Có mấy hình thức nộp hồ sơ?
Việc thành lập doanh nghiệp là quyền của cá nhân, tổ chức trừ các đối tượng nêu tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 sau đây:
– Cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân dùng tài sản Nhà nước nhằm kinh doanh thu lợi riêng cho đơn vị, cơ quan của mình.
– Cán bộ, công chức, viên chức.
– Sĩ quan, hạ sĩ quan trong quân đội và trong công an, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, công nhân công an trừ người được uỷ quyền làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước.
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước trừ đối tượng được uỷ quyền đại diện quản lý vốn góp của Nhà nước…
Căn cứ Điều 26 Luật Doanh nghiệp năm 2020, để thành lập doanh nghiệp thì người thành lập hoặc người được uỷ quyền đăng ký doanh nghiệp theo các hình thức sau đây:
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
– Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính.
– Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp online qua mạng thông tin điện tử. Đây là hình thức người thành lập/người được uỷ quyền thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đặc biệt, nếu người thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp chọn sử dụng hình thức này thì hồ sơ đăng ký qua mạng sẽ có giá trị pháp lý tương đương với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, hiện nay mặc dù có ba hình thức nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp nêu trên nhưng trên thực tế tại TP. Hà Nội phải nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp qua mạng theo quy định của Thông báo số 788/TB-KH&ĐT ngày 07/9/2017.
Theo đó, ở các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, người dân có thể nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp bằng tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc bằng chữ ký số.
Muốn thành lập doanh nghiệp phải nộp hồ sơ ở đâu?
Với mỗi hình thức nộp hồ sơ khác nhau sẽ gắn với địa điểm nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp khác nhau. Cụ thể:
Nộp trực tiếp
Theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Trong đó, cơ quan đăng ký kinh doanh này được phân cấp theo cấp tỉnh, cấp huyện như sau:
– Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đặc biệt, Phòng này có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh tuỳ theo tình hình, điều kiện của từng tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế, Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp khi người nộp hồ sơ nộp tại Bộ phận Một cửa.
– Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Nộp trực tuyến
Như phân tích ở trên, việc nộp trực tuyến hiện nay trên thực tế được áp dụng 100% tại TP. Hà Nội. Còn các tỉnh, thành phố khác thì hiện đang dừng ở mức khuyến khích.
Người có nhu cầu nộp hồ sơ là các văn bản có định dạng .doc, .docx hoặc .pdf tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp mà không phải nộp bản giấy các hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Sau khi nộp xong hồ sơ, người nộp sẽ nhận được giấy biên nhận và khi có kết quả, người thực hiện thủ tục vẫn phải lên trực tiếp Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận. Nếu uỷ quyền thì người được uỷ quyền phải mang theo Giấy uỷ quyền cùng Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của mình.
Xem thêm: Thủ tục thành lập doanh nghiệp qua mạng mới nhất
Trên đây là giải đáp về việc nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp ở đâu? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Tổng hợp 6 điểm mới về đăng ký doanh nghiệp từ 2021