Một số từ và cụm từ thường gặp trong ngôn tình – 2

Một số từ và cụm từ thường gặp trong ngôn tình – 2

Biệt nữu là gì

Tổng hợp, Sưu tầm, Ngôn tình

1. Phụng bồi 奉陪

Phụng là vâng theo ý người trên, còn có nghĩa là biếu người trên.

Bồi tức là tiếp một ai đó. VD: bồi khách 陪客 tiếp khách

=> Dịch thô cụm này là “kính tiếp”. Tuy nhiên, đối với các ngữ cảnh, quan hệ giữa các nhân vật khác nhau ta thay thế các từ ngữ khác nhau cho phù hợp. Quan hệ quân thần, chủ tớ dịch là “theo hầu”; quan hệ anh chị em, bạn bè dịch là “cùng”, “theo”;…

2. Cao hứng 高興

Giản thể: 高兴

Cao hứng theo Hán Việt tự điển (Thiều Chửu) là hứng thú bật lên. Hứng là vui thích.

Cao hứng là rất vui mừng, hạnh phúc, hoặc nghĩa là nổi hứng (làm gì đó).

Trong trường hợp sau có thể dịch là “hân hạnh”:

Câu “認識你很高興。” trong tiếng Trung tương đương câu “Glad to meet you.” trong tiếng Anh. Giản thể của câu trên: “认识你很高兴。”

3. Thống khổ 痛苦

Thống là đau ở mức độ cao, nghiêm trọng.

Khổ không chỉ miêu tả sự khốn khổ mà còn chỉ cái đắng, cái gì đó khó nhịn được. VD: khổ qua 苦瓜, khổ huống 苦况 nỗi khổ

=> Thường dịch là (vô cùng) đau khổ, hoặc đau đớn khó nhịn.

4. Đả kích 打擊

Đả là đánh, đập, chiến đấu, trong ẩu đả.

Kích cũng là đánh, gõ, như công kích.

Từ đả kích không khác gì từ công kích, chỉ được dùng thường xuyên từ khoảng hơn 10 năm nay do ảnh hưởng từ truyện ngôn tình.

5. Vân đạm phong khinh 雲淡風輕

Từ này đã từng được đăng trên trang Facebook Nghi Phong Lâm vào năm 2015, khi Hi không vào wordpress được nữa.

Nghĩa đen của cụm này là “mây nhạt gió nhẹ” thường dùng để ám chỉ những người nhu nhược, yếu đuối. Sau này được dùng với nghĩa “nhẹ nhàng, không kinh động đến người khác.

Thường bị hiểu lầm là “thanh cao, không vướng bụi trần”.

6. An tĩnh 安静

安 an, còn có cách đọc là yên. Tuy nhiên, an tĩnh lại có nghĩa là “bình an vô sự”, thường dùng cho người vừa trải qua sự cố.

Lưu ý không nhầm lẫn với yên tĩnh (安靖), yên lặng là từ chỉ trạng thái không có âm thanh, tiếng động.

7. Ngạo kiều 傲娇

Từ tiếng Trung của Tsundere. Tsundere là kiểu người ngoài mặt tỏ ra cao ngạo, lạnh lùng để che đậy sự xấu hổ, mềm yếu, dễ động lòng và dịu dàng của mình. Có thể gọi là người cứng miệng, thích giả vờ (trong ngoài không đồng nhất =)) ).

Người lạnh lùng, không biểu cảm từ trong ra ngoài trong thuật ngữ Manga-Anime là Kuudere, trong ngôn tình hay bị gọi là mặt than. Còn kiểu người im lặng, dễ ngượng, vụng giao tiếp là Dandere. Các loại dere thì còn nhiều, không tiện nói hết và giải thích rõ hết ở đây để tránh lạc đề. Các vị tự tìm hiểu thêm nhoé. (>w^)

8. Biệt nữu 別扭

Chữ 别扭 này là giản thể.

Biệt là khác, lạ, đặc thù, không giống bình thường, giống với từ “queer”. Nữu có nghĩa là vặn, quay đi, làm sai đi, làm trái lời

Biệt nữu tuỳ trường hợp có thể hiểu theo một số nghĩa sau:

  • Khó xử (thông dụng nhất)
  • Kỳ lạ
  • Lạ lùng
  • Khó chịu
  • Không theo lẽ thường

Trong đam mỹ, chữ này dùng cụ thể thế nào thì Hi không rõ lắm vì không đọc đam mỹ (các hủ thấy có sai thì chém nhẹ tay) nhưng Hi có thấy “Biệt nữu” là tên của một truyện có nghĩa là “Bẻ thẳng thành cong”.

Hai từ cuối vốn là từ tiếng Việt thông dụng nhưng rất hay bị dùng sai nên Hi thêm vào.

9. Kiêu hãnh 儌倖

Từ “kiêu hãnh” theo Hán tự không thuộc trường nghĩa kiêu ngạo, kiêu căng, cao ngạo, tự mãn mà có 2 nghĩa hoàn toàn khác như sau:

  1. cầu may
  2. dùng thủ đoạn bất chính để thành công

10. Cứu cánh 究竟

Từ này hay bị dùng sai thành vật cứu nguy vì, nhưng chữ cứu trong cứu giúp lại là chữ 救 (mọi người thấy khác rồi chứ).

Cứu cánh có các lớp nghĩa sau:

  • Tận cùng, hoàn toàn rõ ràng
  • Xong, hoàn tất, kết thúc
  • Kết cục, kết quả
  • Rốt cuộc, sau cùng

Từ điển tiếng Việt ghi nhận, cứu cánh có nghĩa là “mục đích cuối cùng”, tức bạn có thể đặt ra nhiều mục tiêu, nhưng tất cả đều chỉ để vì một mục đích cuối cùng nào đó.

~~~~~~~~~~~~~~~~~

Lời cuối: Cách mấy năm mới đăng bài thứ 2 của chuỗi bài này vì 2 lí do, đầu tiên là vì lúc trước mới sưu tầm được 4 chữ đầu, sau đó là vì không vào wordpress được nữa. Nhân ngày mưa gió bão bùng, sấm giật chớp rung, Hi trình làng bài thứ 2. Còn việc có bài thứ 3, thứ 4 hay không thì… để xem có từ để bàn không nhé các vị.

Nếu bạn nào có từ nào muốn biết thì gửi bình luận bên dưới cho Hi biết hoặc còm/gửi inbox vào trang Facebook của Nghi Phong Lâm nhé.

Chu Diệp Hi 16:57 16/10/2020