Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 17-1-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 17-1
Sự kiện trong nước
– Ngày 17-1-1960: Cuộc đồng khởi của đồng bào Bến Tre. Cách đây 62 năm, ngày 17-1-1960, dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Bến Tre, nhân dân các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày đã nổi dậy đánh đồn bốt, diệt ác ôn, giải tán chính quyền địch, giành lấy quyền làm chủ thôn xã. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện “Đội quân tóc dài” trong phong trào “Đồng khởi”.
Từ ba xã trên, cuộc nổi dậy lan ra toàn huyện Mỏ Cày và tỉnh Bến Tre, trở thành cao trào “Đồng khởi” như nước vỡ bờ nổ ra khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung Bộ. Tính đến cuối năm 1960, cả miền Nam có 2.627 xã, người dân đã giành quyền tự quản ở 1.383 xã. Số dân ở vùng giải phóng khoảng 5,6 triệu người.
Hình ảnh về Đồng khởi Bến Tre năm 1960. Ảnh tư liệu
Phong trào Đồng khởi 1960 ở Bến Tre đã mở ra cục diện mới triển vọng cho cách mạng miền Nam, góp phần tạo ra một bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược, làm rung chuyển và báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Mỹ – ngụy.
Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre còn là thắng lợi có ý nghĩa chính trị lịch sử sâu sắc, ghi đậm mốc son lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và của nhân dân Bến Tre nói riêng. Chiến công đó của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre được cả nước ghi nhận. Đại tướng Hoàng Văn Thái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Đảng ủy Quân sự Trung ương đã khẳng định: “Phong trào Đồng khởi 1960 là mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, của khởi nghĩa nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam bộ nổi dậy chống Mỹ cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương của Đồng khởi theo đúng nghĩa của Đồng Khởi…”.
– Ngày 17-1-1996: Giáo sư Tôn Thất Bách được phong làm Viện sĩ Viện hàn lâm giải phẫu Pháp. Giáo sư Tôn Thất Bách sinh ngày 25-2-1946 tại Hà Nội. Ông nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt – Đức, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam…
Ông đã có nhiều đóng góp lớn cho khoa học, đặc biệt đối với sự phát triển của ngành ngoại khoa, là phẫu thuật viên hàng đầu của ngành ngoại khoa Việt Nam. Ông nổi tiếng là nhà phẫu thuật gan, mật, thay van tim không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Cuộc đời của Giáo sư Tôn Thất Bách là tấm gương của một thầy thuốc có tài, có tâm và có hoài bão lớn cống hiến cho quê hương đất nước. Cùng với nhiều thầy thuốc tiêu biểu khác, những cống hiến của ông đã làm rạng rỡ nền y học Việt Nam.
Ông mất ngày 26-3-2004 trong một chuyến công tác. Đến ngày 20-12-2004, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam trao cho ông Huân chương Cành cọ hàn lâm – phần thưởng cao quý của Nhà nước Pháp ghi nhận những đóng góp của ông trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và y tế…
Giáo sư Tôn Thất Bách. Ảnh: suckhoedoisong.vn
– Ngày 17-1-2011: tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật và Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Lễ công bố bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập xuất bản lần thứ ba. Bộ sách xuất bản lần này gồm 15 tập, với hơn 3.300 tác phẩm quan trọng, trong đó được bổ sung hơn 800 tài liệu mới (từ năm 1912 đến 1969) đã được xác minh, thẩm định.
Sự kiện quốc tế
– Ngày 17-1-1811: Chiến tranh giành độc lập Mexico: trong trận Cầu Calderón, đội quân Tây Ban Nha gồm 6.000 binh lính đánh bại quân số cách mạng gần 100.000 người của Mexico.
– Ngày 17-1-1991: Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã mở cuộc tiến công đầu tiên bằng tên lửa phóng từ tàu chiến Mỹ ở ngoài khơi vịnh Pécxích và sau đó dùng máy bay ném bom xuống các mục tiêu quan trọng ở Kuwait và Iraq
– Ngày 17-1-1992: Trong một chuyến viếng thăm Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Miyazawa Kiichi bày tỏ lời xin lỗi về việc quân lính Nhật ép buộc phụ nữ Triều Tiên làm nô lệ tình dục trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Theo dấu chân Người
– Ngày 17-1-1926, trên Báo Thanh Niên xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc viết bài “Báo chí bình dân” đưa ra một quan niệm về báo chí cách mạng. Bài báo viết: “Chúng tôi bất chấp (xem thường) việc sử dụng những từ mỹ miều, văn phong lịch lỡm, câu chữ đong đưa, nhịp câu đăng đối song hành, những sự tô vẽ văn chương mà các nhà nho ham chuộng. Nhưng ngược lại chúng tui gắng sức, vì lợi ích của tất cả mọi người, dùng một văn phong sáng sủa, chính xác và dễ hiểu.
Vì mục đích của chúng tôi là: 1- đánh trả sự tàn bạo của người Pháp, 2- khích lệ dân tộc An Nam kết liên lại, 3- làm cho họ thấy được nguyên nhân những đau khổ, đói nghèo của họ và chỉ ra cho họ làm cách nào để tránh được những điều đó, nên bản báo chúng tôi làm trên nhiệm vụ là hồi kẻng báo động… Tiếng đàn cầm chắc chắn hay hơn tiếng kẻng; nhưng trước mối hoạ đang đe dọa chúng ta, tốt nhất là đánh kẻng còn hơn gẩy đàn.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu các nước sang dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ bảo vệ hòa bình, họp tại Hà Nội, tháng 11-1964. Ảnh: Tư liệu
– Ngày 17-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn tới Bộ trưởng Ngoại giao các nước Liên Xô, Hoa Kỳ và đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc thiết tha yêu cầu công nhận nền độc lập và nhận Việt Nam vào Hội đồng Liên hợp quốc.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam gửi một văn bản chính thức đặt vấn đề với ba quốc gia sáng lập Liên hợp quốc: Sự có mặt của chúng tôi trong Hội nghị sẽ có ích nhiều trong việc giải quyết một cách nhanh chúng và hòa bình các vấn đề ở Đông Nam Á châu hiện nay. Lịch sử cho thấy, phải bằng một cuộc đấu tranh lâu dài tới 31 năm sau đó (20-9-1977) Việt Nam mới chính thức gia nhập Liên hợp quốc với tư thế của một quốc gia độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa tập 1)
– Ngày 17-1-1961, Bác viết thư khen tỉnh Hòa Bình, tỉnh miền núi đầu tiên xóa xong nạn mù chữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19-12-1963) . Ảnh: hochiminh.vn
– Ngày 17-1-1962: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nói thật không mất lòng”, ký bút danh T.L, đăng Báo Nhân Dân số 2857. Sau khi nêu gương một số hợp tác xã đã thi đua theo kịp Đại Phong, tác giả phê bình một số hợp tác xã vẫn thua kém nhiều và nhắc nhở: Các chi bộ những nơi đó cần nghiêm khắc tự phê bình và quyết tâm sửa chữa. “Những việc làm này nói thật nhưng không sợ mất lòng vì có lợi cho dân cho nước”.
(Hồ Chí Minh toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật – tập 13).
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Để giúp công việc Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có bốn đức tính là: cần, kiệm, liêm, chính.”
Ngày 17-1-1946, trong tham dự cuộc họp giám đốc và chủ tịch các ủy ban công sở ở Hà Nội, Bác có “Lời khuyên anh em viên chức” trong đó nhấn mạnh đến bốn đức tính là: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Cần, anh em viên chức phải tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người. Và phải tôn trọng kỷ luật. Anh em phải theo nguyên tắc là có việc mới cần đến người, chứ không phải là có sẵn người nên phải tìm việc cho làm.
Kiệm, phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong các sở. Giảm bớt hết những gì không cần thiết, chớ hao phí giấy tờ và các thứ của công…. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đó bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra. Có Cần, có Kiệm, không tiêu đến nhiều tiền, anh em viên chức mới có thể trở nên Liêm, Chính để cho người ngoài kính nể được”.
(Hồ Chí Minh toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật – tập 4)
“Cần, kiệm, liêm, chính” là một trong những đặc trưng cơ bản của đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Người từng nói “Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính/Thiếu một mùa thì không thành trời/Thiếu một phương thì không thành đất/Thiếu một đức thì không thành người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25-1-1961. Ảnh: Tư liệu
Tấm gương cần, kiệm, liêm, chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khái quát: “Bốn chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính-là cốt lõi đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đạo đức ấy của Bác là “tinh hoa của dân tộc”, là “lương tâm của thời đại”.
Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác là điển hình của sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa tư tưởng và lối sống, suốt đời vì nước vì dân”.
Cũng về điều này, đồng chí Trường Chinh trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân, số 8, ngày 13-5-1951 viết: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đó là đại cương đạo đức của Hồ Chủ tịch, mà toàn dân ta, trước hết đồng chí chúng ta cần phải học tập và thực hành”.
Trong bối cảnh đất nước và quốc tế hiện nay, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính càng đặc biệt đúng trong công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên trước nguy cơ không ít cán bộ sa vào ăn chơi, hưởng thụ quá sức lao động, quan liêu, tham nhũng…
Xác định rõ nguy cơ này, từ Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đến Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên.
Trong bối cảnh có biến động rất đáng lo ngại về mặt đạo đức, lối sống và nhận thức của không ít cán bộ, đảng viên, mới thấy thấm thía hết ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn lao trong việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân gắn với rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thực tiễn đã chỉ ra, một xã hội muốn phát triển tất yếu phải chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời phải giáo dục mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Việc tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết. Điều này được Bác nhắc lại trong bản Di chúc bất hủ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…”.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
– Ngày 17-1-1963, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1152 đăng tin Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu cho Thiếu úy Nguyễn Văn Sen vì đã dũng cảm quên mình cứu đồng đội trong lúc nguy hiểm.
THANH HƯƠNG (Tổng hợp)