Giới thiệu khái quát huyện Cam Lộ
Vị trí, giới hạn, diện tích: Huyện Cam Lộ nằm ở khu vực giữa của tỉnh Quảng Trị, giới hạn từ 16o41 đến 16o53 vĩ độ Bắc, 106o50 đến 107o06 độ kinh Đông. Phía Bắc giáp huyện Gio Linh; phía Nam giáp huyện Triệu Phong; phía Đông giáp với thị xã Đông Hà; phía Tây giáp huyện Đakrông.
Huyện Cam Lộ có diện tích tự nhiên 367,4 km2, chiếm 8% diện tích tỉnh Quảng Trị. Là cửa ngỏ phía Tây và phía Bắc của thị xã Đông Hà – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Quảng Trị. Địa bàn Cam Lộ nằm trên giao điểm của nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua gồm: Quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 9 – tuyến đường liên Á nối Việt Nam – Lào – Thái Lan và các nước trong khu vực. Cam Lộ hiện có 9 đơn vị hành chính bao gồm: thị trấn Cam Lộ là trung tâm huyện lỵ; 4 xã vùng đồng bằng là Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu và 4 xã miền núi là Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền,Cam Thành. Dòng sông Hiếu và Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh đi ngang qua trung tâm tạo thành trục cơ sở quy tụ dân cư, phát triển kinh tế- xã hội của huyện.Đặc điểm địa hình, đất đaiĐặc điểm địa hình Cam Lộ mang sắc thái của vùng chuyển tiếp địa hình từ dãy Trường Sơn thấp dần ra biển, độ cao địa hình từ 50 – 400m với 3 tiểu vùng rõ rệt : – Vùng núi thấp ở phía Tây – Tây Bắc gồm các xã Cam Thành, Cam Tuyền có địa hình nghiêng về phía Đông, độ dốc lớn, thuận lợi cho trồng cây lâm nghiệp.- Vùng gò đồi gồm các xã Cam Chính, Cam Nghĩa mang sắc thái tiểu vùng cao nguyên, đây là vùng đất đỏ bazan thuận lợi cho trồng cây công nghiệp dài ngày.- Vùng đồng bằng dọc theo hai bờ sông Hiếu thuộc các xã Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ, thích hợp cho phát triển các cây công nghiệp ngắn ngày và cây lương thực.Thổ nhưỡng Cam Lộ chủ yếu là nhóm đất đỏ vàng chiếm 84% diện tích; 69,7% diện tích đất tự nhiên, có độ dốc dưới 250; đất tự nhiên có tầng đất dày phù hợp phát triển cây trồng ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế. Khí hậu Cam Lộ chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu Đông Trường Sơn. Qua phân tích số liệu theo dỏi nhiều năm của Trạm khí tượng Đông Hà, khí hậu Cam Lộ có những đặc trưng sau: Nhiệt độ trung bình 24 – 250C, tháng thấp nhất là 18,90C (tháng 1,2), tháng cao nhất 30,30C (tháng 6,7), biên độ nhiệt độ ngày – đêm 6,5 – 70C. Lượng mưa trung bình năm trên địa bàn khá cao: 2400 mm. 80% lượng mưa tập trung vào từ tháng 9 đến tháng 12 với cường độ mưa khá lớn, thời kỳ còn lại lượng mưa không đáng kể. Quảng Trị nói chung và Cam Lộ chịu ảnh hưởng của gió Tây – Nam khô nóng xuất hiện sớm từ tháng 2 và kết thúc muộn vào tháng tháng 9. Bão lụt là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đối với Quảng Trị. Tần suất bão lụt tập trung từ tháng 9 đến tháng 11. Bão thường kèm mưa lớn nên dễ gây ra lũ lụt, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Sông ngòi và nguồn nướcSông Hiếu phát nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua các hẽm đá, cát tạo thành một con sông nước ngọt tươi mát, xanh trong. Đây là con sông chính chảy qua địa bàn Cam Lộ cùng 10 phụ lưu như khe Chùa, khe Mài… tạo thành nguồn nước sinh hoạt, phát triển thủy lợi và đánh bắt thủy sản cho nhân dân.Cam Lộ có các hồ chứa nước như: Đá Mài, Tân Kim, Nghĩa Hy, Đá Lã, Hiếu Nam …có tổng dung tích 6,334 triệu m3, tưới cho trên 1.000 hecta cây trồng. Ở lòng đất, độ sâu từ 6m- 30m có mạch nước ngầm liên thông thuận lợi cho đào giếng, khoan giếng dùng trong sinh hoạt hoặc phục vụ sản xuất. Tài nguyên thiên nhiên– Về khoáng sản: Khoáng sản đáng kể của huyện Cam Lộ là nguồn vật liệu xây dựng (đá vôi, cát sạn, đất làm gạch ngói).Đá vôi vùng Tân Lâm, Cam Tuyền có trữ lớn, chất lượng đá khá tốt có thể sử dụng sản xuất ximăng mác cao và chế biến vật liệu xây dựng. Mỏ nước khoáng Tân Lâm có thể khai thác phục vụ cho nhu cầu địa phương. Ven sông Hiếu có cát, sạn, sỏi có trữ lượng đáng kể phục vụ cho xây dựng.- Tài nguyên thực vật và động vật: Trên 60% diện tích đất huyện Cam Lộ được che phủ bởi thảm rừng nguyên sinh, rừng trồng với nhiều chủng loại thực vật phong phú. – Về động vật hoang dã có một số loài chim thú như chồn, nhím, lợn rừng, hoẵng, gà lôi…Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cần được quan tâm bảo vệ tạo môi trường sinh thái, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.
Khái quát về mảnh đất và con người huyện Cam Lộ
Huyện Cam Lộ nằm giữa lòng Quảng Trị thân thương, là địa bàn có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: Quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 9, tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, con đường Xuyên Á từ nước bạn Lào về Cửa Việt.
Ở vị trí nói trên, Cam Lộ có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội với các địa bàn trong và ngoài tỉnh, đồng thời có thể tham gia các luồng thương mại quốc gia, quốc tế.Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, nơi mảnh đất này đầy ắp biết bao sự kiện, bao số phận của con người, nơi hội tụ nổi nhớ niềm thương và máu xương cả nước. Cam Lộ là vùng bán sơn địa, với vị thế núi non, sông suối và tấm lòng son của đồng chí, đồng bào mà đã trở thành phên dậu của nhiều đời biến động giang sơn. Hai lần từng là thủ phủ quốc gia đó là sơn phòng Tân Sở – nơi vua Hàm Nghi dựng cờ, ban Chiếu Cần Vương chống Pháp; thành huyện Cam Lộ – nơi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đặt trụ sở làm việc và đón tiếp các nguyên thủ quốc gia trên thế giới thời chống Mỹ. Mảnh đất Cam Lộ thân yêu đã để lại biết bao kỳ tích về những tên đất, tên làng trong những năm tháng chiến tranh và trong hoà bình xây dựng. Ai có dịp làm một cuộc bộ hành lên đỉnh cao 544 (Fuler) để nhìn ngắm quê hương Cam Lộ sau chiến tranh, dọc dài theo hai bên đường 9 là cả một bài ca về sự hồi sinh, đắp đầy mơ ước của những con người vừa thoát ra khỏi đạn bom, trận mạc; từ trên đó, hình dung loạt cứ điểm được xem là “Con mắt thần” của hàng rào điện tử Macnamara. Đồi 241 (Carol), nơi cả trung đoàn bộ binh nguỵ cúi đầu xin hàng quân giải phóng (1972). Hồ Khế, Động Toàn, Đồi Không Tên, Tân Kim, Đá Mài …những địa danh ghi dấu bao chiến tích thể hiện quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của chiến sĩ và nhân dân Cam Lộ. Những địa danh ấy mãi khắc sâu trong lòng đồng chí, đồng bào cả nước, là nơi luôn lay động tâm hồn của các cựu chiến binh (cả hai phía) hoài niệm về chiến trường xưa, nao nức có được những lần về thăm lại !.Ngày 11/3/1977, Cam Lộ cùng với Gio Linh, Vĩnh Linh mang tên chung huyện Bến Hải (tỉnh Bình Trị Thiên). Đến ngày 11/9/1981, các xã của huyện Cam Lộ sáp nhập với thị xã Đông Hà. Ngày 19/10/1991, huyện Cam Lộ được lập lại, trở lại tên gọi chính mình. Hơn mười bảy năm sau ngày được tái lập, với chí khí quật cường của cha anh truyền lại, với tinh thần vượt khó vươn lên, Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ đã sát cánh bên nhau lao động cần cù, đầu tư công sức, tập trung trí lực để khai thác tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giữ vững quốc phòng – an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Cam Lộ là sương ngọt ! Như những giọt sương chắt lọc giữa đất trời, như những mạch ngầm lặng lẽ, cứ thấm mãi, thấm mãi từ nơi đầu núi, đất đai, đồng bãi rồi ra một sông Hiếu xanh trong, ngọt mát, sâu nặng ân tình, đôi bờ lạc ngô xanh thắm, đầu nguồn có con cá bống, cá trơn kho ngon đáo để cho mỗi buổi cơm quê. Đồng đất An – Thanh – Hiếu – Thuỷ với những mùa vàng, những hạt gạo trắng trong nuôi đời khôn lớn. Ngược lên miền đất đỏ Bazan, những cánh rừng cao su xanh ngát, hạt tiêu Cùa nồng ấm, thơm thảo tình đất, tình người. Quê hương Cam Lộ tuy còn nghèo nhưng đã chứa đựng những nhân tố, những dáng vẻ, những hương vị riêng đậm nét khiến kẻ xa quê không thể quên và người ở lại quê cũng không thôi niềm khát khao tìm biết. Nhu cầu ấy đã phần nào được đáp ứng qua nhiều sách báo, nhiều công trình nghiên cứu cả trong chiến tranh lẫn hoà bình, song cũng không đáp ứng được hết.
Huyện Cam Lộ – Tiềm năng triển vọng và cơ hội đầu tư
Huyện Cam Lộ nằm về phía Tây và phía Bắc của thành phố Đông Hà, là huyện thuộc vùng trung du của tỉnh Quảng Trị. Trung tâm huyện lỵ cách thành phố Đông Hà 15km về phía Tây.