1. Nguồn gốc lịch sử:
Người Thái có cội nguồn ở vùng Đông Nam Á lục địa, tổ tiên xa xưa của người Thái có mặt ở Việt Nam từ rất sớm. Người Thái ở Việt Nam được nhìn nhận là một cộng đồng tộc người với nhiều nhóm địa phương. Nguồn gốc cũng như sự có mặt của họ ở Việt Nam không hoàn toàn giống nhau. Theo các nhà dân tộc học, người Thái ở Việt Nam có hai nhóm chính: Thái Trắng và Thái Đen.
2. Phân bố địa lý:
Người Thái cư trú ở một số tỉnh chủ yếu sau đây tại Việt Nam: Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Quá trình di cư từ đầu những năm 1990 đã mở rộng địa bàn cư trú của tộc người này ra một số vùng khác, trong đó có các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên.
3. Dân số, ngôn ngữ:
– Dân số: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, dân tộc Thái có 1.820.950 người. Trong đó, có 910.202 nam và 910.748 nữ.
– Ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (ngữ hệ Thái – Kađai).
Lễ đón nàng trăng của người Thái. (Ảnh: Thành Đạt)
4. Đặc điểm chính:
– Thiết chế xã hội truyền thống: Thiết chế bản mường, một hình thức tổ chức mang tính tiền nhà nước, đánh dấu trình độ phát triển cao của xã hội người Thái.
– Tôn giáo, tín ngưỡng: Người Thái thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần nông nghiệp, thần sông núi. Việc thờ cúng gắn liền với các lễ hội trong năm như: lễ xuống đồng, lễ cầu mưa, lễ rước hồn lúa, lễ cầu mùa, lễ mừng cơm mới… Tục cưới xin, tang ma được tổ chức chặt chẽ theo nghi thức truyền thống.
Cúng tổ tiên ở người Thái Ðen vào tháng 7, 8 âm lịch. Người Thái Trắng ăn tết theo âm lịch. Bản mường có cúng thần đất, núi, nước và linh hồn người làm trụ cột.
– Nhà ở: Ở nhà sàn, dáng vẻ khác nhau. Hình tượng “khau cút” được khắc họa như là biểu tượng độc đáo cho ngôi nhà sàn có mái hình mui rùa của người Thái Đen. Trong khi đó, ngôi nhà của người Thái Trắng thường được dựng trên mặt bằng hình chữ nhật, có lan can gỗ chạy trước hoặc chung quanh nhà. Một trong những nét kiến trúc của nhà sàn người Thái mang nhiều đặc trưng tộc người là cầu thang, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần đặc trưng tộc người, giá trị tôn giáo, những kiêng kỵ về giới, sinh đẻ.
– Trang phục: Các nhóm người Thái như Thái Đen, Thái Trắng đều có nhiều điểm chung trong trang phục hằng ngày nhưng trong đó, vẫn nổi bật bản sắc riêng để phân biệt. Phụ nữ Thái Trắng mặc áo cánh ngắn màu sáng, trắng, cài cúc bạc tạo hình bướm hoặc ong; váy màu đen không trang trí hoa văn. Khăn đội đầu bằng vải chàm dài khoảng hai mét…
Phụ nữ Thái Đen với trang phục áo cánh ngắn màu tối (chàm hoặc đen). Các thiếu nữ chưa lập gia đình sẽ không búi tóc mà đội khăn được thêu rất tỉ mỉ gọi là khăn piêu. Người phụ nữ Thái khi đã lập gia đình sẽ búi tóc lên đỉnh đầu gọi là “tằng cẩu”, khi chồng chết có thể búi tóc thấp xuống sau gáy. Phụ nữ Thái đeo nhiều đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài tóc trên đầu, xà tích…
(Ảnh: Thành Đạt)
Áo nam giới có hai loại, áo cánh ngắn và áo dài. Áo ngắn may bằng vải chàm, kiểu xẻ ngực, tay dài hoặc ngắn, cổ tròn. Khuy áo làm bằng đồng hay tết thành nút vải. Áo không có trang trí hoa văn chỉ trong dịp trang trọng người ta mới thấy nam giới Thái mặc tấm áo cánh ngắn mới, lấp ló đôi quả chì (mak may) ở đầu đường xẻ tà hai bên hông áo.
– Ẩm thực: Xôi nếp, cơm lam, rượu cần, các loại đồ nướng thường được coi là những đặc trưng của ẩm thực Thái.
– Nghệ thuật: Người Thái có các điệu xòe đặc sắc, hát thơ, đối đáp giao duyên phong phú. Nhạc cụ truyền thống có các loại sáo lam, tiêu.
– Trò chơi dân gian: Trò chơi của người Thái phổ biến là ném còn, kéo co, đua ngựa, dạo thuyền, bắn nỏ, múa xoè, chơi quay và quả mák lẹ.
– Giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 81,6%; tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp tiểu học: 100,8%; cấp trung học cơ sở là 94,6%; cấp trung học phổ thông: 56,5%. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, viết chữ dân tộc mình là 4,3%. Tỷ lệ trẻ em dân tộc Thái trên 5 tuổi được đi học chiếm 99,4%.
Điệu xoè Thái. (Ảnh: Thành Đạt)
5. Điều kiện kinh tế:
Đồng bào dân tộc Thái trồng lúa nước và trồng trọt trên nương. Ngoài trồng lúa nước bà con còn canh tác nương rẫy, trồng lúa xen kẽ các cây hoa màu như: đậu tương, ngô, khoai, sắn… Đồng bào Thái áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế. Sản xuất nông nghiệp của người Thái ngày càng hướng tới thị trường hơn thay vì tự cung tự cấp như trước đây.
Chăn nuôi phổ biến là: lợn, trâu, dê và nuôi tằm. Việc chăn nuôi theo hình thức thả rông đã không còn phổ biến mà thay vào đó là nuôi nhốt trong chuồng trại. Ngoài ra, người Thái còn phát triển nghề tiểu thủ công như: dệt vải, đan lát…
Ngày nay, trong xu thế chung của quá trình phát triển, thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp như: dịch vụ phục vụ khách du lịch, làm thuê, buôn bán cũng có xu hướng phát triển nhờ sự phát triển của hệ thống giao thông; nhu cầu thị trường, chính sách của Nhà nước.