GIỚI THIỆU – huyện Phúc Thọ – UBND thành phố Hà Nội

Phúc thọ ở đâu

Vị trí địa lý, truyền thống lịch sử

Phúc Thọ là huyện ngoại thành, nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, thuộc hữu ngạn sông Hồng và sông Đáy, cách trung tâm Thủ đô khoảng 35km. Phía Tây Huyện giáp với thị xã Sơn Tây, phía Nam giáp huyện Thạch Thất và Quốc Oai, phía Đông giáp huyện Đan Phượng. Ở phía Bắc, bên kia sông Hồng, huyện Phúc Thọ còn có một phần đất tiếp giáp với huyện Yên Lạc, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Mê Linh (TP Hà Nội). Huyện có diện tích tự nhiên 118,63 km2, dân số trên 19 vạn người. Huyện gồm 20 xã và 01 thị trấn. Trên địa bàn Huyện có Quốc lộ 32, Tỉnh lộ 417, 418, 421 chạy qua có vai trò huyết mạch nối liền Phúc Thọ với các vùng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho Huyện trong quá trình giao lưu, liên kết với trung tâm thành phố Hà Nội và các huyện, thị lân cận. Là địa danh được hình thành sớm cùng lịch sử dân tộc, nơi hòa quyện giữa 3 con sông: sông Hồng, sông Tích và sông Đáy đã tạo nên vùng đất có truyền thống lâu đời và bề dày lịch sử – cái tên huyện Phúc Thọ đến nay đã có niên đại gần 200 năm.

Ngay từ xa xưa, các thế hệ cư dân Phúc Thọ đã góp phần vào quá trình hình thành nền văn minh sông Hồng rực rỡ cũng như mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Qua những di tích, di vật lịch sử – văn hóa đã chứng minh Phúc Thọ là cái nôi của truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, bền bỉ trong cải tạo thiên nhiên, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống thiên tai; đặc biệt, nơi đây cũng là vùng đất trọng học, giàu truyền thống khoa bảng với nhiều người đỗ đạt, thành danh; nhân dân hiền hòa, giàu tình yêu quê hương, đất nước, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trải qua các cuộc kháng chiến, nhân dân Phúc Thọ đã đóng góp nhiều cả về nhân lực và vật lực, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Toàn huyện có 413 Mẹ Việt Nam anh hùng, 3.565 liệt sỹ, 1.076 thương binh. Huyện có 07 cá nhân và 13 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Năm 2000 Đảng bộ và nhân dân huyện Phúc Thọ được Nhà nước phong tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; năm 2011 được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhờ có những thành tích đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Huyện vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch Nước trao tặng đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng huyện (03/8/1954 – 03/8/2014). Năm 2015, Huyện được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm 2020, Huyện được UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Huyện có sự đa dạng, đan xen về tôn giáo, song cư dân chủ yếu theo 2 tôn giáo chính: Đạo Phật và Đạo Thiên Chúa. Ngoài ra còn có các tôn giáo khác như đạo Tin lành, tín ngưỡng thờ cúng dân gian…Đồng bào lương – giáo ở Phúc Thọ sống hòa thuận, có truyền thống gắn bó, đoàn kết, sống tốt đời, đẹp đạo.

Phúc Thọ là vùng đất cổ xứ Đoài, có truyền thống lịch sử – văn hoá lâu đời với hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa đạng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 201 di tích, trong đó có 105/201 di tích đã được xếp hạng, gồm: 03 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (đền Hát Môn, xã Hát Môn; đình Tường Phiêu, xã Tích Giang; đình Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp), 45 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 57 di tích xếp hạng cấp tỉnh, Thành phố. Bên cạnh đó, 11 địa điểm được UBND Thành phố ban hành Quyết định gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến.

Hàng năm, Huyện có 68 lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa xuân, từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch. Trong đó, có 67 lễ hội làng, 01 lễ hội vùng là Lễ hội truyền thống Đền Hát Môn được tổ chức quy mô cấp huyện. Lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

* Hệ thống chính trị

Đảng bộ huyện Phúc Thọ hiện có 43 tổ chức cơ sở đảng với hơn 8.500 đảng viên; các tổ chức cơ sở đảng được tổ chức theo mô hình đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy, trong đó có 20 đảng bộ xã, 01 đảng bộ thị trấn, 10 đảng bộ cơ quan và trường THPT, 01 Đảng bộ khối Doanh nghiệp và 11 chi bộ cơ sở. Toàn Đảng bộ Huyện có 377 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở.

Phát huy truyền thống lịch sử, những năm qua, Đảng bộ huyện không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên và đổi mới công tác tổ chức, cán nộ. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đổi mới công tác cán bộ, giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW 4, khóa XII; Quy định, Kết luận của Hội nghị lần thứ Tư, lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Đề án số 03/ĐA-UBND, ngày 22/02/2022 của UBND huyện Phúc Thọ về “Phát huy giá trị tinh thần Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ”.

Với cách làm chặt chẽ, nghiêm túc, đến nay trên địa bàn Huyện, những hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành cơ bản được khắc phục. Kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng đạt kết quả tốt, hầu hết các chỉ tiêu Thành phố giao hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả. Các hoạt động phong trào được đẩy mạnh; công tác cán bộ được quan tâm củng cố, kiện toàn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác tham mưu của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội cho cấp ủy trong chăm lo vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh được thường xuyên và có hiệu quả hơn.

Công tác giáo dục, trên địa bàn có 74 trường học (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên). Trong đó có 50 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia.

Toàn huyện có 09/21 xã, thị trấn có nghề. Hiện có 5 làng nghề đã được thành phố Hà Nội công nhận gồm: Làng nghề may Thượng Hiệp (xã Tam Hiệp), làng nghề chế biến nông sản bún, bánh, đậu phụ Linh Chiểu (xã Sen Phương), 2 làng nghề chế biến nông sản tinh bột sắn Hiếu Hiệp và Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp) và làng nghề dệt thảm thôn Đông (xã Phụng Thượng).

Ngoài ra, huyện Phúc Thọ còn có một số làng có nghề mới, đang phát triển như: Làng Triệu Xuyên, xã Long Xuyên; làng Hát Môn xã Hát Môn, làng Phú An xã Thanh Đa và làng nghề hoa, cây cảnh xã Tích Giang…Hầu hết ngành nghề truyền thống tiếp tục phát triển và hoạt động có hiệu quả, thu hút hàng chục nghìn lao động trong huyện và các vùng lân cận. Năm 2022, Làng nghề hoa, cây cảnh xã Tích Giang và Làng nghề mộc thôn Phú An, xã Thanh Đa đã được UBND TP Hà Nội Quyết định công nhận Danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”.

* Tình hình kinh tế – xã hội của huyện

Những năm gần đây, Huyện ủy-UBND huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác rà soát, đánh giá thực trạng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Nhiều đề án đã được ban hành, triển khai hiệu quả như: Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn huyện Phúc Thọ”; Đề án “Phát triển sản xuất hoa chất lượng cao xã Tam Thuấn”; Đề án “Phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm xã Tích Giang”; Đẩy mạnh phát triển thương hiệu bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, Vân Hà. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tích cực, diện tích các vùng sản xuất lúa kém hiệu quả giảm dần, diện tích trồng rau, hoa, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ngày một tăng lên phù hợp với nhu cầu thị trường.

Qua đó, kinh tế của huyện có những bước phát triển khá, tăng trưởng bình quân đạt mức cao và ổn định. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước thực hiện 15.040 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó: thương mại dịch vụ tăng 9,4%; công nghiệp xây dựng tăng 12,0%; nông nghiệp thủy sản tăng 4,0%. Cơ cấu nhóm ngành dịch vụ chiếm 33%; Công nghiệp xây dựng 48%; Nông nghiệp thủy sản chiếm 19%. Diện mạo nông thôn có bước thay đổi rõ rệt; cộng đồng dân cư gắn kết chặt chẽ hơn; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới, với sự quyết tâm cao trong quá trình triển khai, thực hiện, huyện Phúc Thọ đã đạt nhiều kết quả. Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Hiện nay, Huyện quyết liệt chỉ đạo các xã xây dựng theo bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 8 xã gồm: Võng Xuyên, Hát Môn, Tam Hiệp, Phụng Thượng, Vân Phúc, Thọ Lộc, Tích Giang và xã Trạch Mỹ Lộc phấn đấu đạt xã NTM nâng cao giai đoạn 2022-2025.

Với khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phúc Thọ lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Phát huy truyền thống quê hương anh hùng; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động mọi nguồn lực quyết tâm xây dựng Phúc Thọ trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, có kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp.