Băng tải là gì? Cấu tạo, phân loại và ứng dụng

Băng tải là gì

Băng tải là gì?

Băng tải (hay băng chuyền) là một hệ thống máy dùng di chuyển hàng hóa, vật tư từ điểm này đến điểm khác theo một đường dẫn hướng xác định.

Băng tải đã được ứng dụng để vận chuyển than đá, quặng kim loại… trong thế kỷ 19. Dần dần những ưu điểm của nó đã được chú ý nhiều hơn, người ta cải tiến băng tải để phù hợp với nhiều ngành công nghiệp khác. Ngày nay, băng tải được sử dụng trong hầu hết các ngành công nghiệp, phù hợp với nhiều loại sản phẩm và nhiều cơ sở sản xuất từ quy mô vừa và nhỏ đến những doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn.

Sử dụng băng tải giúp tiết kiệm sức lao động, giảm số lượng nhân công, giảm thời gian vận chuyển hàng hóa và qua đó góp phần tăng năng suất lao động. Băng tải đặc biệt hữu ích trong việc vận chuyển vật liệu nặng hoặc cồng kềnh, cũng như số lượng lớn sản phẩm cần di chuyển.

Không chỉ cho phép di chuyển nhanh chóng và hiệu quả nhiều loại hàng hóa, sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp thì sử dụng hệ thống băng chuyền cũng góp phần giảm những nguy cơ về tai nạn cho người lao động.

Tiêu chuẩn của một băng tải được đo lường và xác định bởi tải trọng tối đa, trọng lượng sản phẩm, số lượng mảnh trên một đơn vị thời gian, tải trọng, tốc độ và dòng chảy của sản phẩm.

Cấu tạo chung của băng tải

Áp dụng nguyên lý dẫn động bị động các đối tượng chuyển động quay, băng tải tạo ra một hướng dịch chuyển nhất định cho các đối tượng cần vận chuyển trên băng tải. Về cơ bản một băng tải có cấu tạo chung như sau.

  • Khung băng tải: Tạo hình cấu trúc của băng tải, kết nối và cố định các thành phần khác, thường được làm bằng nhôm định hình, thép sơn tĩnh điện hoặc inox.
  • Mặt băng tải: Vận chuyển các đối tượng, được sử dụng nhiều loại như dây belt, con lăn, xích, lưới,… tùy thuộc yêu cầu sử dụng trong thực tế.
  • Con lăn kéo/con lăn chủ động bằng thép mạ kẽm hoặc nhôm thường có đường kính Ø50, Ø60, Ø76, Ø89, Ø102 …
  • Con lăn đỡ/con lăn bị động bằng thép mạ kẽm hoặc inox thường có đường kính Ø25, Ø32, Ø38.
  • Bộ điều khiển băng tải: PLC, Biến tần, Speed controller, Cảm biến, Rơ-le, Contactor…
  • Cơ cấu truyền động: Rulo kéo, con lăn đỡ, nhông xích…
  • Động cơ giảm tốc với nhiều công suất.

Ngoài ra, tùy theo yêu cầu thực tế và ứng dụng của băng tải mà sẽ có thêm một số bộ phận khác cho phù hợp. Tất cả các bộ phận đều cần được thiết kế hợp lý, tối ưu để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Băng tải có những loại nào?

Băng tải được phân loại chủ yếu dựa theo kiểu dáng, thành phần, vật liệu cấu tạo nên nó. Hiện tại trong công nghiệp thì có những loại băng tải được sử dụng phổ biến như sau.

1. Băng tải cao su

Có mặt băng tải được làm bằng chất liệu cao su, có khả năng chịu nhiệt tốt, chịu sức tải lớn nên mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Băng tải cao su có thể lắp được ở nhiều địa hình khác nhau, phù hợp vận chuyển nhiều loại sản phẩm.

2. Băng tải dây blet

Mặt băng tải là dây blet PVC, PU, thiết kế khá gọn, được sử dụng chủ yếu để vận chuyển các sản phẩm nhỏ, nhẹ. Nó được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất linh kiện điện tử.

3. Băng tải xích

Mặt băng tải có cấu tạo dạng xích (chất liệu inox hoặc nhựa), được sử dụng chủ yếu để vận chuyển các hàng hóa trọng lượng nặng, các sản phẩm cần độ vững chắc. Băng tải xích được sử dụng nhiều trong ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm, lắp ráp điện tử, ô tô…

4. Băng tải con lăn

Mặt băng tải gồm nhiều con lăn nối tiếp nhau, chất liệu chế tạo con lăn có thể là nhựa, thép mạ kẽm, inox, cao su. Băng tải con lăn có khả năng chịu tải tốt, độ bền cao, được ứng dụng để vận chuyển các sản phẩm có mặt phẳng đáy cứng trong nhiều điều kiện môi trường khắc nghiệt, chẳng hạn môi trường có hóa chất ăn mòn và bụi bặm.

5. Băng tải đứng

Được thiết kế để có thể vận chuyển hàng hóa theo phương thẳng đứng, cho phép di chuyển vật liệu, sản phẩm lên xuống theo các độ cao khác nhau trong không gian nhỏ hẹp.

6. Băng tải góc cong

Thay vì vận chuyển hàng hóa theo đường thẳng, băng tải góc cong được thiết kế với độ cong đường di chuyển từ 30 đến 180 độ theo mặt phẳng ngang hoặc đứng tùy theo nhu cầu sử dụng thực tế. Mặt băng tải có thể là dạng con lăn, nhựa pvc, tuy nhiên khung băng tải được uốn dạng cong.

7. Băng tải linh hoạt

Còn được gọi là băng tải con lăn xếp, nhờ vào các thanh xếp liên kết với nhau mà nó có khả năng co dãn tốt, dễ dàng điều chỉnh dài ngắn và đường di chuyển cong thẳng một cách linh hoạt. Loại băng tải này được ứng dụng chủ yếu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, kho hàng, in ấn…

8. Băng tải xoắn ốc

Thiết kế với dạng xoắn ốc quanh 1 trục thẳng đứng và có độ nghiêng mặt băng tải nhỏ hơn 10 độ, cho phép vận chuyển vật liệu, hàng hóa theo dòng liên tục từ tầng trên xuống tầng dưới và ngược lại.

9. Băng tải nâng hạ

Có khả năng thay đổi chiều cao để phù hợp vận chuyển hàng hóa theo nhiều vị trí cao thấp khác nhau. Băng tải nâng hạ được ứng dụng nhiều trong các kho hàng khi cần vận chuyển sản phẩm lên thùng xe, container hoặc ngược lại. Nó cũng được sử dụng trong các xưởng sản xuất để cấp liệu lên vị trí cao.

10. Băng tải rung

Băng tải rung có cấu tạo phức tạp với nhiều bộ phận kết hợp với nhau gồm khung băng tải, dây băng tải, hệ thống con lăn, bộ điều khiển biến tần… khi hoạt động tạo độ rung để di chuyển vật liệu hoặc giúp làm phẳng bề mặt hay phân phối đều các sản phẩm kích thước nhỏ hiệu quả. Tính ứng dụng của băng tải rung khá cao, được sử dụng trong các ngành thực phẩm, xây dựng, khai khoáng…

11. Băng tải lưới

Mặt băng tải là dạng lưới, thường bằng inox, được sử dụng nhiều trong vận chuyển các sản phẩm trong ngành thủy sản, nông sản, thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát…

12. Băng tải nhiệt

Có khả năng chịu nhiệt tốt, được sử dụng để sấy khô các sản phẩm, vật liệu cấu tạo nên băng tải nhiệt thường bằng inox. Băng tải nhiệt được ứng dụng trong mạch hàn linh kiện điện tử, sấy khô nông sản, thực phẩm.

13. Băng tải mini

Giống tên gọi của nó, băng tải mini có kích thước nhỏ gọn, được dùng chủ yếu trong chế tạo máy. Nó thường là một bộ phận của máy dùng để cấp chi tiết, sản phẩm cho từng công đoạn sản xuất.

Ứng dụng của băng tải

Các băng tải có thể được sử dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau để đáp ứng cho các mục đích vận chuyển, đóng gói, chế biến sản phẩm. Dưới đây là các ứng dụng chủ yếu của băng tải:

  • Vận chuyển sản phẩm và đóng gói trong ngành thực phẩm, chế biến thủy hải sản, nông sản.
  • Ứng dụng trong lắp ráp, chế tạo linh kiện ngành điện tử.
  • Vận chuyển, lắp ráp sản phẩm trong ngành xe máy, tô tô…
  • Đóng gói vận chuyển hàng hóa trong các kho hàng, container, xe hàng…
  • Trong hệ thống phòng sạch, bệnh viện, sân bay,…

Lợi ích khi sử dụng băng tải

  • Giúp cho quá trình vận chuyển trở nên đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện.
  • Dễ dàng vận chuyển nhiều loại vật liệu, hàng hóa và sản phẩm.
  • Tiết kiệm chi phí về nhân công, máy chở hàng và giảm đáng kể những rủi ro trong sản xuất và tránh được nhiều vấn đề về tai nạn lao động.
  • Mang lại nhiều lợi thế về tự động hóa sản xuất cho nhà xưởng, kho bãi.
  • Dễ dàng kiểm soát tốc độ và hướng di chuyển của sản phẩm, tránh được những sai số khi vận chuyển.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến băng tải trong công nghiệp. Hy vọng với bài viết này, các bạn sẽ hiểu hơn về loại thiết bị này. Trên website còn nhiều những thông tin hữu ích khác, các bạn có thể đọc thêm. Công ty chúng tôi cũng cung cấp các thiết bị gia công và thiết bị đo lường phục vụ cho ngành cơ khí, các bạn có thể tìm hiểu thêm các sản phẩm tại đây.