Từ lâu, vùng đất Lam Sơn không chỉ được biết đến là đất căn bản của nhà Lê hay căn cứ địa buổi đầu khởi nghĩa Lam Sơn mà còn là một không gian văn hóa đặc sắc, giàu giá trị, một chủ lưu trong dòng chảy lịch sử – văn hóa đậm đà bản sắc xứ Thanh.
Trò Xuân Phả trong Lễ hội Lam Kinh.
Với ý nghĩa và tầm vóc thời đại to lớn, trong nhiều thập kỷ trở lại đây, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã được giới khoa học dày công nghiên cứu và cho ra đời không ít công trình chuyên khảo có giá trị. Đồng thời, nhiều hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia và quốc tế liên quan đến các nhân vật chủ chốt của cuộc khởi nghĩa như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Xí… cũng được tổ chức. Trong quá trình nghiên cứu, chính không gian văn hóa Lam Sơn với các di tích, địa danh lịch sử, các phong tục, tập quán, trò chơi, trò diễn và kho tàng văn học dân gian đặc sắc, độc đáo đã trở thành nguồn tư liệu vô giá, hỗ trợ đắc lực giúp các học giả có được những tìm tòi, phát hiện và đánh giá khách quan, toàn diện và khoa học nhất về cuộc khởi nghĩa đã nổ ra trên đất Lam Sơn đầu thế kỷ XV.
Dựa theo các nguồn sử liệu, tư liệu đã được nhiều nhà nghiên cứu khảo cứu và điền dã thực địa, thì Lam Sơn là một vùng đất cổ, xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước. Xét về phương diện địa giới hành chính, TS. Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa trong bài viết “Thử xác định địa bàn hương Lam Sơn đầu thế kỷ XV”, đã căn cứ vào sử liệu và sự phân cấp quản lý hành chính địa phương thời Trần, từ đó nhận định, hương Lam Sơn đầu thế kỷ XV là một đơn vị hành chính rộng lớn, có thể thống hạt cả các xã, thôn, phường, sách mà ngày nay tương đương với địa bàn các xã Thọ Minh, Thọ Lập, Xuân Thiên, Xuân Lam, một phần thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân); xã Kiên Thọ, Vân Am, Nguyệt Ấn, Phúc Thịnh (huyện Ngọc Lặc); xã Ngọc Phụng và thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân). Như vậy, hương Lam Sơn là một vùng rộng, “bao” cả một phần thượng du Thanh Hóa, xung quanh sông Chu, sông Âm mà làng Cham – quê hương Lê Lợi – là khu trung tâm.
Với địa giới hành chính như vậy nên khi nghiên cứu không gian văn hóa Lam Sơn, với quan điểm “tái cấu trúc”, nhiều nhà văn hóa đã chia không gian văn hóa này thành 2 lớp, gồm lớp văn hóa Lam Sơn và lớp văn hóa Lam Kinh. Nói đến không gian văn hóa Lam Sơn, trước hết và quan trọng nhất hơn cả là Lam Kinh – cái nôi phát tích nhà Lê. Lam Kinh với vị thế và ý nghĩa tồn tại đặc biệt, tự thân nó đã là một “lớp văn hóa” như hạt ngọc lấp lánh, đẹp và đặc sắc nhất trong không gian văn hóa Lam Sơn. Đó là một hệ thống kiến trúc nghệ thuật với lăng mộ, bia ký, đền đài, miếu mạo và vô số các di tích vệ tinh. Đó còn là kho tàng văn hóa phi vật thể gắn với các lễ hội mà tiêu biểu hơn cả là lễ hội Lam Kinh; các trò chơi, trò diễn vừa có yếu tố cung đình, vừa đậm tính dân gian, mà đặc sắc nhất là trò Xuân Phả.
Di tích Lam Kinh gắn với lễ hội Lam Kinh, vốn dĩ là mối quan hệ hòa hợp hữu cơ, khi di sản vật thể đã góp phần làm sống dậy một sinh hoạt văn hóa đặc trưng và đến lượt nó, di sản phi vật thể đã điểm tô và tăng thêm vẻ đẹp cho di tích. Cùng với việc khôi phục vào bảo tồn “thánh địa” Lam Kinh, từ năm 1995 đến nay, lễ hội Lam Kinh được tổ chức thường xuyên, để trở thành một sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung mỗi dịp 21-22 tháng 8 âm lịch. Lễ hội Lam Kinh với nhiều nghi thức cổ truyền đậm tính cung đình, đặc biệt là nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái tổ, Lê Thái tông, Lê Nhân tông, Lê Thánh tông truyền lại, nhằm tưởng niệm, ngợi ca công lao của tổ tiên, các vua, hoàng hậu và công thần nhà Lê trong sự nghiệp trung hưng đất nước.
Sau phần lễ là phần hội hấp dẫn, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại của quốc gia Đại Việt dưới thời Lê sơ, như “Hội thề Lũng Nhai”, dòng suối “Lê Lợi vi quân, Lê Lai vi tướng, Nguyễn Trãi vi thần”, “Lê Lai cứu chúa”, “Giải phóng thành Đông Quan”, “Vua Lê Thái tổ đăng quang”… Ngoài ra, lễ hội Lam Kinh còn là “sân khấu” của các trò diễn đặc trưng trong không gian văn hóa Lam Kinh nói riêng và của cả xứ Thanh như trò Xuân Phả, trò Chiềng, múa Rồng, trống hội, Dân ca dân vũ Đông Anh… Có thể khẳng định, với các giá trị đặc sắc và không thể thay thế, lễ hội Lam Kinh gắn với di tích Lam Kinh ví như cội nguồn văn hóa – lịch sử đáng trân trọng và tự hào không chỉ của riêng xứ Thanh, mà của cả dân tộc.
Từ hạt nhân Lam Kinh, không gian văn hóa Lam Sơn mở rộng và bao trùm cả một vùng rộng lớn, với lớp văn hóa Lam Sơn vốn gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Lớp văn hóa này trải một vệt dài trên vùng trung du và miền núi gồm các huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh và Thường Xuân. Các giá trị tiêu biểu của lớp văn hóa Lam Sơn là hệ thống các di tích, địa danh, sự kiện lịch sử liên quan đến tiến trình phát triển cuộc khởi nghĩa; các loại hình văn hóa dân gian gắn với tín ngưỡng, phong tục tập quán và đặc biệt là kho tàng văn học dân gian với các truyền thuyết, tục ngữ, ca dao, dân ca xung quanh nhân vật lịch sử Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Đánh giá về lớp văn hóa này, PGS.TS Mai Văn Tùng (Trường Đại học Hồng Đức), cho rằng, lớp văn hóa Lam Sơn là lớp văn hóa sớm của không gian văn hóa Lam Sơn. Đây là lớp văn hóa có cấu trúc bề sâu, có tính chất dân gian bản địa chủ yếu của các dân tộc Mường, Thái được lắng đọng, bảo tồn và ghi chép bằng trí nhớ và truyền khẩu qua các đời. Lớp văn hóa ấy pha chút màu huyền bí, lãng mạn, nhằm khẳng định tình cảm của nhân dân vùng đất Lam Sơn với Bình Định Vương Lê Lợi cũng như cuộc kháng chiến chống giặc Minh những năm đầu ở vùng rừng núi Thanh Hóa.
Nhắc đến lớp văn hóa Lam Sơn, chắc chắn không thể không nhắc đến mảnh đất Châu Thường, nơi còn tồn tại nhiều địa danh và kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn. Đó là Lũng Nhai, nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai (núi Pù Mé, xã Ngọc Phụng), địa danh đã trở thành một biểu tượng của tinh thần đoàn kết và ý chí phục quốc, mà những anh hùng hào kiệt buổi đầu là hiện thân tiêu biểu nhất. Chính vì lẽ đó, sự tồn tại của địa danh lịch sử này là một di sản quan trọng, rất cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị. Bên cạnh các địa danh gắn với các sự kiện lịch sử, đất Thường Xuân còn lưu truyền nhiều truyền thuyết dân gian ly kỳ về khởi nghĩa Lam Sơn, điển hình là sự tích Suối Lá (xã Yên Nhân). Chuyện rằng, đầu thế kỷ XV từ núi Chí Linh chảy ra một dòng suối, kéo theo những chiếc lá khô bồng bềnh. Điều lạ là, trên mỗi chiếc lá đều có hàng chữ rỗng “Lê Lợi vi quân, Lê Lai vi tướng, Nguyễn Trãi vi thần”. Vì cho rằng đó là chữ trời cho báo hiệu điềm lành, nên khởi nghĩa nhất định sẽ thành công, từ đó, dòng suối được đặt tên là Suối Lá… Trong quá trình tìm hiểu các truyền thuyết và địa danh về khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thường Xuân, TS. Lê Ngọc Tạo (Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa), đã khẳng định: Những địa danh và truyền thuyết về khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thường Xuân là cả một kho tàng phong phú, với đặc điểm nổi bật là tạo nên một chuỗi sự kiện, gắn liền với sự nghiệp của anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Ở đó, hình tượng Lê Lợi hiện lên với tầm vóc vĩ đại và là biểu trưng cho sức mạnh tập hợp mọi tầng lớp, mọi lực lượng nhân dân để phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mang tính nhân dân sâu sắc. Đồng thời, kho tàng văn hóa – văn nghệ dân gian này đã góp phần tạo nên một bức khảm lung linh sắc màu.
…
Là một vùng đất cổ, tự bản thân Lam Sơn đã là một không gian văn hóa với nhiều nét riêng biệt. Song, khi gắn nó với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh và sự nghiệp của người anh hùng áo vải Lê Lợi, thì không gian văn hóa ấy mới càng khẳng định được tầm vóc và giá trị của nó trong bề dày lịch sử – văn hóa xứ Thanh. Chính vì lẽ đó, yêu cầu nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Lam Sơn là cần thiết và hết sức có ý nghĩa, nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc; đồng thời, khai thác phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.