Từ đầu năm 2018, nhiều tiểu thương chợ Long Biên (Hà Nội) có đơn tố cáo việc thu tiền bảo kê trong thời gian dài nhưng không được giải quyết. Thậm chí, khi đơn tố cáo lộ ra ngoài, nhiều tiểu thương bị băng nhóm chèn ép đe dọa, trùm bảo kê còn khoe có quan hệ “sếp” Công an. Dư luận băn khoăn có hay không sự “đỡ đầu” của cơ quan chức năng trong việc bảo kê?
Báo chí lên tiếng quyết liệt, cơ quan chức năng vào cuộc, vụ án cưỡng đoạt tài sản tại chợ Long Biên đã được khởi tố. Tuy nhiên thực trạng bảo kê không mới, đây là vấn đề xảy ra nhiều năm qua, ở không ít địa phương, ở không ít lĩnh vực, với nhiều mức độ khác nhau.
“Bảo kê” là bảo vệ, bảo đảm cho những hoạt động thường không lành mạnh. Đấy là nghĩa theo Từ điển, nhưng trong thực tế, kể cả những hoạt động lành mạnh, đúng pháp luật vẫn phải nộp tiền bảo kê. Câu chuyện các tiểu thương chợ Long Biên đã nộp đủ thuế, phí, nhưng vẫn phải nộp tiền bảo kê là minh chứng.
Những người bảo kê thường là các đối tượng trong giới giang hồ (trong đó có không ít đối tượng có tiền án, tiền sự), dám đâm thuê chém mướn… nên đa số nạn nhân do sợ hãi mà chịu đựng, không dám phản kháng.
Bảo kê là một hình thức cưỡng đoạt tài sản, là tội phạm cần ngăn chặn. Vấn đề đặt ra là vì sao hoạt động bảo kê vẫn tồn tại, dù không khó để phát hiện, thậm chí nạn nhân tố cáo cũng không được giải quyết dứt điểm? Liệu các tổ chức bảo kê có mạnh đến mức chính quyền địa phương phải nhượng bộ, không thể dẹp bỏ hay không?
Điều dễ dàng suy luận mà chắc ai cũng hiểu, việc bảo kê có sự câu kết giữa đối tượng giang hồ với một số người có chức năng, thẩm quyền giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương. Đây chính là mấu chốt khiến nạn bảo kê khó có thể dẹp bỏ! Mối liên hệ này giải thích vì sao nhiều đơn thư tố cáo của các nạn nhân liều mạng, kiểu “con giun xéo mãi cũng quằn” rơi vào im lặng hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn kỷ cương pháp luật hiện nay, cần sự thay đổi nhận thức và hành vi từ nhiều phía. Trước hết là chính quyền, phải kiên quyết loại trừ những công chức, viên chức, nhân viên suy thoái, bất chấp pháp luật, trục lợi bất chính từ công vụ được giao. Đối tượng thứ hai, chính là người dân, những nạn nhân của bọn bảo kê và những người có thông tin về tình trạng này. Nếu người dân mạnh dạn từ chối nộp tiền bảo kê, dám tố cáo khi bị cưỡng đoạt, biết đoàn kết để chống lại các nhóm tội phạm thì chúng không dễ hoành hành.
Tuy nhiên, để người dân mạnh dạn tố cáo, đoàn kết để đấu tranh thì họ cần có được niềm tin vào chính quyền.