Các hiệp định thương mại tự do đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế của các quốc gia trên thế giới. Trong số các hiệp định thương mại tự do thì Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ là hiệp định có giá trị vô cùng to lớn không chỉ đối với hoạt động thương mại mà còn có ý nghĩa trong việc xây dựng các hiệp định thương mại tự do khác trên thế giới.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
1. Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là gì?
Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement) , hay còn lại là ‘NAFTA’, là Hiệp định thương mại tự do giữa Canada, Mexico và Hoa Kỳ. Hiệp định NAFTA được đàm phán từ năm 1991 đến năm 1993, và được cơ quan lập pháp quốc gia của ba nước thông qua vào năm 1993, có hiệu lực pháp luật vào ngày 01/01/1994. Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ có nguồn gốc từ Hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và Canada.
Hiệp định NAFTA là mô hình quan trọng của FTAs hiện đại, bởi mức độ tự do hoá rất cao của nó. Hiệp định ngay lập tức đã loại bỏ thuế quan đối với phần lớn giao dịch thương mại hàng hoá giữa ba nước, đồng thời những hạn chế khác đối với thương mại, dịch vụ và đầu tư cũng được loại bỏ trong thời hạn 15 năm.
Xem thêm: Các phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới theo Hiệp định GATS
2. Những nội dung chủ yếu của NAFTA:
NAFTA loại bỏ hoặc áp đặt những quy tắc nghiêm ngặt đối với một số rào cản thương mại và đầu tư. Hiệp định quy định về việc đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài, mua sắm chính phủ, thương mại dịch vụ, thủ tục hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, thương mại hàng nông sản, năng lượng và các hóa chất cơ bản, việc xuất nhập cảnh, khiếu nại, kháng cáo trong các vụ việc, giải quyết tranh chấp. Những nội dung chủ yếu của Hiệp định bao gồm:
– Mở cửa cơ chế mua sắm chính phủ cho các doanh nghiệp ở cả ba nước;
– Loại bỏ những hạn chế về đầu tư nước ngoài (trừ một số ít lĩnh vực bị hạn chế do mỗi bên xác định) và đảm bảo không phân biệt đối xử đối với những công ty nội địa thuộc sở hữu của những nhà đầu tư ở các nước NAFTA khác;
– Loại bỏ những hàng rào ngăn cản các công ty dịch vụ hoạt động xuyên biên giới các nước Bắc Mỹ, bao gồm các lĩnh vực chủ chốt như dịch vụ tài chính;
– Quy định các nguyên tắc toàn diện để bảo hộ IPRs; và
– Quy định ba cơ chế giải quyết tranh chấp, đó là: tranh chấp giữa chính phủ với chính phủ; tranh chấp giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài; và tranh chấp về các biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp (thuế đối kháng).
Xem thêm: Kết cấu và phạm vi điều chỉnh của hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)
3. Vai trò của NAFTA:
NAFTA là một mô hình FTA hiện đại xuất hiện sớm nhất, sau đó đã trở thành khuôn mẫu cho các FTAs toàn diện và nhiều tham vọng noi theo. NAFTA đã thực hiện được tự do hoá thương mại và hội nhập không chỉ đối với hàng hoá, mà còn cả dịch vụ, cũng như các yếu tố quan trọng khác, như đầu tư, sở hữu trí tuệ và mua sắm chính phủ. Một yếu tố để NAFTA được coi là hiệp định toàn diện đó chính là hiệp định này được thiết lập giữa các nước phát triển và nước đang phát triển, xóa đi rào cản về kinh giữa các quốc gia.
NAFTA là một hiệp định mang tính tự do hoá cao, tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường một cách có ý nghĩa cho nước xuất khẩu. Thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm đã được loại bỏ hoàn toàn trong thời gian 15 năm (chỉ còn lại thuế quan đối với một số nông sản buôn bán giữa Hoa Kỳ và Canada). Bên cạnh đó, còn có những cam kết quan trọng nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại trong lĩnh vực dịch vụ
Cơ chế giải quyết tranh chấp được đề ra trong NAFTA được chính phủ của các bên NAFTA và các nhà đầu tư của họ sử dụng thường xuyên. Từ việc giải quyết những tranh chấp đó, mà kết quả giải quyết tranh chấp là những phán quyết được tuyên bố công khai này đã đóng góp quan trọng cho nguồn án lệ của luật thương mại quốc tế, và đặc biệt là tạo nguồn luật trọng tài liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư.
Xem thêm: Bình luận ưu, nhược điểm của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên hệ với Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA)
4. Tự do hóa thương mại hàng hóa trong NAFTA:
Trọng tâm của bất kì FTA nào cũng là giảm và loại bỏ thuế quan đối với hàng hoá buôn bán giữa các bên. Những nhà đàm phán FTA phải thương lượng về việc xử lí thuế quan đối với mỗi sản phẩm, loại thuế nào được loại bỏ, thuế nhập khẩu này có được loại bỏ hoàn toàn không? Cho phép bao nhiêu năm để loại bỏ thuế quan? Việc giảm thuế quan được thực hiện đều đặn hàng năm, hay sẽ bị trì hoãn rồi sau đó sẽ giảm nhanh vào giai đoạn cuối?,…. Và nội dung về tự do hóa hàng hóa trong các FTA nói chung và NAFTA nói riêng phải giải quyết được vấn đề này.
NAFTA phản ánh những cam kết rất mạnh mẽ về tự do hoá thương mại, loại bỏ thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm được trao đổi giữa ba nước. NAFTA bao gồm cả các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ-Canada đã được kí kết năm 1988. FTA này cho phép duy trì vĩnh viễn thuế quan đối với những nông sản sau: thực phẩm chế biến từ sữa, gia cầm và trứng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Canada; đường, thực phẩm chế biến từ sữa và lạc nhập khẩu từ Canada vào Hoa Kỳ. Tất cả các loại thuế quan khác giữa các bên NAFTA đều được loại bỏ.
Đối với hàng công nghiệp, NAFTA loại bỏ tất cả các loại thuế quan đối với tất cả các sản phẩm trong giai đoạn 10 năm. Thuế quan đối với ô-tô là một trong những loại thuế quan ở mức cao nhất đối với hàng công nghiệp. Việc loại bỏ thuế quan đối với ô-tô và phụ tùng ô-tô trong NAFTA làm tăng thêm sự hội nhập khu vực và sự cạnh tranh của ngành công nghiệp ô-tô ở Bắc Mỹ.
Xem thêm: Khu vực mậu dịch tự do là gì? Đặc điểm khu vực mậu dịch tự do?
5. Tự do hoá thương mại dịch vụ trong NAFTA:
Về nghĩa vụ đối xử quốc gia (NT) và đối xử tối huệ quốc (MFN) dành cho những nhà cung ứng dịch vụ qua biên giới. Trong Chương 12 của NAFTA, ba bên đồng ý dành đối xử MFN theo Điều 1203 và NT theo Điều 1204 cho những nhà cung ứng dịch vụ qua biên giới của các bên NAFTA. Khoản 2 Điều 1213 đưa ra định nghĩa về thương mại dịch vụ qua biên giới như sau:
“Cung ứng dịch vụ qua biên giới hay thương mại dịch vụ qua biên giới có nghĩa là cung ứng một dịch vụ:
(a) Từ lãnh thổ của một bên vào lãnh thổ của một bên khác;
(b) Trong lãnh thổ của một bên bởi một người của bên đó cho một người của một bên khác;
(c) Bởi công dân của một bên trong lãnh thổ của một bên khác.”
Định nghĩa trên bao gồm cả việc cung ứng dịch vụ từ bên này cho bên kia và cả việc cung ứng dịch vụ ‘trên lãnh thổ của một bên khác. Theo Chương 12, chính phủ của các bên NAFTA được phép duy trì những phân biệt đối xử chính đáng theo quy định của pháp luật giữa những nhà cung ứng dịch vụ nội địa và nước ngoài. Các chính phủ được phép tiếp tục yêu cầu những nhà cung ứng dịch vụ chuyên môn, như trong lĩnh vực y khoa và pháp luật, phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền ở cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, nơi thực hiện dịch vụ, và chính phủ của các bên NAFTA không bắt buộc phải cấp giấy phép chuyên môn tại nước của họ, đơn giản vì người đó có giấy phép chuyên môn hoặc đã được đào tạo nghề nghiệp tại một bên NAFTA khác.
Phạm vi và nội dung của tự do hoá thương mại dịch vụ khá rộng, bởi vì NAFTA sử dụng một danh mục phủ định (chọn-bỏ) trong cấu trúc của những cam kết cho mỗi bên. Theo phương pháp danh mục phủ định tất cả các loại dịch vụ đều được tự do hoá, trừ ngành dịch vụ được liệt kê trong danh mục phủ định, theo đó xác định những ngành dịch vụ không được tự do hoá. Danh mục này được ghi trong Phụ lục NAFTA về biểu cam kết dịch vụ dành cho mỗi bên. Đây là điểm khác biệt giữa NAFTA và các FTA trong ASEAN, khi các nước ASEAN sử dụng danh mục chọn – cho, tức những ngành dịch vụ được liệt kê trong danh mục thì sẽ được phép tự do hóa.
Trong NAFTA, các bên không cam kết theo phương thức liên quan đến việc cho phép thể nhân làm việc tại các nước theo biểu cam kết dịch vụ trong Chương 12. NAFTA giải quyết tất cả các vấn đề về việc làm và nhập cảnh tạm thời trong Chương 16 – ‘Nhập cảnh tạm thời cho nhà kinh doanh’. Các bên đồng ý cho nhà kinh doanh, thương nhân và nhà đầu tư, người nhận chuyển nhượng trong nội bộ công ty và một số loại nghề nghiệp nhất định được phép tạm thời nhập cảnh vào lãnh thổ của các bên NAFTA bằng một loại ‘thị thực không nhập cư’ (‘non-immigrant visa’) để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Những loại nghề nghiệp được cấp thị thực bao gồm kế toán, kĩ sư, luật sư, chuyên gia y tế, nhà khoa học và giáo sư đại học.
NAFTA đã thành công trong việc tự do hoá thương mại và đầu tư giữa Canada, Mexico và Hoa Kỳ. Mặc dù Hiệp định đã làm tăng thêm giao dịch thương mại và tăng cường hội nhập kinh tế của ba nước thành viên. Và bên cạnh đó NAFTA cũng có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, tổng thể về việc thực hiện NAFTA cho thấy một FTA toàn diện và tham vọng có thể đem lại lợi ích cho những nước phát triển và DCs như thế nào.