoài thì vàng đều. Đỗ tương để nguội, cho vào hũ sành ngâm nước sạch trong khoảng một tuần. Nếu đúng là đặc sản làng Bần thì tương, gạo nếp đều được trồng trên chính đất của làng nên tương làm ra ngon thơm hơn nhiều so với dùng đỗ tương, nếp của vùng khác mang tới. Sau một tuần ngâm tương, dùng nước ngâm này cho mốc vào bóp nhuyễn, khi mốc đã nhuyễn thêm đỗ tương, muối vào đảo đều. Ngâm tương muốn ngon, phải ngâm trong những chiếc chum (vại) bằng sành. Vì khi mang tương ra ngoài nắng phơi, ánh sáng mặt trời làm nóng chum, giúp tương chín nhanh hơn, trời càng nhiều nắng thì tương chín càng nhanh. Tương phải được phơi nắng ít nhất 2 tháng, và cao hơn có thể từ 2 đến 3 năm. Khi tương đã chín, chuyển tương từ những chum sành sang những hũ đựng, chai lọ để trong nhà dùng dần.
Tương bần rất quen thuộc trong các bữa ăn của người Việt (Ảnh: Internet)
Các món ăn cùng tương bần
– Tương ăn với bánh cuốn, bún, bánh da chần: Cho dầu ăn, phi hành thơm, cho thêm đường, ớt, nước sôi, tương, bắc ra cho thêm hạt tiêu, chanh, ăn với rau thơm.
– Canh dưa chua: Dưa muối, hành, dầu ăn, cà chua, tương. Đun dầu cho hành phi thơm, cho cà chua vào đảo kĩ cho nhừ, cho dưa chua đảo tiếp một lát đem cho tương vừa ăn bắc ra làm món xào kho hoặc cho nước đun nhừ làm món canh chua. – Rau muống nấu canh tương gừng: Xào rau muống với chút muối và dầu ăn cho kĩ, cho thêm nước vừa ăn, trước khi bắc ra cho tương và gừng đập dập thái nhỏ. Món này ăn vào mùa đông thích hợp.
– Lạc dầm tương: Cho lạc rang dầm 15 phút trong tương, hoặc để qua đêm, món này có thể để cả tháng.
– Củ sen xào tương: Thái mỏng củ sen, rửa sạch bùn, xào với dầu phi hành thơm, cho gia vị chay và tương và nhớ cho chút gừng. Món này rất tốt cho những người yếu phổi và cần tẩm bổ.
– Củ cải, su hào, cà rốt kho tương: có thể rán qua củ cải hoặc không, rồi mới cho tương. Su hào, cà rốt làm tương tự.
– Nấm xào tương: Phi hành dầu thơm, cho nấm, gừng, tương vào, cho rau thơm tuỳ thích. Món ăn này khá âm hợp với người dương tạng hoặc người ăn quá nhiều thịt hay những người nóng tính.
– Mướp đắng kho tương: Rán qua mướp đắng rồi đổ tương vào vừa ăn, đun tiếp cho mềm.
– Đậu phụ hấp tương gừng: Mua đậu về ép ráo hết nước chua rồi giã nhuyễn với hành tây, trộn tương, gừng thái chỉ, và dầu ăn hoặc bơ vừng, đem hấp chín.
Vậy là bạn đã biết tương bần là gì cũng như cách sử dụng tương bần vào nấu nướng rồi phải không nào? Tương bần rất bổ dưỡng và mang hương vị đặc trưng của làng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Ramen là một trong 3 món mì trứ danh của đất nước mặt trời mọc được người Nhật ưa chuộng hàng đầu. Nếu bạn chưa biết mì Ramen là gì thì hãy cùng chúng tôi tham khảo bài viết trước để giải đáp thắc mắc nhé.