Thị trường là một môi trường cho phép các chủ thể là người mua và người bán giao thương hoặc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, và thông tin. Sự tương tác này chỉ rõ tính chất cung và cầu của thị trường, vì vậy nó là nguồn gốc cơ sở của nền kinh tế.
Thị trường có thể được định nghĩa như là một nơi mà các loại giao dịch diễn ra. Thị trường phụ thuộc vào hai thành tố chính – đó là người mua và người bán. Người mua và người bán chủ yếu giao dịch hàng hóa, dịch vụ, và/hoặc thông tin.
Lúc đầu, thị trường chỉ là nơi gặp gỡ, hội họp, tại đó người mua và người bán tụ họp lại với nhau để thực hiện những giao dịch. Ngày nay thị trường thực sự được hỗ trợ bởi mạng lưới công nghệ thông tin như Internet và đã trở thành thị trường lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất.
Một vài thị trường có tính cạnh tranh rất cao, vì có nhiều nhà cung cấp bán cùng một loại sản phẩm hoặc dịch vụ. Ngược lại, có vài thị trường tính cạnh tranh rất thấp thậm chí là không có, cụ thể là những thị trường có ngành công nghiệp được chính phủ bao cấp.
Số lượng người mua và người bán, tức là lượng cung và cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả của sản phẩm và dịch vụ, điều đó được biết đến như là quy luật của cung và cầu. Nếu có người bán nhiều hơn người mua, tức nguồn cung sẽ dư và điều đó sẽ đẩy giá thành của sản phẩm và dịch vụ giảm xuống. Nếu có người mua nhiều hơn người bán, tức nguồn cung sẽ thiếu và điều đó sẽ đẩy giá thành của sản phẩm và dịch vụ tăng lên.
Khi có sự giao dịch về hàng hóa và dịch vụ thì thị trường sẽ hình thành một cách tự phát, thị trường cũng có thể được hình thành từ việc hoạch định của những người có thẩm quyền.
Căn cứ vào các tiêu chí khác nhau mà thị trường cũng có thể được chia thành nhiều loại như:
– Căn cứ vào đối tượng giao dịch thì có thể chia ra thành thị trường thị trường lao động, thị trường điện tử, thị trường nhà đất, thị trường dệt may hay các thị trường khác.
– Căn cứ vào phạm vi giao dịch thì thị trường sẽ được chia ra thành thị trường trong nước (thị trường nội địa) và thị trường quốc tế.
Thị trường được hình thành bởi những yếu tố cơ bản sau:
– Chủ thể tham gia thị trường
Chủ thể tham gia thị trường bao gồm người mua, người bán, người môi giới và nhà quản lý thị trường. Trong đó, vai trò của từng chủ thể trong thị trường như sau:
+ Người mua: người có nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống.
+ Người bán: người sở hữu các sản phẩm, dịch vụ.
+ Người môi giới: thực hiện chức năng tư vấn, định hướng, làm trung gian giữa người mua và người bán.
+ Người quản lý thị trường: là các cơ quan chức năng có nhiệm vụ giám sát, quản lý thị trường đảm bảo thị trường vận hành an toàn và trôi chảy.
– Khách thể thị trường:
Khách thể thị trường được hiểu là các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, vốn, sức lao động,… Đây là những đối tượng mà các chủ thể tham gia hướng tới. Tài sản giao dịch trên thị trường có thể là những tài sản hữu hình (tiền mặt, gạo, thóc, những thứ hữu hình có thể đem ra trao đổi), hoặc tài sản vô hình như bằng sáng chế, bản quyền, nhượng quyền thương mại, nhãn hiệu, tên thương mại và những loại tài sản khác.
– Giá cả trên thị trường:
Trong trường hợp cung lớn hơn cầu, thì khi đó dẫn đến tình trạng hàng hóa, dịch vụ mất giá, giá cả trên thị trường sẽ có xu hướng giảm.
Nếu cung nhỏ hơn cầu, tức là nguồn cung cấp không đáp ứng được hết nhu cầu thì khi đó giá thành của hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng cao.
Đối với mỗi loại thị trường thì đều mang những đặc điểm riêng nhất định được căn cứ trên những điểm đặc trưng của từng loại đối tượng giao dịch, nhưng nhìn chung thị trường sẽ có một số đặc điểm cơ bản như sau:
– Thị trường là nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi của các chủ thể, đối tượng giao dịch phụ thuộc vào nhu cầu các bên tham gia vào thị trường đó.
– Mọi hoạt động giao dịch trên thị trường sẽ phải được diễn ra trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng. Hay hiểu là tự nguyện trong việc đưa ra quyết định, bình đăng trong quyền và lợi ích của các chủ thể.
– Thị trường không có tính ổn định lâu dài, đây là nơi vẫn luôn xảy ra các biến động do nhiều nguyên nhân khác nhau.
– Ngày nay thị trường ngày càng được mở rộng và thị trường cũng không bị giới hạn bởi yếu tố địa lý, có sự liên kết, mở cửa giữa thị trường trong nước với thị trường khu vực và thị trường trên toàn thế giới.