Giới thiệu khái quát thị xã Bình Long – Tỉnh Bình Phước – Vansudia.net

Bình long ở đâu

Với tọa độ địa lý từ: 106o29’39” – 106o38’42” kinh độ Đông và từ 11o44’42” vĩ độ Bắc.

Thị xã Bình Long được thành lập với 6 đơn vị hành chính, trong đó có 4 phường: An Lộc, Hưng Chiến, Phú Thịnh, Phú Đức và 2 xã: Thanh Lương và Thanh Phú.

Địa hình của thị xã tương đối bằng phẳng, không có núi cao chỉ có một vài ngọn đồi thấp thoải dần theo hướng Bắc – Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng đất. Phía Bắc thị trấn An Lộc có đồi Đồng Long, xuôi về đông nam có đồi Núi Gió. Dòng sông Bé chảy qua Bình Long ở phía đông tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Bình Long với Phước Long và Đông Xoài.

Khí hậu: thị xã Bình Long mang đặc điểm chung của khí hậu vùng Đông Nam Á, nằm trong vùng khí hậu gió mùa cận xích đạo, nhiệt độ trong năm cao đều và ổn định (26o ), ít gió bão, không có mùa đông lạnh, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế nói chung mà đặc biệt là sản xuất nông nghiệp với các cây trồng nhiệt đới điển hình.

Thị xã Bình Long có lượng mưa lớn nhất vùng Đông Nam Bộ, bình quân năm 2.045 mm – 2.315 mm, phân hóa thành hai mùa rõ rệt. Mùa khô kéo dài trong 6 tháng, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trong thời gian này lượng mưa rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10 – 15% lượng mưa cả năm. Trong khi đó lượng bốc hơi rất cao, chiếm khoảng 64 – 67% tổng lượng bốc hơi cả năm. Mùa mưa kéo dài trong 6 tháng, từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa tập trung trong thời gian này chiếm tới 85 – 90% tổng lượng mưa cả năm.

Có thể nói, thị xã Bình Long là một vùng đất phong phú đa dạng với các loại đất. Bao gồm: Nhóm đất xám (Đất xám trên phù sa cổ và Đất xám glây trên phù sa cổ) với 1.390,34 ha chiếm 11,01% diện tích tự nhiên. Phân bố ở phía Bắc thị xã Bình Long trên địa bàn Thanh Lương. Nhóm đất đen trên Bazan (đất nâu thẩm trên Bazan): với 560,78 ha chiếm 4,44% tổng diện tích tự nhiên (chỉ có ở Thanh Lương). Nhóm đất đỏ vàng (đất nâu đỏ trên bazan, đất nâu vàng trên bazan, đất vàng đỏ trên phù sa cổ) với 634,31 ha chiếm 76,29% diện tích tự nhiên. Nhóm đất dốc tụ với 885,35 ha chiếm 7,01% diện tích tự nhiên.

Không phong phú như tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản nơi đây tương đối ít . Chủ yếu là khoáng sản sét gạch ngói với tổng diện tích 356 ha trữ lượng 15.000.000 m3. Khoáng sản đá xây dựng tổng diện tích 716 ha với trữ lượng 94.850.000 m3. Khoáng sản Laterit (đá phún sỏi đỏ) tổng diện tích 170 ha với trữ lượng là 5.100.000 m3.

Tài nguyên nước ở thị xã rất dồi dào với 2 con sông lớn là sông Bé và sông Sài Gòn, thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã còn có hàng chục dòng suối lớn nhỏ chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Mặt khác, nơi đây còn có nhiều bưng, bàu, sẵn nước, thuận lợi trong việc cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Giao thông ở Bình Long chủ yếu là đường bộ. Lớn nhất là quốc lộ 13 nối Bình Long với Bình Dương, Sài Gòn ở phía nam, với Lộc Ninh ở phía bắc và chạy sang tận biên giới Campuchia, giữ vai trò huyết mạch trong hệ thống giao thông địa phương, một con đường có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng. Ngoài trục lộ chính yếu này, Bình Long còn có hàng trăm km đường liên xã, liên thôn và đường lô cao su được mở ra, nối liền các đồn điền cao su với nhau, tạo thành hệ thống giao thông thuận tiện từ thị xã đến các xã phường.

Không những thế đến với thị xã Bình Long chúng ta còn có thể ngắm nhìn nét đẹp rất riêng từ màu xanh của bạt ngàn cao su hay những vườn điều sai trĩu quả.

Nói tóm lại, cùng với những tiềm năng sẵn có nếu được đầu tư đúng mức thị xã Bình Long sẽ phát triển nhanh và sớm trở thành một vùng kinh tế năng động của tỉnh.

Thị xã Bình Long phấn đấu xứng tầm khu vực kinh tế động lực của Tỉnh

Mạng lưới giao thông từ trung tâm thị xã đến tất cả các trung tâm phường, xã được nhựa hóa 100%. Đặc biệt, thị xã Bình Long có tuyến quốc lộ 13 chạy qua từ Bình Dương đến Lộc Ninh cùng nhiều tuyến đường nội thị gắn với các trục giao thông chính tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi. Tương lai có tuyến đường sắt xuyên Á (Dĩ An – Lộc Ninh – Campuchia) qua địa bàn thị xã dài 15,5 km. Từ thị xã Bình Long có thể đi lại, vận chuyển hàng hóa đến tất cả các vùng kinh tế trong cả nước, đây chính là điều kiện cho phép đẩy nhanh quá trình mở cửa, hòa nhập với sự phát triển kinh tế bên ngoài. Thị xã Bình Long có vị trí địa lý, vị trí kinh tế, chính trị, quốc phòng quan trọng của tỉnh Bình Phước; là cửa ngõ giao lưu giữa vùng đồng bằng với Tây nguyên, giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nước bạn Campuchia. Về điều kiện tự nhiên: có khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có nền nhiệt cao đều quanh năm, ít gió bão, không có mùa đông lạnh, thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, với các cây trồng nhiệt đới điển hình. Đất đai chiếm phần nhiều là đất đỏ bazan, tầng đất dày, thuận lợi cho phát triển cây lâu năm. Đây là tiền đề tạo ra các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm phục vụ công nghiệp, hàng hoá xuất khẩu chiến lược hàng đầu của quốc gia như: cao su, điều, tiêu và một số mặt hàng khác. Tài nguyên khoáng sản của thị xã Bình Long phong phú, gồm: khoáng sản đá xây dựng có tổng diện tích 716 ha với trữ lượng là 94.850.000m3; khoáng sản sét gạch ngói có tổng diện tích 356 ha với trữ lượng là 15.000.000m3; khoáng sản Laterit – đất phún sỏi đỏ có tổng diện tích 170 ha với trữ lượng 5.100.000m3.Không những có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh, cán bộ và nhân dân Bình Long giàu truyền thống cách mạng, anh hùng, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng tâm phấn đấu dựng xây quê hương Bình Long giàu đẹp, phát triển mạnh về kinh tế, ổn định về an ninh chính trị. Từ một nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, sau khi thành lập thị xã (tháng 11/2009) nền kinh tế của thị xã Bình Long đã thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là khi Nhà máy xi măng Bình Phước nằm trên địa bàn xã Thanh Lương, thị xã Bình Long đi vào hoạt động cơ cấu kinh tế của thị xã thay đổi một cách nhanh chóng: tỷ trọng công nghiệp – xây dựng của thị xã chiếm 44,3% trong tổng thể kinh tế thị xã, kế đến là dịch vụ chiếm 36,3%, cuối cùng là nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 19,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2006-2010 của Bình Long là 23,1%. Kinh tế thị xã tăng trưởng cao cùng với thực hiện tốt việc kiểm soát dân số tự nhiên nên thu nhập bình quân đầu người đạt ở mức cao so với bình quân chung của tỉnh, dự báo sẽ đạt 24,3 triệu đồng/người vào năm 2010 (năm 2005 là 8,1 triệu đồng/năm). Tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn thị xã ngày càng tăng, đến nay đã có 97% hộ sử dụng điện trên toàn thị xã. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thoại ước đạt 23,76 máy/100 dân. Song song với công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội, thị xã Bình Long đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, dự kiến đến hết năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã giảm còn 4,8%.Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị là một chương trình đột phá của thị xã Bình Long giai đoạn 2010-2015. Trong đó, thị xã Bình Long phấn đấu duy trì phát triển kinh tế tốc độ cao và bền vững trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với đô thị hóa. Một trong những giải pháp quan trọng trong đẩy mạnh phát triển công nghiệp – xây dựng là: ưu tiên quỹ đất để quy hoạch phát triển từ 2-3 cụm công nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm an ninh cho Nhà máy xi măng Bình Phước và các cơ sở công nghiệp hoạt động ổn định, trở thành ngành chủ lực của thị xã. Chuẩn bị tốt điều kiện cho kêu gọi đầu tư hạ tầng, kết cấu hạ tầng khu quy hoạch phía bắc phường Phú Thịnh, khu phía Nam phường Hưng Chiến, các đường vành đai của thị xã, các công trình lớn nhằm phát triển đô thị, hướng đến tầm nhìn 2020 Bình Long trở thành đô thị loại 3. Tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông trên địa bàn thị xã nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có các công trình trọng điểm như nâng cấp, mở rộng đường Phan Bội Châu nối dài, đường Đoàn Thị Điểm và các đường thiết yếu khu trung tâm phường, xã. Hỗ trợ công tác giải toả để mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 13 đoạn An lộc – Cần Lê do Tỉnh làm chủ đầu tư. Từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng về giáo dục, y tế, cấp thoát nước, cây xanh đô thị, thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao tại trung tâm thị xã và các phường, xã.Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đối với các công trình phúc lợi công cộng. Đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng chuyền đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên quy hoạch đất đai của thị xã. Mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, giảm bớt hộ nông dân sản xuất nông nghiệp thuần tuý và tạo thêm việc làm cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn, từng bước xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại. Với những tiềm năng sẵn có cộng với những giải pháp mang tính đột phá trong tương lai, thị xã Bình Long phấn đấu đạt tốc độ phát triển theo hướng đô thị hoá một cách nhanh, bền vững xứng tầm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh.Thuý Công.

Bình Long anh dũng