Học tiếng Anh ở các gốc cây, vòi nước…
Xác định tiếng Anh là chìa khóa để hội nhập quốc tế và môi trường giao tiếp để học sinh được sử dụng tiếng Anh là rất cần thiết nên trong thời gian qua, trường Tiểu học Ba Đình, thành phố Thanh Hóa tập trung tạo môi trường giao tiếp cho học sinh.
Từ đó, nhà trường đã tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, đồng thời tuyên truyền về mục đích yêu cầu, nội dung của đề án Ngoại ngữ 2020 theo quyết định 1400/TTg và kế hoạch 90/KH-UBND. Chính vì thế đã làm thay đổi vị thế của môn tiếng Anh trong nhà trường, việc giảng dạy tiếng Anh được sự ủng hộ và hợp tác nhiều chiều.
Đối với học sinh Tiểu học, được tham gia múa hát, vui chơi là các hoạt động học sinh rất yêu thích, hứng thú và là một nhu cầu tất yếu. Thông qua việc múa hát để giáo dục là một biện pháp phù hợp tâm lý học sinh Tiểu học. Chính vì vậy, trong các giờ ra chơi, nhà trường đã tổ chức cho học sinh toàn trường múa hát các bài hát tiếng Anh, các bài dân vũ.
Học sinh nhà trường còn được rèn luyện nghe – nói tiếng Anh thông qua các hoạt động như: trò chơi sử dụng tiếng Anh, đọc thơ, kể chuyện bằng tiếng Anh, sử dụng nguồn các chuyện cổ thế giới, Việt Nam có nội dung ngắn. Tổ chức cho học sinh xem các phim hoạt hình bằng tiếng Anh để củng cố kỹ năng nghe – nói, hoặc phim hoạt hình không lời, sau khi xem xong, học sinh suy nghĩ về lời thoại của từng nhân vật, sau đó thể hiện bằng tiếng Anh.
Cô Đỗ Thị Hạnh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Ba Đình cho biết: “Trong chương trình sách giáo khoa thì kỹ năng luyện giao tiếp bị hạn chế rất nhiều. Đích cuối cùng là khả năng vận dụng tiếng Anh trong cuộc sống, làm cho việc học không nặng nề, áp lực, học sinh yêu thích”.
Một điều đặc biệt tại ngôi trường này là với phương châm tạo tâm lý thoải mái, làm cho việc học của học sinh không gò bó, không cứng nhắc, nhà trường đã sáng tạo hệ thống song ngữ Anh – Việt. Tại đây, có thể chứng kiến ở hầu hết các gốc cây, vòi nước rửa tay, cầu thang, chiếu nghỉ đều gắn các khẩu hiệu song ngữ Anh – Việt về nhiều chủ đề như: Giáo dục học sinh về tình bạn, vấn đề chăm chỉ học hành, giữ gìn vệ sinh môi trường, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện…
Bên cạnh đó, nhà trường còn xây dựng các góc thư viện ở các lớp. “Thư viện không phải chỉ là không gian ở trong phòng đọc, kho sách mà thư viện ở đây là một không gian mở. Ngay từ các lớp đã có các thư viện, xây dựng tủ sách để cho học sinh có thể đọc vào giờ ra chơi, trước khi đi ngủ trưa, tạo điều kiện cho học sinh có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Tủ sách này nhà trường khuyến khích các lớp đổi cho các lớp để được đọc nhiều cuốn sách hơn”, cô Hạnh cho biết.
Nhà trường còn tổ chức các sân chơi, mời các kỹ sư người nước ngoài công tác ở khu kinh tế Nghi Sơn đến chơi cùng với các cháu. Phương pháp của nhà trường vừa tiết kiệm mà học sinh lại được giao tiếp với người nước ngoài. Nhà trường thành lập và duy trì hoạt động của “Câu lạc bộ em yêu tiếng Anh” sinh hoạt hai lần/tháng, cuối mỗi tháng học sinh được tương tác với người nước ngoài để tăng cường giao tiếp, được nghe – nói với người bản ngữ.
“Đầu tiên, người lãnh đạo phải xác định được vai trò của tiếng Anh trong nhà trường, từ đó, xây dựng mô hình đổi mới phương pháp dạy. Khi tôi đem ý tưởng của mình trao đổi trong ban giám hiệu, các thầy cô phấn khởi. Bước tiếp là tuyên truyền trong hội cha mẹ học sinh cũng như toàn thể giáo viên, sau đó mới triển khai các biện pháp. Mỗi năm rút kinh nghiệm thêm một ít, bổ sung thêm một vài việc làm mới hơn”, cô Hạnh chia sẻ kinh nghiệm.
Cùng với đổi mới phương pháp, nhà trường cũng đầu tư thêm các trang thiết bị như: bảng tương tác, hệ thống wi-fi, loa, bộ nghe nhìn, băng đĩa, sách truyện, đạo cụ trò chơi để cho học sinh tham gia các trò chơi…
“Chúng tôi cũng có bảng so sánh về chất lượng khi thực hiện mô hình này so với trước đây. Chất lượng được nâng lên, trước tiên về ý thức học sinh đã khác, các cháu yêu thích môn học hơn, phụ huynh cũng nhìn nhận vai trò khác hơn về việc dạy học tiếng Anh trong nhà trường. Nó còn được khẳng định qua chất lượng đại trà được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là có các giải quốc gia qua các kỳ giao lưu, trước đây không có”, cô Hạnh phấn khởi.
Cụ thể, trong hai năm đổi mới, học sinh nhà trường đã giành 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ về tài năng tiếng Anh toàn quốc; một giải xuất sắc về cuộc thi hùng biện tiếng Anh của hệ thống các Nhà văn hóa thiếu nhi toàn quốc; 2 HCĐ giải Toán bằng tiếng Anh…Nhà trường có một giáo viên tiếng Anh được đại diện cho các cô giáo Tiểu học của khu vực miền Trung Tây Nguyên đi tập huấn tại Mỹ. Đến nay, mô hình tiếng Anh của nhà trường được nhân rộng trong toàn thành phố, cũng như một số huyện, thị về học tập.
Xã hội hóa tiếng Anh
Là một trong những ngôi trường đạt chuẩn giai đoạn 2 sớm nhất của tỉnh Thanh Hóa từ năm 2008, nên học sinh đều là những em có nền tảng cơ bản. Đây là một điều kiện thuận lợi và bên cạnh đó, nhà trường đang xây dựng đơn vị điển hình trong dạy học tiếng Anh, tổ chức mô hình tiếng Anh để giáo viên và học sinh không chỉ học mà còn trực tiếp giao tiếp để nâng cao kỹ năng nói của học sinh.
Cô Đỗ Thị Lan Hương – giáo viên tiếng Anh, trường Tiểu học Ba Đình nói: “Đổi mới lớn nhất những năm gần đây là được sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường, nên đã có một cơ sở vật chất tốt phục vụ cho việc dạy và học, đặc biệt là Ngoại ngữ”.
Theo đánh giá của cô Hương, trước đây quan điểm dạy học chung, thường học trò thụ động, cô giao chủ yếu truyền đạt kiến thức và học trò chủ yếu ghi chép. Nhưng hiện nay, phương pháp mới là cô và trò cùng làm việc, hoạt động trong lớp học không chỉ đơn thuần chỉ cô đọc, trò chép hay chỉ là hoạt động cô truyền đạt kiến thức, học trò tiếp thu. Bây giờ tổ chức hoạt động bằng những hình thức như trò chơi, tham gia những hoạt động, thậm chí học tiếng Anh qua bài hát, qua video. Phương pháp này đã kích thích sự sáng tạo cũng như niềm yêu thích học tiếng Anh cho các em học sinh.
“Việc treo các biển ở gốc cây là một ý tưởng rất mới mà nhà trường đưa ra trong các lần sinh hoạt câu lạc bộ và hoạt động hàng ngày. Đấy chính là hình thức xã hội hóa tiếng Anh, nghĩa là các em không chỉ được học trong lớp mà còn được học bằng chính những hoạt động thường ngày của mình. Học sinh đi đâu, nhìn bất cứ chỗ nào trong nhà trường cũng được học và được tiếp thu. Nó sẽ găm vào trí nhớ của học sinh một cách lâu nhất và có hiệu quả nhất. Đây không phải là hình thức học tập ép buộc, mà tự học sinh tiếp thu, học sinh tự tạo hứng thú, nó gắn với cuộc sống hàng ngày nên rất gần gũi với học sinh trong quá trình học tập”, cô Hương chia sẻ.
Có được những kết quả nêu trên, không thể không nói đến vai trò của chất lượng đội ngũ giáo viên nhà trường. Đây là một trong những yếu tố quan trọng và quyết định chất lượng dạy và học. Hiện, nhà trường có 7/7 giáo viên tiếng Anh có trình độ chuẩn từ B2 trở lên, đặc biệt có 2 giáo viên trình độ C1.
Ông Tạ Hồng Lựu – Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Thanh Hóa khẳng định, đây là trường Tiểu học có chất lượng rất tốt trong số các trường ở thành phố Thanh Hóa. Có thành tích tốt và phong trào dạy học tốt nên Sở GD-ĐT chọn là một trong ba trường của tỉnh Thanh Hóa để thực hiện đề án 2020 về đổi mới dạy học Ngoại ngữ.
Trong mấy năm gần đây, phong trào dạy học Ngoại ngữ của nhà trường có những sáng tạo trong việc tổ chức các câu lạc bộ sinh hoạt theo chủ đề về học Ngoại ngữ. Nhiều hội thảo để làm điểm cho các trường trong địa bàn thành phố về trên toàn tỉnh học tập.
Duy Tuyên