Bắc Kạn là tỉnh vùng núi cao được mệnh danh “thủ đô kháng chiến”, nơi có nhiều di tích lịch sử ghi dấu hoạt động của Trung ương Đảng, Bác Hồ, của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược. Đến với Bắc Kạn, du khách không chỉ về thăm chiến trường xưa, tìm về cội nguồn lịch sử mà du khách còn được đến với các thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp và độc đáo. Trong bài viết hôm nay hãy cùng Dự báo thời tiết tìm hiểu nhiều hơn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và khám phá đặc điểm khí hậu của tỉnh Bắc Kạn nhé!
Tỉnh Bắc Kạn
Vị trí địa lý của Bắc Kạn
Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ, có địa giới tiếp giáp với 4 tỉnh trong khu vực: phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang.
Bản đồ hành chính tỉnh Bắc Kạn
Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố (thành phố Bắc Kạn) và 7 huyện (Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm) với 108 xã, phường, thị trấn.
Thành phố Bắc Kạn là trung tâm chính trị – kinh tế của tỉnh, cách Thủ đô Hà Nội 170km theo đường Quốc lộ 3. Khoảng cách từ tỉnh Bắc Kạn đến cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh – tỉnh Lạng Sơn khoảng 200km; từ Bắc Kạn đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) và cảng Hải Phòng chỉ trên 200km. Do đó việc giao thông, trao đổi hàng hóa từ Bắc Kạn đến các tỉnh lân cận là khá thuận tiện. Quốc lộ 3 nối từ Hà Nội đến cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) hiện đã được cải tạo, nâng cấp. Đặc biệt, tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới chuẩn bị đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và thông thương hàng hóa.
Đặc điểm khí hậu tỉnh Bắc Kạn
Bắc Kạn nằm hoàn toàn trong vành đai nhiệt đới khu vực gió mùa Đông Nam Á. Ở vị trí này, thời tiết Bắc Kạn có sự phân hóa theo mùa rõ rệt. Mùa mưa nóng ẩm từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 70 – 80% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 20 – 25% tổng lượng mưa trong năm. Bắc Kạn có lượng mưa thấp so với các tỉnh Đông Bắc do bị che chắn bởi cánh cung Ngân Sơn ở phía Đông Bắc và cánh cung Sông Gâm ở phía Tây Nam.
Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20 – 22oC, nhiệt độ thấp tuyệt đối -0,1oC ở thị xã Bắc Kạn và -0,6oC ở Ba Bể, -2oC ở Ngân Sơn, gây băng giá ảnh hưởng lớn đến cây trồng, vật nuôi. Độ ẩm trung bình trên toàn tỉnh là 84%.
Do nằm giữa hai hệ thống núi cánh cung miền Đông Bắc nên Bắc Kạn chịu ảnh hưởng mạnh của khí hậu lục địa châu Á, thời tiết lạnh về mùa đông, đồng thời có núi sâu che chắn nên ít bị ảnh hưởng mưa bão về mùa hạ.
Bên cạnh những thuận lợi, Bắc Kạn cũng có nhiều khó khăn do khí hậu như sương muối, mưa đá, lốc… làm ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động kinh tế trong tỉnh.
Thiệt hại do mưa đá ở Bắc Kạn
Điều kiện tự nhiên của Bắc Kạn
- Địa hình
Bắc Kạn có địa hình đa dạng, phức tạp, chủ yếu là đồi và núi cao bị chi phối bởi những dãy núi cánh cung lồi về phía Đông và các mạch núi cánh cung kéo dài từ Bắc đến Nam ở hai phía Tây và Đông của tỉnh.
Có thể chia Bắc Kạn thành 3 khu vực địa hình như sau:
+ Khu vực phía Tây: là khối núi cao chót vót trên lãnh thổ Bắc Kạn, bao gồm các mạch núi chạy theo hướng vòng cung Tây Bắc – Đông Nam. Dãy núi cao nhất là Phia Biooc ( cao 1578 m). Khu vực này thuận lợi cho phát triển du lịch. + Khu vực phía Đông: sừng sững các dãy núi kéo dài tít tắp của cánh cung Ngân Sơn, cánh cung liên tục nhất, điển hình nhất ở vùng Đông Bắc. Hệ thống núi thuộc cánh cung Ngân Sơn chạy theo hướng Bắc – Nam mở rộng thung lũng về hướng Đông – Bắc. Khu vực này chủ yếu thuận lợi phát triển lâm nghiệp. + Khu vực trung tâm: nằm kẹp giữa một bên là dãy núi cao thuộc cánh cung Ngân Sơn ở phía Đông, với một bên là cánh cung Sông Gâm, có địa hình thấp, nằm dọc thung lũng sông Cầu. Khu vực này thích hợp phát triển nông nghiệp, giao thông.
Như vậy toàn tỉnh có độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cao nhất có đỉnh 1.640 m thuộc dãy Nam Khiếu Thượng. Độ cao bình quân toàn tỉnh từ 500 – 600m, nơi thấp nhất 40m thuộc khu vực xã Quảng Chu (Chợ Mới).
Nhìn chung, địa hình của tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, địa hình phức tạp cũng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, gây trở ngại lớn tơi việc trao đổi hàng hóa giữa các vùng trong tỉnh. Hệ thống núi phía Đông là phần cuối của cánh cung Ngân Sơn địa hình hiểm trở, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, dân cư thưa thớt, không có những thung lũng phù sa rộng, phát triển nông nghiệp khó khăn.
- Sông ngòi
Là tỉnh miền núi nhưng Bắc Kạn có hệ thống sông ngòi lớn, mạng lưới sông ngòi của tỉnh tương đối phong phú nhưng đa số là các nhánh thượng nguồn với đặc điểm chung là ngắn, dốc, thủy chế thất thường. Bắc Kạn là đầu nguồn của 5 con sông lớn của vùng Đông Bắc là sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Cầu.
Ngoài hệ thống sông ngòi, Bắc Kạn còn nổi tiếng với hồ Ba Bể. Đây là một trong những hồ kiến tạo đẹp và lớn nhất nước ta, được hình thành từ một vùng đá vôi bị sụt xuống do nước chảy ngầm đã đục rỗng lòng khối núi. Diện tích mặt hồ khoảng 500ha, là nơi hợp lưu của ba con sông Ta Han, Nam Cương và Cho Leng. Hồ có ba nhánh thông nhau nên gọi là Ba Bể. Hồ Ba Bể đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (năm 1996); xếp hạng là di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt (năm 2012).
Vẻ đẹp của hồ Ba Bể ở Bắc Kạn
- Tài nguyên thiên nhiên
Bắc Kạn có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và tiềm năng về rừng, đặc biệt là các khu rừng nguyên sinh với hệ thống động thực vật rất phong phú. Diện tích rừng tự nhiên của Bắc Kạn vào loại lớn nhất trong các tỉnh vùng Đông Bắc (95,3% diện tích). Ngoài khả năng cung cấp gỗ, tre, nứa còn nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, có giá trị và được coi là một trung tâm bảo tồn nguồn gen thực vật của vùng Đông Bắc.
Đất đai ở đây cũng tương đối màu mỡ, nhiều nơi tầng đất dày, đất đồi núi có lượng mùn cao, thích hợp cho sản xuất nông lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn có khí hậu thuận lợi để phát triển một tập đoàn cây trồng, vật nuôi đa dạng, đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc. Đây là lợi thế để phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, tạo ra các sản phẩm tập trung phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Bài viết trên đây của chúng tôi đã tổng hợp đến các bạn đọc những thông tin về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như về thời tiết của tỉnh Bắc Kạn. Là tỉnh có địa hình đồi núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nhưng lại được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên phong phú, khoáng sản và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc miền núi đông bắc Việt Nam. Đặc biệt đến với Bắc Kạn du khách sẽ được đến thăm khu du lịch sinh thái vườn Quốc gia Ba Bể, nơi có hồ Ba Bể “viên ngọc xanh giữa núi rừng Việt Bắc”và là một trong 16 hồ nước đẹp nhất thế giới.