1. GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ CHI LĂNG
Chi Lăng là một huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Lạng sơn, cách trung tâm thành phố khoảng 40km, với diện tích gần 700km2, trong đó 83% diện tích là núi đá vôi và rừng, nơi đây là nơi sinh sống của các dân tộc anh em như: Tày, Nùng, Kinh và các dân tộc anh em khác cung nhau sinh sống, chiến đấu, bảo vệ tạo nên mảnh đất Chi Lăng anh hùng. Cũng chính do địa hình như vậy đã thì từ xa xưa Chi Lăng đã có một vị trí trọng yếu là cửa ngõ chính ở phía Bắc tổ quốc, là yết hầu của đất nước trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh xâm luợc phuơng Bắc, cụ thể:
Thế kỉ X và thế kỷ thứ XI, quân Tống sang xâm lược nước ta 2 lần nhưng đều bị thất bại tại Cửa Ải Chi Lăng.
Thế kỉ XIII: Chi Lăng là nơi ghi dấu 3 lần thất bại nhục nhã của quân xâm lược Nguyên – Mông.
Bước sang thế kỉ thứ XV, nước ta bước vào thời kì mới, đó là thời kì kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Vào năm Đinh Mùi 1427, tại Cửa Ải Chi Lăng đã ghi dấu một mốc son chói lọi, đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đó chính là chiến thắng Chi Lăng vào ngày 10 tháng 10 năm 1427.
Ngày này, Khu di tích lịch sử Chi Lăng là một quần thể gồm 52 điểm di tích kéo dài từ cầu Quan Âm Sông Hóa (thị trấn Chi Lăng) đến Đền Hổ Lai thuộc địa phận xã Mai Sao, trải dọc theo thung lũng Sông Thương gần 20km phần lớn thuộc địa phận hai xã Chi Lăng và xã Quang Lang. Khu di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962.
2. GIỚI THIỆU VỀ ẢI CHI LĂNG
Ải Chi Lăng, một địa danh đặc biệt mà bất cứ du khách nào khi đến huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cũng mong một lần ghé thăm để chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hùng vĩ cùng những di tích đã gắn liền với những chiến công hào hùng của dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
Ải Chi Lăng kéo dài 20km tính từ cầu Quan Âm Sông Hoá (thị trấn Chi Lăng) đến Đền Hổ Lai (xã Mai Sao) giữa hai dãy núi, một bên là dãy núi đá vôi Cai Kinh hay còn gọi Bảo Đài và một bên là dãy núi đất Thái Hoạ.
Trong thung lũng Ải Chi Lăng còn nổi lên nhiều ngọn núi đá vôi nằm rải rác, đặc biệt nằm sừng sững về phía Bắc là dãy Núi Quỷ gồm bày ngọn núi đối diện với Núi Mặt Quỷ trong dãy Cai Kinh đã khép chặt vào trong con đường độc đạo và dòng sông Thương chảy ngoằn ngoèo nên được gọi là Quỷ Môn Quan.
Quỷ Môn Quan (Cửa Ải Chi Lăng) là cửa ải xung yếu nhất trên con đường từ Ải Pha Lũy (Hữu Nghị Quan) đến Đông Quan (Hà Nội ngày nay) cách Ải Pha Lũy 60km. Với vị trí hiểm yếu, Cửa Ải Chi Lăng được coi là bức tường thành vững chắc của kinh thành Thăng Long trong việc chặn đứng các cuộc viễn trinh của quân giặc từ phương Bắc tràn sang. Đây là một thung lũng nhỏ hình bầu dục chiều dài khoảng 4km theo hướng Bắc – Nam, chiều rộng khoảng 1km theo hướng Đông – Tây, phía Tây là vách núi đá vôi Cai Kinh dựng đứng hiểm trở, phía Đông là dãy Thái Họa, ở giữa là dòng sông Thương, đầu thắt chặt phía Bắc chính là Qủy Môn Quan, còn đầu thắt chặt phía Nam chính là Lũy Ngõ Thề.
Ngày xưa, khi quân giặc tiến vài Ải Chi Lăng, đến đâu cũng là rừng rậm, bãi lầy, sông sâu nên buộc phải đi qua Quỷ Môn Quan và bị quân ta mai phục hai bên núi bằng đạn đá, cung tên, mũi giáo tiêu diệt rất nhiều.
Ngày này, Cửa Ải Chi Lăng thuộc thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đây đã ghi dấu những chiến công oanh liệt của dân tộc ta qua các thời kỳ chống giặc phương Bắc:
+ Năm 981: Lê Hoàn ghi đậm chiến công khi phá quân Tống giết chết tướng cầm đầu.
+ Năm 1077: Thời nhà Lý, phò mã Thân Cảnh Phúc đã lãnh đạo nhân dân Chi Lăng đánh tan quân Tống lần thứ hai do Quách Quỳ cầm đầu, nhờ vậy đất nước thái bình được nhiều năm.
+ Năm 1285: Hưng Ðạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn đã mai phục quân lính ẩn dưới hầm bẫy, dùng mã tấu phạt đứt chân ngựa, nhằm tách giặc Nguyên Mông ra khỏi ngựa mà tiêu diệt.
+ Năm 1427: Nghĩa quân Lam Sơn, đứng đầu là Đức vua Lê Lợi và tướng Nguyễn Trãi đã phá tan ý đồ thôn tính của nhà Minh khi giết chết tướng giặc là An viễn hầu Liễu Thăng cùng 10 vạn quân khi qua cửa Ải Chi Lăng.
+ Qua thế kỷ 18, (năm 1789) dưới thời Hoàng đế Quang Trung, Ải Chi Lăng một lần nữa vang danh khi gây cho tướng giặc nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải kinh hoàng bạt vía.
3. GIỚI THIỆU VỀ NÚI MẶT QUỶ:
Núi Mặt Quỷ nằm trên lưng chừng vách núi Cai Kinh dựng đứng cách cửa Ải Chi Lăng ngày nay chừng 100m, có một hình dáng khuôn mặt trông thấy giống “Mặt Qủi”.
Hai mắt Quỉ là hai hố sâu dài, như hai miệng thúng sâu thẳm chằm chằm nhìn xuống dòng sông Thương, mồm rộng, tạo thành một cái cửa hang sâu đen ngòm, hai cái mũi to bằng hai cái bát điếu. Mặt Quỉ có chiều rộng và chiều dài gần ngang nhau theo hình bầu dục, chiều ngang chừng ba thước, chiều dọc cũng xấp xỉ như vậy.
Gọi là núi “Mặt Qủi” nhưng truyền thuyết về nó hầu như là không có. Theo những người già ở nơi này vì gọi là Núi Qủi nên chẳng ai giám leo lên, họ quan niệm nếu trèo lên Núi Mặt Qủi là không tôn trọng đấng tạo hóa. Có một điều thú vụ là dù gọi là Núi Mặt Qủi nhưng người dân nơi đây họ không coi núi là biểu tượng của cái ác, mà núi còn là biểu tượng bảo vệ cho cuộc sống bình yên của dân làng.
Khi tướng giặc Liễu Thăng nằm trên kiệu sơn son thiếp vàng qua cửa Ải Chi Lăng, hắn vén rèm thêu kim tuyến của cỗ kiệu lên, rút kiếm lệnh chỉ lên Mặt Quỉ, thề rằng: “Không làm cỏ được phương Nam, bình xong đất này, ta không trông thấy mặt ngươi nữa! Các tướng xem kìa, lời ta là ý trời, mặt quỉ đã méo lại, quỉ đang khóc cho số phận diệt vong của giặc Lam Sơn đó!”.
Chưa kịp dứt lời, thì từ Mặt Quỉ phát ra tiếng cười vang như sấm động, tiếng cười vang dậy cả trời, rung chuyển cả núi rừng. Liễu Thăng khiếp đảm kêu lên trước khi đầu rời khỏi cổ: “Trời! Quỷ trời! Ta chết mất…”.
4. GIỚI THIỆU VỀ NÚI MÃ YÊN:
Chếch về phía Đông Nam của Ải Chi Lăng là một quả núi hình yên ngựa. Con ngựa đứng chầu về hướng Nam, trên lưng có nguyên cả một cỗ yên, đó gọi là Mã Yên Sơn.
Thời thuộc Đường, nhân dân miền xuôi cũng như miền núi bị bọn thống trị bóc lột và đàn áp dã man. Bao nhiêu của quý của nước ta đều “đội nón” ra đi vì cống nạp. Vì vậy, những cuộc khởi nghĩa chống bọn đô hộ giành quyền độc lập dân tộc bùng nổ khắp nơi. Hồi ấy, đồng bào Tày – Nùng ở đây đã nổi dậy khởi nghĩa với đội kỵ binh của mình. Các nghĩa sĩ kỵ binh cưỡi những con tuấn mã được huấn luyện hết sức công phu, được trang bị những bộ yên cương bằng da thú rừng quý giá. Họ đã nhiều lần làm cho bọn đô hộ khiếp đảm trước tài phi ngựa bắn cung. Đoàn kỵ binh ào đến đánh tan bọn thống trị, rồi lại biến mất, không để lại một dấu vết gì.
Đặc biệt, đến thời nhà Minh, năm 1427, Liễu Thăng đã dẫn 10 vạn quân Minh sang tiến đánh nước ta theo đường Aỉ Pha Lũy, tức Hữu Nghị Quan ngày nay.
Lúc này thì tuớng Nam Sơn Trấn Ải là Trần Lựu trước thế giặc mạnh nên đã vừa đánh vừa bảo toàn lực lượng, nhử địch về Aỉ Lưu, khi giặc đến Aỉ Lưu ông lại cho nhử địch về Aỉ Chi Lăng.
Lúc này tại Ải Chi Lăng, có 1 vạn quân của các tướng như: Lê Sát, Lê Thụ, Lê Đĩnh đã cùng phối hợp với đội quân của tướng Hoàng Đại Huề mai phục sẵn tại Ải để chờ quân địch tiến vào.
Trần Lựu đã cho một nhóm quân vừa đánh vừa nhử địch rút về Aỉ Chi Lăng, Liễu Thăng thấy vậy đã vui mừng trước ảo tưởng không đánh mà thắng, hắn đã bất chấp trước mọi lời can ngăn cuả các tướng lĩnh và tự mình cầm đầu 100 kị binh xông xuống Aỉ Chi Lăng, đi đến đâu không ai giám kháng cự, hắn càng tỏ ra kiêu ngạo.
Phía Nam Ải có Núi Mã Yên và cánh đầm lầy Mã Yên, dưới ngọn núi có chiếc cầu bắc ngang qua và khi đội quân của Liễu Thăng đi qua cầu thì ngay lập tức cầu bị đánh sập, đội quân của giặc đã bị chia ra làm hai, ngay lúc đó quân ta chờ sẵn nhất tề xông lên và dùng các vũ khí như: đạn đá, mũi tên tẩm độc… từ bốn phía lao về phía giặc, Liễu Thăng cố chạy thoát thân nhưng không kịp và đã bị chém đầu tại đây, đánh dấu sự thất bại nhục nhã của nhà Minh, tạo nên chiến thắng Chi Lăng anh hùng vào ngày 10 tháng 10 năm 1427.
Chiến thắng oanh liệt Chi Lăng – Xương Giang năm 1427 gắn liền với tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc như: Đức vua Lê Lợi, tướng Nguyễn Trãi, Trần Lựu, tướng Hoàng Đại Huề, Lê Sát, Lê Thụ, Lê Đĩnh…
5. GIỚI THIỆU VỀ NÚI PHƯỢNG HOÀNG:
Núi Phượng Hoàng hay còn được gọi là Núi Nà Nông (nằm trên địa bàn thôn Xóm Mới B, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) là quả núi giống hệt một con Phường Hoàng khổng lồ, đầu vươn cao kiêu hãnh, ngực căng tràn sức trẻ, hai cánh xòe rộng như đang ở thế sắp vỗ cánh bay vút lên trời cao.
Hình ảnh kỳ vĩ của con Phượng Hoàng cứ như ngọn lửa đốt cháy trong tim ta niềm khao khát cống hiến cuộc đời mình một cách ý nghĩa nhất cho dân tộc.
Tương truyền rằng: Núi Phượng Hoàng, về hình dạng, cỏ cây, hoa lá cũng bình thường như trăm nghìn ngọn núi khác của Chi Lăng mà thôi. Chỉ có một điểm riêng là trên đỉnh núi này có tổ chim của loài chim quý Phượng Hoàng. Theo tục lệ địa phương thì loài chim này là niềm tự hào của các dân tộc vùng này. Bởi lẽ, Phượng Hoàng chỉ xây tổ ở mảnh đất thiêng, đất lành, đất làm nên nghiệp lớn. Vì vậy, Phượng Hoàng được đồng bào bảo vệ hết sức cẩn thận, chu đáo: cấm bắn, cấm phá tổ chim. Ai vi phạm bị xử tội nặng, kể cả tội chết…
Thời nước ta bị nhà Đường thống trị, năm 686, tên quan đô hộ khét tiếng tàn ác Lưu Diên Hựu, trên đường đi kinh lý qua đây, thấy một đàn chim Phượng Hoàng đang dang cánh lượn tròn trên đình núi rồi hạ cánh xuống đỉnh núi cao. Lưu Diên Hựu thấy cảnh đó, uất ức nói với các tì tướng đi theo: “Không thể để chim Phượng Hoàng xây tổ trên đỉnh núi này được vì đó là mối hiểm họa đối với thiên triều, đối với mệnh ta đang ngồi cai trị trên đất này”.
Và hắn đã giương cung giận giữ quát lớn: “Các ngươi muốn sống thì hãy giết hết bầy Phượng Hoàng quỷ quái kia đi để trừ hiểm họa sau này”. Chúng giương cung, hàng loạt mũi tên độc ác lao vào đàn chim Phượng Hoàng đang đậu trên đỉnh núi. Nhưng đàn chim quý đã tung cánh bay vút đi, khiến bọn chúng ức tím ruột.
Một năm sau, năm 687, những nghĩa binh Tày – Nùng từ Núi Phượng Hoàng vung giáo đứng lên sát cánh cùng Lý Tự Tiên – Định Kiến, tiến quân về phá tan thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay), giết chết tên đô hộ Lưu Diên Hựu, mở ra một thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ lịch sử liên tục đấu tranh anh dũng giải phóng đất nước.
Từ đó trở về sau, đến thời kỳ nhà Minh xâm lược, Núi Phượng Hoàng chứa đựng hàng vạn quân mai phục, có thể bất ngờ gieo kinh hoàng lên đầu quân xâm lược bất cứ lúc nào.
Phượng Hoàng cũng đã đứng đó kiêu hãnh trước hàng trăm tấn bom của giặc Mỹ dội xuống đất này suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại vừa qua. Phượng Hoàng đã phóng lửa thiêu rụi đàn ma Mỹ. Phượng Hoàng đã giữ gìn những tiếng hát trong sáng của trẻ thơ, tiếng ru hời của những người mẹ Tày – Nùng trong bom đạn, những tháng năm đánh giặc./.